Cuộc Cách Mạng Pháp 1789-1799

                                                             by Peter McPhee

Chương 1: Nước Pháp những năm 1780s


Đặc điểm quan trọng nhất của nước Pháp vào thế kỷ 18 là đây là một xã hội nông thôn.  Người dân Pháp sống tại các làng mạc thôn quê thuở đó đông gấp mười lần thời nay. Vào năm 1780, dân số Pháp ước chừng 28 triệu dân. Nếu chúng ta cho rằng một vùng có trên 2000 người sinh sống được gọi là một đô thị, thì trong thế lỷ 18, chỉ có  20% sinh sống tại các trung tâm đô thị. Đại đa số dân chúng sinh sống ở  trong số 38.000 các cộng đồng thôn quê hay các giáo xứ với cư dân trung bình chừng 600 người.  Dưới đây là một sơ lược về 2 ngôi làng trong số đó cho chúng ta thấy vài đặc tính của thế giới vùng nông thôn xa xôi.

Ngôi làng bé nhỏ Menucourt là một điển hình đó tại miền Vexin nằm về phía Bắc Paris. Ngôi làng nằm ở giữa  2 giòng sông Seine và sông Oise uốn khúc, cách thị trấn gần nhất Pontoise chừng vài cây số và cách Paris khoảng 35 cây theo đường chim bay. Đó là một ngôi làng rất nhỏ với khoảng 280 cư dân sống trong 70 hộ gia đình, mặc dù đã tăng lên từ 38 hộ vào năm 1711.  Người đứng đầu làng hay vị lãnh chúa là Jean Marie Chassepot de Beaumont, vào năm 1789 đã 76 tuổi. Năm 1785, ông ta thành công trong việc khẩn cầu nhà vua ban cho quyền được thiết lập giấy tờ đất đai hợp pháp để hệ thống hoá việc tăng cuờng thu góp  thuế địa tô phong kiến mà dân làng miễn cưỡng phải thừa nhận.  Trang trại trồng ngũ cốc của viên lãnh chúa này thống trị nền kinh tế của thôn làng, cũng như lâu đài của ông bá chủ các ngôi nhà ổ chuột của dân làng. Các cánh đồng cày cấy chiếm 58% trên 352 mẫu đất của làng với rừng cây chiếm 26%. Một số cư dân có trồng nho hay làm nghề đốn gỗ lấy từ những cây dẻ ở phía Nam ngôi làng để chế biến thành các thùng gỗ đựng rượu và cây cọc. Một số khác khai thác đá để xây nhà cho các đô thị Rouen và Paris. Cái hoạt động mang tính thị trường này còn có được phụ thêm vào sự tồn tại của kinh tế với những mảnh vườn nhỏ trồng rau củ và trái cây như hồ đào, cam, táo,lê, mận, xê ri, đi hái nấm và hạt dẻ trong rừng và sản xuất thịt và sữa từ 200 con cừu và khoảng  năm sáu chục con bò. Cũng như hầu hết các làng mạc khắp nơi trên nước Pháp, dân cư thường làm nhiều ngành nghề cùng một lúc: chẳng hạn như Pierre Huard vừa mở quán trọ vừa bán sỉ rượu vang, và ông ta cũng là người thợ xây trong làng.

Trong khi đó, ngôi làng Gabian ở 20 kms phía Bắc Béziers gần bờ biển Languedoc vùng Địa Trung Hải lại có sinh hoạt rất khác biệt.  Đa số cư dân Gabian không thể tiếp xúc với những thần dân đồng hương của họ tại Menucourt vì hầu hết cư dân Languedoc nói ngôn ngữ Occitan trong sinh hoạt thường ngày. Gabian là một ngôi làng quan trọng với sự cung cấp liên tục nước suối và kể từ năm 988, lãnh chúa của họ là vị giám mục cai quản vùng Béziers. Mỗi năm thuế  địa tô  phải đóng góp cho vị lãnh chúa giám mục này là 100 sét tê lúa mạch (một sét tê chứa khoảng 85 lít), 28 thùng sét tê lúa mì, 880 chai dầu ô liu, 18 con gà,  4 cân Anh sáp ong, 4 chim đa đa, và một con thỏ. Nhắc lại vai trò cổ xưa của Gabian như một thị trường nằm giữa miền núi và miền biển, do đó làng cũng phải trả thêm  1 cân tiêu, 2 ounce hạt nhục đậu khấu ( một ounce chừng  28 gram) và 2 ounce đinh hương. 2 vị lãnh chúa khác cũng có chút đòi hỏi qua sản phẩm của họ. Cũng như Menucourt, Gabian mang tính chất đa dạng của một nền kinh tế đa văn hoá, khoảng 770 cư dân trong làng sản xuất hầu hết những nhu cầu của họ trên 1540 mẫu đất của làng. Trong khi Menucourt nối kết với những thị trường rộng lớn hơn qua kỹ nghệ gỗ và và đá xây nhà, nền kinh tế tiền mặt của Gabian đặt căn bản trên những mảnh vườn nho và len vải từ đàn cừu 1000 con gặm cỏ trên những sườn đồi sỏi đá bao quanh làng. Một số người dệt len cừu làm việc cho đám thương buôn đến từ thành phố vải sợi Bédarieux ờ phía Bắc.

Đã từ lâu vương triều có ý áp đặt một sự thống nhất về ngôn ngữ lên những làng như Gabian bằng cách yêu cầu các linh mục và luật gia dùng ngôn ngữ Pháp. Tuy nhiên, hầu hết các thần dân của nhà vua không dùng tiếng Pháp trong sinh hoạt thường ngày. Quả thực, có thể nói rằng ngôn  ngữ mà hầu hết người Pháp thường nghe là tiếng La Tinh vào những sáng Chúa Nhật. Trên khắp nước, tiếng Pháp chỉ được xử dụng thường ngày với những người làm việc trong ngành quản trị, thương mại và các nghề chuyên nghiệp. Thành viên của hàng giáo sĩ cũng xử dụng tiếng Pháp, mặc dù họ vẫn thuyết giảng bằng ngôn ngữ địa phương. Hàng triệu cư dân Languedoc nói đủ loại thổ ngữ Occitants: tiếng Flemish được nói ờ vùng Đông Bắc; Tiếng Đức ở vùng Lorraine. Lại có những dân tộc thiểu số vùng Basques, Catalans và Celts. Những người nói tiếng điạ phương này lại khác biệt nhau trong từng vùng miền. Ngay tại khu Ile-de-France nằm quanh Paris đã có những khác biệt nho nhỏ trong tiếng Pháp được nói từ khu này qua khu kia. Khi Abbé Albert từ vùng Alps phía Nam đi qua vùng Auvergne, ông ta khám phá rằng:

“Tôi chẳng hiểu người dân quê ở đây nói gì khi gặp họ trên đường. Tôi nói với họ bằng tiếng Pháp, rồi tiếng địa phương của tôi. Tôi cũng thử xài tiếng La Tinh nhưng hoàn toàn vô hiệu. Cuối cùng khi tôi đầu hàng chẳng biết làm sao cho họ hiểu tôi lấy một chữ; đối lại, họ cũng nói với tôi một ngôn ngữ mà tôi cũng mù tịt.”

Có hai đặc tính quan trọng nhất mà người dân nước Pháp ở thế kỷ 18 có chung là họ đều là thần dân của nhà vua và 97% dân số là người Công Giáo. Nước Pháp vào thập niên 1780s là một xã hội với ý nghĩa sâu đậm nhất về bản sắc của người dân gắn liền với vùng miền họ sinh sống. Các nền văn hoá vùng miền và các thổ ngữ được đặt căn bản với những chiến lược kinh tế tìm kiếm sự thoả mãn nhu cầu của các hộ dân trong phạm vi thị trường vùng miền địa phương hay chỉ trong làng xóm. Do đó, nền kinh tế thôn quê thiết yếu là một nền kinh tế nông nghiệp, đó là sự sản xuất nông phẩm đặt căn  bản trên  gia đình có chiều hướng lấy sự sống còn làm tiên quyết. Cái hệ thống đa văn hoá phức tạp này cố gắng sản xuất ra những nhu cầu tiêu thụ thiết yếu nhất có thể tự túc được của một hộ gia đình, bao gồm cả trang phục.

Nicolas Resif de la Bretone, sinh năm 1734 tại làng Sacy ở ranh giới giữa 2 vùng Burgundy và Champagne đã cung cấp cho chúng ta một cái nhìn sâu sắc về cái thế giới thôn dã này. Restif đã di chuyển đến Paris và trở nên nổi tiếng với những chuyện dung tục trong tác phẩm Le Paysan Perverti năm 1775 (Tên nông dân đồi bại), được viết từ những hồi ức của ông tại Sacy trong cuốn ‘Cuộc Sống của Cha Tôi 1779 (La vie de mon père)’. Ông ta nhắc đến cuộc hôn nhân xứng đôi và hạnh phúc của  Marguerite người thân của ông đã sống chung với  Covin, một người kể chuyện địa phương, tiếu lâm, cường tráng, một kẻ chân quê hão huyền:

Marguerite có mảnh đất trồng trọt trị giá khoảng 120 livres và Covin có một mảnh khác giá 600 livres, một khu đất trồng trọt được, một khu là vườn nho, và một số khu nằm rải rác trên đồng cỏ. Mỗi loại có sáu phần: sáu phần lúa mì, sáu phần lúa mạch và sáu phần bỏ hoang. Về phần người vợ, bà có lợi tức từ việc quay tơ, lông lấy từ đàn cừu 7 hay 8 con, trứng từ hơn chục gà mái, sữa từ bò với bơ và phó mát làm ra từ sữa. Covin cũng là người thợ dệt vải và vợ ông làm công việc nhà. Kết quả là bà có vẻ khá hài lòng.”

Người dân phố thị thường bóng gió dân vùng sâu vùng xa như ‘bọn nhà quê’. Tuy nhiên  thành ngữ đơn giản này che đậy hết những phức tạp của một xã hội thôn quê nơi mà hành vi đa dạng của con người thôn dã được  phát giác  trong cuộc Cách Mạng. Có tới  một nửa dân số sống trong những khu vực nông nghiệp rộng lớn như Ile-the-France ở quanh Paris là người làm thuê cho các nông trại. Tuy nhiên tại hầu hết các vùng miền, đa số dân chúng là những người sở hữu đất nhỏ bé, những trại chủ  thuê đất hay những người làm khoán chia lợi tức, nhiều người trong số họ còn phụ thuộc vào nghề thủ công hay những công việc được trả lương. Trong mọi cộng đồng thôn dã, thường là có một số ít các đại trang chủ, thường được gọi là những trưởng lão của làng, họ là những chủ đất hay trại chủ thuê đất canh tác. Những làng mạc to lớn hơn cũng có một số nhỏ là các linh mục, luật gia, thợ thủ công và các công nhân ngành vải sợi. Họ chẳng phải là nông dân nhưng  thường sỡ hữu chút ít đất đai, chẳng hạn như các linh mục có những mảnh vườn trồng rau. Giới nông dân chiếm tới bốn phần năm tầng lớp thứ Ba (hay còn gọi là tầng lớp thường dân), nhưng họ chỉ làm chủ hoàn toàn khoảng 40% đất đai trong cả nước. Tỷ lệ này thay đổi từ 17% trên vùng Mauges ở miền Tây nước Pháp tới 64% trong vùng Auvergne.

Dường như có vẻ nghịch lý, nhưng vùng thôn dã Pháp cũng là trung tâm của hầu hết các ngành chế tạo. Đặc biệt kỹ nghệ vải sợi đa phần đặt nền tảng trên công việc bán thời của phụ nữ trong những khu vực thôn quê của vùng Normandy, Velay và Picardy. Kỹ nghệ thôn quê thuộc loại này nối kết với những ngành nghề chuyên môn tập trung tại các đô thị trong vùng, thí dụ ngành làm bao tay da cừu tại Millau, làm ríp bông tại St-Étienne, ngành làm ren tại Le Puy và ngành dệt lụa tại Lyons. Một nghiên cứu trước đây của Liana Vardi về kỹ nghệ thôn quê chú trọng đến Montigny, một cộng đồng chừng 600 cư dân vào những năm 1780s thuộc miền Bắc Cambrésis, chỉ mới trực thuộc nước Pháp kể từ 1677. Vào đầu thế kỷ 18, số những chủ đất và người thuê đất chỉ có khoảng một phần ba con số trên. Trong suốt thế kỷ ấy, các chủ đất và trại chủ thuê đất đã độc quyền đất đai và tăng gia chuyên nghiệp vào ngành sản xuất bắp. Ngược lại, những nông dân trung lưu và nhỏ đã tìm được ngành quay tơ dệt vải để chống chỏi lại sự nghèo khổ và thiếu thốn đất đai. Một nền kỹ nghệ nông thôn phát triển nhưng rất mỏng manh tại Montigny đặt căn bản trong việc các lái buôn đặt hàng cho việc quay tơ dệt vải tới các hộ nông gia. Đối lại, kỹ nghệ sợi vải cung cấp một sự khuyến khích cho các trại chủ gia tăng năng xuất mùa màng đáng kể để nuôi sống dân số trên đà gia tăng. Những người vừa là thương nhân vừa dệt vải trung lưu đã giữ một vai trò thiết yếu ở những vùng như Montigny khi họ cầm cố tài sản nhỏ nhoi của gia đình để tham gia vào cuộc chạy đua làm giàu nhanh chóng. Những người này duy trì bản sắc dân quê trong sự nối kết giữa những chiến lược kinh tế cùng lúc với việc họ tỏ ra một năng khiếu và nhiệt tâm về doanh nghiệp rất đáng chú ý.

Tuy nhiên, Montigny là một trường hợp ngoại lệ. Hầu hết vùng quê nước Pháp là nơi vẫn tiếp tục lao động chân tay trong việc cày bừa trên mặt đất. Một thế giới nông thôn nơi các hộ gia đình tham gia vào một chiến thuật ngành nghề rất phức tạp để bảo đảm sự sống còn của chính họ thường không tránh khỏi gặt hái những năng xuất thấp vì mùa màng cày cấy trên những mảnh đất khô cằn  hay quá tải. Những mảnh đất khô cằn đầy sỏi đá ở phía Nam như làng Gabian đã không còn thích hợp cho mùa màng hơn vùng đất nặng nề ẩm thấp của Normandy. Tuy nhiên, ở cả hai vùng, phần lớn đất trồng trọt được đã được dành riêng ra trồng ngũ cốc cho nhu cầu địa phương. Kết quả là hầu hết các cộng đồng thôn quê hạn  chế số sản phẩm thặng dư dành cho thị trường các đô thị trọng yếu. Quan trọng hơn đối với nông dân là những thị trấn nhỏ ở gần nơi các hội chợ phiên tổ chức hàng tuần, hàng tháng hay hàng năm cũng  vừa là cơ hội cho những lễ hội tập thể của văn hoá  địa phương cũng như để trao đổi sản phẩm.

Các cộng đồng thôn quê đã tiêu thụ  phần lớn các sản phẩm chính họ tạo ra, và ngược lại, các thị trấn và đô thị đối mặt với vấn đề cung cấp thực phẩm một cách triền miên và một đòi hỏi hạn chế của dân quê về hàng hoá và dịch vụ của họ. Tuy nhiên, mặc dù chỉ có 20% dân số Pháp sống trong các cộng đồng phố thị, Pháp lại được coi là có số lượng và kích thước các thành phố  và thị trấn đáng kể trong bối cảnh Âu châu đương thời. Đã có 8 thành phố có dân số trên 50,000 người mà Paris là thành phố lớn nhất với chừng 700,000 dân, rồi tới Lyons, Marseilles, Bordeaux, Nantes, Lille, Rouen và Toulouse, khoảng 70 thị trấn có từ 10,000 đến 40,000 cư dân. Những thành phố, thị xã này đều có những khuôn mẫu về các ngành chế tạo sản xuất quy mô rộng lớn có liên hệ đến mạng lưới thương mại quốc tế, nhưng hầu hết vẫn chịu sự bá chủ bởi các ngành nghề thủ công nghệ  cho chính những nhu cầu của  cư dân trong thành phố và các vùng nội địa lân cận và qua một loạt các nhiệm vụ về quản trị hành chánh, tư pháp, giáo phận và chính sách. Đó cũng là những thủ phủ của từng khu vực. Tỷ lệ dân số chỉ có 1 trên 40 người sống tại Paris và sự thông tin liên lạc giữa hoàng cung Versailles và phần lãnh thổ còn lại của đất nước luôn luôn chậm  chạp và không chắc chắn. Kích thước và địa hình của đất nước là một chướng ngại vật thường xuyên cho việc di chuyển nhanh chóng các chỉ đạo, luật lệ và hàng hóa. Tuy nhiên, những cải thiện về đường xá sau năm 1750  đã cho phép không thành phố nào của nước Pháp  cách xa  thủ đô phải  giao tiếp tới hơn 15 ngày đường. Các cỗ xe ngựa di hành với tốc độ 90 cây số một ngày đã có thể đưa khách du hành đi từ Paris tới Lyons, một thành phố lớn thứ nhì của Pháp với hơn 145,000 cư dân trong vòng 5 ngày.

Giống như nhiều thành phố khác, Paris được bao quanh bởi một bức tường thành, phần lớn là để tận thu thuế hàng hoá nhập vào thành phố. Bên trong những bức tường là các khu ngoại ô mà mỗi khu có sự hỗn hợp khác biệt về nhóm người di dân và đủ loại giao dịch thương mại. Paris điển hình cho những thành phố lớn của Pháp với cấu tạo ngành nghề  riêng của nó. Thành phố vẫn do ngành sản xuất thủ công nghệ và dân có tay nghề thống trị, mặc dù đã có sự xuất hiện của một số các ngành đại công nghiệp. Một số các đại công nghiệp quan trọng nhất thuộc khu ngoại ô St-Antoine nơi xưởng sản xuất giấy dán tường Réveillon thuê mướn tới 350 công nhân và nhà máy rượu bia Santerre với 800 công nhân.  Trong khu vực hàng xóm lân cận phía Tây thành phố, ngành kỹ nghệ xây cất phát triển mạnh với luật lệ xây dựng tốt buộc các cư dân phải di rời khỏi những khu xóm ổ chuột thời Trung cổ ở trung tâm thành phố. Tuy nhiên, hầu hết dân Paris tiếp tục sống trong những khu  đường hẻm ngõ cụt tại các vùng lân cận bên bờ sông, nơi dân số bị chia cắt riêng ra chen chúc trong những chung cư cho thuê chật chội, và là nơi những nhà tư sản giàu có và cả những nhà quý tộc chiếm hữu tầng trệt và lầu một để mở cửa hàng và văn phòng làm việc. Những người khác như gia nhân, thợ thủ công và người nghèo cư ngụ ở các tầng trên và gác xép. Trong các cộng đồng thôn quê, Giáo hội Công Giáo cũng hiện diện liên lỷ. Có chừng 140 tu viện nam nữ tại Paris là nơi sinh sống của 1000 nam tu sĩ và 2500 nữ tu và chừng 1200 linh mục quản giáo xứ. Giáo hội sở hữu một phần tư tài sản của thành phố.

Paris cũng được bá chủ bởi các tiệm buôn bán lẻ và hãng xưởng dịch vụ nhỏ bé: Hàng ngàn các tiểu thương thuê mướn chừng 3 hay 4 công nhân. Trong giao dịch có tay nghề cao, các chủ nhân kiểm soát sự gia nhập của những thợ lưu động, những người thường đạt tiêu chuẩn qua việc  trình bày những thành(sản) phẩm của họ trong chuyến lưu hành quanh nước Pháp qua việc chuyên môn hoá nghề nghiệp tại những trung tâm các phố thị vùng miền. Đây là một thế giới trong đó các tiểu chủ nhân và các công nhân có tay nghề ràng buộc với nhau qua sự hiểu biết sâu rộng nghề nghiệp của họ và về sự hiểu biết nhau và cũng là nơi các công nhân có tay nghề được khám phá ra  từ nghề nghiệp của họ cũng như qua việc họ là chủ hay là thợ. Người đương thời thường coi dân lao động Paris như những “thường dân”, có nghĩa họ không thuộc về giai cấp công nhân. Tuy nhiên những đối kháng giữa công nhân và giới chủ nhân thật rõ rệt trong các ngành nghề nơi thật khó khăn để trở thành địa vị chủ nhân. Trong một số kỹ nghệ như ngành in ấn chẳng hạn, việc xử dụng máy móc mới đã ảnh hưởng đến tài nghệ của đám thợ lưu động và những người học nghề. Trong năm 1776, thợ lãnh lương có tay nghề đã vui mừng ở viễn ảnh huỷ bỏ các nghiệp đoàn và cơ hội thiết lập cơ xưởng riêng của họ, nhưng rồi dự án đã bị xếp xó. Sau đó năm 1781, một hệ thống “sổ sách cho công nhân” được giới thiệu cho các tay chủ nhân thêm sức mạnh để đối phó với các công nhân ngang bướng.

Quan hệ xã hội cũng chú trọng đến tình hàng xóm và bạn đồng sở như tình gia đình. Những thành phố lớn như Paris, Lyons và Marseilles mang sắc thái của những trung tâm đông đúc chật chội và có tính cách thời Trung Cổ nơi hầu hết các gia đình chỉ cư ngụ trong một hay hai căn phòng, hầu hết những sinh hoạt thường ngày liên quan đến ăn uống và giải trí là những hoạt động chung. Các sử gia đã có những tài liệu về việc phụ nữ đã xử dụng đường phố và nhiều khoảng trống công cộng để giải quyết các tranh chấp riêng tư cũng như các vấn đề về giá cả thuê mướn và thực phẩm. Đàn ông trong các dịch vụ tay nghề cao tìm thấy tinh thần đoàn kết của họ trong  các hội thân hữu, không chính danh nhưng mang tính chất anh em lao động bao dung với mục đích bảo vệ các tập quán lao động và lương bổng, đồng thời cung cấp những nơi chỗ  để giải trí và sinh hoạt sau một ngày lao động 14 tới 16 giờ. Jacques-Lois Ménétra, một trong những công nhân trên sau này đã nhớ lại những ngày tháng học việc như một thợ làm kiếng vào trước cuộc Cách Mạng về một môi trường nổi loạn của các bạn đồng sự với sự thích thú  trong những trò đùa nghịch tục tĩu, dâm ô đến nghi thức hoá cả bạo lực với những hội đoàn anh em khác. Tuy nhiên, Ménétra cũng tuyên bố là đã có đọc các tác phẩm  ‘Contrat Social (khế ước xã hội) và Émile et la nouvelle Héloise’ của Rousseau và đã từng gặp gỡ tác giả.

Các thành phố thuộc vùng miền thường có những kỹ nghệ riêng biệt bá chủ, chẳng hạn như kỹ nghệ tại Rouen và Elbeuf. Những trung tâm phố thị mới và nhỏ hơn mọc lên quanh những xưởng đúc sắt thép và các mỏ than như tại Le Creusot, Niederbronn và Anzin, nơi có 4000 công nhân được thuê mướn. Tuy nhiên, đặc biệt tại những hải cảng vùng Đại Tây Dương nơi ngành mậu dịch thuộc địa phát triển mạnh mẽ với những thuộc địa vùng Caribbean  đang phát triển một khu vực kinh tế thuộc địa trong ngành đóng tàu và việc trao đổi hàng hoá thuộc địa, chẳng hạn như tại Bordeaux, nơi dân số tăng  từ 67,000 lên tới 110,000 cư dân trong khoảng 1750 đến 1790. Đây là một ngành mậu dịch ba chiều giữa Âu Châu, Bắc Mỹ và Phi Châu qua sự xuất cảng rượu các loại từ những cảng như Bordeaux qua Anh Quốc và nhập các sản phẩm thuộc địa như đường, cà phê và thuốc lá. Lại có một đường lối thương mại dính líu đến việc đóng tàu nhắm mục tiêu chuyên chở nô lệ mà chúng chuyển giao các chuyến tàu nô lệ từ bờ Tây của Phi Châu tới các thuộc địa khác như St-Domimique. Đã có tới 465,500 nô lệ làm việc trong nền kinh tế đồn điền do 31,000 ông chủ da trắng kiểm soát chiếu theo những quy định của Luật Đen ban hành 1685. Luật lệ áp đặt những quy định về việc đối xử đúng cách đối với những tài sản cùa các chủ nô lệ, trong khi chối bỏ bất cứ quyền lợi hợp pháp và quyền gia đình nào cho các nô lệ. Có nghĩa là con cái của các nô lệ cũng là tài sản riêng của chủ nô. Trong năm 1785 đã có 143 con tàu chủ động tham gia vào hoạt động buôn bán nô lệ: 48 tại Nantes, La Rochelle và Le Havre có mỗi nơi 37 tàu, 13  tại Bordeaux và số còn lại đến từ Marseilles, Malo và Dunkerque. Tại Nantes, ngành buôn bán nô lệ chiếm tới 20 đến 25% hoạt động của hải cảng trong những năm 1780s. Tại Bordeaux, 8 đến 15% và tại La Rochelle lên tới 58% trong năm 1786. Trong suốt thế kỷ kể từ 1707, những tàu nô lệ này đã thực hiện hơn 3,300 chuyến hải hành, 42% tronng số là từ Nantes: hoạt động của chúng chủ yếu là cho việc kinh tế nở rộ trong các hải cảng vùng Đại Tây Dương vào thế kỷ 18.

Tuy nhiên, hầu hết các gia đình thuộc thành phần trung lưu có được thanh thế và lợi tức của họ từ các hoạt động có tính truyền thống hơn như trong các ngành luật  hay các ngành chuyên môn khác, trong  hệ thống quản trị hoàng gia và từ những tài sản đem đầu tư. Có lẽ 15% tài sản thôn quê là do những tư sản này sở hữu. Trong khi giới quý tộc thống trị hầu hết những vị trí cao trọng nhất trong ngành quản trị, những vị trí thấp hơn được dành chỗ cho giai cấp trung lưu. Ngành quản trị hoàng gia tại hoàng cung Versailles rất nhỏ bé với chỉ có 670 công nhân, nhưng xuyên suốt qua mạng lưới các thành phố vùng miền khu vực, nó cần thuê mướn hàng ngàn người trong các tòa án, công sở và chính quyền. Đối với giới tư sản đã có những phương tiện đáng kể, không có đầu tư nào hấp dẫn và đáng tôn trọng hơn những trái phiếu của chinh phủ với lợi tức tuy thấp nhưng  thật an toàn hay sở hữu đất đai hoặc chức danh lãnh chúa. Đặc biệt cái chức danh này mang lại nhiều hy vọng để tiến thân xã hội và ngay cả có thể tiến vào giới quý tộc qua ngã hôn nhân. Đến thập niên 1780s có đến một phần năm các lãnh chúa ở vùng quê quanh Le Mans là những người xuất thân từ giới tư sản.


Nước Pháp thế kỷ 18 mang đặc tính những nối kết đa dạng giữa thành phố và thôn quê. Đặc biệt tại các thị trấn khu vực vùng miền quê, giới tư sản sở hữu tài sản miền quê của họ mà từ nơi đó họ cho các trang chủ nông dân thuê mướn. Đối lại, công việc làm dịch vụ trong nhà của các gia đình tư sản là nơi cung cấp công ăn việc làm cho các cô gái quê trẻ. Các cô gái kém may mắn hơn hành nghề điếm hay làm việc trong các cơ sở từ thiện. Một liên hệ giao kết khác giữa thành thị và thôn quê liên quan đến việc các phụ nữ có công ăn việc làm trong thành phố lớn như Lyons và Paris đã gửi các con nhỏ của họ về các khu vực đồng quê cho các dịch vụ chăm sóc trẻ nhỏ, thường trong nhiều năm. Các em bé sơ sinh có nhiều cơ hội sống sót hơn tại vùng quê, nhưng có tới một phần ba đã chết khi đang được chăm sóc ở đó (oái ăm thay, bà mẹ của người thợ lắp kiếng Jacques-Louis Ménétra đã chết khi ông ta được chăm sóc ở vùng quê). Một loại hình thức công việc khác bao gồm hàng ngàn đàn ông trai tráng ở những vùng cao nguyên đối diện một mùa khô hạn kéo dài trong mùa đông đã di chuyển đến các phố thị theo từng mùa hay nhiều khi trong nhiều năm để tìm việc làm. Bọn họ bỏ lại sau lưng một xã hội được mệnh danh là xã hội “vắng đàn ôngg” nơi phụ nữ có khuynh hướng chăn nuôi gia súc và sản xuất tơ sợi.

Tuy nhiên, cái nối kết quan trọng nhất giữa thành phố và thôn quê Pháp là việc cung cấp thực phẩm, đặc biệt là mễ cốc. Đây là một nối kết thường gây căng thẳng giữa sự tranh chấp tranh đua những nhu cầu của người tiêu thụ của cả dân phố thị lẫn dân thôn quê, Trong những lúc bình thường, dân thành phố sống bằng tiền lương chi tiêu từ 40 đến 60% lợi tức chỉ riêng cho khẩu phần bánh mì. Khi giá cả tăng lên trong những năm mất mùa, sự căng thẳng cũng tăng theo giữa dân thành thị phụ thuộc vào giá cả bánh mì và thành phần dân nghèo khổ trong cộng đồng thôn quê do sự hăm doạ của các con buôn địa phương tìm cách xuất ngũ cốc đi đến những thị trường khác có lợi nhuận cao. 22 năm trong khoảng từ 1765 đến 1689 đánh dấu giai đoạn khủng hoảng thực phẩm, khi thì ở tại thành phố ở những khu vực dân lao động nơi phụ nữ đặc biệt tìm cách áp đặt luật thuế phổ thông để giữ giá cả ở mức hạn định, khi thì tại thôn quê nơi nông dân tập họp lại với nhau để ngăn chặn những tiếp phẩm hiếm hoi bị gửi ra ngoài thị trường.  Tại nhiều khu vực, mối căng thẳng về việc cung cấp thực phẩm còn trầm trọng thêm qua sự nghi ngờ các thành phố lớn là kẻ ăn bám trên sức lao động thôn quê, do bởi các chức sắc trong giáo hội và trong giới quý tộc thu vén sự giàu có của họ từ vùng thôn quê và đem tiêu xài huyênh hoang tại các phố thị.  Tuy nhiên, trong suốt quá trình ấy, họ cũng tạo nên công ăn việc làm cho cư dân thành phố và có hứa hẹn giúp đỡ người nghèo.

Nước Pháp thế kỷ 18 là vùng đất đầy rẫy nghèo khổ với hầu hết mọi người lân cảnh túng quẫn khi mùa màng thất bát. Đây là điều giải thích cho cái mà các nhà viết sử gọi là: “sự cân bằng nhân khẩu”, khi xã hội có tỷ lệ sinh xuất cao (4.5%) đồng thời cũng gần tương xứng với tử xuất cao (3.5%). Nam nữ lấy nhau khá muộn: thường ở độ tuổi 26 – 29 cho nam và 24 – 27 cho nữ. Đặc biệt trong những khu vực mộ đạo nơi các cặp vợ chồng hiếm khi ngừa thai bằng phương pháp tự nhiên (cho xuất tinh ra ngoài), phụ nữ thường có thai gần như mỗi năm một lần. Tuy nhiên, hầu hết mọi nơi trong nước, gần một nửa trẻ em qua đời vì những căn bệnh trẻ em và do thiếu dinh dưỡng ở độ tuổi lên 5. Thí dụ tại Gabian, đã có 235 trẻ qua đời trong 1780s với 134 đứa dưới 5 tuổi. Trong khi độ tuổi già cũng không phải là không được biết, trong năm 1783 chỉ có 3 người thọ  tới 80 và 2 người thọ 90 tuổi được chôn cất. Đời sống trung bình của những người sống sót sau thời sơ sinh chỉ có 50 năm.

Sau 1750, nhiều năm liên tiếp đựợc mùa đã làm xáo trộn đến sự cân bằng nhân khẩu do dân số gia tăng nhanh từ khoảng 24.5 triệu lên tới 28 triệu vào 1780s. Tuy nhiên, yếu điểm của dân số gia tăng này không đơn thuần là một vận hành của sự đe doạ luôn luôn hiện hữu về mùa màng thất bát. Trên hết, chính cái dân số thôn quê đã bảo hiểm giá phải trả cho cái thế ba chân về quyền thế và đặc quyền của nước Pháp thế kỷ 18:  Giáo hội, quý tộc và vương triều. Cả ba thành phần này đã đòi hỏi đóng góp trung bình khoảng từ một phần ba tới một phần tư sản phẩm của giới nông dân qua thuế má, lệ phí và thu tô.

169,500 thành viên  thuộc giới giáo sĩ, tầng lớp số một của đất nước chỉ chiếm 0.6% dân số. Tầng lớp này lại  phân chia ra làm hai giữa 81,500 tu dòng bao gồm 26,500 thầy tu và 55,000 nữ tu theo phẩm trật tôn giáo và khoảng 59,500 tu triều bao gồm 39,000 limh mục quản xứ và 20, 500 phó xứ, những người cai quản các nhu cầu tâm linh của tầng lớp xã hội thế tục. Lại cũng có nhiều loại giáo sĩ thế tục khác. Trong lãnh vực xã hội, Giáo hội rất mực tôn ti trật tự. Những vị trí có lợi nhuận cao nhất như đầu não trật tự tôn giáo (thường được bỏ trống) và như các chức gám mục, tổng giám mục do giới quý tộc làm bá chủ: tổng giám mục của giáo phận Strasbourg có lợi tức thường niên 450,000 đồng livres. Mặc dù tiền lương của linh mục quản xứ và phó xứ đã gia tăng   trong năm 1776 (quản xứ  750 và phó xứ 300 livres một năm), lợi tức như vậy chỉ cho họ sống dễ dàng hơn  giáo hữu của họ chút ít.

Giáo hội có được tài sản  phần lớn từ  thu phí thập phân bắt buộc  đóng góp từ các mùa màng nông trại, luôn luôn trong khoảng 8 đến 10%, mang lại số lợi tức khoảng 150 triệu livres mỗi năm và từ những vùng đất mênh mông do các tu viện và giáo phận sở hữu. Phần này được chi trả như một phần lương bổng cho các linh mục bản xứ, bổ xung vào những lệ phí địa phương mà họ đã thu từ những dịch vụ đặc biệt như đám cưới đám tang. Nói chung, tầng lớp số một này sở hữu chừng 10% đất đai toàn nước Pháp, lên tới 40% ở vùng Cambrésis nơi thuế phí và tiền cho thuê đất thu góp được lên tới 130 triệu livres mỗi năm. Tại các phố thị thuộc vùng quê,  người ta thường gặp các tu sĩ nam nữ theo chế độ ‘mở’;  thí dụ, có tới 600 người trong số 12,000 cư dân tại Chartres là những người tu kiểu mở này. Tại nhiều thành phố ở các tỉnh vùng, Giáo Hội cũng là chủ sở hữu tài sản chính thức: thí dụ tại Angers, Giáo Hội sở hữu ba phần tư tài sản đô thị.  Tại đây cũng như nhiều nơi khác, đó là nguồn chính cung cấp các công việc làm ăn địa phương: nghề giúp việc nhà, thợ thủ công nghệ và các luật gia đáp ứng nhu cầu của 600 tu sĩ địa phương tronng một thành phố 34,000 cư dân: thư ký, thợ mộc, đầu bếp và  dọn dẹp vệ sinh phụ thuộc vào họ, cũng như các luật sư  làm việc trong 53 toà án của Giáo hội để nghiêm trị những người trốn tránh thuế má và tiền thuê mướn đất đai. Tu viện Bénédictine tại Ronceray làm chủ 5 dinh thự, 12 vựa ngũ cốc và máy ép nho, 6 nhà máy sản xuất, 46 nông trại và 6 khu nhà ở ờ khắp miền quê quanh Angers, thu vào lợi tức mỗi năm 27,000 livres cho thành phố.

Vào thập niên 1780s, nhiều tu viện nam đi vào tàn lụi:  vua Louis XV  đã đóng cửa 458 tu viện (với chỉ có 509 tu sĩ) trước khi ông băng hà năm 1774. Sự tuyển mộ tu sĩ cũng giảm thiểu  một phần trong hai thập niên sau năm 1770. Các tu viện nữ có vẻ hoạt động mạnh mẽ hơn, chẳng hạn như dòng Các Chị Em Nhân Ái tại Bayeux đã cung cấp thực phẩm và nơi cư trú cho hàng trăm phụ nữ nghèo khổ qua công việc sản xuất ren rộng rãi. Tuy nhiên trong cả nước Pháp, hàng giáo sĩ địa phương chính là trung tâm của cộng đồng, vừa là nguồn chỗ dựa tinh thần và sự cảm hứng, vừa là cố vấn khi cần thiết, vừa là người phân phát đồ từ thiện, lại vừa là chủ nhân và nguồn tin tức về thế giới bên ngoài. Trong những tháng mùa Đông, chính linh mục chánh xứ là người cung cấp những bước căn bản của giáo dục, mặc dù có lẽ có chừng một trong mười người nam và một trong 50 phụ nữ có thể đọc được Thánh Kinh. Tại những khu vực dân cư sống rải rác như những vùng của Massif Central hay miền Tây, chính buổi tham dự thánh lễ Chủ Nhật là nơi mà cư dân ở những nông trại xa xôi và các thôn xóm có cảm giác của một cộng đồng. Tại miền Tây,  việc giáo dân cùng giáo sĩ quyết định toàn bộ các vấn đề địa phương sau Thánh Lễ  có thể được diễn tả như một loại chính trị thần quyền nho nhỏ. Tuy nhiên, ngay cả nơi này, nền giáo dục vẫn chỉ có tầm quan trọng bên lề:  tại giáo xứ miền Tây Lucs-Vendée rất sùng đạo, chỉ có 21% chú rể có thể ký tên được vào tờ hôn thú và chỉ có 1.5% được coi là có chút chữ nghĩa. Hầu hết cư dân Paris ít ra có thể biết đọc, nhưng dân miền quê thì thực sự là một xã hội chỉ biết nói.

Giáo hội Công Giáo hưởng thụ một sự độc quyền mục vụ thờ phượng công cộng, cho dù  trên lãnh vực địa lý có những cộng đồng Do Thái khoảng chừng 40,000 người vẫn bảo tồn một ý nghĩa về căn cước mạnh mẽ riêng biệt tại Bordeaux, Comtat-Venassin và Alsace, cũng như khoảng 700,000 tín hữu Tin Lành trong nhiều khu vực ở miền Đông và vùng Massif Central. Những ký ức về các cuộc thánh chiến và sự bất bao dung theo sau sự huỷ bỏ sắc lệnh Nantes 1685 vẫn tồn tại đầy uy lực: người dân  xứ Pont-de-Monvert ở trong vùng đất trung tâm Tin Lành  Camisard nổi dậy vào năm 1700 đã có một đội quân và một lãnh chúa Công Giáo để nhắc nhở họ hàng ngày về sự áp bức của họ. Tuy nhiên, trong khi 97% dân Pháp trên danh nghĩa là Công Giáo, các mức độ thực thi tôn giáo ngoại hàm (sự quan sát bề ngoài về việc thực hành tôn giáo như việc tham dự lễ Phục Sinh) và yếu tố  nội tâm (sự quan trọng trong việc cá nhân tuân theo các lời truền dạy) lại thay đổi đa dạng trong cả nước. Dĩ nhiên, nội dung của tâm linh thì phần lớn vượt ra khỏi tầm vói của các nhà sử học, tuy nhiên, sự thái hoá niềm tin tại một số khu vực, ít nhất người ta có thể cảm nhận qua  sự gia tăng số lượng các cô dâu có thai trước đám cưới (từ 6.2% lên 10.1% trong cả nước) và sự suy giảm của việc đào tạo linh mục (số lượng tuyển mộ người mới giảm  23% trong khoảng 1749-1789).

Lý thuyết Công Giáo mạnh mẽ nhất ở miền Tây và vùng Brittany, dọc theo rặng núi Pyrénées và phía Nam vùng Massif Central, những khu vực có đặc tính tuyển mộ mạnh mẽ hàng giáo sĩ từ các cậu bé trai ở trong các gia đình địa phương hội nhập cao vào cộng đồng và nền văn hoá của họ. Hơn nữa, cũng tại miền Tây này, lợi tức hàng năm của giáo sĩ cao hơn nhiều so với đồng lương tối thiểu quy định. Đây là một trong một số nhỏ phần đất của quốc gia nơi lệ phí thu góp được trả cho cấp giáo sĩ địa phương hơn là thu góp bởi giáo phận, từ đó tạo sự dễ dàng cho các linh mục để quản lý những nhu cầu của giáo xứ. Khắp mọi nơi, những tín hữu trong giáo xứ ngoan đạo nhất  thường là người già cả, phụ nữ và quê mùa chất phác. Khoa thần học mà họ được trình bày đánh dấu bằng sự nghi ngờ của Công Đồng Trent về những khoái lạc trần tục, bằng sự nhấn mạnh vào uy quyền của giáo sĩ và bằng sự tưởng tượng mạnh mẽ về những sự trừng phạt đang chờ đón những kẻ tội lỗi sau khi họ qua đời. Yves-Mitchel Marchais, linh mục chính xứ của giáo xứ mộ đạo Lachapelle-du-Gênet ở miền Tây đã thuyết giảng rằng: “Mọi thứ được coi là một hành vi không trong sạch hay một hành động xác thịt bất chính, khi  một người tự nguyện thực thi, là một tội lỗi nội tại và hầu như là một tội lỗi đáng chết và với kết quả  sẽ bị khai trừ khỏi nước Trời.” Một khi bị loại trừ, những kẻ phạm tội sẽ chịu những trừng phạt đang chờ đợi họ:

Đói khát, chiến tranh, ngập lụt, hoả hoạn cùng đủ các bệnh tật đau răng, nhức mỏi tay chân, động kinh co giật, sốt cao... cùng đủ thứ tra tấn mà các liệt sĩ đã từng trải qua như gươm chém, bừa cào, thú dữ cắn xé hay vạc dầu  sôi lửa bỏng…”

Những vị trí quyền cao chức trọng trong giáo hội Công Giáo thường do tầng lớp thứ hai hay còn gọi là giai cấp quý tộc bá chủ. Các sử gia chưa bao giờ đồng ý nhau về số lượng quý tộc vào thế kỷ 18, một phần vì con số thường dân tuyên bố có thân thế quý tộc trong một cố gắng đạt được các vị trí, tiêu chuẩn và chỗ đứng mà chúng vượt quá tầm tay nếu chỉ giàu có mà thôi. Những đánh giá mới đây gợi ý rằng có lẽ không có quá 25,000 gia đình thuộc giới quý tộc hay khoảng chừng 125,000 cá nhân là quý tộc, chiếm tỷ lệ 0.4% dân số.

Như một trật tự, giới quý tộc nắm giữ nhiều nguồn tài sản tập đoàn và quyền lực, như  có các đặc quyền về tài chánh và thế lực, thân thế đi đôi với biểu hiệu của sự cao quý và  công việc ngoại hạng ở trong  số các vị trí chính thức. Tuy nhiên, cũng giống như tầng lớp thứ nhất, giới quý tộc cũng có tính chất nội bộ rất đa dạng. Những nhà quý tộc tỉnh lỵ nghèo nhất ở các cơ sở vùng quê có rất ít điểm chung với hàng ngàn quan lại tại Versailles hay các quan tòa ở các toà án tối cao hay các vị trí hành chánh cao cấp, mặc dù cái thân thế quý tộc của họ thường lâu đời hơn những người bỏ tài sản để mua danh vị hay những người được trao tặng tước vị cho công việc hành chánh của họ. Đưa con trai vào học viện quân sự và sự hứa hẹn về một nghề nghiệp  trở thành một viên sĩ quan là một trong những phương cách được ưa thích  để giới quý tộc tỉnh lỵ duy trì được tước vị và một sự bảo đảm kinh tế. Sự có chân trong hàng ngũ quân đội của họ được củng cố nhờ sắc lệnh Ségur ban hành 1781  đòi hỏi các sĩ quan quân đội phải có thân thế của một  người có 4 thế hệ thuộc dòng quý tộc. Riêng trong phạm vi giới đại quý tộc, các giới hạn về gia đình và tài sản còn phân chia hơn nữa từ những thứ bậc nội tại và các đặc quyền khác nhau. Thí dụ: sự phân biệt giữa những người được hiện diện chính thức tại triều đình, những người được phép ngồi trên chiếc ghế cạnh chân khi hoàng hậu có mặt và những người được phép đi trên xe kiệu của bà. Tuy nhiên, tất cả giới quý tộc có một đặc điểm chung là cùng được cấp phát một lợi tức trong một hệ thống vô cùng phức tạp về thân phận và phẩm trật mang đến cho họ những ưu tiên vật chất và tiếng tăm.

Hầu hết các quý tộc có được phần tài sản đáng kể của họ từ đất đai. Trong khi tầng lớp thứ hai này sở hữu hoàn toàn tới một phần ba đất đai của cả nước, họ lại còn xử dụng quyền thế của họ vào phần đất còn lại. Điều quan trọng nhất của những quyền thế này là việc đều đặn thu tô mùa màng trên các vụ mùa chính trên mọi vùng đất thuộc quyền lãnh chúa của họ. Món thu tô này du di  giữa một phần sáu đến một phần mười hai mùa màng, nhưng cũng lên đến một phần tư tại một vài  vùng ở Brittany và trung tâm nước Pháp. Nó lại còn được những quyền lợi đáng kể khác hỗ trợ chẳng hạn như sự độc quyền về lò nấu rượu của làng, về các máy ép dầu ô liu và các nhà máy, lệ phí tài chánh trong việc chuyển nhượng đất đai và ngay cả trong các hôn lễ, đồng thời có quyền đòi hỏi các lao động không công từ phía cộng đồng  trên vùng đất riêng tư của họ vào thời vụ. Người ta đánh giá rằng trị giá của những loại tô phí đó lên tới 70% lợi tức của một quý tộc tại vùng Rouergue nơi lãnh chúa thu tô tới một phần tư sản phẩm của nông dân làm ra, trong khi đó vùng Laugarais lân cận phía Nam chỉ thấp khoảng 8%.

Sự giải quyết về cái nghịch lý là làm sao một xã hội dân quê có thể chịu nổi quá nhiều thành phố tỉnh lỵ trọng yếu như thế nằm trong cách vận hành của các trung tâm vùng miền ở thế kỷ 18 này. Trong một ý nghĩa quan trọng, các thị trấn nội địa phụ thuộc vào miền quê : tất cả các loại thuế má thu tô lệ phí do thành phần cao cấp của 2 tầng lớp ở trên  của nhà nước thu góp được chi tiêu vào các trung tâm thành phố. Thí dụ: giáo phận Cambrai  tạo được của cải từ những tài sản của họ tại các làng mạc như Montigny, nơi họ sở hữu 46% toàn thể khu vực vào năm 1754. Họ cũng là vị trưởng lão của làng, mặc dù đây là khu vực mà chế độ phong kiến vua chúa tương đối khá nhẹ nhàng.

Người dân quê sinh ra trong một thế giới được đánh dấu bởi những tuyên bố về nguồn gốc chủ quyền và thân phận. Khắp mọi nơi, thánh đường giáo xứ và các lâu đài làm bá chủ môi trường xây dựng và nhắc nhở nhiệm vụ lao động và sự khiêm tốn của người dân thường. Trong khi các lãnh chúa ít cư ngụ trong lâu đài quê của họ trong những năm 1780s hơn thời gian trước đó, họ tiếp tục thực thi một lô những đặc quyền áp đặt lên vị trí phụ thuộc của cộng đồng, như dành riêng hàng ghế đầu trong nhà thờ, được mang vũ khí ra nơi công cộng hay chỉ định các viên chức trong làng.
Chúng ta không thể biết về đánh giá sự tôn kính mà họ kiên quyết đòi hỏi có là một sự thừa nhận thành thật đối với sự cao sang của họ không, tuy nhiên , một điều chắc chắn là đã có những khoảnh khắc mà sự hận thù  của dân quê đã làm cho nhiều thành viên quý tộc tuyệt vọng. Thí dụ tại Provence, cộng đồng dân địa phương được yêu cầu  phải ngưng các lễ hội công cộng trong một năm để tỏ lòng kính trọng đối với một thành viên trong một gia đình quý tộc mới qua đời. Tại đây, trong ngày lễ thánh bổn mạng của làng Sausses vào năm 1768, một nhà quý tộc tang gia phàn nàn rằng: “ người ta đánh trống, bắn súng và nhảy múa suốt ngày đêm với muôn sắc màu và đầy tự cao.”

Nước Pháp thế kỷ 18 là một xã hội tập đoàn trong đó đặc quyền là phần thiết yếu đối với thứ bậc xã hội, sự giàu có và thân thế cá nhân. Có nghĩa là con người là thành viên của những trật tự xã hội phát sinh từ một khái niệm thời trung cổ về một thế giới nơi người ta có nhiệm vụ phải cầu nguyện, chiến đấu và làm việc. Đây là một tầm nhìn cố định hay bất di bất dịch của cái trật tự xã hội mà nó không đi song hành với những đo lường khác về giá trị con người chẳng hạn như sự giàu có. Tầng lớp lao động (tầng lớp thứ ba) chiếm tới 99% dân số, bao gồm tất  cả các thường dân từ đám ăn xin đến những thương gia giàu có. Hai tầng lớp đầu liên kết trong nội bộ với nhau bởi những đặc quyền mà tầng lớp họ được hưởng và bởi cái ảo tưởng của họ về thân thế và nhiệm vụ xã hội của họ. Tuy nhiên, trong nội bộ của chính họ cũng phân chia bởi những sự khác nhau về thân thế và mức độ giàu có. Đặc biệt, bất kể là pháp luật, tài chánh, nghề nghiệp hay vùng miền, đỉnh cao của mọi hình thức đặc quyền luôn luôn dành cho thành phần ưu tú nhất của quý tộc thuộc  hai tầng lớp trên. Những gia đình quý tộc cổ xưa và vô cùng giàu có này ở trên đỉnh cao quyền lực chia xẻ một quan niệm về uy thế chính trị và xã hội mà họ diễn tả bằng sự công khai phô trương qua y phục họ mặc, nơi ăn chốn ở và lối tiêu xài xa xỉ của họ.

Hai tầng lớp đầu này là những tập đoàn có đặc quyền đặc lợi. Nghĩa là vương triều đã công nhận thân thế ưu tiên của họ từ lâu qua những luật lệ ban cho thành viên của họ và qua việc miễn trừ thuế khoá.  Giáo Hội chỉ phải trả một phần đóng góp tự nguyện cho quốc gia qua quyết định của hội đồng quản trị của chính họ, luôn luôn không quá 3% lợi tức của họ. Giới quý tộc thường được miễn trừ đóng thuế trực tiếp, ngoại trừ phần phụ thu khiêm nhường một phần hai mươi áp đặt năm 1749. Tuy nhiên, mối liên hệ giữa những tầng lớp có đặc quyền và hoàng gia, một trụ cột thứ ba của đất nước Pháp được đặt căn bản trên sự phụ thuộc hỗ tương và  qua thương lượng. Nhà vua là người đứng đầu giáo hội Gaulois (Pháp cổ), một giáo hội có một số giới hạn  về tự trị nào đó đối với toà thánh La Mã, nhưng đổi lại, giáo hội Pháp lại phụ thuộc vào thiện chí của  nhân thân Giáo hội để duy trì tính chính danh của chế độ quân chủ của mình. Ngược lại, Giáo Hội Công Giáo thụ hưởng một sự độc quyền về việc thờ phượng nơi công cộng và các luật lệ về luân lý đạo đức. Tương tự, để có được sự tuân thủ và lòng tôn kính của giới quý tộc, nhà vua chấp nhận rằng họ phải được đặt lên vị trí cao nhất của mọi cơ quan, từ Giáo hội cho đến các lực lượng vũ trang, từ ngành tư pháp cho đến hành pháp của nhà vua. Jacques Neckers, một chủ ngân hàng và là bộ trưởng tài chánh 1777-1781 và chủ tịch hội đồng bộ trưởng từ 1788 của vua Louis XVI là người duy nhất không thuộc giới quý tộc trong thành phần nội các của ông.

Nơi cư trú của nhà vua tại cung điện Versailles là nơi phát ngôn uy lực áp chế nhất của nước Pháp trong thế kỷ 18. Tuy nhiên, văn phòng làm việc của nhà vua vừa có kích thước nhỏ vừa có những nhiệm vụ giới hạn trong các mệnh lệnh nội bộ, về chính sách ngoại giao và thương mại. Chỉ có 6 bộ có tên chính thức và 3 trong số được chia cho bộ ngoại giao, bộ chiến tranh và bộ Hải Quân. 3 cái khác liên quan tới tài chánh, tư pháp và quản lý hoàng gia. Đa số việc thu thuế được phân chia cho thành phần nông gia tư nhân. Điều quan trọng nhất, mọi khía cạnh của những cơ cấu trong đời sống công cộng, trong quản trị hành chánh, thuế quan và các cách đo đạc, luật lệ, thuế má và cả Giáo Hội đều mang dấu ấn của đặc quyền và sự phát triển lịch sử trong suốt 7 thế kỷ bành trướng lãnh thổ dưới sự cầm quyền của nhà vua. Cái giá mà vương triều đã phải trả để bành trướng đất đai từ thế kỷ 11 là để được công nhận các quyền lợi và đặc quyền tại các khu vực mới chiếm được. Quả thật, vương quốc Pháp bao gồm một vùng đất rộng lớn Avignon và the Comtat-Venaissin nơi đã từng liên  tục trực thuộc Giáo Hoàng  kể từ những ngày Toà Thánh lưu vong tại đó vào thế kỷ 14.

Loại hiến pháp mà vua nước Pháp dùng quản trị đất nước thuộc loại tục lệ bất thành văn. Điều thiết yếu của nó là Louis là vua nước Pháp nhờ ân sủng của Thượng Đế và nhà vua chỉ có trách nhiệm trước mặt Thượng Đế  đối với sự an nguy của thần dân của vua. Dòng giõi hoàng gia là dòng giõi Công Giáo và sẽ chỉ truyền ngôi cho người con trai trưởng (gọi là luật Salic). Nhà vua đứng đầu cơ quan hành chánh và toàn quyền bổ nhiệm các bộ trưởng, các nhà ngoại giao và các viên chức chính quyền cao cấp, đồng thời giữ quyền tuyên chiến  và nghị hoà. Tuy nhiên vì toà tối cao hay quốc hội viện có nhiệm vụ ghi nhận đăng ký các sắc lệnh của vua, càng ngày họ càng chiếm lấy nhiều quyền hạn hơn cái họ được ban cấp cho công việc đúng theo tư pháp. Hơn thế, viện quốc hội đã nhất quyết rằng những ‘phản biện dè dặt’ của họ cũng nhằm bảo vệ thần dân chống lại những vi phạm về các quyền hạn và đặc quyền của họ trừ khi nhà vua lựa chọn xử dụng một điều lệnh tư  pháp để áp đặt ý nguyện của vua.

Các thoả hiệp có tính cách lịch sử mà các triều đại nước Pháp đã phải ký kết để bảo đảm sự chấp nhận của những vùng đất mới thu đạt được trong nhiều thế kỷ đã được biểu lộ qua những giàn xếp hệ thống thuế khoá rất phức tạp trên toàn lãnh thổ. Loại thuế trực tiếp chính thức, gọi là thuế thân, khác nhau giữa các vùng miền và các thành phố đã hoàn toàn mua chuộc được họ. Thuế gián tiếp, một loại thuế muối, thay đổi từ 60 đồng livres đến chỉ khoảng 1 livre và 10 xu trên 72 lít  muối. Olwen Hufton đã diễn tả về từng đoàn phụ nữ giả mang thai để mang lậu muối từ Brirtany, một nơi chịu thuế thấp nhất qua phiá Đông đến những vùng thuế cao để hưởng lợi từ cách buôn bán gian lận thuế má trong loại hàng nhu yếu này.

Trong vấn đề hành chánh cũng vậy, điểm chính yếu là ngoại trừ và miễn trừ. 58 tỉnh miền của nước Pháp thế kỷ 18 được chia thành nhóm với mục đích quản trị thành 33 tổng khu.. Những đơn vị tổng khu này vô cùng khác biệt nhau về kích thước và hiếm khi trùng hợp với các lãnh địa của giáo phận tôn giáo. Hơn nữa, quyền thế của các vị đại quan của vua lại có thể thay đổi một cách đáng kể. Một số vùng tổng khu, được coi như tiểu bang như Brittany, Languedoc và Burgundy đã tuyên bố một số hình thức tự trị, thí dụ như tự trị trong sự phân phối thuế khóa mà những vùng miền khác không có được. Các giáo phận tôn giáo cũng được sắp xếp theo kích thước và sự giàu có từ tổng giáo phận Paris tới những toà giám mục nghèo nàn với những ngôi thánh đường bé nhỏ do kết quả của những đồng thuận chính trị trong những thế kỷ trước, đặc biệt tại miền Nam với sự lưu vong của Giáo Hoàng tới Avignon vào thế kỷ 14.

Bản đồ hành chánh nước Pháp và các biên giới của giáo phận tôn giáo đã không trùng hợp với phán quyết của toà tối cao. Quốc hội viện Paris thi hành quyền lực trên một nửa đất nước, trong khi hội đồng chủ quyền Arras chỉ có một quyền tự quyết địa phương nhỏ nhoi. Nói chung, trung tâm hành chánh, tổng giáo phận và cơ quan tư pháp thủ đô đặt bản doanh ở những thành phố khác nhau trong cùng một khu vực. Hơn nữa, vượt qua những biên giới này còn là một sự phân chia cổ xưa giữa các vùng theo luật La Mã thành văn ở phía Nam và các vùng theo tập quán bất thành văn ở phía Bắc. Bên cạnh  sự phân chia này lại còn hàng chục luật lệ địa phương và dĩ nhiên, hàng giáo sĩ và giới quý tộc  cũng có những luật lệ riêng biệt của họ nữa.

Những người có liên quan đến thương mại và nghề nghiệp chuyên môn lại phàn nàn về những khó khăn gây ra cho công việc của họ bởi sự phức tạp của hệ thống luật lệ trên. Thêm chướng ngại nữa  đến từ quá nhiều các hệ thống tiền tệ, cân đo đong đếm khác nhau. Không có một tiêu chuẩn thống nhất trong sự đo lường về kích thước và khối lượng cho cả nước. Quý tộc và các thành phố tự ấn định mức thuế cho phí qua trạm khi người ta chuyên chở sản phẩm qua sông, Vào năm 1664, đa số miền Bắc nước Pháp đã tạo nên một liên hiệp thuế quan, nhưng đã có những nhà thuế quan giữa họ và phần còn lại của quốc gia, mặc dù không phải lúc nào cũng giữa biên giới của các vùng và phần còn lại của Âu Châu. Những vùng miền phía Đông thường dễ dàng trao đổi buôn bán với nước Phổ hơn là với Paris.

Mọi lãnh vực của cuộc sống công cộng của nước Pháp thế kỷ 18 được biểu hiện qua sự đa dạng vùng miền và chính sách miễn trừ cùng sức mạnh bền bỉ của các nền văn hoá địa phương. Các cơ cấu vương triều và quyền thế tập thể của giáo hội và giới quý tộc càng thêm phức tạp vì những thực thi kiểu địa phương, những miễn trừ và sự trung thành.  Vùng Corbières của xứ Languedoc đã cho một ví dụ về sự phức tạp của cơ cấu và những giới hạn về việc kiểm soát mà vương triều gặp phải trong cuộc sống hàng ngày. Đây là một khu vực mà 129 giáo xứ của nó nói tiếng Occitan ngoại trừ 3 ngôi làng Catalan ở vùng biên giới phía Nam của vùng. Dù vậy khu vực vẫn bị phân chia trong các lãnh vực hành chánh, tôn giáo, tư pháp và các mục tiêu thuế khóa giữa các văn phòng tại Carcassonne, Narbonne, Limoux và Perpignan.  Biên giới của những cơ sở này lại không lâu bền: thí dụ, có những ngôi làng lân cận nhau do Perpignan quản trị hành chánh, nhưng lại trực thuộc các giáo phận khác nhau.  Trong suốt vùng Corbières, có tới mười cách đo lường khối lượng khác nhau khi dùng căn bản setier (một setier khoảng 85 lít) và không dưới 50 cách đo lường diện tích khác nhau: một sétérée (sétérée = sào?) thay đổi từ bằng 0,16 mẫu ở vùng bình nguyên lên tới 0.51 mẫu ở những vùng cao.

Voltaire và một số nhà cải tổ khác đã vận động chống lại cái mà họ gọi là sự bất bao dung và sự tàn ác của hệ thống tư pháp, khét tiếng nhất với trường hợp tra tấn và hành quyết Jean Calas, một tín đồ Tin Lành ở Toulouse năm 1762, người bị kết án cố ý giết con trai của mình để ngăn đứa con trở lại đạo Công Giáo. Những sự trừng phạt mà Voltaire và những người khác lên án là sự biểu lộ về một nhu cầu của chế độ dùng để từ từ nắm lấy sự kiểm soát một vương quốc rộng lớn và rất đa dạng qua sự hù doạ và gây sợ hãi. Các màn trừng phạt thể chất thường rất nghiêm khắc và nổi bật. Vào năm 1783, một thầy tu hoàn tục Capucin bị tố cáo sách nhiễu tình dục một cậu con trai và đâm chém nạn nhân 17 lần đã bị tra tấn trên bánh xe quay và thiêu sống tại Paris. Hai kẻ ăn mày ở Auvergne cũng bị tra khảo trên bánh xe quay vào năm 1778 vì tội danh dùng gươm và súng hăm doạ một nạn nhân của họ. Nói chung, 19% các vụ xử trước toà án tiên khởi tại Toulouse giữa khoảng 1773 – 1790 đưa đến việc hành quyết tại công cộng (đến năm 1783 tăng lên tới 30.7%) và một con số tương đương lãnh án chung thân tại các nhà tù.

Tuy nhiên, theo hầu hết các người đương thời, vương triều của Louis XVI dường như là một triều đại ổn định và quyền lực nhất trong các chế độ. Trong khi sự chống đối mang tính địa phương, cho dù là các bạo loạn về vấn đề thực phẩm hay những  than phiền về những cao ngạo của thành phần được ưu tiên, chúng vẫn hầu như luôn nằm trong giới hạn  của hệ thống, đó là chống lại những đe doạ đối với những  cách lý tưởng hoá  mà trong đó người ta  tin rằng hệ thống một thời đã từng có hiệu quả.  Quả thực, trong suốt thời kỳ bất ổn sâu rộng những năm trước 1789 của cuộc chiến “bột mì” ở miền Bắc nước Pháp 1775, những người nổi loạn đã hô to rằng họ nhân danh nhà vua đòi hạ thấp giá bánh mì ở mức giá theo truyền thống là 2 xu một cân Anh, một sự thừa nhận ngầm về trách nhiệm của vua trước mặt Thượng Đế về sự an sinh của thần dân của nhà vua. Tuy nhiên, vào những năm 1780s, một loại các thay đổi lâu dài trong xã hội Pháp đặt cơ bản trên quyền ưu tiên và các tập đoàn. Những khó khăn về tài chánh càng thử thách thêm khả năng của thành phần ưu tú để đối phó với những thiết yếu của sự thay đổi.  Một khủng hoảng chính trị bất ngờ rất có thể sẽ làm cho những căng thẳng và vấn nạn đó hiện lên thật rõ nét.

No comments: