Cuộc Cách Mạng Pháp 1789-1799

                                                             by Peter McPhee

Chương 5: Cuộc cách Mạng thứ Hai 1792


Ngay từ tháng Bẩy 1789, Hội Đồng Quốc Gia đã phải đối diện với một thách đố hai mặt: Làm sao để bảo tồn Cách Mạng khỏi tay đối thủ? (và) Cuộc Cách Mạng thuộc về ai? Những câu hỏi này bắt đầu lộ ra vào giữa năm 1791.  Phẫn nộ vì những thay đổi về phía Giáo Hội và những giới hạn về quyền hạn của mình, vua Louis XVI đã chạy trốn khỏi Paris vào ngày 21 tháng Sáu, công khai phủ nhận đường lối mà cuộc Cách Mạng dẫn dắt. Sự đền bù duy nhất cho quá nhiều hy sinh là sự chứng kiến một vương quốc bị hủy hoại, để thấy mọi quyền hành bị bỏ lơ, tài sản cá nhân bị xâm phạm và sự an toàn của nhân dân khắp nơi bị nguy hại. Vua Louis đã làm một lời kêu gọi thần dân hãy trở về những điều chắc chắn mà họ đã từng biết:
“ Hỡi thần dân Pháp, đặc biệt những người Paris, cư dân của một thành phố mà  tiền nhân của Trẫm đã vui mừng khi gọi là “thành phố Paris tốt lành,” hãy coi chừng về những đề nghị và những dối trá của bọn bạn hữu giả của các người. Hãy quay về với nhà vua, trẫm sẽ vẫn luôn luôn là người cha, là người bạn tốt của các người.”
Tuy nhiên, khi tin tức về việc bỏ trốn của nhà vua lan tỏa trong thành phố, thái độ của dân là một cú sốc hơn là sự ân hận.
Cuộc trốn chạy đầy liều lĩnh của hoàng gia đến nơi an toàn về vùng Montmédy gần biên giới là một loạt các lầm lỗi ngay từ bước đầu. Vào buổi tối ngày 21, vua Louis đã bị Drouet, một chủ trạm bưu điện tại Ste-Meneboild nhận diện và anh đã chạy thật nhanh tới Varennes thị trấn kế để ngăn chặn nhà vua. Hội Đồng Quốc Gia đã sửng sốt: tước vị vua của Louis XVI đã bị tạm ngưng,  nhưng họ đã quyết định kiềm chế bất cứ sự nổi loạn nào trong thời gian vua quay trở về Paris. Họ cảnh báo:  “Bất cứ ai tung hô nhà vua sẽ bị đánh đòn, còn ai xỉ nhục ông sẽ bị treo cổ.” Sự trở về của Louis thật nhục nhã, các con đường đầy những thần dân của ông trong sự phẫn uất, theo tường thuật thì họ đã không thèm bỏ mũ nón của họ xuống khi vua đi qua như thường lệ. Trong thời gian bị Hội Đồng tạm ngưng chức, đám Jacobins như Abbé Grégoire đã lập luận rằng nhà vua cần bị buộc phải thoái vị:
Viên chức phục vụ cao cấp nhất đã rời bỏ vị thế của ông. Ông tự tạo ra một giấy thông hành giả, sau khi đã công bố bằng cách viết thư cho các lực lượng ngoại bang rằng kẻ thù nguy hiểm nhất của ông là những người ngăn chận sự lan toả những nghi ngờ về ý định của hoàng gia. Ông đã thất hứa. Ông để lại cho người dân Pháp một lời tuyên bố, nếu không phải là một tội hình sự, ít nhất theo dự đoán cũng đi ngược lại với những nguyên tắc của nền tự do của chúng ta.  Ông có thể không tưởng tượng rằng sự trốn chạy của ông đưa đất nước vào mối nguy hiểm một cuộc nội chiến. Và cuối cùng, với một giả thuyết rằng ông chỉ có ý định muốn đi đến Montmédy, tôi tuyên bố rằng: cho dù ông muốn tự thoả mãn với việc quan sát Hội Đồng Quốc Gia liên quan đến những nghị quyết của họ  một cách hoà bình, trong trường hợp này, thật vô lý để chạy trốn; hay ông muốn theo đuổi  lời tuyên bố của ông bằng vũ lực, trong trường hợp này là một âm mưu chống lại tự do.”
Tuy nhiên, dù nhà vua bị bắt lại và buộc quay về nhục nhã, ngày 15 tháng Bẩy, Hội Đồng đã xác nhận rằng nhà vua thực ra đã bị “bắt cóc” trên phương diện tinh thần và rằng các điều khoản về quân chủ lập hiến của hiến Pháp 1791 vẫn hiệu lực. Đối với các đại biểu Quốc Hội, vấn đề đã rõ ràng theo như  lời lẽ của Barnave:
Bất cứ sự thay đổi nào hôm nay cũng vô cùng tai hại: Bất cứ sự kéo dài Cách Mạng hôm nay cũng là một thảm hoạ. Liệu chúng ta nên kết thúc Cách Mạng hay chúng ta lại đi trở lại từ khởi đầu? Nếu cuộc Cách Mạng bước thêm một bước nữa, có thể là một bước nguy hại: nếu nó là bước đi song hành với tự do, hành vi đầu tiên của nó là hủy diệt vương triều. Nếu nó đi theo sự bình đẳng, việc đầu tiên của nó là sự tấn công vào tài sản. Đã đến lúc phải kết thúc cuộc Cách Mạng.  Không phải mục tiêu của nó là tiêu diệt chế độ quý tộc chứ không là huỷ diệt tài sản sao?”
Ở đây, Barnave muốn nói tới một làn sóng đình công và xuống đường biểu tình của các công nhân và những người thất nghiệp trong thành phố, cũng như sự bất ổn liên tục tại vùng quê. Bởi thế, vua Louis trở nên một biểu tượng của sự ổn định chống lại những yêu sách đổi mới ngày càng tăng của những công dân “tiêu cực” và những kẻ ủng hộ họ.
Vào ngày 17,  một cuộc xuống đường ôn hoà được câu lạc bộ Cordeliers tổ chức tại Champ de Mars để yêu cầu Louis thoái vị, cũng chính là nơi “bàn thờ Tổ Quốc” mà đại lễ hội Liên Bang đã được cử hành năm trước.  Các thỉnh nguyện thư chính gốc đã bị phá huỷ sau trận hoả hoạn tại Hotel de Ville vào năm 1871. Tuy nhiên, theo tờ báo “Révolutions  de Paris,” chúng ta biết rằng nội dung của nó là:
“Xét sự kiện rằng tội của Louis XVI đã được chứng tỏ, nhà vua đã thoái vị, phải nhận sự thoái vị và để yêu cầu một bộ phận cử tri đoàn mới để có thể xúc tiến một hình mẫu đất nước mới với sự xét xử thành phần có tội và đặc biệt với sự thay thế và tổ chức một cơ cấu hành chánh mới.”
Lafayette, viên tư lệnh của lực lượng Vệ Binh Quốc Gia, đã ra lệnh giải tán những người đưa thỉnh cầu.  Tại quảng trường Champ de Mars, ông ta đã ra lệnh kéo cờ đỏ như một dấu hiệu cho biết vệ binh sẽ nổ súng nếu đám đông không chịu giải tán. Sau đó, đám vệ binh của ông đã bắn vào những người biểu tình giết chết chừng 50 người.
Dĩ nhiên, đây không phải là  màn thảm sát lớn lao đầu tiên của cuộc Cách Mạng. Tuy nhiên, lần đầu tiên, đó là hậu quả của một  xung đột chính trị công khai trong nội bộ tầng lớp  thứ ba (thường dân) Paris, tầng lớp làm nên lịch sử năm 1789. Cuộc trốn chạy của nhà vua và sự đáp ứng của Hội Đồng Quốc Gia đã gây chia rẽ đất nước. Nhiều ngày sau biến cố thảm sát tại Champ de Mars, một phái đoàn đến từ Chartres đại diện cơ quan chính quyền của tỉnh Eure-et-Loir được tiếp nhận vào Hội Đồng Quốc Gia. Các phái đoàn đã diễn tả sự vui mừng rằng Hội Đồng đã quyết định để cho Louis trở lại ngai vàng và Hiến Pháp sẽ được trình lên vua:
“Chúng thần đến để bảo đảm với Ngài bằng sự tín cẩn chân thành nhất rằng nghị quyết này quyết định số phận của vương quốc đã được đón nhận trong niềm vui và sự biết ơn của toàn dân chúng trong tỉnh, rằng nghị quyết chỉ làm tăng thêm sự tin cậy, sự ngưỡng mộ đối với Ngài trong nhiều lãnh vực. Cuối cùng, chúng thần đến để lập lại dưới bàn tay che chở của Ngài lời thề hứa trang trọng là sẵn sàng đổ đến giọt máu cuối cùng  cho sự hoàn thành luật pháp và duy trì Hiến Pháp.”
Vào ngày 14 tháng Chín, vua Louis ban hành Hiến Pháp mà nó biểu hiện là công sức làm việc của Hội Đồng từ năm 1789. Nước Pháp trở thành một một thể chế quân chủ lập hiến mà trong đó, quyền lực được chia xẻ giữa nhà vua trong vai trò đứng đầu hành pháp, và hội đồng lập pháp được bầu chọn qua một quyền bầu cử có giới hạn từ các công dân có tài sản. Tuy nhiên, những vấn đề về sự trung thành của ông và có phải cuộc Cách Mạng đã kết thúc  vẫn còn lâu mới giải quyết được. Phe dân chủ trong cậu lạc bộ Jacobin đi sát hơn với xu hướng cấp tiến của phong trào quần chúng phổ thông, đáng chú ý nhất là cánh Cordelier. Ở bên ngoài nước Pháp, các hoàng thân diễn tả sự quan tâm của họ cho sự an toàn của Louis và e ngại rằng cuộc Cách Mạng sẽ lan rộng bằng những tuyên bố đe doạ từ Papua (5 tháng Bẩy) và Pillnitz (27 tháng Tám).  Vào dịp kỷ niệm 2 năm ngày chiếm được Bastille 21 tháng Bảy 1791, các cuộc bạo loạn ủng hộ Giáo Hội và nhà vua đã phá hủy căn nhà của nhà hoá học Joseph Priestley tại Birmingham, một người bảo vệ mạnh mẽ cuộc Cách Mạng chống lại Edmund Burke. Bên trong nội tình Pháp, tờ báo bảo hoàng Gazette de Paris của bá tước de Rozoi kêu gọi một số người tự nguyện làm con tin để đánh đổi lấy tự do cho Louis.  Hàng ngàn thư từ nhận được bao gồm trên 1400 của riêng Paris và số lượng lớn đến từ Normandy, vùng Tây Bắc, vùng Alsace và Guyenne. Tại các thị trấn trong cả khu vực phía Tây, hầu tước de la Rouerie đã thành lập những ủy ban  bảo hoàng bí mật.  Trái lại, tại vùng dân Tin Lành bá chủ như làng Lourmarin, hội đồng thị xã lại thỉnh cầu Hội Đồng Quốc Gia cấp thiết trục xuất con quái vật chuyên chế phong kiến đi, để miền quê, cho tới lúc này vẫn bị cô lập, sẽ trở nên thành lũy mạnh mẽ nhất cho cái mà họ mệnh danh là “nền Cộng Hoà.”
Chính trong cái bối cảnh gánh nặng chồng chất này mà một ủy ban lập pháp mới được bầu chọn và hội họp tại Paris vào tháng Mười 1791.  Uỷ ban gồm những người mới theo sau một sắc lệnh do Robespierre đề  xướng lên Hội Đồng Quốc Gia mà nó loại bỏ  những người kiến tạo ra cái khung sườn của Hiến Pháp ra khỏi những người hoàn thành nó.  Ngay từ khởi đầu, hầu hết các thành viên tìm cách củng cố tình trạng của cuộc Cách Mạng như được trình bày trong Hiến Pháp và rời bỏ phe Jacobins để theo phe cánh Feuillants, một phe được đặt tên tương tự theo nơi chỗ họ hội họp tại một tu viện cũ. Tuy nhiên, sự thù ghét nổi lên từ những đối thủ của cuộc Cách Mạng, cả trong và ngoài nước Pháp, đã chú trọng tới sự quan tâm của các đại biểu vào phong trào phản Cách mạng  đang tập trung ở Coblez nơi hoàng thân d’Artois đã theo chân người anh trai hoàng thân de Provence di tản vào tháng Bẩy. Đám sĩ quan của quân đội hoàng gia  bắt đầu rã ngũ, với trên 2100 sĩ quan quý tộc di tản giữa 15 tháng Chín và 01 tháng Mười Hai 1791 và lên tới 6000 tính cả năm. Trong bối cảnh này, các đại biểu ủy ban lập pháp ngày càng lo lắng, những người đã cam kết với  chủ đề của phe Feuillant để củng cố Cách Mạng  dưới sự lãnh  đạo của nhà vua và  Hiến Pháp  đã cảm thấy áp lực bởi những bài diễn văn kích động của một nhóm trong cánh Jacobin dẫn đầu bởi Jacques-Pierre Brissot, người đã đổ lỗi những khó khăn của Cách Mạng là từ những âm mưu nội địa có nối kết với kẻ thù nước ngoài.
Như Timothy Tackett đã phơi bày bằng cách phân tích những bài diễn văn và thư từ của các đại biểu, có một sự gia tăng đáng ngại về sự sợ hãi các âm mưu trong những tháng sau ngày nhà vua trốn chạy. Những buổi diễn thuyết vang dội bên ngoài Hội Đồng. Vào ngày 16 tháng Mười 1791, những người ủng hộ sự sát nhập vùng lãnh thổ thuộc Giáo Hoàng quanh vùng Avignon đã sát hại 60 địch thủ của họ đang bị cầm tù trong cái lâu đài cũ của các Giáo Hoàng. Cuộc nổi loạn của hàng trăm ngàn dân lai và dân nô lệ tại St-Dominique, khởi đầu vào tháng Tám 1791 đã tạo áp lực ủy ban lập pháp tăng thêm quyền bình đẳng dân sự cho tất cả các dân da màu có tự do. Sự quan trọng của các thuộc địa Caribbean đối với nền kinh tế nước Pháp đã thuyết phục thêm các đại biểu về những ý định gian dối của Anh Quốc và Tây Ban Nha đối thủ của Pháp.
Những người theo phe Brissot đã tác động lên Hội Đồng Quốc Gia. Trong một cuộc tranh luận về vấn đề di cư, Vergniaud tuyên bố rằng “một bức tường âm mưu” đã được tạo lập chung quanh nước Pháp. Isnard bày tỏ sự lo sợ rằng “hàng loạt các âm mưu” đang chuẩn bị nổ bùng và rằng chúng ta đang bị ru ngủ với một cảm giác an toàn sai lạc. Vào ngày 09 tháng Mười Một, Hội Đồng thông qua một bộ luật áp đảo, có hiệu lực tuyên bố việc đặt ra ngoài vòng pháp luật đám di dân nếu họ không quay về nước vào đầu năm mới.
Những người Pháp này tập trung bên ngoài biên giới nước Pháp, kể từ lúc này, bị  coi là tình nghi có âm mưu chống lại tổ quốc, Nếu vào ngày 1 tháng Giêng 1792 họ vẫn còn tập trung tại đó, họ sẽ bị tuyên bố tội âm mưu  chống lại nước Pháp. Như vậy họ sẽ bị xét xử và phạt tội tử hình.
Ba ngày sau đó, nhà vua đã dùng quyền phủ quyết để ngăn chặn bộ luật này.
Phe cánh Brissot đã tranh cãi rằng cuộc Cách Mạng sẽ không thể an toàn cho tới khi sự đe doạ từ quốc ngoại này bị đập tan.  Một cuộc đụng độ quân sự với nước Áo và Phổ có thể sẽ ngắn ngủi bởi vì sự chào đón các thường dân tại những nước trên sẽ mang đến cho  người anh  em của họ được giải phóng, sẽ phô bày ra những cuộc phản Cách Mạng nội địa ở trong cái vạc dầu sôi sục sự xung đột vũ trang giữa Âu Châu mới và Âu Châu cũ.  Trong cái nghị quyết ngày 22 tháng Năm 1790 đặt quyền tuyên bố  tình trạng chiến tranh hay hoà bình vào tay Hội Đồng Quốc Gia hơn là trong tay nhà vua, Hội Đồng đã tuyên bố rằng “nước Pháp phủ nhận gây nên bất cứ cuộc chiến nào với mục tiêu chinh phục hay xâm chiếm, và nước Pháp sẽ không bao giờ dùng vũ lực chống lại quyền tự do của bất cứ ai.” Vào đầu năm 1792, một sự  hỗn hợp giữa lo âu, vui mừng và sợ hãi như vậy  tràn ngập Hội Đồng Quốc Gia mà hầu hết các đại biểu đã tự nhủ rằng các  vua cai trị Áo và Phổ đặc biệt đã tỏ ra hung hãn đối với Cách Mạng.  Họ được khuyến khích với sự lạc quan  qua sự thúc giục của đám dân tỵ nạn chính trị tại Paris lúc này đã tự thành lập một lực lượng  tới 54 đại đội tình nguyện quân sẵn sàng lên đường giải phóng quê hương. Vào ngày 20 tháng Tư 1792, Hội Đồng Quốc Gia tuyên bố rằng:
Nước Pháp, đúng như những nguyên tắc thiết lập trong Hiến Pháp, sẽ không tham gia vào chiến tranh với mục tiêu xâm lăng để chinh phục, và sẽ không bao giờ xử dụng lực lượng vũ trang chống lại tự do của một con người. Nước Pháp chỉ cầm vũ khí lên để duy trì tự do và độc lập của mình. Cuộc chiến mà Pháp bắt buộc phải hỗ trợ thì không phải là một cuộc chiến giữa 2 đất nước, nhưng là một sự phòng vệ chính đáng chống lại sự hung hãn vô lý của một ông vua.”
Cuộc chiến có thể sẽ phô bày ra sự đối nghịch nội địa như Brissot đã hy vọng, nhưng nó không bị  giới hạn, cũng chẳng ngắn ngủi. Với bản “Hiến Pháp Dân Sự cho giới Giáo Sĩ,” nó đánh dấu một trong những khúc quanh của thời kỳ Cách Mạng, ảnh hưởng đến lịch sử nội tình nước Pháp trong 23 năm.  Trong vài tháng chiến tranh xảy ra, đã có hàng loạt kết quả chính yếu.  Thứ nhất, nó lập tức gây hy vọng và phần thưởng của việc phản Cách Mạng bằng sự thêm vào nhiệm vụ quân sự cho những cộng đồng di dân nhỏ đã sẵn đắng cay đang lưu vong tại Âu Châu, đặc biệt tại Coblenz. Không chỉ có những thành viên của những người ưu tú cũ ở trong nước Pháp, đặc biệt là triều đình, những người coi việc  bị đánh bại  là một cách để đập tan Cách Mạng, nhưng những thất bại lúc đầu mà đội  quân Cách Mạng vì thiếu tổ chức đã phải chịu đựng, cũng được đám quý tộc di tản và đám sĩ quan  quân đội chào đón với kỳ vọng lấy lại một chế độ cũ được trẻ trung hoá.
Thứ hai, trong  khi cuộc phản cách mạng lúc này cũng có thể nhắm tới việc chiến đấu trong một cuộc thánh chiến để lấy lại tôn giáo, bên trong nước Pháp, cuộc chiến đã làm cho vị trí của các giáo sĩ không chịu thề hứa trở nên  không thể dung thứ. Vào ngày 27 tháng Năm, họ được lệnh phải rời bỏ đất nước nếu bị 20 công dân tố giác, một điều luật mà đã bị nhà vua phủ quyết. Đối với những người tìm kiếm một mục tiêu sẵn sàng để đổ lỗi cho những khó khăn mà Cách Mạng  lúc này đang đối diện, giới giáo sĩ là mục tiêu rõ ràng nhất. Không phải chính Giáo Hoàng đã chúc phúc cho đám quân ngoại quốc tàn sát người dân Pháp sao? Một cựu linh mục đang cử hành thánh lễ  cho dòng nữ tu Ursuline chuyên ngành giáo dục tại Lille vào ngày 29 tháng Tư đã bị sát hại trong một sự trả thù giận dữ khi đoàn quân Cách Mạng rút lui trong rối loạn sau trận chiến bại đầu tiên với quân Áo.  Trong vòng vài tháng sau, các nữ tu Ursulines bị trục xuất và tu viện bị đóng cửa. Trong khi hầu hết  băng qua biên giới đi vào vùng Austrian Flanders lánh nạn, 13 người trong số họ mà nhiệm vụ buộc họ phải ở lại, sau đó đã bị hành hình với tội danh hoạt động phản cách mạng trong việc hỗ trợ quân thù.
Một kết quả thứ ba là chiến tranh đã làm hồi sinh cuộc Cách Mạng quần chúng. Sau lời kêu gọi các công dân tình nguyện đi chiến đấu vào thời điểm mà nạn lạm phát trở nên tồi tệ, những đòi hỏi về chính trị và xã hội của giới lao động đã trở nên kiên quyết và khó khăn hơn để từ chối. Trong số họ có các phụ nữ nhất quyết đòi tham gia tích cực vào nỗ lực chiến tranh. Một thỉnh nguyện thư từ hiệp hội Fraternelle des Minimes với 300 chữ ký (trong đó có chữ ký của nhà hoạt động Pauline Léon) được đệ trình trước ủy ban lập pháp:
“Các người cha, chồng và con trai của chúng tôi có lẽ đã là nạn nhân của sự phẫn nộ của kẻ thù của chúng ta. Lẽ nào chúng tôi bị cấm đoán trả thù cho họ hay được chết bên cạnh họ? Chúng tôi chỉ ước muốn được phép tự bảo vệ. Quý vị không thể từ chối chúng tôi, và xã hội cũng không thể từ chối chúng tôi quyền chính đáng tự nhiên sẵn có, trừ khi có tuyên bố cho rằng bản Tuyên Ngôn về các quyền hạn không áp dụng cho phụ nữ.”
Hội Đồng đã không thèm để mắt tới thỉnh nguyện thư.
Những tháng khởi đầu của chiến tranh là một thảm kịch cho quân Cách Mạng đang ở trong tình trạng rối loạn do hậu quả số lượng lớn các  toán sĩ quan đào ngũ.  Việc Louis sa thải đám Brissotin hay các bộ trưởng “ái quốc” ngày 13 tháng Sáu đã làm dấy lên một cuộc xuống đường một tuần sau đó.  Trong các biểu ngữ diễu hành qua trước mặt nhà vua có vài tấm mang những tiêu đề như “Hỡi bọn độc tài đang run sợ, đây là tổ chức  Sans- Culottes. Khoảng giữa năm 1791, những nhà dân chủ tích cực trong số thường dân bỗng được biết đến tên tuổi qua từ ngữ mới Sans-Culottes này, một từ ngữ vừa có ý nghĩa là một nhãn hiệu chính trị cho sự chiến đấu yêu nước và một  sự diễn tả thực tiễn cho cánh đàn ông không mặc quần chẽn (loại đồng phục quân sự ngang tới đầu gối) và đi vớ của tầng lớp phụ nữ  ở giai cấp thượng lưu.  Ở thời điểm mà các phụ nữ cấp tiến, những người đàn bà không mặc đồ lót giống như phụ nữ thượng lưu, được biết đến như những người Sans Jupons (không mặc váy).  Đó là hoạt động chính trị trong số các thường dân: không phải là một giai cấp lao động hưởng lương mà là một hỗn hợp các thợ thủ công, chủ tạp hoá và người lao động. Cũng chính cái thời điểm này mà việc xử dụng từ ngữ “công dân” và “nữ công dân” trở nên một dấu ấn của nhiệt tâm yêu nước.
Cái hình ảnh thể lực mãnh liệt như thế hoàn toàn trái ngược với sự nhạo báng thô tục về vua và hoàng hậu.  Như Antoine de Baecque biện luận, con người mới của Cách Mạng được mường tượng như một người cường tráng về chính trị và thể chất, đối nghịch với hình ảnh diễu cợt của giới quý tộc như một lũ suy đồi  cả thể lực và luân lý.
Trong các báo chí, bài ca, nhạc kịch và các bích chương, thời kỳ 1789 – 1792 là một kỷ nguyên vĩ đại về sự châm biếm man rợ, đặc biệt những trò tấn công vô liêm sỉ vào các đối thủ chính trị, do có sự chấm dứt chế độ kiểm duyệt chính trị ở một thời điểm khi văn chương dân gian đã được phân biệt qua sự hỗn hợp sự chế nhạo thô tục, chống lại phẩm trật giáo sĩ và  sự vu khống chính trị.  Không chỉ những nhà Cách mạng xử dụng những tự do mới, những người viết bảo hoàng  như Gautier, Rivarol, Suleau và Pelier đã đưa sự lạm dụng này đến cực độ, như việc  nhại Brissot là “Black Bis-sot” ( thằng bạn ngu ngốc  gấp đôi của lũ  mọi đen) hay chế diễu  sự đồng tính (gay) của tay hầu tước ủng hộ Cách Mạng de Villette, hoặc chỉ trích Pétion là “ Pet-hion” (cái rắm của con lừa) hay khinh bỉ  Théroigne de Méricourt là một con điếm “có 100 tình nhân,  mỗi ngày, mỗi người trả 100 xu cho những “đóng góp lòng yêu nước”.
Trong cái thế giới lên cơn sốt với màn tấn công biếm nhã và bẩn thỉu này, nhà vua và hoàng hậu trở thành những mục tiêu dễ bị tổn thương cho các nhà Cách Mạng. Đặc biệt, Hoàng hậu Marie-Antoinette bị tấn công không ngớt về những tố giác các hành vi dâm đãng đồi bại và lạm dụng quyền lực chính trị của bà làm suy nhược chế độ quân chủ. Trong một tình trạng như vậy, cuộc khủng hoảng quân sự đã làm cho vị thế của vua vô cùng bấp bênh. Trong việc xử dụng quyền phủ quyết để ngăn chặn những mảng luật pháp thiết yếu (như chấm dứt trả lương cho các linh mục không tuyên thệ, ra lệnh di dân phải quay về nước và giáo sĩ không tuyên thệ phải ra đi, chiếm giữ tài sản của di dân và  triệu các  quân tình nguyện đến Paris), nhà vua dường như đã hành động theo lợi ích  của hoàng đế nước Áo, một người cháu trai  của hoàng hậu. Có lẽ nào không coi những  thất bại quân sự kể từ tháng Tư như là chứng cớ của điều trên, cũng như  khi nhìn lại màn trốn chạy bất thành của vua vào tháng Sáu 1791 chăng?
Trong ngày 11 tháng Bẩy, Hội Đồng Quốc Gia bị buộc phải công khai tuyên bố  trước quốc dân rằng đất nước trong tình trạng nguy hiểm và kêu gọi một sự hoàn toàn ủng hộ trong tinh thần tự hy sinh:
“Quý vị có cho phép những đoàn quân ngoại tràn lan khắp nước như giòng nước lũ hay không? Có để bọn chúng phá hoại mùa màng của chúng ta không? Có để chúng đốt phá quê hương và tàn sát chúng ta? Tóm lại: có để bọn chúng khuất phục chúng ta bằng những xiềng xích nhuộm máu của những người thân yêu nhất của chúng ta?”
Vào đầu tháng Tám, cư dân Paris biết được một tuyên ngôn do quận công của Brunswick, một viên tướng tư lệnh quân đội Phổ ban hành. Ngôn ngữ của nó đã gây nên giận dữ và quyết tâm qua sự đe dọa rằng họ sẽ ra tay thực thi công lý đối với người dân Paris nếu như Louis và hoàng gia bị hại:
“Các ngươi sẽ đón nhận một sự trả thù thật đáng ghi nhớ mãi mãi và làm gương, bằng một sự đầu hàng thành phố Paris cho hành động trừng trị quân sự và một sự phá hủy  hoàn toàn, và những kẻ nổi loạn mang tội ám sát, sẽ nhận sự trừng trị xứng đáng.”
Sự đe doạ thêm vào lời buộc tội phổ quát rằng vua Louis đã đồng loã với những thất bại mà quân đội chịu đựng. Để đáp trả, ngoại trừ 1 trong 48 phiên họp tại Paris, tất cả đều bỏ phiếu  thiết lập Công Xã Paris để tổ chức sự hồi sinh và thành lập một đạo quân 20,000 quân sans-culottes từ trong đạo quân Vệ Binh Quốc Gia mới dân chủ hoá. Được Liên Bang toàn quốc tham gia, các người tình nguyện từ mọi miền đất nước lên đường ra mặt trận. Đạo quân Sans- culottes này do Santerre và một số viên chỉ huy từ các phe phái lãnh đạo đã tấn công và chiếm giữ hoàng cung Tuileries vào ngày 10 tháng Tám. Trong số phụ nữ dính líu vào trận chiến đấu có Théroigne de Méricourt, đã nổi danh cùng với Pauline Léon trong việc biện hộ cho phụ nữ có quyền mang vũ khí.  Sau khi vua Louis đi lánh nạn ở một hội đồng gần đó, 600 vệ binh Thuỵ Sĩ    những người lính bảo vệ chính của cung điện đã bị sát hại trong cuộc chiến hay từ những hành vi trả thù đẫm máu sau đó.
Vua Louis đã có thể tự cứu ngai vàng của ông nếu nhà vua chấp nhận một vai trò ít quan yếu hơn trong chính quyền hoặc nếu ông đã không quá phân vân lưỡng lự. Tuy nhiên, sự sụp đổ của nhà vua cũng gây ra vì sự cố chấp của hầu hết quý tộc và lý lẽ của việc chính trị hoá quần chúng tại một thời điểm của sự đổi thay và khủng hoảng đầy bi kịch. Sự tuyên chiến và những thất bại quân sự sau đó đã làm cho vị thế nhà vua lung lay tận gốc. Cuộc khủng hoảng mùa hè năm 1792 là khúc quanh  chủ yếu của cuộc Cách Mạng. Qua sự lật đổ nền quân chủ chuyên chế, phong trào quần chúng đã tạo nên một cách hữu hiệu  sự thách thức cuối cùng  đến toàn thể Âu Châu. Trong nội bộ, lời tuyên chiến và lật đổ chế độ quân chủ đã cải tiến Cách Mạng. Việc loại trừ những công dân “tiêu cực” trên phương diện chính trị bây giờ lại kêu gọi  họ đi bảo vệ nền Cộng Hoà trở nên không thể thực hiện. Nếu Cách Mạng muốn tồn tại thì họ phải kêu gọi lực lượng trừ bị của toàn thể đất nước.
Việc thất bại quân sự vào mùa hè 1792 một lần nữa lại mang đến cho các linh mục với những câu hỏi căn bản nhất về sự trung thành của họ. Nhiều người trong số đã chấp nhận vai trò mới như những công dân linh mục với trách nhiệm là để củng cố quyết tâm của tín đồ trong giáo xứ của họ. Tuy nhiên, vị thế của các giáo sĩ không tuyên thệ lúc này (đối với Cách Mạng) trở nên không thể chấp nhận. Vào ngày 23 tháng Tám, Hội Đồng Quốc Gia đã yêu cầu tất cả giáo sĩ không tuyên thệ phải rời bỏ nước  Pháp trong thời hạn 7 ngày: “Xét rằng sự bất ổn trong nước là do sự kích động của các giáo sĩ không chịu tuyên thệ chính là một trong những nguyên nhân chính gây nguy hại cho tổ quốc.”
Sau đó, vào ngày 2 tháng Chín, tin tức bay về Paris rằng  cái đồn lũy lớn tại Verdun chỉ cách thủ đô 250 cây số và là chướng ngại vật chính yếu cuối cùng ngăn quân xâm lược đã rơi vào tay quân Phổ. Tin tức đã làm phát sinh một làn sóng đột biến bi hùng về nỗi sợ hãi và lòng quyết tâm của quần chúng. Tin tưởng rằng bọn phản Cách Mạng ở trong tù (dù là quý tộc, giáo sĩ hay bọn tội phạm thông thường) đang chuẩn bị phá ngục và chào đón đoàn quân xâm lược, một khi những người tình nguyện đã đi mặt trận ngoài tiền tuyến, các toà án nhân dân đã vội vã hội họp và tuyên bố tử hình khoảng 1200 trong số 2700 tù nhân được đem ra xét xử. Trong số này có khoảng 240 linh mục. Đây là chứng cứ cuối cùng cho các giáo sĩ không tuyên thệ tin rằng Cách Mạng đã trở nên vô thần và vô chính phủ. Mặt khác, những người xét xử tù nhân đã đơn giản tin tưởng vào sự cần thiết và ngay cả công lý  trong hành động này của họ. Một người trong họ đã viết thư về nhà rằng: “chính sự cấp thiết đã làm cho việc hành quyết này không thể tránh khỏi…Thật đáng buồn khi phải đi đến bước này, nhưng (như họ nói) giết bọn ác quỷ đi thì tốt hơn để chúng giết mình.”  Một người khác trong số họ đã lấy trộm chiếc khăn tay từ trong bộ quần áo của một tử thi cũng đã bị những người khác hành hình vì hành vi vô văn hoá này.
Restif de la Bretonne, người chứng kiến tận mắt các cuộc sát hại có lẽ là một quan sát viên cuộc Cách Mạng Paris sắc sảo và thông tin đầy đủ nhất.  Restif đã kinh hoàng vì những gì ông chứng kiến và đã cố tự thuyết phục rằng bọn “ăn thịt người này” không phải là những cư dân của thành phố thân yêu của ông.  Ông cảm thấy thật khó để diễn tả cái chết của công chúa de Lamballe, một người bạn tri kỷ của hoàng hậu Marie – Antoinette và cùng bị giam giữ với bà tại nhà tù La Force:
“Cuối cùng, tôi thấy người phụ nữ xuất hiện xanh xao gầy guộc trong bộ đồ ngủ do một người dìu đến. Họ nói với bà bằng một giọng quát tháo: “Hô to lên: Tổ quốc muôn năm” Bà trả lời “không, không” Họ dìu bà bước qua hàng đống xác chết. Họ lại bảo bà hô lên câu tổ quốc muôn năm. Bà từ chối một cách khinh bỉ. Sau đó một tay đao phủ nắm lấy bà xé toạc quần áo bà và rạch bụng bà ra.  Bà ngã xuống và những tên khác đến kết liễu vụ hành hình.  Chưa bao giờ trong trí tưởng tượng của tôi có cảnh tượng khủng khiếp như thế. Tôi cố gắng thoát đi, nhưng chân tay tôi cứng lại. Tôi ngất xỉu.”
Trong sự phản ánh lại sự việc, Restif viết thật khá rõ ràng về động lực đằng sau cuộc tàn sát. Đó không đơn giản là một hành động khát máu vô tri:
Vì vậy, động cơ thực sự của hành động cuồng sát này là gì? Nhiều người nghĩ rằng thực sự đó là những kẻ tình nguyện ra mặt trận sẽ không để lại vợ con họ tuỳ thuộc vào sự độ lượng của bọn côn đồ đã được toà án ân xá thả ra hoặc do một số người xấu giúp đỡ chúng trốn thoát. Tôi đã muốn biết sự thật và tôi cuối cùng đã khám phá ra. Họ chỉ muốn một điều: đó là loại bỏ những linh mục không chịu tuyên thệ. Một số người còn muốn loại trừ tất cả.”
Những nhà Cách Mạng nổi tiếng, đáng kể nhất là Danton và Marat đã thông cảm cho sự tàn sát đó cũng như cả Công Xã Paris. Sau này, họ đã bị những đối thủ của họ chế nhạo là “bọn (máu lạnh) tháng Chín”. Chưa bao giờ Cách Mạng thấy một cảnh tắm máu khủng khiếp như vậy. Đối với các nhà viết sử như Simon Schama, Norman Hampson and franҫois Furet, sự leo thang các vụ trừng phạt bạo lực là kết quả của một Cách Mạng  không bao dung đã có thể nhận biết từ năm 1789: sự phản cách mạng là một sự tạo nên một sự hoang tưởng cách mạng và khát máu quần chúng. Những cuộc tàn sát tháng Chín đã được Schama diễn tả như là “sự thật trần truồng của cuộc Cách Mạng.”  Một lối giải thích khác từ Hampson đã nhấn mạnh đến những hệ  tư tưởng “có từ ngàn năm” hơn là sự xung đột xã hội  như là nguyên nhân của sự sụp đổ tính đồng thuận. Có nghĩa là các nhà cách mạng đã bị ám ảnh với viễn tượng của một xã hội thanh tẩy và tái sinh.
Những tranh luận như thế làm giảm thiểu sự vươn tới những kẻ nội thù và giặc ngoại xâm mà người Cộng Hoà phải đối diện và bỏ qua những đe doạ bạo động do những kẻ bảo hoàng chủ trương. Ngay trước ngày 10 tháng Tám, báo chí cánh hữu đã xuất bản những danh sách “người ái quốc” mà quân Phổ có thể sẽ hành hình khi chúng tiến vào Paris, kèm theo với những hình ảnh khủng khiếp của dòng sông Seine bị bóp nghẹt với phe Jacobins và đường phố ngập máu  của đám Sans- Culottes.  Vào mùa hè 1972, tiền thưởng để đi chiến đấu cho nước Pháp và Tây Âu châu cao đến nỗi một cuộc thanh trừng triệt để của kẻ thù cho cả hai phía dường như là cách thức duy nhất để duy trì hay đè bẹp Cách Mạng.
 Sự cấp tiến hoá Cách Mạng cũng khuyến khích Hội Đồng Quốc Gia cuối cùng đã giải quyết được vấn đề bồi thường cho những thuế phí lãnh chúa đã bị xoá bỏ.  Ngay từ khởi đầu của những câu hỏi trong cuộc tranh luận  thời tiền Cách Mạng lên quan đến sự kiểm soát các nguồn  tài sản ở miền quê và liệu việc không bị các loại thuế phí lãnh chúa cản trở đã là cốt lõi trong chính trị tại miền quê. Đi qua hầu hết các vùng xa xôi nước Pháp, sự đáp trả cho sự lảng tránh của Hội Đồng Quốc Gia vào tháng Tám 1789 đối với việc xoá bỏ cuối cùng chế độ lãnh chúa đã làm lan rộng việc không bất tuân dân sự và cả nổi loạn chống lại những thực thi này mà Hội Đồng dường như đã do dự trong việc  xoá bỏ. Sự việc này kéo dài cho tới khi có sự loại bỏ chủ nghĩa lãnh chúa lần cuối vào những năm 1792-1793.
Những do dự trong các buổi họp kế tiếp về việc xoá bỏ thẳng thừng chế độ lãnh chúa đã đổ thêm dầu vào các cuộc nói chuyện hỗn hợp  giữa giới nông dân và người làm luật, trong đó các cộng đồng vùng quê xa xôi, bằng các phương tiện cả hợp pháp lẫn bất hợp pháp, đã áp lực và đáp trả lại những buổi họp kế tiếp và đã làm rõ những lựa chọn chính trị về cái ý nghĩa vỉ sao làm vậy. Đó là một diễn tiến với 2 phương cách mà theo lời của John Markoff: “Khi những cuộc nổi loạn của người nông dân  ở trong bối cảnh thiết yếu cho  dự luật chống phong kiến, thì luật chống phong kiến ở trong bối cảnh cần yếu cho hành động của người nông dân.” Markoff đã tính toán rằng đã có 4688 biến cố chống đối trong khoảng 1788 và 1793, mà đã hết 36% trong số đó là phản đối chống lại chế độ lãnh chúa. Chỉ trong tháng Tư 1792, đã có ít nhất 100 cuộc nông dân tấn công vào các lâu đài được ghi nhận ở vùng tỉnh Gard. Trong ngày 25 tháng Tám, một vận động để chấm dứt chế độ lãnh chúa được ủy ban Lập Pháp  thông qua. Các thuế phí về lãnh địa được xoá bỏ mà không có sự đền bù, trừ khi họ có thể chứng minh là đã được phát sinh từ quyền nhượng đất đai với một hợp đồng có giá trị hợp pháp. Về bản chất, chế độ phong kiến đã chết.
Sau đó vào mùa thu 1792, Cách Mạng lại đã đi vào một cuộc cách mạng tiến hoá thứ hai. Lúc này, nó trở thành (cách mạng) vũ trang, dân chủ và cộng hoà. Tuy nhiên, cái cảm giác hăng hái của sự hồi sinh và quyết tâm mà từ đó những tháng ngày này mang sắc thái riêng thì lại hoàn toàn trái ngược với năm 1789, bị tắt tiếng vì những màn tàn sát khủng khiếp tháng Chín và tình trạng quân sự nguy hiểm
Khoảng 2 tuần lễ sau cuộc tàn sát, quân Cách Mạng có được chiến thắng đầu tiên tại Valmy, cách thủ đô 200 cây số ở phía đông. Khi tin tức bay về, tân Nghị Viện Quốc Gia vừa mới do cuộc đầu phiếu phổ thông bầu chọn (mặc dù vẫn qua diễn tiến 2 vòng bầu cử) đã tập họp tại Paris. Cuộc khủng hoảng quân sự là chủ đề chính đối diện 750 đại biểu này, nhưng họ vẫn phải giải quyết số mệnh của vua Louis và  làm việc theo những xếp đặt  hiến định mới  mà trong lúc này Hiến Pháp 1791 đã không thể xử dụng. Thành viên trong hội nghị đã đoàn kết qua lý lịch xã hội và những dự đoán chính trị. Với số lượng đông đảo thành phần tư sản, họ duy trì cam kết đối với ước nguyện về một chế độ tự do trong kinh tế và bảo toàn cho các tài sản tư.  Họ cũng là những nhà dân chủ và cộng hoà: ngay tức khắc trong hội nghị, họ xóa bỏ thể chế quân chủ tuyệt đối và tuyên bố nước Pháp là một nước Cộng Hoà. Hầu hết khắp cả nước, tin tức đã là  dịp để ăn mừng,  luôn luôn  bị suy giảm vì nhận thức tình trạng  quân sự đang nguy nan của đất nước. Tại Villardebelle,  dưới chân rặng Pyrénées, vị linh mục theo hiến pháp Marcou đã ăn mừng việc tuyên bố Cộng Hoà trong ngày 21 tháng Chín bằng cách trồng một cây tự do cho đến nay nó  vẫn còn sống. Tại cảng Brest, những cái mũ tự do có đường kính tới 80 cms được treo lên các mui tàu thuyền trong khi những cái khác bằng gỗ được đưa cao tới các cột buồm.
Sự soạn thảo của hội nghị chứng tỏ sự chuyển biến xã hội mà Cách Mạng đã làm.  Số lượng cựu quý tộc (23) và Giáo sĩ (46) trong đó rõ ràng không nhiều. Thay vào đó hội nghị bao gồm các chuyên gia, viên chức, chủ đất, thương gia và rải rác một số trang trại chủ và thợ thủ công.  Một trong số rất ít các công nhân lao động là Jean-Baptiste Armoncille, một người thợ dệt tại Reims, người đã nói lên quan điểm qua việc tham dự hội nghị trong bộ đồ công nhân của anh.  Mặc dù tương đối trẻ trung (2/3 trong số họ dưới 45 tuổi), các đại biểu đều có kinh nghiệm trong chính trị địa phương và nhà nước sau ba năm Cách Mạng. Các hội đồng thị xã phần nào có vẻ dân chủ hơn trong hội thảo.  Tại các thành phố lớn của các vùng như Amiens, Nancy, Bordeaux và Toulouse, giới tư sản vẫn làm bá chủ, nhưng giới thợ thủ công và các chủ tiệm cũng chiếm từ  18 – 24% trong cả 4 thành phố.  Tại những cộng đồng quê xa xôi cũng thế, những năm 1792-1794 là thời điểm của sự bình đẳng xã hội đối với đám nông dân nghèo và cả những người lao động cũng lần đầu tiên có đại diện trong các hội đồng.
Chính trong thời điểm này mà tác phẩm “bài ca chiến tranh cho đoàn quân sông Rhin” của Rouget de Lisle trở nên phổ biến. Được viết cho đội quân hoàng gia bởi viên sĩ quan bảo hoàng này tại Strasbourg, bài ca đã bay xuống phía Nam và được các nhà ái quốc Cộng Hoà thừa nhận tại Marseilles và Monpellier.  Những người lính của Marseilles đã mang bài ca đi theo họ, giờ được biết đến như “khúc quân hành Marseillaise,” về thủ phủ của họ vào tháng Tám. Vào cuối tháng Chín, tờ báo “Révolutions de Paris đã tường thuật:
Tinh thần nhân dân vẫn lên cao cực độ.  Người ta phải thấy họ, phải nghe họ lập lại  trong sự hợp ca cái điệp khúc của bài ca chiến tranh “the Marseillaise,” mà các ca sĩ đứng trước bức tượng thần Tự Do tại  vườn Tuilleries đã dạy họ mỗi ngày với sự thành công.
Hãy tiến kên hỡi đàn con tổ quốc!
Ngày vinh quang đang tới gần chúng ta
Mức độ khát máu của chế độ độc tài
Đã nổi lên chống lại chúng ta
Bạn có nghe thấy bọn lính hung tàn này
Đang rống lên trên tnhững cánh đồng?
 Chúng tràn vào ngay giữa nhà bạn
Để tàn sát vợ bạn con bạn
Hãy trang bị vũ khí hỡi các công dân
Và thành lập đội quân của bạn
Hãy tiến lên, tiến lên
Để dòng máu ô uế đó tưới lên luống cày của chúng ta”.
Bên ngoài Paris, bài ca Marseillaise được dùng cho các mục đích rộng rãi hơn.  Vào ngày 21 tháng Mười,  Đám dân Do Thái tại Metz thuộc miền Đông nước Pháp tham gia cùng những người hàng xóm dân ngoại của họ ăn mừng chiến thắng của  quân đội Pháp tại Thionville. Một người trong họ là Moise Ensheim, một người bạn của Abbé Grégoire đã viết lại lời bằng ngôn ngữ Hebrew cho bản Marseillaise mà ông ta xử dụng hình ảnh thánh kinh nối kết lịch sử dân Do Thái với cuộc Cách Mạng:
“Hỡi nhà Jacob! Các người đã chịu đựng quá nhiều đau khổ
Người ngã xuống chẳng phải vì lầm lỗi của người…
Hạnh phúc cho người, hỡi đất nước Pháp! Hạnh phúc cho người!
Vì kẻ muốn huỷ diệt người đã tan tành thành tro bụi.”
Trong cùng một cách như vậy, cuộc giải phóng người Do Thái Chính Thống hơn một năm trước đã có thể ăn mừng cùng lúc như một chiến thắng của Cộng Hoà.
Cái hình thức giải trí phổ thông có tổ chức quan trọng nhất trong cuộc Cách Mạng Paris là các hý viện nhạc kịch. Một kiểu mẫu phong phú nhất về loại đại hý viện này và cái tư tưởng chính trị thấm nhập vào nó là một vở nhạc kịch được “công dân Gamas” viết vào mùa thu 1792. Đó là vở “Bọn di dân trên đất Áo hay Chương cuối cùng của cuộc Cách Mạng vĩ đại, một hài kịch đã được trình diễn lần đầu tại Hi Viện  Các Thân Hữu của người yêu nước tại Paris vào tháng 11 năm 1792.

Trước thời gian này, đã có đến 2 thế kỷ của văn học hoang tưởng Âu Châu về  vùng đất Áo, một nơi lý tưởng cho các tác giả vẽ vời một thế giới đảo nghịch tưởng tượng.  Tại Pháp, sự quan tâm này còn nổi lên qua những chuyện cổ tích về vùng Thái Bình Dương đã được Bougainville mang về. Đây là một thứ văn chương nói về nước Pháp và những điều bất như ý hơn bất cứ vùng đất phía Nam thực sự nào. Vở kịch ngắn của Marin Gamas, dù chỉ trong thể loại này, cũng đặc biệt được ưa thích vì đó là vở kịch viết đầu tiên bằng bất cứ ngôn ngữ nào về cái thuộc địa New South Wales mới của Anh Quốc. Nó được định vị trí tại vịnh Botany Bay, được diễn tả trong vở kịch như vùng đất hoang vu chỉ rải rác đá sỏi và vài túp lều.

Vở kịch gợi lên một sự hỗn hợp mạnh mẽ về những đạo đức ái quốc và sự thù ghét cái Âu Châu cổ xưa của một hệ thống quý tộc rất điển hình trong những tháng ngày này.  Nó phác họa sự đấu tranh của một nhóm di dân phản cách mạng đi lưu vong tại đất Úc xa xôi phải chấp nhận số phận trong một trạng thái thiên nhiên. Các vai  là những nhân vật  khuôn mẫu bao gồm Thực Tâm (Truehart),  viên đội trưởng Vệ Binh Quốc Gia, và những di dân hoàng tử Khoe Khoang (Braggart), bá tước Lừa Đảo (Swindle), quan tòa Lầm Lỗi (Blunder), Tu viện trưởng Nịnh Hót (Smarmy) và nhà tài chính  Bám Hút (Leech) cùng ông thầy tu Tham Lam (Greedy). Quý tộc và các di dân giáo sĩ vẫn ăn mặc trang phục bảnh bao cố hữu của họ và không thể nào gác bỏ những thành kiến của họ, nhưng phải chấp nhận với đời sống trong trạng thái thiên nhiên. Oziambo, tộc trưởng của người bản xứ, là một đứa con được lý tưởng hoá của thiên nhiên, người thờ phượng một Đấng Tối Cao mà không cần có bất cứ linh mục giáo sĩ nào. Quả thực, ông ta đã diễn tả một người Paris nào đó theo chủ nghĩa chống Giáo Hội khi người này nhìn lầm viên tu viện trưởng Smarmy trong áo choàng đen là một người đàn bà. Oziambo nhiệt tình học hỏi Marhurin người thợ cày, “ân nhân của nhân loại và nói tiếng Anh thành thạo.” Maruthin, một trong số “người thực sự hữu dụng nhưng thường bị khinh miệt tại Âu Châu,” là vị anh hùng của vở kịch.  Oziambo công bố ông này là nhà lãnh đạo của thuộc địa: “Tình yêu của ông bạn này, sự can đảm, lòng chính trực, tất cả là nghĩa vụ của ông. Không có gì thiêng liêng hơn. Người  rảnh rỗi lười biếng là tai họa to lớn nhất của bất cứ xã hội nào, và họ sẽ bị  chúng ta xua đuổi.” Vì vậy, viên tu viện trưởng Smarmy bị ngăn cản với mưu đồ của ông ta muốn tự đặt mình vào vị trí đứng đầu người dân địa phương, biến dân bản xứ thành một tầng lớp (thường dân) thứ ba mới. Ông ta cùng đám di dân kia bị kết án phải sống một đời tự kiếm ăn để sống. Vở kịch kết thúc với bài ca gợi lên sự trừng phạt cái tà tâm của con bạch tuộc nhiều vòi “chế độ độc tài” và sự hứa hẹn rằng: “những cánh tay mạnh mẽ của chúng ta sẽ mang đến tự do cho thế giới”. Bài ca được hát theo giai điệu bài ca Marseillaise chỉ vừa mới xuất hiện tại Paris vài tháng trước đó.

Cái ý nghĩa của Hội Đồng Nghị Viện rằng đó là cốt lõi của một cuộc đấu tranh mang ý nghĩa quốc tế đã được cá nhân hoá qua sự có mặt, và cũng là đại biểu được bầu chọn của 2 nhà cách mạng nước ngoài Tom Paine và Anacharsis Cloots. Joseph Priestley đã được bầu chọn trong 2 tỉnh bang, nhưng ông từ chối vị trí của ông. Họ là 3 trong số 18 người ngoại quốc, mà các quốc tịch khác biệt của họ đã mang lại lý lẽ cho sự trưởng thành hiện tại của Cách Mạng, và đã được nhận là các công dân danh dự của nước Pháp, cùng trong số những người khác là anh hùng của cuộc Cách Mạng Hoa Kỳ và nền Cộng Hoà (James Madison, Alexander Hamilton, George Washington), các tay cấp tiến  đế quốc Anh và  Âu Châu (William Wiberforce, Jeremy Bentham, Thaddeus Kosciuszko) và các nhà giáo dục Đức và Thuỵ Sĩ Campe và Pestalozzi:

“Những con người này, qua những bài viết và sự can đảm của họ, đã phục vụ cho sự tạo nên tự do và sẵn sàng giải phóng nhân dân, họ không thể bị coi là người ngoại quốc từ một đất nước đã lấy lại tự do từ kiến thức và sự can đảm của họ.”

Mặc dù có sự đồng thuận đáng kể trong hội nghị, vào mùa thu và mùa đông 1792-1793, Hội nghị có khuynh hướng phân chia thành ba nhóm bỏ phiếu khá tương đồng của Paris được nhóm Jacobins  áp đảo với 20 thành viên của họ trong số 24 đại biểu của nó từ sự nổi bật của Robespierre, Danton, Desmoilins và Marat, đưa đến kết quả có khuynh hướng coi Jacobins đồng nghĩa với Paris.  Tuy nhiên, giống như nhóm Girondins đối thủ của họ, trên hết đó là một khuynh hướng chính trị mang tính toàn quốc.Trong lãnh vực xã hội và chính trị, nhóm Jacobins có phần nào đó đi sát hơn với phong trào quần chúng phổ thông và thói quen của họ là tập trung ngồi trên những hàng ghế trên cao ở bên trái của Hội Nghị làm họ nhanh chóng có biệt danh “ngọn núi” và một hình ảnh của chế độ cộng hoà không thoả hiệp.  Biệt hiệu Girodins biểu lộ những người gần gũi ủng hộ hơn đối với giới tư sản cao cấp của Bordeaux, thủ phủ của vùng Gironde, nơi những đại biểu Vergniaud, Guadet và Gensonné đã được bầu chọn và vùng thuộc địa và việc buôn bán nô lệ bị xáo trộn vì cuộc Cách mạng và chiến tranh. Một nhóm đông đảo các đại biểu không theo phe nào bao gồm Sieyès và Grégoire ngả theo ủng hộ phía sau 2 nhóm trên tuỳ theo từng vấn đề.
Ngay từ khởi đầu, sự thực thi và thái độ chính trị trên một số vấn đề thiết yếu đã chia rẽ các đại biểu.  Vấn đề đầu tiên là việc xét xử nhà vua. Chính vua Louis đã được (tuyên bố) phục hồi danh dự trong sạch trong suốt thời gian xét xử.  Liên tiếp lập lại, khi những người tố cáo theo đuổi cái danh sách các cuộc khủng hoảng mà Cách Mạng phải đối diện kể từ 1789, chẳng hạn như vụ tàn sát tại quảng trường Champ de mars ngày 17 tháng Bẩy 1791, nhà vua  chỉ đáp lại rằng: “chuyện gì xảy ra trong ngày 17 tháng Bẩy đó chẳng liên quan gì tới Trẫm.”  Trong khi các đại biểu hiện diện trong phiên toà xét xử vua đồng thuận  về việc vua có tội, nhóm Girodins đặc biệt lý luận rằng số phận của vua tùy thuộc vào cuộc trưng cầu ý dân, và rằng nhà vua không thể bị kết án tử hình hay nhà vua nên được tha thứ. Các điều khoản luật chuyên biệt trong Hiến Pháp 1791 dường như ủng hộ vị thế hợp pháp của họ:
“Cá nhân nhà vua là bất khả xâm phạm và thiêng liêng. Danh hiệu duy nhất của ngài là vua nước Pháp… Nếu nhà vua đặt mình vào vị trí đứng đầu quân đội và chỉ đạo các lực lượng đó chống lại đất nước, hay bằng một tuyên bố chính thức, nếu nhà vua không chống đối bất cứ một hành động nào nhân danh  nhà vua, ngài sẽ bị coi như đã thoái vị khỏi ngai…
Sau khi thoái vị, nhà vua sẽ được phân loại giống như một công dân và như vậy, nhà vua có thể bị tố cáo và xét xử cho những hành vi sau sự thoái vị của vua.”
Đối lại, sự mạnh mẽ trong luận điệu của nhóm Jacobin trong cuộc tranh luận đầy hùng hồn và kịch tính này là việc cho rằng dung tha cho Louis có nghĩa là thừa nhận bản năng đặc biệt của  nhà vua: “Bộ Louis Capet không phải là một công dân đang mang tội phản quốc hay sao?” Robespierre, Marat và Saint-Just tranh cãi rằng, là một kẻ phạm pháp, đơn giản là ông ta nên bị trừng trị tức khắc: nhân dân đã phán xét ông rồi. Tuy nhiên, hầu hết người trong nhóm Jacobins đòi hỏi một phiên toà đầy đủ: sự trốn chạy của nhà vua đã hoàn toàn hủy hoại bất cứ một sự bảo vệ nào qua Hiến Pháp và lúc này, ông ta nên bị xét xử giống như bất cứ kẻ bị tố giác phản quốc nào.  Trong phiên họp  2 ngày 16 và 17 tháng Giêng, 361 đại biểu đã bỏ phiếu kết án tử hình, 360 người khác chọn các hình phạt khác. Nhóm Jacobins sau đó đã đánh bại lời kêu gọi cuối cùng của nhóm Girondins cho sự khoan hồng với số phiếu 380 và 310.  Nhiều người đồng ý với nhóm Jacobins: tại Bordeaux, thủ phủ của chính nhóm Girondins, hiệp hội nữ công dân thân hữu của tự do đã tố cáo Louis về việc:” ông đã đánh vào kẻ thù của ông trong bí mật với chính vàng bạc nhà vua có trong tài sản của mình, bảo vệ đám linh mục phe phái chuyên gieo mầm mống rối loạn và chia rẽ nội bộ. Ông mang quân đội đi chống lại Tổ Quốc. Ông ra lệnh tàn sát thần dân của mình. Và vì thế có nên khoan dung hay chỉ truất phế cho một kẻ đã gây ra nhiều máu đổ như thế không? Không, ông ta phải bị rơi đầu. Hỡi các đại biểu dân, quý vị phải hoàn thành ước nguyện của Cộng Hoà, Quý vị phải thực thi công lý…”
Louis bị xử tử hình vào 21 tháng Giêng với sự dũng cảm. Nhà vua bước tới cạnh bục xử tử và cố gắng làm cho giàn trống im lặng để ông có thể nói với công chúng. Chúng ta không biết việc ông làm có hữu hiệu không, nhưng có người nhớ lại điều ông nói:
“ Ta chết đi hoàn toàn vô tội đối với cái gọi là tội ác mà ta bị tố cáo. Ta tha thứ cho những kẻ đã gây ra sự bất hạnh của ta. Quả thực, ta hy vọng rằng những giọt máu ta nhỏ xuống sẽ đóng góp vào hạnh phúc của đất nước.”
Nhóm Girondins còn lúng túng hơn nữa vì tình trạng suy nhược của một cuộc chiến tranh mà, là những người hậu thuẫn của Brissot, họ đã hăng hái thúc đẩy vào 1792.  Đất nước đứng dậy “vũ trang” đã xâm chiếm những vùng thấp, vùng Rhineland và Savoy (mà họ đã đồng ý trở thành một tỉnh bang của Pháp) vào dịp Giáng Sinh, nhưng việc hành quyết vua Louis vào 21 tháng Giêng 1793 đã làm lan rộng chiến tranh tới cả việc Anh Quốc và Tây Ban Nha tham chiến và đã làm thay đổi cục diện chiến tranh. Một loạt các thất bại ở Tây Nam, Đông Nam và Đông Bắc đã gây nên việc các cánh quân nước ngoài vượt biên giới tràn qua Pháp trong tháng Ba. Những nghi ngại rằng nhóm Girondins không còn khả năng lãnh đạo nền Cộng Hoà qua cuộc khủng hoảng quân sự dường như được chứng tỏ qua sự đào ngũ của tướng Dumouriez vào ngày 5 tháng Tư, một kẻ ủng hộ nhóm Girondins lãnh đạo đã từng là anh hùng trong những trận chiến thắng vĩ đại đầu tiên tại Valmy và Jemappes.
Tình trạng quân sự suy yếu dẫn đến việc kêu gọi những biện pháp hết sức nguy hiểm. Đặc biệt tại các khu vực biên giới, lời kêu gọi tình nguyện của Hội Đồng được đi kèm theo bởi  sự tổ chức địa phương thành lập các tiểu đoàn quân tình nguyện do chính các cộng đồng địa phương trang bị. Những hồ sơ về sự tạo thành các tiểu đoàn này là một minh chứng hùng hồn cho sự thay đổi cách mạng đã làm về văn hoá chính trị. Trong khi các nguyên tắc về chủ quyền phổ thông chưa bao giờ được áp dụng trong quân đội chuyên nghiệp, các đơn vị địa phương tình nguyện đã tự chọn sĩ quan chỉ huy của riêng họ thuộc đủ mọi trình độ tại các buổi lễ tràn đầy lòng yêu nước.  Nhiệt tâm cách mạng của họ không phải lúc nào cũng thay thế cho việc huấn luyện. Tại miền Nam của tỉnh bang Auden quân sự, nơi mà người ta có thể nghe và chứng kiến được cuộc giao tranh với quân Tây Ban Nha quanh vùng Perpignan, viên cựu lãnh chúa chuyển sang phe “ái quốc” Antoine Viguier không có ấn tượng với quân tình nguyện lắm: “Các sĩ quan chỉ huy do các đại đội họ lựa chọn chẳng biết  gì về các vấn đề quân sự nhiều hơn  cái họ biết về kinh Koran. Quân lính thì không có kinh nghiệm.  Họ suốt ngày ra bờ sông bắt cóc nhái. Sự nhiệt thành của quân lính tình nguyện vào 1792 – 1793 không bao lâu sau đã được thử nghiệm một cách chua cay.

No comments: