Cuộc Cách Mạng Pháp 1789-1799

                                                             by Peter McPhee


Chương 6:  Cách Mạng trong vị thế thăng bằng: 1793

 Trước tháng Tám 1792, cánh Girondins đã có thể trách cứ Louis cho hànhvi đảo ngược quân sự. Lúc này, bọn họ có thể tố cáo ai? Họ chuyển sang một loại dê tế thần mới. Đó là đám ‘sans-culottes’ và cánh đồng minh Jacobins của đám này, những người mà họ công kích như bọn vô chính phủ và bọn cơ hội đòi bình đẳng. Đến cuối năm, một tay ký giả nổi tiếng và là  một đại biểu thuộc cánh Girondins tên Antoine-Joseph Gorsas đã dùng một bài nhại lại lời bài ca Marseillaise như một bài nhạc mừng Giáng Sinh để công kích  cánh Jacobins:
Lũ con lạc loài vô chính phủ đang tiến tới,
Và ngày ô nhục đang đến với chúng ta…
 Nhân dân lại mù loà trong cơn phẫn nộ,
Họ giơ cao những lưỡi dao đẫm máu
Ngay trong cái thời kinh khiếp và đầy tội ác
Để phục vụ cho những mưu đồ bất công đốn mạt
Chẳng thèm đếm xỉa đến tội lỗi ô uế
Hay đếm thử số xác nạn nhân những con mồi của họ.”
Đối với Vergniaud, quyền bình đẳng cho con người như một món vật xã hội gồm có duy nhất trong sự bình đẳng của  các quyền hợp pháp của ông. Và Brissot đã đưa ra một “lời kêu gọi tới tất cả các nhà Cách Mạng Pháp” vào tháng Mười để cảnh báo chống lại “loại rắn độc vô chính phủ”, khiển trách nhóm Jacobins như một bọn phá rối muốn cào bằng mọi thứ: tài sản, thú vui, giá cả nhu yếu phẩm, những dịch vụ đủ loại giúp cho xã hội.
Trong khi Brissot phóng đại quá đáng về những động cơ thúc đẩy việc ‘cào bằng’ của phe nhóm Jacobins, họ chắc chắn uyển chuyển hơn trong việc sẵn lòng kiểm soát tạm thời về kinh tế, đặc biệt trong giá cả thực phẩm. Vào cuối năm 1792, Robspierre đã đáp lại việc nổi loạn về thực phẩm tại tỉnh bang Eure-et-Loire bằng việc kiên quyết rằng:  Quyền căn bản nhất trong mọi quyền hạn là quyền được sống còn. Bởi thế luật pháp nền tảng nhất của xã hội là điều luật bảo đảm mọi phương tiện để tồn tại cho mỗi con người; mọi luật lệ khác phụ thuộc vào điều luật này.’ Tương tự, người bạn đồng minh trẻ của ông, Louis-Antoine de Saint-Just, người được bầu chọn vào đại biểu Hội Nghị ở tuổi 25 ở vùng tiền tuyến phía Bắc tỉnh bang de Asine cũng khẳng định rằng: ‘chỉ trong một giây phút đơn lẻ, bạn có thể cho người dân Pháp một quê hương thực sự bằng việc ngăn chặn những tổn thất của lạm phát, bảo đảm sự cung cấp thực phẩm và liên kết mật thiết vấn đề an sinh vào với tự do của họ.’
Qua đầu năm 1793, biện luận của phe Girondins ngày càng trở nên rỗng tuếch trong bối cảnh khủng hoảng quân sự, và hầu hết các đại biểu không phe phái đã ngả theo những đề xuất khẩn cấp của nhóm Jacobins. Đặc biệt, Hội Nghị đã đáp trả cuộc khủng hoảng với  lệnh tổng động viên 300,000 tân binh trong tháng Ba. Lệnh trưng binh này chỉ thực hiện dễ dàng tại miền Đông Nam và miền Nam, 2 vùng tiền tuyến, và chung quanh Paris. Ở phía Tây, nó gây nên một cuộc vũ trang nổi loạn lớn lao và cuộc nội chiến. Nổi lên ngay tại thời điểm tối nguy hiểm cho nền Cộng Hoà non trẻ và đã gây ra tổn thất lớn lao về nhân mạng, sự hồi sinh đã để lại những vết sẹo lớn trên thân thể  của nền xã hội  và chính trị Pháp. Nó vẫn còn tiếp tục chia rẽ các sử gia:  đối với một số người, sự đàn áp cuộc nổi loạn rõ ràng mang tội ác ‘diệt chủng’. Với những người khác, nó thật đáng tiếc nhưng là một đáp trả cần thiết cho một hành động ‘đâm sau lưng’ tại cái giây phút khủng hoảng lớn lao nhất của cuộc Cách Mạng.
Các nguồn gốc của sự nổi loạn được tìm thấy trong các đặc tính riêng biệt của mỗi vùng miền và sự va chạm khác biệt mà Cách Mạng gặp phải từ 1789. Những tỉnh phía Nam của khu vực Loire  nơi bạo động bùng phát rải rác ở trong vùng các nông trại  xa xôi phân chia bởi các hàng rào cao, sự liên lạc với thế giới bên ngoài hạn chế và là vùng hỗn hợp giữa các nông trại trồng thực phẩm và nuôi gia súc lấy sữa thịt, với sự sản xuất vải sợi có cơ xưởng tại những trung tâm làng mạc nhỏ.  Số lượng sở hữu tài sản lớn lao của các quý tộc và chức sắc tôn giáo được các chủ nông trại tương đối khá giả thuê mướn với những hợp đồng được bảo đảm qua tầng lớp tư sản trung lưu. Những yêu sách quá đáng của các lãnh chúa và nhà nước trước 1789 tương đối ít ỏi. Một tầng lớp giáo sĩ đông đảo, tích cực và do địa phương tuyển mộ đóng một vai trò xã hội cốt cán nhờ có sự phồn thịnh để làm được việc như vậy; như trong các giáo phận khác tại miền Tây, hầu hết các linh mục trực tiếp thu phần thuế thập phân hơn là do giáo phận phân bổ thành phần xuống để phù hợp theo hoàn cảnh. Đối với đa số người dân  sống tại các nông trại rải rác và các thôn xóm, ngày lễ Chúa Nhật là cơ hội khi đi đến trung tâm làng xã, cảm giác hoà nhập vào cộng đồng trong cái danh hiệu giáo xứ, đưa ra những quyết định và nghe tin tức do các linh mục chuyển tải.
Sự trình tấu những bất mãn của từng khu vực biểu lộ những niềm hy vọng của người dân vùng quê, kêu gọi chấm dứt tình trạng đặc quyền và chia xẻ quyền lực chính trị.  Chỉ có việc thiếu phê phán giáo hội là điểm bất thường của các bản tấu trình. Cách Mạng đã chẳng mang lại cho các nông dân  vùng Vendée những lợi thế rõ ràng.   Phần thuế nhà nước nặng nề hơn do các tay tư sản địa phương thu góp một cách vô lý, và cũng là những người độc quyền hoá các văn phòng và hội đồng thị xã mới, đồng thời mua hết các đất đai của Giáo Hội vào năm 1791.  Tại khu quận Cholet, đám quý tộc đã mua 23.5% số đất như vậy, dân tư sản mua 56.3%, còn nông dân chỉ có 9.3%.  Sự sụp đổ nhu cầu vải sợi, tiếp theo một hiệp ước mậu dịch tự do với Anh Quốc năm 1786 và những khó khăn kinh tế trong thời kỳ Cách Mạng đã cô lập những công nhân vải sợi. Tương tự, qua dự đoán cho rằng các hợp đồng thuê mướn lâu dài riêng biệt của miền Tây chỉ là một trong nhiều hình thức thoả thuận thuê mướn, chính quyền Cách Mạng đã làm cho tầng lớp trung lưu miền quê trở nên dễ đổ vỡ hơn là công nhận họ như những chủ đất bán chính thức.
Các linh mục tại miền Tây thù ghét việc xóa bỏ thuế thập phân và sự áp đặt một quan niệm thành thị và dân sự về chức vụ linh mục. Họ được hỗ trợ bởi các cộng đồng của họ bất mãn với kết quả của Cách Mạng và phẫn nộ vì sự áp đặt quá nhiệt tình việc cải tổ giáo hội từ những  công chức nhà nước. Thí dụ tại Angers, ban quản trị tư sản mới đã từ lâu có đặc tính thù ghét sự giàu có và các giá trị của hàng giáo sĩ. Tại khu quận La Roche-sur-Yon cũng thế, ban quản trị hành chánh đã không do dự đóng cửa 19 nhà thờ giáo xứ trong tổng số 52, được cho là số dư thừa theo những điều khoản về “Luật Hiến Pháp Dân Sự về Giáo Sĩ.” Trường hợp hiếm hoi là một nhân viên tại Vitré thuộc tỉnh bang Deux-Sèvres, người mặc dù  tin rằng cái chủ nghĩa cuồng tín đã không may cắm rễ sâu tại khu vực này đã khuyến cáo rằng: “Chúng ta không được trực tiếp  đối đầu nó vì e rằng sẽ gây quá nhiều máu đổ. Chúng ta hãy giáo dục, thuyết phục và rồi chúng ta sẽ đưa họ quay đầu lại.”
Cộng đồng miền quê xa xôi đáp ứng lại với những bất mãn tồn trữ trong khoảng 1790-1792 qua sự xỉ nhục các giáo sĩ chịu ký hiến pháp đã được các công dân ‘tích cực’ bầu chọn, qua sự tẩy chay các cuộc bầu cử quốc gia và địa phương và qua những trường hợp thù ghét lập đi lập lại đối với các viên chức chính quyền địa phương. Hơn bất cứ thứ gì khác, luật động viên đã làm họ chú tâm hơn vào sự hận thù, vì những viên chức tư sản thi hành luật đó lại được miễn trừ khỏi danh sách bốc thăm trúng tuyển. Trong khi những người Cộng Hoà đa số là giới tư sản, thợ thủ công và chủ  tiệm, đám nổi loạn thì lại đại diện thành phần tiêu biểu của xã hội vùng quê xa xôi. Phụ nữ đóng một vai trò cốt yếu trong cuộc nổi loạn như người trung gian giữa hàng giáo sĩ và cộng đồng thế tục và trong việc giữ gìn tài sản trong cuộc chiến đấu. Đám Cộng Hoà lên án những kẻ nổi loạn là lũ nông dân ngu dốt và mê tín dị đoan, chịu sự chi phối của bọn linh mục cuồng tín. Ngược lại, các phương châm của quân nổi dậy diễn tả sự ủng hộ cho các “linh mục tốt lành” như sự thiết yếu cho một lối sống bị đe doạ, và cho sự thù ghét đối với bọn tư sản:
“Bọn bay sẽ bị diệt vong trên phố
Hỡi bọn tư sản đáng nguyền rủa
Nằm giơ chân lên không
Như một đám sâu bọ…”
Theo đó, các mục tiêu đầu tiên là các viên chức địa phương, những người bị tấn công và nhục mạ. Tại những trung tâm thị xã nhỏ như Machecoul nơi có tới 500 người theo Cộng Hoà bị tra tấn và sát hại trong tháng Ba.
Vùng Vendée khởi đầu cuộc phản cách mạng không đến nỗi đến mức chống phá: Cuộc Cách Mạng từng được chào đón ở bước đầu đã không mang lại lợi lộc gì ngoài rắc rối.  Việc tham  gia  sau đó của giới quý tộc và giáo sĩ cố chấp đã mang lại cho họ một màu sắc phản cách mạng, nhưng đám nông dân đã không chịu thiết lập một đội quân để đi đến Paris hay chịu chi trả trở lại các lệ phí hay thuế thập phân.  Vùng lãnh thổ này thích hợp cho các cuộc đột kích và rút lui theo kiểu du kích và làm trầm trọng thêm cái vòng lẩn quẩn của sự chém giết và trả thù của cả 2 phía, đã thuyết phục  được sự phản bội của phía đối nghịch. Đối với những người theo Cộng Hoà, đám nổi loạn thuộc loại mê tín và hung bạo, được các quý tộc và linh mục ác độc điều khiển vì sự ngu dốt của họ. Đối với dân nổi loạn, sự kéo dài trả thù mà một số nhà viết sử tiếp tục diển tả không thực sự chính xác như cuộc diệt chủng, đã củng cố cái hình ảnh đẫm máu của Paris mà nó sẽ được làm theo rộng rãi tại nhiều khu vực xa xôi trong thế kỷ kế tiếp.
Cuối cùng, cuộc nội chiến có lẽ đã cướp đi tới 200,000 sinh mạng mỗi bên, cũng không thua kém các cuộc chiến chống quân ngoại 1793-1794.  Sự cay đắng của cuộc chiến đấu vào cái thời điểm của một cuộc khủng hoảng quân sự toàn quốc đã khuyến khích cho một sự trấn áp tràn lan. Khi viên tướng Westermann báo cáo lại cho Hội Đồng Nghị viện vào tháng Mười Hai 1793 rằng vùng Vendée không còn nữa, ông thú nhận rằng: “ Chúng ta chẳng bắt được một tù binh nào: đáng lẽ  điều cần thiết là cho họ mẩu bánh tự do và lòng thương xót chứ không phải là cách mạng.” Giữa tháng 12 và tháng Năm 1794,  sau khi cuộc nổi dậy đã bị đè bẹp, các đội quân khủng khiếp của viên tướng Turreau đã thực hiện một cuộc trả thù đốt phá thành bình địa lên 773 xã ấp dám tuyên bố đứng ngoài vòng pháp luật. Ông ta đã báo cáo lên bộ trưởng chiến tranh rằng tất cả bọn nổi loạn và tình nghi nổi loạn ở đủ mọi lứa tuổi cả nam lẫn nữ đều bi đâm chết; mọi làng mạc, nông trại, rừng cây, đất hoang, nói chung bất cứ gì có thể cháy đều bị tiêu hủy hết. Có một sự ước lượng rằng có đến 117,000 người (15% dân số) trong những cộng đồng này đã chết.
Tại La Rochelle ở cạnh phía Nam vùng Vendée, cuộc Cách Mạng cũng mang lại  sự bất trắc và khó khăn kinh tế. Tuy nhiên, tại đây sự phản đối được biểu lộ theo một cách khác. Dân La Rochelle đã sống lâu đời với đặc quyền của họ trong liên hệ buôn bán với St-Domingue, mối thương mại với vùng Bắc Âu và bờ biển, việc mua bán nô lệ Phi Châu và sự xuất khẩu muối, rượu vang và lúa mì. Cuộc  chiến trở thành thảm hoạ cho ngành  buôn bán nô lệ: từ 22 phiên chợ nô lệ trong năm 1786, đến năm 1792 chỉ còn lại 2 vụ.  Các nhà máy đường đóng cửa vì thương mại thuộc địa sụp đổ. Vào tháng Sáu 1792, 5 người trong số các thương gia giàu có nhất vỡ nợ kể cả viên thị trưởng Daniel Garesché.
Mặc cho những thăng trầm đó, La Rochelle vẫn kiên trì ủng hộ Cách Mạng, đặc biệt giới ưu tú Tin Lành. Trong ngày 16 tháng Giêng 1793, 7 đứa con trai và 8 con gái khoảng 13 tuổi đã xuất hiện trước hội đồng thị trấn La Rochelle để trao tặng trang phục cho các binh lính mà bọn chúng đã dốc hết tiền dành dụm để mua tặng. Một đứa trong họ, Nanine Weis đến từ một gia đình Tin Lành giàu có tại thị trấn đã thay mặt họ phát biểu:
“Kính thưa các quan tòa, quý vị thấy trước mắt quý vị một xã hội nhỏ bé của những người yêu nước trẻ, thường đến với nhau qua nhu cầu tìm niềm vui trong độ tuổi của chúng cháu, với sự tốt đẹp của tình thân hữu đã liên kết cha mẹ chúng cháu.  Tình yêu quê hương đã lớn lên trong trái tim non nớt của chúng cháu và chúng cháu lo lắng khi biết rằng những tình nguyện quân dũng cảm trong tỉnh của chúng ta đã lên đường bảo vệ đất nước mà thiếu thốn những dụng cụ thiết yếu.  Chúng cháu đã tự quyên góp trong số chúng cháu, dùng những món tiền tiết kiệm khiêm tốn của chúng cháu. Chúng cháu chẳng có thể biếu tặng nhiều hơn. Nỗ lực của chúng cháu cho tới nay chỉ có thể mua được 26 đôi giày và 29 đôi vớ và mong quý vị gửi chúng đến những đồng hương dũng cảm của chúng ta tại mặt trận. Chúng cháu sẽ không ngừng dâng lời cầu nguyện lên Thiên Chúa cho sự thành công của đoàn quân chúng ta chống lại kẻ thù của nền Cộng Hoà của chúng ta.”
Hai tuần sau đó,  theo sau sự hành quyết vua Louis XVI, Pháp và Anh Quốc xảy ra chiến tranh.  Việc buôn bán bờ biển, lúc nào cũng quan trọng hơn việc buôn bán nộ lệ và trao đổi mậu dịch thuộc đia, bây giờ cũng suy sụp. Sự phong tỏa đường biển của Anh gây nên sự suy sụp  của các gia đình Tin Lành mà sự thịnh vượng của họ chủ yếu đến từ việc buôn bán hải ngoại, đặc biệt trong dịch vụ nô lệ và  các sản phẩm thuộc địa.  Trong số họ có gia đình Weis đã rời về Paris với 3 phần tư số tài sản bị mất mát.
Khi Rochelais giải thích những sự bất hạnh của họ, các linh mục không chịu tuyên thệ đã trở thành những con dê tế thần rõ ràng nhất, hệt như tại Lille vào tháng Tư 1792 và Paris vào tháng Chín. Họ không chỉ  nhân  cách hoá những khó khăn mà Cách Mạng phải đối diện, nhưng ít ra đối với một số người trong thành phố, điều đó dường như họ cũng bị trách cứ cho những bất mãn về giới tính của họ: đàn ông tụ tập thành một đám đông 400 người đã từng đập phá đồ đạc các tu viện vào tháng Năm 1792 với lý do là đi tìm kiếm đám  người không chịu tuyên thệ, ngươì ta đã nghe họ hô lớn: “Chúng tôi thà đập phá bàn ghế, cửa sổ  hơn đánh đập chân tay vợ con. Chúng tôi đã không có gì vui thú trong suốt 4 tháng qua. Có con quỷ ở trong nhà chúng tôi mà.” Điều này biểu lộ rằng các giáo sĩ không tuyên thệ đã khuyên nhủ đàn bà phụ nữ từ chối chuyện chăn gối đối với những ông chồng “yêu nước” của họ. Dĩ nhiên, vào tháng Năm 1792 khi nước Pháp bước vào chiến tranh, cánh giáo sĩ ương ngạnh này bỏ chạy trốn.
Vào thời điểm cuộc nổi loạn dấy lên ở Vendée, thị trấn đang ở trong tình trạng đói khát, tuyệt vọng và phẫn nộ. Dân Vendée nổi loạn bị ghét bỏ như một biểu tượng nhân cách hoá của chế độ Công Giáo Pháp và Âu Châu cổ hủ mà  vì sự chối bỏ Cách Mạng, nó đã mang đến đau khổ tột cùng và phá nát mọi niềm hy vọng. Một đội quân tình nguyện tới 2000 người được gửi đến Vendée vào ngày 19 tháng Ba đã nhanh chóng bị đánh bại. Trên đường quay trở về La Rochelle, đám quân tàn dư bị thương tích và nhục nhã đã tìm thấy một chỗ để trút sự giận dữ. Vào sáng ngày 21, 4 linh mục cố chấp (không tuyên thệ) đã được di rời khỏi nhà tù thành phố đến một nhà tù ngoài khơi để bảo đảm sự an toàn cho họ. Theo lời nói của thẩm phán hòa bình:
“Người dân tụ họp thành đám đông đã bị phản đối vì việc đưa họ xuống tàu ở gần Tour de la Chaine. Sự sôi sục càng trở nên mạnh mẽ hơn khi thình lình có một số đông các công dân của thị trấn này đã bị thương tích trong cuộc chinh phạt Vendée thất bại hôm 19 trong tháng quay về. Mấy ông linh mục bị bao vây và đâm chém đến chết. Sau đó viên quan toà tường thuật: “Người ta chiếm giữ xác họ và sau khi đã chặt đầu, họ mang đi diễu hành qua nhiều đường phố.” Đây chỉ là một sự tóm tắt nhẹ nhàng của một hành vi chặt chém lạ thường áp dụng lên thân  xác con người.  Sự việc đã lập lại vào buổi chiều kế tiếp khi có 2 linh mục khác thật bất hạnh đã từ Ile-de-Ré để đến La Rochelle đi ngang qua. Thân thể họ bị xé tan thành nhiều mảnh với bộ phận sinh dục của họ bị treo lên đầu một cây gậy.”
Lại còn một cách đáp ứng khác đối với cuộc khủng hoảng mùa Xuân 1793 đã xảy ra  trong cái thị trấn nhỏ Pyrenée của vùng St-Laurent-de –Cerdans ở một mức độ cực đoan nhất so với Paris. Tại đây, cuộc Cách Mạng lúc đầu được chào đón bởi một đa số các người nghèo khổ trong sự hứa hẹn chấm dứt tình trạng đặc quyền. sau đó đã nhanh chóng biến thành cay đắng cho người dân Laurentins với những khó khăn chồng chất về việc buôn bán hợp pháp hay bất hợp pháp trong suốt vùng Pyrenees và đặc biệt với những cải tổ tôn giáo được nhận thức như một sự nổi giận thế tục và thành phố chống lại hệ thống Công Giáo chính thống. Vào ngày 17 tháng Tư 1793, người dân Lauretins đã chào đón các đoàn quân hoàng gia Tây Ban Nha đi vào làng xóm của họ và các vệ binh quốc gia địa phương đã bắn vào đám quân tình nguyện Pháp, họ đành rút lui. Quân Tây Ban Nha đã được chào đón qua một bài ca tiếng Catalan cầu xin họ có tinh thần trọng pháp luật.
Hàng trăm người đã sánh vai chiến đấu cùng đoàn quân Tây Ban Nha trong một năm trời cho tới khi cánh quân Jacobins chiếm lại một phần vùng đất tiến gần tới Vallespir vào tháng Năm 1794.
Một biến động còn nghiêm trọng hơn đánh vào chính thể Cộng Hoà là cuộc nổi dậy chống lại nhóm Jacobins vào tháng Tư tại Corsia. Nó quan trọng đối với Cách Mạng vì sự nổi tiếng của Paoli và truyền thống cộng hoà lâu đời của hòn đảo.  Là viên thống đốc trên đảo, Paoli đã có một hiến chương dân chủ tự do được viên tổng lãnh sự Di Corti thừa nhận vào năm 1755. Sau đó vào năm 1768, quân đội Pháp của vua Louis XV đã xâm chiếm đảo và xóa bỏ quyền tự trị. Không ngạc nhiên lắm, từ 1789, Paoli đã được Hội Đồng Quốc Gia chào mừng như vị anh hùng. Tuy nhiên, qua sự lật đổ chế độ quân chủ và sự thất bại của hệ thống Liên Bang vào giữa năm 1793, Paoli ngày càng quan tâm đến những cưỡng ép tập trung của Quốc Hội Nghị Viện. Xã hội Corsi phân rẽ ra giữa những người ủng hộ Paoli và những người ủng hộ dòng họ Bonaparte. Dòng họ này sau đó đã buộc phải bỏ trốn vào đất liền và bị hội đồng Corsican cáo buộc là bọn phản quốc và là kẻ thù của tổ quốc, bị lên án muôn đời nguyền rủa và nhục nhã.
Cuộc nội chiến tại Vendée, những thất bại quân sự ở tiền tuyến và sự lý giải ngày càng thêm nguy hiểm của phe cánh Girondins đã đẩy những người không phe phái đến việc ủng hộ các đề xuất của phe Jacobins cho những biện pháp khẩn cấp thời chiến. Giữa tháng Ba và tháng Năm 1793, Quốc Hội Nghị Viện đặt các quyền hành pháp vào tay một Uỷ Ban Công An và quyền hành giữ trật tự vào tay Ban An Ninh Thường Trực. Quốc Hội Nghị Viện cũng hành động để giám sát quân đội qua các ‘đại biểu đặc nhiệm.’ Họ thông qua những nghị quyết tuyên bố ‘khai tử về mặt dân sự’các di dân,  cung cấp cứu trợ công cộng và đặt sự kiểm soát giá cả  ngũ cốc và bánh mì.
Phe cánh Girondins bị chạm nọc vì  sự mất quyền bính trong Nghị Viện và sự tấn công ngày càng tăng của đám ‘Sans-Culottes’. Họ phản công bằng việc tìm cách buộc tội ‘người bạn của dân’ Marat, bằng cách đe doạ di chuyển thủ đô về Bourges và bằng cách tấn công chính quyền thành phố Paris hay còn gọi là Công Xã Paris. Isnard cảnh cáo đám Sans-Culottes: “Nhân danh nước Pháp, ta nói cho các người biết rằng nếu những vụ nổi dậy này cứ tái diễn mãi như vậy thì chúng sẽ gây hại cho Quốc Hội mà đất nước đã bầu chọn. Rồi Paris sẽ bị huỷ diệt và người ta sẽ phải đi lùng sục trên bờ sông Seine  trong vô vọng để đi tìm  cho ra dấu vết của Paris.” Trong cái bối cảnh khủng hoảng quân sự và lạm phát phi mã, những đe doạ như vậy nghe lạ lùng  giống như tuyên ngôn của Công tước Brunswitch vào tháng Bẩy 1792 và đã làm dân lao động Paris giận dữ. Phụ nữ buôn bán ở chợ bắt đầu kêu gọi một cuộc thanh trừng với một sự cưỡng bức cho đám người phi cách mạng như vậy. Vào giữa tháng Tư, 35 phân bộ đã đồng ý về một danh sách các đại biểu Girondins bị khai trừ khỏi Quốc Hội Nghị Viện và thiết lập một Uỷ Ban Cách Mạng Trung Ương. Công Xã Paris đã ra lệnh thành lập một đội dân quân Sans-Culottes 20,000 có trả lương trú đóng chung quanh Nghị Viện vào cuối tháng Năm và ép buộc các đại biểu còn lưỡng lự chấp nhận những mong muốn của họ.  29 đại biểu Girondins  bị bắt giữ.
 Khởi đầu Quốc Hội Nghị Viện đã do dự: Liệu việc thanh trừng của Nghị Viện không phải là một sự khinh mạn không thể tha thứ về nguyên tắc chủ quyền đất nước chứ? Tuy nhiên, sau đó họ đã thực hiện để giải quyết sự khủng hoảng của đất nước trong cơn nguy hiểm của sự sụp đổ nội địa và thất bại bên ngoài. Vào mùa hè 1793, Cách Mạng đối diện cuộc khủng hoảng lớn lao nhất đồng loạt về cả quân sự, xã hội và chính trị. Quân địch đã tiến vào trong đất Pháp tại Đông Bắc, Đông Nam, Tây Nam; và trong nội bộ thì cuộc nổi dậy lớn lao tại Vendée đã thu hút phần lớn quân đội Cộng Hoà. Những đe doạ này còn trầm trọng thêm vì sự trả thù của 60 ban quản trị hành chánh về việc thanh trừng nhóm Girondins. Những thành phố vùng miền lớn nhất đã rơi vào tay một liên minh giữa những người Cộng Hoà bảo thủ và những người bảo hoàng. Vào ngày 29 tháng Tám, kho vũ khí hải quân  chủ chốt Toulon tại vùng Điạ Trung Hải đã bị các sĩ quan tại đây giao lại cho Hải Quân Anh Quốc đang  phong tỏa bờ biển.
Những cuộc biến loạn mệnh danh “liên bang toàn quốc” này chỉ được liên kết ngẫu nhiên cùng thời điểm. Tuy nhiên, tất cả chúng đều phát xuất từ những truyền thống vùng miền mạnh mẽ.  Cuộc nổi dậy “tổng liên bang” đặc biệt  dữ dội ở những thành phố lớn ở phía Nam (Bordeaux, Lyons, Toulouse và Marseilles) và tại Normandy ((trung tâm vùng Caen). Trên hết, cối lõi của  cuộc nổi dậy tổng liên bang này là sự giận dữ của giới tư sản thượng lưu, đặc biệt tại các thị trấn thương mại, theo chiều hướng cấp tiến Cách Mạng đã đề ra. Sự thanh trừng các đại biểu đã được bầu chọn chỉ là giọt nước làm tràn ly.  Những mục tiêu trước mắt của cuộc dấy loạn là người trong phe Jacobins địa phương và các dân quân, nó phản ánh cái tính chất đặt căn bản trên giai cấp của sự chia rẽ địa phương. Tại Toulon, ủy ban nắm quyền hành gồm có 16 thương gia, 8 luật sư, 6 trang chủ thuê đất, 11 sĩ quan và kỹ sư cơ khí hải quân, 3 công chức, 3 linh mục và 3 thợ thủ công. Họ xác định rằng: “Chúng tôi thưởng thức thành quả của chúng tôi, tài sản, hoa quả trái cây và sản phẩm từ công lao khó nhọc và  nền kỹ nghệ của chúng tôi trong sự hoà bình. Vậy mà chúng tôi thấy bọn họ không ngớt đưa ra những lời đe dọa từ những kẻ chẳng có gì cả.” Tại Lyon cũng thế,  cuộc tranh đấu giữa Jacobins và Girondins được nối kết vào chính trị và quân sự của những người thợ dệt lụa, được biểu lộ qua các câu lạc bộ Jacobins trong những năm tháng kể từ 1789. Tuy nhiên, không có nơi nào mà phe cánh “Tổng Liên Bang” tập hợp được một lực lượng quân sự  đủ hùng mạnh  để gây nên một mối đe dọa nghiêm trọng cho quân đội nhà nước.
Sự đe doạ tiến vào tới trung tâm của Nghị Viện vào ngày 13 tháng Bẩy khi Charlotte Corday ám sát Marat. Corday, người đến từ vùng đất vững chắc của phe Tổng Liên Bang tại Caen, là một người ủng hộ Girondins và coi  Marat là một cá nhân biểu hiện cho những cặn bã của cuộc Cách Mạng. Bà ta bị ra tòa ngày 17 và bị hành quyết cùng ngày. Cùng với Le Peletier, người bị một tay bảo hoàng giết trong đêm Nghị Viện bỏ phiếu kết án tử vua Louis XVI, và Joseph Chalier, người lãnh đạo Jacobins tại Lyons bị những tay “Tổng Liên Bang” giết ngày 17 tháng Bẩy, cùng với Marat tạo thành một bộ ba liệt sĩ Cách Mạng. Trong lãnh vực kinh tế,  đặc biệt số phận của những người hưởng lương tiếp tục suy thoái: Vào tháng Tám, giá trị  mua hàng của đồng Assignat đã giảm đi 22% so với giá trị được ấn định, và giảm 36% so với tháng Sáu. Đến lúc này Cách Mạng, thực ra là chính nước Pháp, có nguy cơ đứng trên bờ vực thắm.
Đối tượng đầu tiên của Ủy Ban Công An Jacobins được Hội Đồng Nghị Viện bầu chọn trong ngày 27 tháng Bẩy là để thực hiện các luật lệ và sự kiểm soát cần thiết cho việc đánh một màn khủng bố vào đầu não của những tay phản Cách Mạng. Nghị Viện ngầm đồng ý  với các biện pháp hà khắc cần thiết, như các ban giám sát, giam giữ phòng ngừa và kiểm soát  tự do dân sự để bảo đảm thể chế Cộng Hoà tới một vị trí mà Hiến Pháp Tự Do và Dân Chủ  tháng Sáu 1793  có thể được thực thi. Hiến Pháp mà phần lớn là tác phẩm của Robespierre chú ý đáng kể cho sự bảo đảm các quyền xã hội và sự kiểm soát của công chúng đối với một hội đồng được bầu chọn qua quyền bỏ phiếu phổ thông của các nam công dân:
Điều 21: Sự trợ giúp công cộng là một món nợ thiêng liêng. Xã hội mắc nợ sự sống còn đối với các công dân kém may mắn, hoặc bằng việc tìm kiếm công ăn việc làm cho họ hay bằng cách cung cấp phương tiện để tồn tại cho những ai không thể lao động.
Điều 22: Tất cả mọi người (thuộc nam giới) cần được hướng dẫn. Xã hội phải đưa tiến trình lý trí công cộng đi xa hơn với tất cả quyền hạn của mình và làm cho sự hướng dẫn có hiệu lực đến mọi công dân.
Điều 35:  Khi chính quyền vi phạm các quyền hạn của nhân dân, sự nổi dậy sẽ là một trong những quyền thiêng liêng nhất và nhiệm vụ cần thiết nhất cho nhân dân và cho mỗi người dân.

Kết quả của cuộc trưng cầu ý dân về việc có chấp nhận hay không với chừng 1.8 triệu phiếu thuận và chỉ 11,600 phiếu chống được loan báo trong ngày lễ “Thống Nhất” 10 tháng Tám, kỷ niệm đệ nhất chu niên ngày lật đổ chế độ quân chủ. Con số cuối cùng cho phiếu thuận  có lẽ sát hơn với 2 triệu trên tổng số khoảng 6 triệu nam công dân có quyền bỏ phiếu. Tỷ lệ tham dự đầu phiếu thay đổi tuỳ vùng từ ít hơn 10% tại phần lớn vùng Brittany tới 40 – 50% dọc theo bờ sông Rhine và nhiều phần vùng Massif Central. Tại vài khu vực, việc đi bầu trở thành một lễ hội: Tại St-Nicolas-de-la-Grave thuộc tỉnh bang Haute-Garonne, vài người có mặt đã bị giao động qua một bài diễn thuyết mà nó chuyên chở được lòng nhiệt thành tuyệt vời nhất. Đôi mắt họ long lanh ngấn lệ và ôm chầm lấy nhau chia xẻ những nụ hôn thân thiết tình anh em. Tương tự tại Lamballe thuộc Vôtes-du-Nord, phụ nữ tụ họp thành đoàn để biểu lộ sự đồng ý với Hiến Pháp. Ở nơi khác, 343 phụ nữ đi bầu tại Laon và tại Pontoise có 175 phụ nữ và 163 trẻ em. Tuy nhiên, cái mức độ tự do cá nhân được bảo đảm trong Hiến Pháp như vậy lại đã bị treo cho tới khi có hoà bình vì e ngại đám  phản cách mạng  lạm dụng  sự tự do.
Vào giữa năm 1793, chính quyền Cộng Hoà đã gây chiến với hầu hết Âu Châu và quân ngoại quốc đã có mặt trên đất Pháp tại Tây Nam, Đông Nam và Đông Bắc. Sự thách thức về quân sự đưa đến một cuộc tổng động viên lạ thường về tài nguyên quốc gia và về sự đàn áp các đối thủ.  Điều thiết yếu cho sự động viên này là sự thiết lập một liên minh thành thị & thôn quê của chính quyền Jacobins qua việc hỗn hợp hù doạ, cưỡng bức và các chính sách nhắm vào cả những bất mãn  của công chúng và đặt toàn thể đất nước vào tình trạng chiến tranh.
Nghị Viện đã phải vượt qua những bất thường của cuộc chiến đấu tại rất nhiều mặt trận vào cái thời điểm chia rẽ nội bộ và cuộc nội chiến và cả một số điều thất vọng: có lẽ có đến 35,000 quân lính (khoảng 6% trên tổng số) đã đào ngũ trong nửa năm đầu 1973 và nhiều người khác đã phản ứng lại vì sự thiếu hụt tiếp liệu lương thực vì nạn trộm cắp  các sản phẩm địa phương.  Trong mùa đông 1793, một người lính tại miền Đông Nam đã viết rằng “tiểu đoàn của chúng tôi đang ở trong tình trạng thiếu thốn nhu yếu phẩm vô cùng, giống hệt như những người vô sản (Sans-Culottes) thực sự. Từ người đầu đến người cuối, chúng tôi không hề có giày dép, lại bị ghẻ lở và bọ chét gặm nhấm.” Một tiểu đoàn cạnh đó báo cáo rằng họ phải đào rễ cây ăn để sống còn.
Sự đào ngũ đã giảm đến mức tối thiểu trong 1973-1974 nhờ kết quả của một sự hỗn hợp cưỡng bức, tuyên truyền và sự hữu hiệu của Ủy Ban Công An Jacobins và các viên chức của họ trong việc tiếp tế cho một đội quân gần 1 triệu người.  Giữ gìn năng lực của Quốc Hội Nghị Viện cùng các ủy ban của nó là đòi hỏi của phe cánh Sans-Culottes rằng chỉ có một sự tổng động viên giàu nghèo giống như nhau mới có thể cứu được thể chế Cộng Hoà: Vào ngày 23 tháng Tám, tất cả đàn ông độc thân tuổi từ 18-25 đều được trưng binh hàng loạt.:
“Các chàng trai trẻ sẽ đi chiến đấu. Đàn ông có vợ sẽ đến các đơn vị sản xuất vũ khí và vận tải. Phụ nữ sản xuất lều trại và quân trang. Những người già sẽ được đưa đến những nơi công cộng để khuyến khích sự dũng cảm của các chiến sĩ, để rao truyền sự thù ghét đối với vua chúa và duy trì sự đoàn kết của thể chế Cộng Hoà.”
Các đơn vị Vệ Binh Quốc Gia lãnh nhiệm vụ săn lùng những người trốn tránh việc động viên hay đào ngũ. Việc trưng binh tại các vùng không nói tiếng Pháp dùng một sự hướng dẫn căn bản bằng tiếng Pháp và quân lính trưng binh mới được chia rải rác ra trong khắp quân đội để giảm thiểu sức quyến rũ của việc chiến đấu tập trung sự tuyên truyền đám đông, chẳng hạn như tờ báo khiêu dâm  hạ cấp ‘Le Père Duchesne’ của Hébert được phân phát và ‘các đại biểu đặc nhiệm’ đến từ Nghị Viện được bảo đảm quyền trừng phạt nhanh chóng đối với những sĩ quan do dự và những cấp dưới không sẵn lòng. Sự xây dựng một tinh thần mới trong quân đội không phải duy nhất là kết quả của sự cưỡng chế: các thư từ của quân lính gửi về nhà cũng chứa đầy những nhận xét về nhiệt tâm Cách Mạng và cam kết của họ đối với Tổ Quốc. Anh chàng tình nguyện quân Pierre Cohin từ đạo quân phía Bắc đã viết về gia đình:
Cuộc chiến chúng ta đang chiến đấu không phải là một chiến tranh giữa vua với vua hay giữa quốc gia với quốc gia. Đó là một cuộc chiến của tự do chống lại độc tài. Không còn nghi ngờ gì rằng chúng ta sẽ chiến thắng. Một đất nước có công lý và tự do thì không thể bị đánh bại.”
Nền văn hóa chính trị của thể chế Cộng Hoà ám chỉ đến những mối quan hệ mới với giới chức thẩm quyền. Sự thiết lập những đạo quân Cộng Hoà lớn lao gồm quân chính quy và  quân tình nguyện  bây giờ hỗn hợp đã gây nguy hiểm cho một nền văn hoá quân sự đã trở thành một mô hình thu nhỏ của xã hội ‘hồi sinh’ như Quốc Hội Nghị Viện đã dự đoán.
Sắc luật Tình Nghi ban hành ngày 17 tháng Chín được tạo ra để  đưa những ‘kẻ không yêu nước” đi giam giữ hay để hù dọa họ không dám hành động. Sự việc ủy ban giám sát bắt giữ những ’kẻ tình nghi’ trực tiếp tới những người, theo định nghĩa, có hành động hay yếu tố có liên hệ với chế độ cũ. Tại Rouen, 29% trong số 1158 người tình nghi bị bắt giữ là giới quý tộc, 19% là giáo sĩ và 7.5% là những người nắm giữ chức vụ quản trị trước đây. Họ bị bắt giữ vì thân thế của họ đi đôi với những nghi ngờ về tư cách. Họ không phải là những người duy nhất bị bắt giữ: có tới 16.8 % là đám tư sản và giới lao động chiếm 27%. Trong khi nhiều người trong giới thường dân làm việc cho chế độ cũ, những người bị bắt giữ bị buộc tội vì những lời nói hay hành vi chống đối Cách Mạng. Trong số các chủ tiệm, các hành vi này thường có liên quan đến việc đầu cơ tích trữ hàng hóa. Đáng kể là có tới 39.4 % người bị tình nghi là phụ nữ, đặc biệt trong giới quý tộc và giáo sĩ. Điều này phản ánh cái xu hướng đàn ông trong 2 nhóm nhày đã di tản, để lại phụ nữ trở thành trung tâm điểm của sự tình nghi vì tên tuổi của gia đình họ và sự ủng hộ những người không tuyên thệ.
Những tháng này là cao điểm của quần chúng can hệ vào việc ủng hộ cũng như chống đối cuộc Cách Mạng. Ngay từ năm 1789 mà  cái biểu hiệu của tự do, sau đó là chính cuộc Cách Mạng đã có dáng dấp nữ tính, có lẽ vì trong ngôn ngữ Pháp, các đức tính và phẩm chất cổ điển thuộc giống cái và trong sự bắt chước vô ý thức của Công Giáo về đức tính của Mẹ Maria. Cuối năm 1793, nữ thần tự do và ngay cả chính cuộc Cách Mạng đã bị những kẻ chống đối ám chỉ khi liên hệ đến một cách chế nhạo như “Marianne”, một cái tên chung chung của người dân quê có nghĩa là “thuộc về người dân”. Cũng như trong trường hợp từ ngữ Sans-Culottes, những người Cộng Hoà sau đó đã thừa nhận cái tên Marianne với niềm tự hào. Vào ngày 14 tháng 11 năm 1793. một viên chức đã tường thuật từ Narbonne:
“Các nhà thờ, ngoại trừ 2 cái, đã bị gạt bỏ ra ngoài và sự cải tổ này đã chỉ làm cho một ít phụ nữ nhiệt thành phàn nàn. Họ kiên quyết từ chối tin vào Thượng Đế mà các linh mục tuyên thệ theo Hiến Pháp mang đến với họ. Họ đặc biệt vui thích chứng kiến khi họ gặp gỡ và thăm dò tin tức về Cách Mạng. Họ thừa nhận với một giọng điệu buồn rầu và xoắn mắt xoắn môi trong một nụ cười thành kính: “Marianne sao rồi? – A! nàng ấy không khoẻ lắm, Nàng chắc chẳng sống lâu đâu – hay : cô ấy đỡ rồi. Cô đang hồi phục.”
Nhiều cộng đồng vùng xa xôi và những  khu thành thị lân cận đã dùng những chiến lược đa dạng để tránh né hay công khai chống đối những yêu sách của chính quyền trung ương và các đại diện địa phương của chính phủ. Những sự kháng cự đối với những đòi hỏi quá đáng của chính quyền Cách Mạng được biểu lộ qua việc không trả thuế, tránh tối đa các loại phí thu trên giá cả của các món hàng tiêu thụ nhu yếu phẩm và lương bổng và không chịu xử dụng tiền giấy Assignat. Tuy nhiên, sự chống đối chính trị vào thời điểm chiến tranh ẩn tàng sự đe doạ có thể bị kết án tử hình cho tội phản quốc. Tại Nantes, Carrier được ủng hộ bởi những người Cộng Hoà giận dữ và muốn trả thù khi ông ta ra lệnh dìm chết đuối  tới 1800 dân Vendée nổi loạn, gồm cả các linh mục.
Tại Vendée, sự đàn áp các cuộc nổi dậy không chút khoan nhượng. Trong khi nhiều người lãnh đạo theo phe Liên Bang được coi là người Cộng Hoà, họ đã được thoả hiệp 2 mặt: Trước hết, bởi vì họ đã phủ nhận uy quyền của Quốc Hội Nghị Viện ở cái thời điểm thể chế Cộng Hoà đang khủng hoảng quân sự nghiêm trọng nhất. Thứ hai, bởi vì sự ủng hộ họ nhận được từ phe bảo hoàng, giới quý tộc và các giáo sĩ do sự liên kết đã làm họ bị lu mờ. Thật dễ dàng cho phe cánh Jacobins sơn phết đám người Liên Bang này ở trong một đội ngũ chung với đội quân của chế độ cũ. Tại Marseilles, 499 trong số 975 người bị tình nghi đã bị toà án Cách Mạng kết án có tội với 289 người bị hành quyết. Ngược lại tại Lyons, 1880 người được một toà ít câu nệ tuyên án nhẹ hơn. Collot d’Herbois thuộc Ủy Ban Công An đã ra lệnh xử bắn để trừng phạt thành phố “Ville Affranchie” đổi tên. Trong số những người bị xử bắn có Antoine Lamouette, một Giám Mục đã tuyên thệ theo Hiến Pháp của Lyons, người đã thuyết phục được mọi phe phái của Hội Đồng Lập Pháp trong một buổi họp ngày 7 tháng Bẩy vào thời kỳ khủng hoảng quân sự đầu tiên.
Trong lời tuyên bố của chính quyền Cách Mạng ngày 10 tháng Mười, Ủy Ban Công An đã loan báo rằng: “Chính phủ lâm thời của Pháp là (chính quyền) Cách Mạng cho đến khi có hòa bình.” Tất cả các cơ quan và quân đội lúc này được đặt duới sự kiểm soát của Ủy Ban mà nó sẽ báo cáo hàng tuần lên Quốc Hội Nghị Viện. Trong cùng tháng, theo bước chân Marie-Antoine lên giàn hành quyết là 21 đại biểu Girondins đã bị khai trừ hồi tháng Sáu. Sau đó đến phiên Bailly và Barnave.
Trong số những người phe Girondins bị hành quyết có đại biểu và là nhà báo Gorsas, người đã trốn khỏi thủ đô hôm 2 tháng Sáu. Ông ta đã tổ chức một cuộc nổi dậy vũ trang tại Normandy và trốn đi khi bị thất bại. Ông ta bị bắt khi quay trở lại Paris thăm tình nhân của ông.
Trong khi, ngay từ khởi đầu của toà án Cách Mạng Paris vào tháng Ba 1793, chỉ có 66 trong số 260 kẻ bị tình nghi bị tìm thấy có tội đại hình; đến ba tháng cuối cùng trong năm, con số có tội có tới 177 trong số 395 ngưởi bị tố cáo. Tuy nhiên, cho tới tháng Sáu 1794, hầu hết những kẻ bị tình nghi chưa bao giờ xuất hiện trước toà án. Những người đã ra toà thì 40% được tha bổng. Những kẻ kém may mắn đối diện cái chết và ngỏ lời vĩnh biệt tới những người thân yêu. Trong tháng Mười, Marie-Madeleine Coutelet, người làm việc trong một xưởng dệt vải gai tại Paris bị bắt giữ vì những lá thư được tìm thấy trong phòng cô chỉ trích những hạn  chế của thời Khủng Bố. Coutelet đã khăng khăng một cách vô ích rằng đó chỉ là những sự chế nhạo mỉa mai mà thôi. Lá thư cuối cùng cô viết cho cha mẹ:
“Xin vĩnh biệt, con xin hôn cha mẹ lần cuối. Con là đứa con đáng yêu, tình cảm nhất của cha mẹ trong các chị em. Ngày hôm nay, con tìm thấy điều tốt đẹp nhất mà đấng Tối Cao đã ban cho. Hãy cứ sống và nghĩ về con với nỗi vui mừng trong cái hạnh phúc đang chờ đón con. Tôi ôm hôn các bạn và xin biết ơn tất cả những người đã có lòng tốt nói lên tiếng nói bảo vệ tôi. Xin vĩnh biệt lần cuối. Mong rằng các con cái tôi hạnh phúc. Đó là mong ước cuối cùng của tôi.”
May mắn hơn là anh chàng thư ký 26 tuổi Jean-Louis Laplane, người đã trốn khỏi Marseilles đi lưu vong vào giữa tháng Chín, theo lời của anh ta: “đã bị theo đuổi bởi một lũ người man rợ đã bao phủ nước Pháp bằng máu và tang tóc.”
Cuộc tổng động viên trên toàn lãnh thổ đòi hỏi Nghị Viện đi những bước để tạo nên một sự đoàn kết mới bằng những biện pháp tích cực cũng như bằng sự hù doạ. Trong 2 ngày 5 và 6 tháng Chín, hàng ngàn người Sans-Culottes, lúc này đang ở trên đỉnh quyền lực đã tràn vào xâm chiếm Quốc Hội Nghị Viện để nằng nặc đòi những “lệnh lạc” của họ phải  đem áp đặt những biện pháp kinh tế và quân sự cấp tiến. Nghị Viện đã hành động để thoả mãn những yêu sách của ngày này (hay sự nổi dậy này) bằng việc ra nghị quyết ngày 29 tháng Chín giữ ổn định giá cả  của 31 loại hàng hoá ở mức giá thời 1790 cộng thêm 1 phần 3 và ấn định lương bổng ở 150% mức lương 1790.
Quốc Hội Nghị Viện cũng bị buộc phải đáp lại những làn sóng bất ổn vùng quê xa xôi đã ảnh hưởng 2 phần 3 các tỉnh lỵ kể từ 1789. Trong khi việc bênh vực cho sự phân chia các bất động sản lớn lao, hay còn gọi là “luật nông nghiệp” bị coi là tội đại hình trong tháng Ba 1793, phe cánh Jacobins sau đó đã thực thi một loạt các biện pháp  tạo ra để  lấy lòng đám đông quê mùa, một điều kiện không thể bỏ qua được cho sự thành công quân sự. Vào 14 tháng Tám 1792, Hội Đồng Lập Pháp đã ấn hành một nghị quyết cấp tiến ngắn gọn trực tiếp chỉ đạo các công xã phân chia vùng đất công không phải là rừng cây. Vào 10 tháng Sáu 1793, Nghị Viện đã thay thế luật này với một điều luật còn cấp tiến và gây tranh cãi hơn, một trong những cố gắng tham vọng nhất của chính quyền Cách Mạng để thoả mãn những nhu cầu của đám dân nghèo. Điều luật yêu cầu các công xã xúc tiến việc phân chia nếu đây là ước muốn của 1 phần 3 cánh đàn ông trưởng thành. Đất đai sau đó được phân chia trên căn bản chia đều cho từng người (đàn ông, đàn bà và trẻ em). Tuy nhiên, phí tổn trả công cho các thanh tra viên đã làm giảm bớt sự có ích của điều luật này như một phương cách giải quyết một vấn đề đã gây chia rẽ những người dân quê xa xôi: Đó là liệu những lợi ích của dân nghèo  có được bảo đảm tốt nhất qua việc chia ra hay giữ lại đất công? Một loạt các biện pháp đã thúc đẩy nghị quyết ngày 25 tháng Tám 1792 đi xa hơn theo chiều hướng một sự xóa bỏ hoàn toàn chế độ lãnh chúa. Từ 17 tháng Bẩy 1793, những tay cựu lãnh chúa chỉ còn lại những lợi tức thuê mướn và lệ phí hoàn toàn trên đất đai và không còn chế độ phong kiến. Chế độ phong kiến đã chết vào giữa năm 1793 không phải vì những cuộc hội họp liên tiếp đã đưa ra một loạt các cuộc tấn công ngày càng mạnh bạo hơn vào những yêu sách chồng chất của một trật tự xã hội lâu cả một thế kỷ, nhưng bởi vì họ bị buộc phải đáp ứng một loạt các làn sóng những hành động chống lại thể chế lãnh chúa từ khắp mọi vùng miền.
Cuộc Cách Mạng miền quê xa xôi kéo dài chống lại thể chế lãnh chúa đã ràng buộc các cộng đồng xa xôi lại với nhau. Lúc này chế độ phong kiến đã chết, sự chia rẽ nội bộ trong pham vi xã hội vùng quê bắt đầu nổi lên. Ngay từ khởi đầu cuộc Cách Mạng, sự đụng chạm trong cái điều luật chống chế độ lãnh chúa năm 1789 đã nằm sâu sẵn trong  sự xung đột chung về việc làm chủ và  kiểm soát đất hoang. Chế độ lãnh chúa cuối cùng đã hoàn toàn bị xóa bỏ, nhưnng cần lâu hơn nữa để giải quyết những câu hỏi liên quan đến việc kiểm soát các tài nguyên kinh tế tập trung, đến việc thèm muốn đất đai và những việc khai quang.  Mặc dù nhóm Jacobins sẵn sàng giới hạn tự do cá nhân vì lợi ích quốc gia, cuối cùng họ cũng không thành công hơn những đồng viện tiền nhiệm thuộc phe tự do của họ. Trong một báo cáo được viết từ Lagrasse ngày 8 tháng 12 năm 1793, viên chức Jacobins Cailhava đã tường thuật rằng : “khu vực trước đây là đồng cỏ và bụi rậm bao phủ với những cây sồi xanh, nhưng đối với Cách Mạng, mỗi cá nhân coi chúng như những bắp cải trong vườn nhà họ.”  Cailhava đã giải thích điều này là vì sự thu hút vì giá cả cao của than và vỏ cây, nhưng cũng bởi vì đám  chăn cừu bò có thói quen lùa đàn gia súc tới những vùng có cây cối dồi dào cỏ non nhất vào mùa đông. Một nhà quý tộc có lòng tốt đã bỏ lại khoảng 300 mẫu rừng khi ông ta di dân  ra nước ngoài. Khu rừng đã bị phá hủy, đào gốc rễ, cướp phá và đàn dê đến gặm cỏ hàng ngày.  Tại khu quận Narbonne đã có một sự thiếu hụt cây cối trầm trọng vì cư dân tỏ vẻ coi thường đối với những cây chỉ mang lại tí bóng mát. Riêng với loại cây sồi, thì chiến tranh cứ liên tục để tranh giành chúng, vì vỏ của rễ cây sồi là loại thuốc nhuộm màu tốt nhất cho việc thuộc da. Người dân đã sẵn sàng để khai quang thêm đất mới, và thật đáng lo ngại vì cái hăng hái vô ý thức trong việc chuyển đổi tất cả đất đai thành những cánh đồng.
Những do dự của các nhà làm luật về thể chế lãnh chúa và quyền xử dụng đất đai đã đổ thêm dầu vào nền chính trị vùng xa xôi trong những năm 1792-1794, làm trầm trọng thêm những chia rẽ đã gây ra từ sự cải tổ Giáo Hội. Cuộc Cách Mạng vùng quê xa xôi có nhịp điệu và năng động nội tại riêng của nó, phát sinh từ cái bản chất riêng biệt của địa phương. Cái hình thức chính xác mà nền chính trị vùng quê khoác lấy là một phận sự phải hiểu biết về những lợi ích và những khó nhọc mà Cách Mạng mang lại, về những thái độ đối với Giáo Hội và về những cấu trúc xã hội địa phương. Bởi thế, khi những thái độ chính trị biến đổi trên khắp vùng quê, thái độ vững chắc nhất ở khắp nơi là sự thù ghét cho cả chế độ cũ và những khái niệm tư bản về các quyền  sở hữu tài sản riêng tư. Việc kêu gọi cho một ‘luật nông nghiệp’ tại miền Đông Bắc tương tự như việc gia tăng chống tư sản ở miền Tây, ở vùng Brittany và vài nơi khác. Tại Neulisse (Loire), bọn thanh niên có vũ trang đang tập trung cho việc bỏ phiếu chọn việc nhập ngũ năm 1793  đã thực hiện việc lựa chọn riêng của họ trong việc lựa ra 15 người mà xã  phải cung cấp: vị linh mục ngả theo hiến pháp và 14  tay tư sản “ái quốc”, những người đã hưởng lợi nhất từ cuộc Cách Mạng. Ngược lại, sự hỗn hợp đặc biệt về các đạo đức dân sự mà qua đó các thành phần Sans-Culottes  thực thụ đã được Antoine Bonnet, một chủ quán cà phê và bí thư của Ủy Bam giám sát tại Belley thuộc tỉnh Ain  nói rõ:
“Con người với cảm giác đồng cảm hơn học thức, đạo đức, nhạy cảm, nhân tính; con người phẫn nộ vì lời thì thầm  nhỏ nhẹ nhất của sự bất công; con người dũng cảm và nhiệt huyết luôn mong muốn lợi ích chung, tự do, bình đẳng hay là chết.”
Mọi khu vực miền xa xôi đều có những san sẻ từ những người Jacobins nhiệt tình thường đọc báo chí Paris và báo chí địa phương hay họ có chân trong các câu lạc bộ Jacobins và các đoàn thể công cộng. Tờ La Feuille Villagroise của Cerutti, đặc biệt nhắm tới các độc giả vùng quê xa xôi đã bán được 8000 đến 16000 ấn bản. Người ta đánh giá rằng, vì các ấn bản nhật báo được chuyền tay nhau và được phát thanh tại các cộng đồng xa xôi, độc giả của nó có thể lên tới 250,000 người trong năm 1793.  Ban quản trị hành chánh của Gers đã đăng ký mua mỗi ấn bản cho tất cả 599 xã của tỉnh. Trong cả nước có lẽ có tới 6000 câu lạc bộ Jacobins và các hịêp hội xã hội phổ thông được thành lập trong thời Khủng Bố, mặc dù nhiều hội sau đó chết yểu.  Mặc dù phổ thông nhất ờ các thị trấn nhỏ, tại vùng Provence, 75% – 90% làng xã có một hiệp hội, dấu hiệu của đời sống chính trị sinh động tại vùng Đông Nam nơi lại cũng duy trì những nhà phản Cách Mạng hăng say.
Paris thời 1792 – 1794 là cái trung tâm ồn ào xao động của cuộc Cách Mạng, nơi mà số lượng đông đảo thường dân và binh lính qua lại cùng hiện hữu một cách khó khăn với những cộng đồng ngoại ô có từ lâu đời. Những xáo trộn của thành phố thường đơn giản do cái chính sách mạnh mẽ. Trong một tình trạng như thế,  sự lan toả tin tức từ 1000 người bán báo dạo ngoài đường với nhữntg tiếng rao vang dội  của họ đã tạo nên một thành phố inh ỏi với đủ loại tin đồn pha trộn, lạc quan có, nghi ngờ có. Điều luật về” Tình Nghi” được kiến tạo để chế ngự nỗi bất an như vậy. Trong sự thực thi điều luật, các phân bộ ủy ban với cả ngàn cảnh sát của họ, tập họp từ công vụ mỗi nửa tháng  bởi tất cả các trai tráng mạnh khoẻ đã đóng một vai trò cơ bản. Dối trá, thù hận cá nhân và những lời tố cáo đã tìm được một vùng đất màu mỡ, lại còn các hoạt động của giới có thẩm quyền trong các ban bộ tự  ấn định cho cái hợp pháp và đúng đắn của họ.
Trong khoảng 18 tháng giữa tháng Tám 1792 và đầu năm 1794, sự tham gia chính trị của tầng lớp dân lao động Paris lên tới đỉnh cao. Trong khi sự thực chỉ có chừng 10% nam nhân đều đặn tham dự các buổi họp ban bộ và cũng khoảng phần trăm tương tự đám dân quân Sans-Culottes thuộc giới tư sản theo nghề nghiệp, điều này vẫn là một mức độ đáng chú ý về sự tham gia quần chúng vào thời điểm giờ lao động trong ngày quá dài, xếp hàng mua thực phẩm và những lo lắng về sự sống còn.  Điều đó phản ánh một mức độ chưa có tiền lệ trong cái thành phần xã hội của chính quyền địa phương. Thí dụ như tại Paris, một phần ba các thành viên hội đồng xã là thường dân, cũng như 4 phần 5 ở các ủy ban Cách Mạng được bầu chọn tại từng mỗi cái trong 48 ban bộ của thành phố. Mục tiêu chính trị và xã hội của đám Sans-Culottes cũng được  biểu lộ qua hơn 40 hiệp hội phổ thông với khoảng 6000 hội viên của chừng 86% là thợ thủ công và công nhân có lương; và trên hết trong các buổi hội họp các ban bộ địa phương. Một sự phân tích về các câu lạc bộ Jacobins vùng miền  trong  khoảng 1789-1791 so sánh với 1793-1795 chỉ ra rằng con số thợ thủ công và các chủ tiệm đã gia tăng từ 38.6 tới 45% và chủ trang trại từ 1.1 tới 9.6%. Tỷ lệ các thương gia và người buôn bán lại giảm đi từ 12.1 còn 8.2%, trong khi giới Giáo Sĩ cũng giảm thiểu từ 6.7 xuống 1.6%. Giới quý tộc có 0.6% trước đó đã hoàn toàn biến mất.
Mặc dù các nhà quản trị tổ chức và tổng động viên quân đội tại miền quê đối diện rất nhiều khó khăn, họ đã thành công nhiều hơn thất bại: cả người tình nguyện và người được động viên đều gia nhập quân đội rất đông, số lượng lương thực và xe cộ trưng thu đầy đủ. Tuy nhiên, chế độ Cộng Hoà Jacobins 1793-1794 là một chế độ đòi hỏi:  ngôn ngữ cùa lòng yêu nước, của chủ nghĩa Jacobins và quyền công dân được pha trộn với tiếng gọi của sự thiêng liêng, của sự xung công và lệnh trưng binh. Đó là một chế độ mà trong đó các đại diện địa phương phủ nhận bất cứ gì, đánh đập vào những giả dối của chế độ cũ và đe doạ những người cố chấp.  Theo lời một viên chức miền Nam: ‘Thời điểm của những giả dối vô lý đã qua. Quốc Hội Nghị Viện vinh danh và công nhận tài năng và đạo đức.  Cây Cộng Hoà đang bị lung lay và với đám sâu bọ đang gặm nhấm, nó sẽ đổ xuống.”
Hai ngôi làng mà cuốn sách này liên hệ đến ở đầu sách là điển hinh của những nơi đã duy trì được cái nỗ lực phi thường của chiến tranh 1793-1794. Menucourt cũng là một trong hàng ngàn các làng mạc mà những năm tháng Cách Mạng đã trôi qua tương đối bình yên: Những cải tổ của Hội Đồng Quốc Gia được chào đón và ủng hộ; sự trưng dụng người và tiếp liệu vật chất trong những năm chiến tranh được miễn cưỡng chấp nhận. Tin tức về Cách Mạng và về khủng bố đã về tới làng nhanh chóng, nhưng những sự chia rẽ chính trị tại Paris không ảnh hưởng ở đó và không ai bị hành quyết. Chỉ có một biến cố chính trị địa phương duy nhất về kết quả đã xảy ra vào 20 tháng Chín 1792.  Trong cái ngày mà quân đội Cách Mạng đang chiến đấu cho một chiến thắng quyết định đầu tiên tại Valmy ở miền Đông nước Pháp, và Quốc Hội Nghị Viện đang họp bàn tại Paris. Prosper Vacher, một thợ làm vườn trong lâu đài quý tộc đã đáp lại lời chào “Tổ Quốc muôn năm” do một nhóm 50 “cảm tử quân” bằng một sự đốp chát: “Vạn tuế Đức vua”. Tuy nhiên sau đó Vacher đã được thả ra khi anh ngỏ lời xin lỗi. Menucourt là một thị xã nhỏ và khá xa xôi để có thể tránh được những giai đoạn chia rẽ của cuộc Cách Mạng. Một số phần trách nhiệm cho việc này do bởi vị linh mục Thomas Duboscq, người chỉ mới 39 tuổi và mới đến Menucourt vào tháng Hai 1789 nhưng đã trở nên một nguồn  vững chắc như một linh mục  đi theo hiến pháp, giống như 70% linh mục trong tỉnh và là một công chức được bầu chọn.  Vào tháng Giêng 1794,  ông từ  chức linh mục. Tháng sau đó, những giáo dân cũ của ông đã hát lên những bài ca yêu nước mà ông ta đã sáng tác cho sự trồng cấy lên một cây tự do.
Tại Gabian, những năm tháng Cách Mạng không được bình yên như tại Menucourt, nhưng ngôi làng trở nên nổi tiếng cho học thuyết Cộng Hoà của họ. Một lý do cho việc này là vì sự xóa bỏ chế độ lãnh chúa đã làm giảm bớt một gánh nặng to lớn cho họ. Một lý do khác là, không như hầu hết các linh mục trong khu vực Bézier, vị linh mục chính xứ của Gabian, Pierre Blanc đã tuyên thệ trung thành trong ngày đầu năm 1791 và ở lại trong làng. Dường như là sự nổi giận về việc Blanc ủng hộ cho Cách Mạng có thể đã là một nguyên cớ cho một giai đoạn kéo dài sự vi phạm luật lệ mà sau đó trở thành phản Cách Mạng. Trong khoảng 1791-1793, một nhóm nam nữ địa phương đã vi phạm 30 tội trộm cắp, thường có bạo động, khi họ trên đường trốn chạy. Họ thích thú khi nhạo báng các viên chức Cách Mạng, những người cố bắt giữ họ. Sau vụ hành quyết vua Louis XVI và sự xâm lăng của quân Tây Ban Nha ở phía Nam vào năm 1793, họ công khai đe doạ  rằng ”quân đội Tây Ban Nha sẽ  làm cho bọn “yêu nước Gabian” nhảy múa và họ sẽ hội nhập vào bọn Tây Ban Nha để giúp chúng làm cho dân Gabian nhảy nhổm và rồi  đem đi cắt cổ…” Mọi việc đang trở nên tốt hơn tại Vendée. Nhiều tên trong đám côn đồ này có lẽ đã bị hành quyết vào 1794. Tuy nhiên, Ủy Ban Giám Sát tại Gabian tin tưởng rằng, ở cái thời điển khủng hoảng, họ chẳng có lựa chọn nào khác hơn ngoài việc bắt giữ chúng:
“Chúng ta đã làm đúng những gì chúng ta có thể. Thật là ngọt ngào và vinh quang cho chúng ta được là một phần của xã hội với sự chắc chắn có được sự tôn trọng công cộng và niềm tin sẽ không cảm thấy hối hận.”
Hai ngôi làng may mắn đã có vị linh mục ở lại giáo xứ với họ.  Đối với vai trò của Giáo Hội Công Giáo trong phong trào phản cách mạng, người ta không thể tránh khỏi việc đặt dấu hỏi về sự tồn tại của cấu trúc tôn giáo bên trong nước Pháp. Để thực thi kế hoạch khủng bố, các đại biểu được gửi đến các vùng miền như các ‘đại biểu đặc nhiệm’ chẳng hạn như Fouché trong vùng Nièvre và Javogues tại các tỉnh lỵ quanh Lyons, đã có sáng kiến đóng cửa các nhà thờ và tịch thu tất cả các kim loại trong đó cho nỗ lực phục vụ chiến tranh. Có những khu vực trên đất nước nơi người dân địa phương có khuynh hướng tham gia vào phong trào chống tôn giáo này hay có khi còn khai mào điều đó.Tuy nhiên, ở những nơi khác, nó gây phẫn uất một cách cay đắng.  Cuộc vận động chống Thiên Chúa Giáo đã trùng hợp ngẫu nhiên và thường được nhận diện cùng với những hoạt động của 45 đạo quân Cách Mạng (30,000 đến 40,000 người) hoạt động trong 56 tỉnh bang vào mùa thu 1793. Những đám dân quân Sans-Culottes này đã hỗn hợp với đám người chạy trốn pháp luật và những người khác ra vẻ chỉ đơn giản vui thích với trò tụ tập kết bạn rong chơi, tự cho mình cái nhiệm vụ đi trưng thu thực phẩm cho thành phố và quân đội, đi thu thuế và thanh trừng những người phản Cách Mạng, chiếm hữu kim loại trong nhà thờ để làm dụng cụ chiến tranh và duy trì nhiệt tâm Cách Mạng. Tầm cỡ của những đám này đa dạng từ những nhóm nhỏ chừng 10 người đến những đạo quân lớn tới 7000 tại các vùng Aveyron, Lozère và Paris.
Vào cuối mùa thu 1793, làn sóng quân sự dường như đổi chiều. Các trận chiến thắng quân Anh trong tháng Chín và Mười ở tại Hondshoote gần Dunkerque và quân Áo tại Wattignies đã đánh lui đợt xâm lăng ở miền Bắc. Sau đó các đạo quân của Wesermann đè bẹp đám tàn dư của quân nổi loạn Vendée tại Savenay ngày 23 tháng 12 đã thuyết phục nhiều người rằng ít ra sự kiểm soát thời khủng bố có thể được buông lỏng.
Tuy nhiên, sự đáp trả của chính quyền thì ngược lại. Một mặt, một nghị quyết ngày 6 tháng 12 khẳng định nguyên tắc tự do thờ phượng, việc chống Thiên Chúa Giáo được coi như sự khinh thường một tôn giáo không cần thiết. Mặt khác, một bộ luật quan trọng nhất về chính quyền địa phương được thông qua 2 hôm trước đó khẳng định sự ưu trội của chính quyền trung ương cao hơn quyền tham dự và sáng kiến của công chúng. Đìều khoản I của bộ luật 4 tháng 12 kiên định rằng: “Quốc Hội Nghị Viện là trung tâm điểm duy nhất của các sáng kiến chính quyền.”  Đối với nhiều người, chính quyền trung ương bây giờ càng ngày càng đại diện cho sự trấn áp tùy tiện, làm bất cứ gì trong vai trò của nó để bảo đảm những chiến thắng về quân sự.  Nhà báo Louis-Sébastien Mercier, người được bầu chọn giống như Antoine-Joseph Gorsas ở tỉnh lỵ Seine-et-Oise gần Paris đã bị cầm tù vào tháng Mười 1793 vì đã nói chống lại việc thanh trừng nhóm Girondins. Đối với Mercier: “Thiên Chúa đã dành cho tôi quyền sinh sống mãi mãi tại ngọn núi này hơn là trong miệng núi lửa đầy lưu huỳnh nơi chứa đầy những con người nhuộm đầy máu và bùn đất hệt như những con quái vật hung dữ.”  Tuy nhiên, những người Jacobins mà ông thù ghét đã không coi mình như những con người  khát máu và bần thỉu, mà họ cho rằng mình là những đại biểu của dân được tín nhiệm trong việc cứu vớt chế độ Cộng Hoà và tạo nên một xã hội đáng sống.

No comments: