Cuộc Cách Mạng Pháp 1789-1799

                                                             by Peter McPhee

Chương 3:  Cuộc Cách Mạng năm 1789


Trên 1200 đại biểu của 3 tầng lớp dân tề tựu tại Versailles vào cuối tháng Tư 1789. Những kỳ vọng của các đại biểu cử tri đoàn thật vô giới hạn được biểu lộ qua sự in ấn của giới thường dân từ một tấu trình khiếu nại dài 7 trang của vùng Anjou miền Tây nước Pháp có tên “Ave et le credo du tiers-état” mà nó kết luận bằng một sự thừa nhận tín điều của các tông đồ:  

“Tôi tin tưởng vào sự bình đẳng mà Thượng Đế tối cao, đấng tạo nên trời đất đã thiết lập cho con người. Tôi tin vào sự tự do, cái tự do được cảm nhận do sự can đảm, và được sinh ra từ lòng bao dung; cái tự do đã phải chịu đựng đau khổ dưới thời của Brienne và Lamognon, chịu hy sinh, chết đi và được mai táng và đi vào hoả ngục; cái tự do  rồi sẽ sống lại, sẽ xuất hiện giữa người dân Pháp; sẽ ngự bên hữu của Tổ Quốc nơi mà Tổ Quốc  sẽ phán xét cả tầng lớp thứ ba và các tầng lớp quý tộc.
Tôi tin tưởng vào đức vua trong quyền lập pháp của nhân dân, trong hội nghị của Đại Hội Đồng, trong sự phân chia bình đẳng việc đóng thuế, trong sự sống lại của các quyền lợi của chúng ta và trong cuộc sống vĩnh cửu. Amen”
Dĩ nhiên, thật khó khăn để chắc chắn rằng tác giả có thực sự cố ý mỉa mai châm biếm và phạm thượng hay thực sự tin rằng sự đổi mới khai sáng chính là lời của Chúa. Tuy nhiên dù trong trường hợp nào, “bài kinh chào mừng” trên cũng chỉ ra nó đã vay mượn ngôn từ của Giáo Hội  trong những cố gắng để nối khớp một trật tự biểu hiệu mới.
Sự bày tỏ của các tấu trình khiếu nại trong tháng Ba đã được hoàn thành bằng một cuộc bầu cử các đại biểu của cả 3 tầng lớp cho Đại Hội Đồng Quốc Gia được ấn định hội họp vào ngày 4 tháng Năm 1789. Các vị linh mục hối hả thi hành quyết định của vua Louis sao có lợi cho giới giáo sĩ triều (quản xứ) qua sự bầu bán tại các phái đoàn thuộc tầng lớp thứ nhất (giia cấp giáo sĩ): họ bầu theo từng cá nhân trong các cuộc họp bầu cử đại biểu, trong khi các tu viện chỉ có một đại biểu và các đại thánh đường chỉ một đại biểu cho 10 giáo khu. Điều này được làm như thêm một phương cách áp lực vào giới quý tộc và như một đánh dấu về những việc vi phạm tôn giáo của vua Louis. Henri Grégoire, một linh mục chính xứ tại Lorraine, con trai của một thợ may đã tuyên bố: “Là một người cai quản giáo xứ, chúng tôi có những quyền hạn để đòi phải được thực thi, như một cơ hội thuận tiện chưa từng xảy đến trong suốt 12 thế kỷ qua. Chúng tôi phải nắm lấy nó.”  Yêu sách của ông đã được nghe: khi giới giáo sĩ tập trung để bầu cử đại biểu vào đầu năm 1789, 208 người trong số 303 được chọn thuộc thành phần giáo sĩ cấp thấp; chỉ có 51 trong số 176 vị giám mục được lựa chọn. Hầu hết 282 đại biểu quý tộc nằm trong thành phần ưu tú của giới quý tộc nhưng họ ít có tư tưởng đổi mới hơn những người như Lafayette, Condorcet, Mirabeau, Talleyrand và những người khác hoạt động trong thành phần đổi mới của lớp người thuộc hội “Xã Hội 30” tại Paris, những kẻ giàu có và thuộc giới thế tục sẵn sàng chấp nhận sự nhượng bộ ít nhất các ưu tiên về tài chánh.
Tại những giáo xứ vùng sâu vùng xa,  những buổi hội họp của đám đàn ông đóng thuế  trên 25 tuổi của tầng lớp thứ ba để bầu ra 2 đại diện  cho 100 hộ gia đình đầu tiên và một người nữa cho mỗi 100 hộ kế tiếp. Đối lại, các đại diện này sẽ lựa chọn  để bầu ra đại biểu cho mỗi người trong số 234 cử tri đoàn.  Sự tham dự khắp nơi thật đáng kể nhưng vô cùng khác biệt, trong vùng thượng Normandy  có sự thay đổi từ 10 đến 88% giữa các giáo xứ, quanh Béziers từ 4.8 đến 82.5%, tại Artois từ 13.6 đến 97.2%. Điều trở nên một sắc thái chung của thời kỳ Cách Mạng là, thường thường, những cộng đồng nhỏ bé có sự đoàn kết mạnh mẽ hơn thì mức độ tham dự đạt được cao nhất.  Một hệ thống bầu cử gián tiếp được thực thi cho tầng lớp thứ ba, nơi các giáo xứ và các đoàn thể bầu ra những đại diện và những đại diện này đối lại sẽ bầu ra các đại biểu cho khu quận. Điều này bảo đảm rằng thực sự tất cả 646 đại biểu của tầng lớp thứ ba là các luật gia, công chức, các chủ nhân có tài sản, các nhân vật quan trọng và nổi tiếng trong khu vực.  Chỉ có 100 trong số các đại biểu tư sản này là thuộc các ngành buôn bán và kỹ nghệ. Một trường hợp ngoại lệ hiếm hoi trong số lớp người trung lưu này là Michel Gérand, một nông dân ở gần Rennes, người có mặt tại Versailles với bộ đồ lao động.
Một khi có mặt tại Versailles, 2 tầng lớp một và hai ăn mặc trang phục tương xứng với đẳng cấp riêng biệt  trong phạm vi giai cấp của họ, trong khi tầng lớp thứ ba ăn bận đồng nhất với toàn trang phục màu đen từ đầu đến chân. Theo như lời của một vị bác sĩ có mặt lúc đó tại Paris: “ Trông còn xấu hơn áo choàng đồng phục của thành phần thấp kém nhất trong các trường Đại học Anh Quốc.“ Một đại biểu bình phẩm: “Một điều luật vô lý và kỳ quặc đã được áp đặt khi chúng tôi đi đến do thấy  chủ đạo diễn các toà án các chuyện nhỏ nhặt. “Được nhắc nhở nhớ về thân phận thấp kém trong cái phẩm trật của cái xã hội tập thể này ngay tại buổi khai mạc Đại Hội Đồng, những con người hầu hết  thuộc vùng miền và giàu có này, chẳng bao lâu khám phá ra cái viễn ảnh chung. Chính là sự đoàn kết mà chỉ trong vòng 6 tuần lễ, đã làm cho họ mạnh dạn dấy lên một sự thách thức cách mạng chống lại chế độ chuyên chế và các đặc quyền.  Vấn đề tức thời    vấn đề phương thức bầu cử: trong khi các đại biểu tầng lớp thứ ba từ chối bỏ phiếu riêng biệt, giới quý tộc lại ủng hộ (qua 188 thuận đối với 46 chống) và giới giáo sĩ  khoảng cách thu hẹp hơn ( 134 vs 114) Cuối cùng, vua Louis chấp thuận yêu sách của giới quý tộc là 3 tầng lớp đại biểu bỏ phiếu trong 3 căn phòng riêng biệt đã làm  dấy lên sự phẫn nộ của các đại biểu tư sản.  Qua đó họ được khuyến khích rời bỏ hàng ngũ 2 tầng lớp ưu tiên trên. Vào ngày 13 tháng Sáu, có 3 linh mục chánh xứ từ Poitou đã gia nhập vào tầng lớp thứ ba. Hôm sau lại thêm 6 người nữa theo chân, kể luôn Grégoire.
Vào ngày 17, tầng lớp thứ ba lại đi xa hơn và họ tuyên bố rằng: “Sự diễn dịch và trình bày chung sẽ thuộc về họ.Tên Hội Đồng Quốc Gia là danh xưng duy nhất thích hợp.” Ba ngày sau, họ thấy cửa phòng họp của họ bị khoá không thể vào, các đại biểu kéo nhau di chuyển qua một sân chơi quần vợt có mái che của hoàng gia và dưới sự lãnh đạo của nhà thiên văn Jean-Sylvain Bailly, qua một lời thề cương quyết không thể lay chuyển,  họ kiên quyết tiếp tục mọi diễn tiến của họ ở bất cứ nơi nào cần thiết:
“Hội Đồng Quốc Gia, khi được triệu tập đặt nền tảng cho Hiến Pháp của đất nước, để thực hiện sự tái tạo của trật tự công cộng và bảo tồn những nguyên tắc thực sự của thể chế quân chủ, không gì có thể ngăn cản cái hội đồng ấy tiếp tục những cuộc thảo luận của họ tại bất cứ nơi nào họ có thể tự kiến tạo và bất cứ nơi nào các thành viên của họ tập họp lại thì nơi đó là Hội Đồng Quốc Gia.”
Họ đã quyết định rằng tất cả mọi thành viên của Hội Đồng này giờ sẽ tuyên hứa một lời thề nghiêm trọng sẽ không bao giờ chia cách, và việc tập họp lại với nhau ở bất cứ nơi đâu mà tình huống đòi hỏi cho đến khi Hiến Pháp của đất nước được thiết lập và được củng cố trên một nền tảng vững chắc và đối với lời tuyên thệ, từng người và mọi thành viên sẽ xác nhận cách giải quyết không thể lay chuyển này bằng chữ ký của họ.
Chỉ có một ý kiến phản đối, đó là của Martin Dauch, đại biểu được bầu chọn của Castelnaudary ở phía Nam.
Cách giải quyết của các đại biểu tầng lớp thứ ba được chấp nhận một cách nhỏ gịọt đều đặn từ những giới chức quý tộc có xu hướng tự do và của nhiều người trong số những linh mục quản xứ có xu hướng đổi mới, những người hiện nắm đa số trong thành phần đại biểu tầng lớp thứ nhất. Phiếu bầu trong ngày 19 tháng Sáu, đồng ý gia nhập vào tầng lớp thứ ba gồm có 149 đại biểu giáo sĩ  thuận với 137 phiếu chống là một khúc quanh quyết định trong sự chao đảo chính trị. Một lý do then chốt cho quyết định này là sự phẫn nộ về khoảng cách giữa họ và các bạn đồng viện cấp giám mục của họ.  Abbé Barbotin đã viết về cho một linh mục bạn của ông:
“Trên đường đi đến đây, tôi vẫn có xu hướng tin tưởng rằng giám mục cũng là các vị chủ chăn, nhưng mọi thứ tôi thấy đã buộc tôi phải nghĩ rằng họ chẳng là gì cả ngoại trừ là những người lính đánh thuê, hầu hết là những chính trị gia đầy thủ đoạn, những người chỉ lo toan cho những lợi ích cá nhân và họ sẵn sàng bóc lột hay cắn xé hơn là nuôi nấng đàn chiên của họ.”
Vào ngày 23, vua Louis cố gắng giải quyết sự thách thức này với đề nghị một sự cải tổ thuế má nhẹ nhàng trong khi vẫn tiếp tục duy trì một hệ thống phân biệt các tầng lớp và giữ nguyên hệ thống lãnh chúa. Tuy nhiên, đại biểu tầng lớp thứ ba không nhượng bộ và phương cách giải quyết của họ được củng cố thêm nhờ sự gia nhập  của 47 đại biểu có khuynh hướng tự do 2 ngày sau đó tại Đại Hội Đồng, dẫn đầu bởi quận công D’Orléans, một người thân thuộc trong dòng họ hàng của vua Louis. Vào ngày 27 tháng Sáu, vua Louis dường như đầu hàng  và ra lệnh cho các đại biểu còn lại tham gia cùng các đồng viện của họ ở trong Hội Đồng. Tuy nhiên, mặc dù với một chiến thắng rõ rệt, các đại biểu tư sản cùng với các đồng minh của họ phải đương đầu với một sự phản công của toà án tại Paris, ở cách Versailles 18 cây số và một sự thử thách về nhiệt tâm cách mạng, do 20,000 thương gia ủy thác, và với một biểu hiệu thách thức, ngày 11 tháng Bẩy, vua Louis cách chức Jacques Necker, vị bộ trưởng duy nhất của nhà vua không thuộc giới quý tộc.
Người của Đại Hội Đồng được cứu thoát nhờ sự giải tán tạm thời bởi một hành động tập thể của giới lao động Paris.  Mặc dù bị ngăn trở lớn lao trong sự tham dự vào việc soạn thảo các tấu trình khiếu nại và bầu bán các đại biểu  do bởi  thân thế  và sự nghèo khổ,  kể từ tháng Tư, giới bình dân đã bày tỏ  sự xác quyết của họ rằng sự nổi dậy của các đại biểu giới tư sản là nhân danh người dân thường. Thực ra, một chỉ trích bất ngờ về lương bổng của nhà sản xuất kỹ nghệ Réveillon tại một buổi họp của tầng lớp thứ ba trong ngày 23 tháng Tư đã làm dấy lên một cuộc bạo loạn tại khu quận St-Antoine mà trong buổi họp đó, bắt  chước  theo Sieyès, người ta đã nghe những tiếng hô : “ Tầng lớp thứ ba muôn năm! Tự do muôn năm! Chúng ta sẽ không đầu hàng!” Quân đội đã đến dập tắt bạo loạn với cái giá hy sinh tới hàng trăm mạng sống. Các truyền đơn diễn tả sự giận dữ của đám bình dân vì việc bị loại trừ khỏi diễn biến chính trị. Đổ thêm dầu cho sự giận dữ này  là sự tăng giá  cả của bánh mì từ 8 lên tới 14 xu, một sự tăng giá được cho là kết quả của sự cố ý tích trữ nhu yếu phẩm của  đám địa chủ quý tộc. Nhà xuất bản sách Sébastien Hardy viết trong nhật ký của ông  là : ”Có một nguồn tin chưa từng được biết về những tháng đầu tiên của cuộc Cách Mạng đã ghi chú rằng nhân dân nói rằng các ông hoàng đã đang cố ý  tích trữ ngũ cốc để  mau chóng hất cẳng ông bộ trưởng Necker, người mà họ chỉ muốn lật đổ.”
Dấu hiệu cho hành động quần chúng là sự bãi nhiệm ông Necker và được thay thế bởi nam tước de Breteuil, một người thân cận của hoàng hậu.  Trong số các diễn giả mà người dân Paris kéo nhau đến để nghe tin tức và lấy cảm hứng là: Camille Desmouslins, thân hữu của đại biểu tầng lớp thứ ba Arras; Maximilien Robespierre người Camille đã gặp khi họ còn là sinh viên  nhận học bổng tại trường Louis-de-Grand trong những năm 1770s. Trong suốt 4 ngày sau ngày 12 tháng Bẩy, 40 trong số 54 trạm thuế quan quanh Paris bị phá huỷ. Tu viện Saint-Lazare bị lục soát tìm vũ khí. Các sự nghi ngờ phổ biến rằng giới quý tộc đang tìm cách bỏ đói người dân để buộc họ phải khuất phục đã được chứng thực khi hàng đống hạt thóc dự trữ tại đó được khám phá. Vũ khí đạn dược cũng bị chiếm giữ từ các xưởng chế tạo súng và những trạm quân y cho thương binh và quân lính hoàng gia bị đối đầu. Mục tiêu cuối cùng là đồn trại Bastille ở tại khu quận St-Antoine, vừa là nơi tiếp liệu quân dụng vũ khí đạn dược và vừa là vì cái đồn luỹ kiên cố này khống chế toàn bộ các khu vực quần chúng miền Đông Paris.  Nó cũng là một biểu hiệu ghê gớm của cái uy quyền độc đoán của thế chế quân chủ chuyên chế.  Vào ngày 14 tháng Bẩy, hơn 8000 người dân Paris vũ trang đã bao vây đồn luỹ. Hầu tước de Launay, viên chỉ huy đồn từ chối đầu hàng, và khi đám đông phá cổng vào tới sân, ông ta đã ra lệnh cho 100 quân lính dưới trướng bắn vào đám đông giết chết và làm bị thương khoảng 98 người. Chỉ đến khi 2 cánh quân đến tiếp  viện của  Gardes Franҫais theo phe đám đông  quay nòng đại bác về phía cổng chính của đồn trại, ông ta mới đầu hàng.
Ai là những người đã chiếm Bastilles? Nhiều danh sách chính thức về người chiến thắng thành Bastilles được đưa ra, như họ được biết bao gồm một danh sách có từ viên thư ký  Stanislas Mailland của họ.  Trong danh sách 662 người sống sót của ông có lẽ có một số nhà tư sản kể cả nhà sản xuất bia rượu kèm thương gia Santerre và 76 quân nhân. Số còn lại là đủ loại các người dân thường: thương gia, thợ thủ công và nhân công hưởng lương từ 43 công nghệ khác nhau. Trong số họ bao gồm 49 thợ mộc, 48 thợ đóng tủ, 41 thợ khoá, 28 thợ đóng giầy, 10 thợ làm tóc, 11 nhà buôn rượu,  9 thợ may, 7 thợ nề và 6 thợ làm vườn.
Việc toàn thắng chiếm giữ Bastilles trong ngày 14 đã mang đến nhiều thành quả Cách Mạng. Trong lãnh vực chính trị, nó đã cứu vớt Hội Đồng Cách Mạng khỏi sự bế tắc và hợp pháp hoá một sự thay đổi quyền lực quyết liệt.  Sự kiểm soát thành Paris trong tay các thành viên giới tư sản thuộc tầng lớp thứ ba được hợp hiến hoá với một bộ phận chính quyền thành phố mới  dưới quyền của Bailly và một lực lượng dân quân tư sản do Lafayette, người anh hùng trong trận chiến giành độc lập Hoa Kỳ lãnh đạo. Vào sáng sớm hôm 17 tháng Bẩy, Bá tước d’Artois, người em út của vua Louis đã rời nước Pháp trong sự phẫn uất vì không  còn được tầng lớp thứ ba kính trọng. Dần dần các quan lại bất mãn trong triều cũng theo gót ông tham gia vào cái triều đình lưu vong di tản tại Turin. Tuy nhiên,  cùng trong một ngày, vua Louis đã chính thức chấp nhận chuyện đã xảy ra rồi qua hành vi đến Paris để loan báo sự rút lui của quân đội hoàng gia và sự phục chức cho Necker. Tới cuối tháng, Lafayette đã  nối thêm màu trắng, màu cờ của dòng họ hoàng gia Bourbon vào hai màu đỏ và xanh , màu cờ của thành phố Paris: biểu hiệu ba màu của Cách Mạng Pháp ra đời.
Tuy nhiên, cuộc đột kích chiếm thành luỹ Bastilles cũng làm cho các nhà Cách Mạng phải đương đầu  với một sự khó xử mà họ thấy đáng buồn phiền và khó tu chính. Hành động tập thể của người dân Paris là  cái quyết định trong chiến thắng của tầng lớp thứ ba và của Hội Đồng Quốc Gia. Tuy nhiên, sự đáp lại sau đó của một số người trong đám đông quá vui mừng trong việc chiếm Bastilles đã mang đến một số trả thù dữ dội với sự  giết hại tên quản đốc chỉ huy thành luỹ De Launay và 6  tên lính của ông ta. Liệu đây có là một hành động có thể thông cảm được hay thậm chí là chính đáng của một hành vi quần chúng trả thù đối với một người, mà quyết định bảo vệ nhà tù bằng mọi giá của ông ta đã gây nên cái chết cho 100 người tấn công không? Ngược lại, liệu trong giây phút điên dại và  vô cùng đáng tiếc đó, những hành động của một đám đông có nên  được dùng để giải quyết các sự trừng phạt bởi chế độ quân chủ trong một xã hội bạo động mà  cuộc Cách Mạng mong muốn cải tổ nó? Cuối cùng, liệu đây có phải làm một hành vi dã man không thể tha thứ, một phản đề của mọi thứ mà cuộc Cách Mạng  là hiện thân không?  Trong ấn bản đầu tiên của một trong những nhật báo đã vội vã  tường trình về những biến cố chưa từng xảy ra trước đó, tờ báo Les Révolutions de Paris, ký giả Elysée Loustallot dường như đã cho rằng sự giết hại De Launay  thật đáng ghê tởm nhưng hợp tình hợp lý:
“Lần đầu tiên, sự tự do oai nghiêm và thiêng liêng cuối cùng đã tiến vào cái nơi chốn Bastilles khủng khiếp này, nơi nương náu đáng sợ của độc tài, ma quỷ và tội ác. Người dân không đủ kiên nhẫn trong việc trả thù đã không cho phép cả de Launai hay những tên sĩ quan khác  có cơ hội đi tới một phiên toà. Họ lôi bọn chúng ra khỏi bàn tay những người chiến đấu thắng trận và dày xéo bọn chúng dưới chân họ hết tên này đến tên khác. De Launai đã bị đâm không biết bao nhiêu mà kể, đầu ông bị cắt rời và cắm trên một ngọn giáo, máu ông văng tung toé. Ngày vinh quang này phải làm cho kẻ thù của chúng ta kinh sợ và chúng báo trước  rằng cuối cùng công lý và tự do sẽ thắng.”
Loustallot, một luật sư trẻ tại Bordeaux có thể đã hy vọng rằng sự kiện sẽ chỉ xảy ra một lần, nhưng điều tệ hơn đã đến. Vào ngày 22, viên thống đốc hoàng gia của Paris Louis Bertier de Sauvigny lên chức từ 1776 bị bắt giữ khi ông ta đang cố trốn khỏi Paris. Ông ta cùng ông bố vợ Joseph Foulon, người đã thay thế Bộ trưởng Necker bị đánh đập tới chết và chặt đầu; thủ cấp 2 người bị diễu hành bêu rếu khắp Paris, rõ ràng để trừng phạt cho việc bị tố cáo có âm mưu làm cho nạn đói đã kéo dài trở nên tệ hại hơn đối với người dân Paris sống trong những năm 1788-1789. Foulon bị tố cáo đã tuyên bố rằng nếu người nghèo đói quá, họ nên lấy rơm mà ăn.  Báo cáo của Loustallot về cái ngày đáng sợ và khủng khiếp ấy, giờ được đánh dấu bởi sự lo âu và tuyệt vọng.
 Sau khi Foulon bị chặt đầu, người ta nhét một nắm cỏ vào miệng ông ta, một sự ám chỉ tới những cảm tính vô nhân đạo  của con người dã man này. Sự trả thù của những người phẫn nộ có thể mang tính chất công lý. Một  người đàn ông, (Ôi lạy Chúa! Không phải!) một kẻ man rợ thì  đúng hơn, đã lôi quả tim của   de Sauvigny ra khỏi đống ruột bầy hầy, một cảnh tượng khủng khiếp! Những tên độc tài, hãy nhìn vào cảnh tượng kinh khủng và bạo động này, rùng mình và để thấy mình sẽ bị đối xử như thế nào. Hỡi các công dân đồng hương của tôi, tôi linh cảm những cảnh tượng bạo động này làm tâm hồn quý vị đau đớn. Giống như quý vị, tôi bị điều đó đánh động, nhưng hãy nghĩ đến sự nhục nhã biết bao khi phải sống như nô lệ. Tuy nhiên, đừng bao giờ quên rằng, những sự trừng phạt như thế này làm nhân loại phẫn nộ và làm trời đất rùng mình.
Simon Schama đã biện giải rằng lối bạo lực mang tính trừng phạt như vậy là cốt lõi của Cách Mạng ngay từ những ngày đầu và rằng tầng lớp lãnh đạo trung lưu đã đồng lõa với trò dã man này.  Theo Schama, Loustallot, người sắp trở thành một trong những ký giả quan trọng và vô cùng ngưỡng mộ Cách Mạng đã dùng sự chế nhạo sự kinh khủng của bạo lực để bỏ qua và khuyến khích nó: “Trong khi  ông ta giả vờ bị sốc vì phần lớn cái bạo lực mà ông ta diễn tả, bài viết của ông đã đắm chìm vào đó.” Tường trình đầy phiền muộn của Loustallot làm cho một tuyên bố như vậy khó chấp nhận.
Việc chiếm thành lũy Bastilles chỉ là một khoảnh khắc ngoạn mục về chiến thắng quần chúng của quyền lực địa phương. Trên cả nước Pháp, từ Paris đến những thôn xóm nhỏ bé nhất, mùa xuân và muà hè năm 1789 đã là lúc mà một sự sụp đổ toàn diện và chưa từng có  của nhiều thế kỷ trong chế độ quân chủ chuyên chế. Tại những thủ phủ vùng miền, các cuộc cách mạng phố thị xảy ra khi các quý tộc bị buộc phải về hưu hay bị bãi chức khỏi văn phòng, như tại Troyes, hay tương hợp vào dòng chảy của những con người mới như tại Reims. Khoảng trống quyền lực gây ra bởi sự sụp đổ của đất nước do dòng họ Bourbon của nhà vua cai trị được tạm thời lấp đầy tại các làng mạc và thị trấn nhỏ bé bởi các hội đồng và dân quân phổ thông. Sự chiếm giữ quyền lực này còn được hậu thuẫn khắp nơi bởi sự từ chối phổ biến về những yêu sách của nhà nước, lãnh chúa và Giáo Hội đòi hỏi đóng các loại thuế má và các loại thu tô thu phí. Hơn nữa, khi quân đội hoàng gia mở lòng kết thân với người dân, pháp luật đã mất uy lực để buộc họ phải thi hành luật lệ.
Cuộc cách mạng phố thị tại vùng miền cùng song hành và còn có kết quả lớn lao hơn việc chiếm giữ Bastilles. Tin tức về sự thách thức chưa từng xảy ra này đối với uy thế của nhà nước và giới quý tộc đã lan đến miền quê trong một bầu không khí đầy xung đột bùng nổ, kỳ vọng và khiếp sợ. Từ tháng 12 – 1788, nông dân đã từ chối trả thuế nhà nước hay đóng thuế lãnh địa, hoặc đã chiếm giữ  nơi dự trữ  thực phẩm tại các vùng Provence, France-Comté, Cambrésis và Hainaut ở phía Đông và cả vùng lòng chảo Paris. Cái kỳ vọng đầy tuyệt vọng  vào Hội Đồng Quốc Gia đã được Arthur Young nhận thấy trong chuyến đi Pháp thứ ba của ông, khi ông nói chuyện  với một người phụ nữ dân quê ngày 12 tháng Bẩy:
“Trèo lên ngọn đồi dài để làm dịu đi nỗi bực bội, tôi gặp một người phụ nữ nghèo khổ, bà ta than vãn về thời thế, và cho rằng  đây là thời điểm mà đất nước đáng buồn. Được hỏi về lý do, bà ta nói chồng bà chỉ có một mảnh đất nhỏ, một con bò và một chú ngựa nhỏ, vậy mà họ phải nộp tới một hộc (42 cân Anh) lúa mì và 3 con gà để trả một loại thuế thuê mướn đất cho  một lãnh chúa, 4 hộc lúa mạch, một con gà và 1 đồng livre chi trả cho một lãnh chúa khác, chưa kể đến những thứ thuế phí khác. Hiện tại lúc này, nghe nói có vài nhân vật nổi danh nào đó đang cố làm một điều gì đó cho người nghèo, nhưng bà không biết đó là những ai mà họ làm như thế nào, bởi vì sự đong đo cân đếm và luật lệ đã đè bẹp chúng tôi.  Người phụ nữ này, nhìn bà ở khoảng cách không xa lắm, cứ nghĩ bà  khoảng 60 hay 70 tuổi với dáng dấp cằn cỗi, khuôn mặt nhăn nheo và phong sương vì lao động cực khổ, nhưng bà ta nói bà chỉ mới 28 tuổi.”
Nỗi lo sợ sự trả thù của giới quý tộc đã thay thế cho niềm hy vọng khi tin tức về việc phá Bastilles lan truyền đến: Liệu những băng đảng ăn mày có lang thang ùa vào những cánh đồng bắp đang chín có phải là đám người được lãnh chúa gửi đến trả thù? Niềm hy vọng, nỗi sợ hãi và sự đói khát đã làm cho vùng quê trở nên một đám bùi nhùi dễ bốc cháy qua viễn ảnh tưởng tượng về lũ côn đồ. Sự hốt hoảng lan từ 5 ngọn lửa riêng biệt về những tin đồn phẫn nộ toả ra hết làng này đến làng khác với tốc độ vài cây số một giờ làm chìm đắm khắp mọi  vùng miền ngoại trừ Brittany và miền Đông.  Khi sự trả thù của giới quý tộc không biến thành sự thật, đám dân quân trong làng quay mũi súng của họ chĩa vào ngay cái hệ thống lãnh chúa, áp lực buộc các lãnh chúa và đại diện của họ phải giao nộp các văn bản hợp đồng thuê mướn đất ra đốt trước sảnh đường của làng. Cuộc bạo loạn lạ thường này được mệnh danh là “nỗi sợ hãi khủng khiếp.” Những đối tượng của sự thù ghét khác cũng được phân biệt ra: tại Alsace, việc bạo loạn này mở rộng thêm thành việc chống lại người Do Thái. Trên vùng ngoại ô phía Bắc thành phố Paris ở tại St-Denis, một viên chức nhà nước nhạo báng một đám đông phàn nàn về việc giá thực phẩm leo thang đã bị lôi ra khỏi nơi hắn ẩn náu trên tháp chuông nhà thờ rồi bị đâm chém tới chết và chặt đầu. Tuy nhiên, đây chỉ là một trường hợp cá nhân hiếm hoi trong những ngày này. Giống như người dân lao động thành phố Paris, người dân quê thừa nhận ngôn từ của cuộc nổi dậy của thành phần tư sản vào mục đích riêng của họ. Trong ngày 2 tháng Tám, người quản gia của bá tước  Monmorency đã viết cho chủ nhân của ông tại Versailles rằng:
“Quần chúng đổ thừa cho các lãnnh chúa của vương quốc gây nên sự tăng giá cả thực phẩm đã chống lại mãnh liệt mọi thứ thuộc về các ngài. Mọi thương lượng đều thất bại. Đám quần chúng không kiềm chế này giờ chỉ lắng nghe sự phẫn nộ của chính họ. Ngay khi tôi sắp sửa chấm dứt lá thư này, tôi được cho biết đã có khoảng 300 tên côn đồ từ khắp mọi vùng miền đã liên hệ với đám chư hầu của nữ hầu tước Longaunay trộm lấy những bản hợp đồng về thuế khoá thuê mướn và các điều khoản lợi tức của chế độ lãnh địa, và phá hủy những chuồng bồ câu (đưa tin?) của bà. Sau đó họ đã đưa cho họ một yết thị (ăn cướp) ký tên Quốc Gia.”
Vào đêm mùng 4 tháng Tám, trong một bầu không khí hoảng hốt, tự hy sinh và hăng hái lạ thường, một loạt các quý tộc đã leo lên trước bục diễn thuyết cao của Hội Trường để đáp lại “nỗi sợ hãi khủng khiếp” bằng sự từ bỏ những đặc quyền ưu tiên của họ và tẩy chay thuế má của chế độ phong kiến. Tuy nhiên, vào tuần lễ kế tiếp, họ làm rõ một sự khác biệt giữa các trường hợp đóng thuế phục vụ cá nhân mà chúng sẽ hoàn toàn bị xoá bỏ với những quyền lợi về tài sản đất đai (thuế người thuê mướn phải trả cho chủ đất trong vụ mùa), mà người nông dân phải bồi thường trước khi ngưng trả thuế.
Theo đó, Hội Đồng Quốc Gia xoá bỏ hoàn toàn chế độ nông nô, những tiêu chuẩn ưu tiên săn bắn của hoàng gia và lãnh chúa và lao động ép buộc không lương. Các toà án lãnh chúa cũng bị hủy bỏ: trong tương lai việc ra toà sẽ được cung cấp miễn phí theo một bộ luật thống nhất. Các loại thuế khóa, như thuế nhà nước hiện hành phải được thay thế bằng những phương thức bình đẳng hơn giữa Giáo Hội và nhà nước. Tuy nhiên ngay lúc này, chúng vẫn tiếp tục được trưng thu.
Sau đó vào ngày 27 tháng Tám, , Hội Đồng Quốc Gia đã bỏ phiếu chấp nhận một bản tuyên ngôn đã được tranh cãi tỉ mỉ về “Quyền của con người (chỉ cho nam giới) và quyền công dân.  Nền tảng cho bản tuyên ngôn là sự xác quyết rằng: “sự bỏ qua, quên lãng và khinh thường quyền của con người (đàn ông) là nguyên nhân duy nhất của sự bất hạnh công cộng. Hội Đồng phủ nhận sự đề nghị của giới quý tộc rằng cần nối kết thêm một tuyên bố về các bổn phận vào bản tuyên ngôn các quyền trên  vì e ngại người dân thường lạm dụng sự tự do của họ. Thay vào đó, Hội Đồng khẳng định sự cần thiết của tự do, mà tự do bao gồm quyền làm bất cứ gì không phương hại tới những người khác. Theo đó, bản tuyên ngôn bảo đảm rằng  các quyền tự do về ngôn luận và hội họp, về tôn giáo và tư tưởng chỉ bị giới hạn (và hơi có vẻ mù mờ) bởi luật pháp. Đây là vùng đất nơi tất cả mọi người bình đẳng trước pháp luật và công dân với những trách nhiệm chung: đó là một sự mời gọi trở nên công dân của một quốc gia thay vì là thần dân của một vị vua.
Các quyết nghị tháng Tám và bản tuyên ngôn về quyền con người diễn tả sự chấm dứt thể chế  phong kiến, lãnh chúa và cái cấu trúc tập đoàn của nước Pháp thế kỷ 18. Đó cũng là một lời tuyên bố cách mạng về những nguyên tắc của một kỷ nguyên vàng son mới. Bản tuyên ngôn đặc biệt là một tài liệu lạ thường, một trong những tuyên ngôn uy lực nhất về chủ nghĩa tự do và chính quyền đại diện. Trong khi đồng nhất trong ngôn ngữ, vang vọng với sự lạc quan; tuy nhiên bản tuyên ngôn lại mơ hồ trong chữ nghĩa. Có nghĩa rằng, trong khi tuyên bố sự phổ quát về các quyền hạn của sự bình đẳng dân sự cho mọi công dân, bảm tuyên ngôn lại rất mơ hồ về  việc những người vô tài sản, các nô lệ và phụ nữ có được sự bình đẳng về chính trị và luật pháp hay không, và hoàn toàn câm nín về việc bằng cách nào để bảo đảm sự xử dụng  những tài năng của con người khi họ không có tài sản hay kiến thức. Như một tấu trình khiếu nại của một phụ nữ tại vùng Pays de Caux ở phía Bắc Paris đã đưa lên một câu hỏi vào mùa Xuân 1789:
“Liệu  có vì nguyên cớ hay sự cần thiết nào đó  mà đàn ông cho phép phụ nữ  chia xẻ công việc của họ, trồng trọt, cày bừa, dịch vụ bưu chính, trong khi họ giữ  quản lý sự  di chuyển xa xôi và khó khăn vì những lý do thương mại hay không? Chúng tôi được cho biết là có sự bàn bạc đến việc trả tự do cho đám dân da đen, người dân, những người hầu như đang bị nô lệ như họ thì đang lấy lại quyền của họ. Liệu cánh đàn ông vẫn kiên quyết buộc phụ nữ chúng tôi làm nạn nhân cho sự kiêu hãnh và bất công của họ?”
Những nghị quyết tháng Tám quan trọng vì lý do khác nữa, vì chúng được đặt cơ bản trên sự dự đoán rằng từ nay trở đi mọi cá nhân tại Pháp sẽ được hưởng những quyền lợi  đồng đều và là công dân dưới cùng luật lệ: thời đại đặc quyền ưu tiên và miễn trừ đã qua rồi:

Điều X: Tất cả những ưu tiên đặc biệt của các vùng miền, khu vực, tỉnh, quận tổng, thị xã và các cộng đồng cư dân, dù là lãnh vực tài chánh hay bất cứ lãnh vực tự nhiên nào khác đều bị xoá bỏ không  có sự đền bù và sẽ được  nhập vào những quyền hạn chung của mọi người dân Pháp.”

Bản tuyên ngôn, giống như các nghị quyết, được xác định một cách công khai rằng mọi nghề nghiệp và mọi vị trí sẽ được mở rộng căn cứ theo tài năng và rằng từ nay, sự khác biệt về xã hội chỉ có thể đặt căn bản trên sự hữu dụng tổng quát. Bởi thế, người ta có cảm giác chính trị đã không bao gồm những câu chữ viết từ dự thảo trước đó có sự giải thích về những giới hạn đối với sự bình đẳng một cách trực tiếp hơn:

“Điều II: Để bảo đảm sự dự phòng riêng của mình và tìm thấy điều tốt đẹp, mỗi người có tài năng thiên phú của họ từ bản chất. Sự tự do được bao gồm trong việc xử dụng đầy đủ và nguyên vẹn tài năng này.
Điều V: Nhưng bản chất tự nhiên đã không cho mọi người phương tiện giống nhau để thực thi quyền hạn của họ. Sự bất bình đẳng giữa con người phát sinh từ điểm này. Như vậy, sự bất bình đẳng đã có sẵn trong bản chất.
Điều VI: Xã hội được tạo thành bởi nhu cầu gìn giữ sự bình đẳng trong các quyền hạn nằm giữa sự bất bình đẳng một cách trung bình.”

Như một chiều hướng cách mạng sâu xa về những nguyên tắc kiến tạo  một trật tự mới, cả hai nghị quyết tháng Tám và bản tuyên ngôn khi trình lên đều bị vua Louis phủ nhận. Đại Hội Đồng được triệu tập để cố vấn cho nhà vua về tình trạng của đất nước: Liệu nhà vua có chấp nhận về sự hiện hữu của một Hội Đồng Quốc Gia đòi hỏi nhà vua phải chấp nhận những quyết định của họ? Hơn nữa, khi cuộc khủng hoảng thực phẩm càng tệ hơn và có chứng cớ  có sự tăng gấp bội sự khinh thường công khai  đối với cuộc Cách Mạng trong số các sĩ quan quân đội, thắng lợi mùa hè 1789 lần nữa dường như cần đặt dấu hỏi. Thêm một lần nữa, giới bình dân Paris đã can thiệp vào sự bảo vệ  một cuộc cách mạng mà họ cho rằng nó thuộc về họ. Tuy nhiên, lần này đặc biệt là do giới phụ nữ buôn bán ở chợ. Theo lời của nhà xuất bản sách Hardy quan sát: “Các phụ nữ này tuyên bố rằng cánh đàn ông chẳng biết cái gì cả và vì vậy họ cần ra tay giải quyết.”  Trong ngày 05 tháng 10, có tới 7000 phụ nữ lội bộ kéo nhau về khu cung điện Versailles. Trong số những nhà lãnh đạo tự phát có Maillard, một  anh hùng của  ngày 14 tháng 7 và Anne-Josephe Terwagne, một phụ nữ được biết đến như là Théroigne de Méricourt. Sau đó họ được đám vệ binh quốc gia đi theo và đám vệ binh này đã ép buộc viên chỉ huy Lafayette của họ lãnh đạo cuộc xuống đường. Tại Versailles, đám phụ nữ tràn vào xâm chiếm hội trường của Hội Đồng. Một phái đoàn đại diện sau đó đến diện kiến nhà vua khiến ông  ngay tức khắc đồng ý phê chuẩn nghị định. Tuy nhiên, không lâu sau đó, chuyện trở nên rõ ràng là đám phụ nữ sẽ chỉ hài lòng nếu hoàng gia bằng lòng trở lại Paris.  Hoàng gia đã phải trở về vào ngày  mùng 6 và Hội Đồng đã đi theo sau cuộc trỗi dậy.

Đây là cái khoảnh khắc quyết định của cuộc Cách Mạng 1789. Một lần nữa, Hội Đồng Quốc Gia mang nợ sự hiện hữu và sự thành công của nó nhờ sự can thiệp vũ trang của người dân Paris.  Lúc này tin tưởng rằng, Cách Mạng đã hoàn tất và bảo đảm, và quyết đoán rằng sẽ không bao giờ có chuyện thường dân Paris sẽ thực hành uy lực của họ như thế nữa, Hội Đồng ra lệnh điều tra về ”những tội ác vi phạm” trong 2 ngày 5 và 6 tháng 10.  Trong số hàng trăm người tham dự hay chỉ  đi  quan sát  bị kêu thẩm vấn có Madelaine Glain, một lao công 42 tuổi, người đã làm gạch nối giữa những đòi hỏi cấp thiết về việc bảo đảm có nhiều bánh mì rẻ và số phận của nghị định Cách Mạng:

“Bà đi cùng với những phụ nữ khác đến hội trường của Hội Đồng Quốc Gia nơi họ tiến vào với số đông. Một số phụ nữ đòi hỏi giá bánh mì 5 cân Anh hạ xuống còn 8 xu và thịt cũng đồng giá. Người nhân chứng với ông Maillard và 2 phụ nữ khác trở  quay về sảnh đường Paris mang theo nghị định mà Hội Đồng Quốc Gia đã trao cho họ.
Viên thị trường thành Paris Bailly nhớ lại rằng, khi những người phụ nữ trở lại Paris trong ngày 6, họ hát vang những bài ca thô tục rõ ràng tỏ vẻ khinh thường hoàng hậu.  Những người khác tuyên bố họ đã mang hoàng gia trở về như “người thợ nướng bánh mì  cùng với vợ và đám thợ học việc.” Những phụ nữ ở đây công khai nói lên cái giả thiết cổ xưa về trách nhiệm của hoàng gia trước Thượng Đế về việc cung cấp thực phẩm.  Những nghị quyết then chốt đã được phê chuẩn và phe theo triều đình trong tình trạng rối loạn, chiến thắng của Cách Mạng dường như được bảo đảm. Để biểu lộ tầm vóc quan trọng của những gì đã đạt được, người dân lúc này bắt đầu gọi đó là chế độ cũ.

Những nơi khác tại Âu Châu, , người ta bị đánh động tương tự bởi những  biến cố đầy bi hài của mùa hè ấy. Một số ít tỏ ra hờ hững với chúng: trong số các  vương triều lãnh đạo tại Âu Châu,  chỉ có nhà vua Tây Ban Nha, Thuỵ Điển và Catherine của Nga là kiên quyết thù ghét ngay từ bắt đầu. Những nơi khác có thể cảm thấy một sự hài lòng nào đó khi họ chứng kiến một trong những cường quốc lớn lao của Âu châu bị chính người dân làm khó dễ. Tuy nhiên, trong số quần chúng bình dân Âu Châu, sự ủng hộ cuộc Cách Mạng  rộng rãi hơn nhiều, và cũng có vài nhà  phản cách mạng rõ rệt chẳng hạn như  Edmund Burke.  Trong khi nhiều người tại Anh Quốc bắt đầu trở nên bực tức  đối với những báo cáo về những cuộc tắm máu trừng phạt hay khi Hội Đồng Quốc Gia loại bỏ khả năng  Pháp có một hệ thống lập pháp lưỡng viện tương tự nước Anh , hầu hết đã công khai nhiệt tình ủng hộ.  Các nhà thơ như Wordsworth, Burns, Colerifge, Southey và Blake đã gia nhập vào những nhà thơ nhạc  Đức và Ý, chẳng hạn Beethoven, Fichte, Hegel, Kant và Herder  đã ăn mừng điều mà họ coi như giờ phút  giải phóng kiểu mẫu trong lịch sử của tinh thần Âu Châu. Tướng Lafayette đã gửi một bộ chìa khoá của Bastilles tới Geprge Washington như “một phẩm vật mà tôi mang nợ như một đa con  đối với người cha nuôi của mình, như một tuỳ  viên cho tướng lãnh của tôi, và như  một nhà truyền bá sự tự do đến các trưởng lão của họ.”  Đối lại, Washington, người được bầu chọn trở thành vị tổng thống đầu tiên của Mỹ Quốc 6 tháng trước đó đã viết cho thống đốc Morris, sứ giả của ông tại Pháp vào 13 tháng 10: “Cuộc Cách Mạng đã có ảnh hưởng lên nước Pháp  mang tính chất kỳ diệu đến nỗi tâm trí khó có thể thừa nhận được sự kiện. Nếu nó kết thúc như tôi dự đoán, đất nước này sẽ là một đất nước quyền lực và hạnh phúc nhất châu Âu.”

Lẫn lộn với cái cảm giác mạnh mẽ về sự hưng phấn và đoàn kết vào mùo Thu 1789 là sự mường tượng về việc cuộc Cách Mạng đã thành tựu ra sao và tầm vóc quan trọng của những việc còn lại cần phải làm. Cuộc Cách Mạng của các đại biểu thành phần tư sản đã chỉ được bảo đảm nhờ sự can thiệp của tầng lớp lao động Paris. Những nghi ngại của các đại biểu được diễn tả trong việc tuyên bố tạm thời thiết quân luật vào ngày 21 tháng 10.  Mặt khác, sự miễn cưỡng bằng lòng thay đổi của vua Louis XVI chỉ được che đậy  mỏng manh bởi viễn tưởng rằng sự cố chấp của ông đơn thuần là do cái ảnh hưởng độc hại của đám quần thần của vua. Quan trọng hơn hết, bản tuyên bố về các nguyên tắc trong chế độ mới của các nhà cách mạng đã dự đoán rằng mọi khía cạnh của đời sống công cộng sẽ  thay hình đổi dạng.
Với nhiệm vụ đó, lúc này họ xoay chiều.

No comments: