Khi nhà vua chạy trốn - chương 1


Chương 1: Thưa Hoàng Thượng, ngài không thể đi qua được.


Đó không phải là một thị trấn đặc biệt. Đó là một thị trấn nắm bên bờ dòng sông Aire nhỏ bé chảy qua giữa 2 rặng đồi của cánh rừng Argonne thuộc vùng Đông Bắc nước Pháp, nơi có một cộng đồng nho nhỏ chừng ngàn rưởi nhân mạng với công việc hàng ngày của họ nếu không mở tiệm buôn bán kinh doanh thì cũng thợ thủ công hay nông dân làm chủ các trang trại trồng lúa hoặc các vườn cây ăn trái ở các miền quê lân cận. Cũng giống như hầu hết các thị trấn khác ở khắp nước Pháp, đây là vùng nước xoáy đọng lại. Con đường độc đạo này chạy từ Phía Nam dẫn vào thị trấn Varennes  phải đi qua một cái cổng chào nằm trong khu vực ngay  cạnh  ngôi thánh đường nhỏ trước uốn lượn qua thị trấn trước khi băng qua con sông  trên một cây cầu gỗ nhỏ hẹp. Ở phía Bắc, cách xa thị trấn chừng ba bốn mươi dặm là những đồn canh Sedan và Montmédy, nơi quân lính biên phòng trú đóng tại khu vực biên giới , ngày nay trực thuộc biên giới nước Bỉ, nhưng tại thời điểm đó lại là vùng đất thuộc đế quốc Áo. Thời đó, lòng đường vẫn còn gồ ghề lớm chởm rất xấu do bởi chỉ được chăm sóc bảo trì sơ sài qua bàn tay của dân quân địa phương. Đối với cư dân, thị trấn này dường như là cứ điểm văn hoá và thương mại cuối cùng, một nơi hẻo lánh hiếm khi có chuyện xảy ra.
Thế nhưng, vào cái đêm 21 tháng Sáu 179, tại đây đã có chuyện lạ xảy ra.  Khoảng mưới một giờ đêm, hầu hết cư dân đã say ngủ, bóng trăng vẫn chưa lên cao, thị trấn ẩn mình trong bóng đêm lặng lẽ. Điểm sáng duy nhất le lói giữa thị trấn phát ra từ một quán trọ nhỏ có tên Golden Arm  nằm bên lề  con đường chính ở một góc công viên nhỏ  không xa cổng chào. Trong quán hiện có một nhóm thanh niên trẻ còn đang ngồi uống rượu chuyện trò tán gẫu. Trên lầu quán trọ cũng có một cặp khách lạ nghỉ chân qua đêm, một nhóm kỵ binh nói tiếng Đức vừa mới tiến vào thị trấn và trú đóng trong một tu viện gần đó. Và cuối cùng là 4 anh bạn trẻ thân thiết địa phương, cả 4 là tình nguyện  viên của một đại đội vệ binh quốc gia. Một trong 4 người là chủ quán trọ Jean Le Blanc. Ba người kia là thằng em trai Paul của Jean, Joseph Ponsin, con trai ông giáo làng và Justin George con ông thị trưởng. Lúc này ông bố của Justin đang đi họp vắng ở tận Paris trong mhiệm vụ  là một  đại biểu của Hội Đồng Lập Hiến Quốc Gia. Cả bọn có lẽ đang hăng say thảo luận về những tin tức mới nhất của cuộc Cách Mạng. Rất có thể họ đang đặt nghi vấn về bọn kỵ binh Đức, cố tìm hiểu lý do mà bọn này có mặt ở thị trấn vào lúc này. Đồng thời cũng cố suy đoán vì sao những ngày gần đây đã có quá nhiều cuộc hành quân của binh lình hoàng gia trong một miền xa xôi hẻo lánh  như thế này.
Ngay lúc này bỗng có 2 người khách lạ tiến vào quán. Người lên tiếng nói là một anh chàng đặc biệt to lớn và đầy tự tin. Anh tự giới thiệu là Drouet và ngay tức khắc hỏi đám thanh niên trong đám có yêu nước mãnh liệt không. Khi họ trả lời anh ta rằng đó là chuyện dĩ nhiên, anh bèn thuật lại một chuyện thật  đáng kinh ngạc.  Drouet làm quản lý cho một tạm thay ngựa ở tại Sainte Menehould, một thị trấn cách đây chừng 30 cây số về phía Tây Nam. Chỉ mới cách đó vài giờ, anh đã nhìn thấy nhà vua và hoàng hậu cùng cả hoàng gia nước Pháp đang di chuyển trên 2 chiếc xe ngựa. Họ dừng lại thay ngựa ở trạm chuyển tiếp của anh. Sau khi đã thảo luận với các vị lãnh đạo thị trấn, anh và người bạn Guillaume, cả hai từng là kỵ binh, bèn cưỡi ngựa đuổi theo đoàn xe của nhà vua và vừa qua mặt họ khi họ dừng lại nghỉ chân bên lề đường ở ngay đầu thị trấn Varennes . Anh chắc chắn đó là nhà vua và biết họ đang đi về hướng biên giới nước Áo. Anh nói rằng vì sự an nguy của đất nước và của cuộc Cách Mạng, hành trình của nhà vua và hoàng gia phải bị chặn lại.
Một chuyện hoang tưởng như vậy thật khó để tin tưởng. Nhưng lúc này là thời điểm rất đặc biệt. Chính cái mãnh lực và cái cá tính sắt đá của Drouet mang đầy tính thuyết phục đã khuấy động đám thanh niên trẻ hành động. Anh em nhà Le Blanc chạy vội đi đánh thức các thành viên của vệ binh quốc gia và vài nghị viên của thị trấn sống quanh đó, rồi họ về nhà trang bị súng ống. Cùng lúc, Drouet , Guillaume và mấy người kia vội vã chạy ra chặn lối qua cầu bằng một toa xe chất đầy đồ đạc bàn ghế.
Viên đại biểu hội đồng đầu tiên đến hiện trường là Jean Baptiste Sauce, công tố viên thị trấn, người thay mặt viên thị ttrưởng đang đi vắng để điều hành quản lý thị trấn. Anh trạc 36 tuổi, cao lớn, lưng hơi khòm và hói đầu, vừa buôn bán tạp hoá vừa sản xuất đèn cầy. Mặc dù trình độ kiến thức có hạn chế với những bài viết đầy lỗi chính tả, anh ta có một tình yêu nước nồng nàn và một cá tính điềm đạm đặc sắc khiến mọi người trong thị trấn kính trọng. Sững sờ với tiếng gọi cửa đánh thức của Le Blanc, anh cũng vẫn cố thay y phục cho thật tươm tất rồi  vội vã ra khỏi nhà với chiếc lồng đèn, không quên dặn hai đừa con trai đi loan báo tin tức đến mọi nhà trong phố bằng lối thông tin cổ truyền là ra đường la lớn “ cháy, cháy!”.  Vào khoảng 11.20pm, Sauce, George, Ponsin, anh em nhà Le Blanc và 2 người khách từ Sainte Menehould đã tụ họp được chừng nửa tá những hàng xóm ở quanh quán trọ. Ngay lúc đó, hai chiếc xe ngựa mà Drouet vừa kể tiến vào dưới vòm cổng chào với 2 người cưỡi ngựa đi hộ tống.
Trong khi vài vệ binh cầm đuốc soi đường, vài người khác giương súng lên ép buộc 2 người đánh xe ngựa dừng lại và bước xuống xe. Sauce tiến lại gần chiếc xe đầu, một loại xe nhỏ 2 ngựa kéo. Anh ta  nhìn vào bên trong xe thấy có 2 người đàn bà sợ hãi run rẩy. Họ bảo anh rằng giấy tờ tuỳ thân của họ đang nằm ở chiếc xe đàng sau. Sauce bèn đi sang chiếc xe đó, một chiếc xe to lớn có 6 ngựa kéo và chất đầy hành lý. Anh ta soi cái đèn lồng trên tay vào cửa sổ xe và thận trọng nhìn vào phía trong.


Trong xe dường như có 6 người: 2 đứa trẻ không biết là trai hay gái, 3 người đàn bà ăn mặc kiểu tầng lớp trung lưu, một người còn trẻ chừng 20 và khá xinh đẹp, 2 người kia lớn tuổi hơn, và cuối cùng là một người đàn ông dáng đẫy đà  với cái mũi to và cái cằm chẻ. Ông ta ăn vận như một thương gia hay một luật gia. Sauce thì chưa bao giờ có cơ hội nhìn thấy nhà vua, nhưng anh ta thấy người này có vẻ tương tự như những hình ảnh của hoàng gia mà anh đã từng gặp.
Mặc cho họ phản đối, anh vẫn mang hết các giấy tờ thông hành của họ vào quán kiểm tra kỹ lưỡng hơn. Với nhiều nhân viên của thị trấn tập trung trong đó, anh ta đọc to lên giấy thông hành của  một nữ Bá tước người Nga danh hiệu phu nhân De Korff đang trên đường đến Frankfurt, được bộ ngoại giao cấp  và ấn ký bởi chính nhà vua Louis XVI. Mặc dù giấy phép thông hành có vẻ rất mù mờ về số lượng người được cấp chiếu khán và mặc dù lộ trình đi  từ Paris qua thị trấn Verennes này để tới nước Đức có vẻ không hợp lý lắm, nhưng giấy tờ  dường như hợp lệ, cho nên Sauce và các đồng sự tính cho phép họ đi qua. Nhưng Drouet ngưởi đã bỏ nhiều thời gian và công sức cũng như danh dự trong vụ này nên rất kiên quyết. Anh ta biết rõ là đã nhận ra nhà vua. Anh cũng nhìn thấy rõ ràng ở tại Sainte Menehould, một tay đại uý thuộc giới quý tộc đến cạnh chiếc xe giơ tay chào và nhận lệnh như kiểu vâng lệnh một thượng cấp. Nếu các viên chức ở thị trấn này để cho hoàng gia đào tẩu ra nước ngoài, họ sẽ mang tội phản quốc. Thêm vào đó, Drouet khẳng định, giấy phép thông hành không có giá trị bởi không có đồng chữ kí của chủ tịch Hội Đồng Lập Hiến Quốc Gia. Thực ra, không có yêu cầu phải có chữ ký của chủ tịch Hội Đồng Quốc gia  mới hợp pháp, nhưng mọi người chẳng ai biết điều đó đúng hay sai. Vì vậy, cuối cùng họ quyết định  tìm cách câu giờ.
Khách du hành trên xe được thông báo rằng giờ đã quá muộn để xem xét kỹ lưỡng giấy tờ. Vả lại trong trời đêm với  điều kiện tồi tệ của con đường trước mặt , tiếp tục hành trình sẽ rất nguy hiểm, nên hãy chờ tới khi trời sáng. Mặc cho những phản đối giận dữ, đoàn lữ hành gồm 8 người cùng ba đi hộ tống trong đồng phục mầu vàng bị ép buộc xuống xe và được tạm trú ngay trong nhà của ông chủ tạp hoá Sauce. Họ được dẫn  đi qua con đường đá sỏi từ quán trọ đến gian hàng của Sauce, leo lên một cầu thang bằng gỗ tới một căn hộ 2 phòng ngủ. Lúc đầu, đoàn người cồ giữ nguyên tung tích của họ. Một bà trung niên tự xưng là nữ Bá Tước De Kroff nằng nặc bảo rẳng họ đang rất gấp, cần được đi ngay đến nước Đức. Tuy nhiên, với sự ám ảnh về việc người đàn ông quá giống hình ảnh nhà vua, Sauce bỗng nhớ ra rằng có ông Jacques Destez một thẩm phán địa phương đã cưới một bà vợ ở tại Versailles và vì vậy ông ta đã có nhiều dịp gặp gỡ hoàng gia. Vậy là anh ta đến thẳng nhà của viên thẩm phán đánh thức ông dậy và đưa ông đến nhà anh. Chỉ vừa mới bước lên khỏi cầu thang, Destez đã quỳ gập xuống cúi đầu và run rẩy trong sự xúc động. “Ô Lạy Chúa! Bẩm Hoàng Thượng!” ông la lên.
Thật là một chuyện thần kỳ, Louis XVI, vua nước Pháp lại có mặt ở thị trấn này, ngay trong phòng ngủ của người bán tạp hoá. Lại có cả hoàng hậu Marie-Antoinette, cô công chúa 12 tuổi và vị thái tử kế vị ngai vàng lên 5 của họ . Đi cùng  còn có  cô em gái  Elizabeth của vua cùng đứa con của bà. Mọi người đứng lặng người. Bà mẹ già của Sauce sau đó lại gần. Bà quỳ xuống nức nở, chẳng bao giờ  bà có thể tưởng tượng có ngày thấy mặt đức vua và vị thái tử bé nhỏ. Khi nhận ra rằng tung tích đã bại lộ, Louis XVI giờ cất tiếng: “ Phải, ta chính là đức vua của các ngươi. Ta đến để sống với các ngươi, hỡi thần dân của ta, làm sao ta có thể bỏ rơi các ngươi”. Sau đó nhà vua làm một hành vi rất đáng chú ý. Ông bước đến từng người một trong đám viên chức thị trấn và ôm lấy họ. Sau đó ông kêu gọi họ lắng nghe chuyện của ông. Ông bị buộc phải trốn khỏi dinh thự ở Paris vì có một đám  Jacobins điên cuồng làm cách mạng  đã chiếm đoạt thành phố. Tệ hơn nữa, bọn gây náo loạn này đã liên tục gây nguy hại cho sinh hoạt của hoàng gia.  Thật ra, nhà vua bảo họ, ông không có ý định trốn qua nước Đức mà chi muốn di hành tới khu phố cổ Montmédy gần biên giới. Từ vị trí xa xôi đó, khuất tầm mắt của lũ phản loạn, ông có thể tập trung để lấy lại vương quyền và dẹp yên hỗn loạn trong tình trạng vô chính phủ đang ngày càng hung bạo. Ông nói: “Sau khi bị buộc phải sống trong vòng vây của gươm đao giáo mác, ta đã di hành về miền quê để tìm lại tự do và bình lặng như các ngươi đang sống đây. Nếu ta cứ ở lại Paris. Ta cùng hoàng gia sẽ chết.” Nhà vua yêu cầu thị trấn chuẩn bị thay ngựa cho xe và để hoàng gia lên đường hoàn tất hành trình.
Bị khuất phục bởi xúc động trong giây lát, lại sợ hãi và bị áp đảo vì cái uy lực của hoàng gia cũng như hào quang của nhà vua  khi họ có mặt ở nơi này, những người lãnh đạo thị trấn có ý giúp đỡ. Họ nói, nếu cần, họ sẵn sàng hộ tống đức vua tới tận Monmédy. Ngay khi trời vừa sáng, họ sẽ phái các thành viên của họ trong lực lượng vệ binh quốc gia đi theo bảo vệ vua. Khi họ quay trở lại hội trường thị trấn để sắp xếp công việc, đầu óc vẫn còn hoang mang. Làm sao có thể không tuân lệnh của chính nhà vua,  người đang trị thừa kế  một cơ nghiệp vương quyền đã cai trị nước Pháp hơn tám trăm năm?
Do đó sau khi đã khuất tầm mắt của vua và đã thảo luận với những người khác, họ bỗng nhận ra sự phức tạp của tình thế mà họ đang lâm vào. Họ bắt đầu có những suy nghĩ khác.

Cuộc Cách Mạng qua mùa hè thứ ba

Đối với cư dân thị trấn Varennes, họ không còn  giống như những ngày tháng Hai năm trước. Chỉ trong mấy tháng trước đây, thị trấn đã trải qua một loạt những biến chuyển lạ thường đã khuấy động đến mọi ngóc ngách của vương quốc và đã làm thay đổi hoàn toàn cái phương cách mà cư dân nhìn lại  chính họ và vị trí của họ đối với thế giới. Vào tháng Ba 1789, sau một loại các biến cố tưởng như chẳng có liên quan gì đến họ, cánh đàn ông trong thị trấn tuổi từ 24 trở lên và có đóng thuế được mời tham gia vào một cuộc bầu cử quốc gia, một sự kiện để chọn ra những đại biểu được bầu vào Hội Đồng Đại Biểu Tổng Quát, một cơ chế đã không hề được thành lập trong suốt 171 năm qua. Varennes đã là nơi vừa có cuộc bầu cử địa phương, vừa có cuộc bầu cử khu vực thứ cấp đưa đến việc lựa chọn thị trưởng riêng cho chính họ, một cựu luật gia, lúc đầu là một đại biểu dự bị và sau đó trở nên đại biểu thực thụ của Hội  Đồng Lập Hiến Quốc Gia. Một điều khác có lẽ quan trọng không kém là những hội nghị về việc đầu phiếu hồi tháng Ba đã được yêu cầu ghi lại những bất mãn của người dân mong được thấu đến tai nhà vua. Mặc dù cái danh sách những bất mãn này của Varennes đã bị thất lạc, nó có lẽ cũng không khác mấy với cái bản được lưu lại của cái thị xã nhỏ Montfaucon cách đó chỉ 6 dặm.  Trong khi người dân trong các cộng đồng khắp nước Pháp bắt đầu không tiếc lời ca ngợi  việc nhà vua Louis XVI công bố các cuộc bầu cử, rải rác vẫn có những đòi hỏi có sự thay đổi từ đủ loại các cơ cấu địa phương. Họ yêu cầu giảm bớt gánh nặng thuế khoá. Họ đòi hỏi mọi công dân kể cả giới tu hành và giới quý tộc  phải trả thuế đồng đều tuỳ thuộc vào số doanh thu. Họ yêu cầu quyền quản trị được phân tán xuống cho các hội đồng điạ phưong và  ngân sách chi phí nhiều hơn cho việc giáo dục trẻ em. Nhưng bất cứ điều cá biệt gì được yêu cầu, hành động mạmh nhất của công dân Varennes cũng như trên khắp vương quốc Pháp cũng chỉ là phàn ánh một cách có hệ thống về đời sống của họ và những tranh cãi  tốt nhất về sự  thay đổi, cải thiện hay huỷ bỏ hết đi các cơ cấu hay  các cách thực hiện, cái nào là tốt nhất;  những điều này tự chúng đã là một biến cố cách mạng. Từ đó dấy lên nhũng kỳ vọng lớn lao cho một sự thay đổi bao quát mọi lãnh vực chính trị, kinh tế,  xã hội và cả  các cơ cấu thuộc về giáo hội.
Trong những tháng ngày tiếp theo, cư dân thị trấn Varennes thep dõi thời sự một cách kinh ngạc khi cái Hội Đồng Đẳng CấpTổng Quát mà họ giúp bầu lên bỗng biến đổi thành Hội Đồng Lập Hiến Quốc Gia. Tân Hội đồng này không chỉ lập ra để soạn thảo hiến pháp đầu tiên cho nước Pháp, nó còn khởi động cho                 
một thay đổi hoàn toàn những cấu trúc chính trị và xã hội của Pháp vượt quá xa những đòi hỏi trong danh sách những bất mãn mà họ đưa ra. Khoảng đầu tháng Tám 1789, các tin tức vể vụ phá ngục Bastille ở Paris và chiến thắng đè bẹp một âm mưu rõ ràng nhằm phá vỡ cuộc Cách Mạng đã khiến họ tổ chức một lễ hội ăn mừng lớn vì sung sướng. Có bắn đại pháo chào mừng, pháo bông, lễ hội tại công trường thị trấn, có cả phát chẩn cho người nghèo giống như những ngày đại lễ tôn giáo. Lại cũng có  phần biểu diễn ánh sáng phố thị hiếm hoi mà  thành phố kỳ vọng  vào ban đêm, mỗi hộ gia đình sẽ đặt ánh nến hay ánh đèn lồng trước cửa sổ nhà . Đối với một xã hội chưa quen thuộc với kiểu cách tập trung trưng bày ánh sáng như vậy, quả thực là một cảnh tượng lạ lùng đáng ngạc nhiên.
Nhưng không phải chỉ là việc ăn mừng những sự kiện từ mãi ở đâu đâu. Không bao lâu sau đó, cư dân Varennes được yêu cầu tự đi bầu chính quyền địa phương của họ và tham dự vào việc hàng ngày  tham gia vào  việc soạn thảo  bộ luật mới. Họ tiến vào quá trình liên lạc thường xuyên với Hội Đồng Lập Pháp Quốc Gia, tham khảo cố vấn và thông tin, góp ý với các đại biểu, gửi đi các vận động hành lang và đôi khi cũng đưa ra những đề nghị riêng của họ trong việc soạn thảo hiến pháp.  Sau nhiều thế kỷ dưới sự thống trị của tầng lớp quý tộc, giới giáo sĩ và hoàng gia trong mọi lãnh vực, ngoại trừ việc riêng gia đình và vài việc địa phương, giờ này, họ được mời gọi, đúng ra là cưỡng ép, tham gia vào chính quyền của họ, vào vận mệnh của họ. Một tiến trình như vậy đã truyền đi một xúc cảm đầy thích thú khi được dính líu vào mọi việc. Điều đó cũng thấm vào họ một cảm giác mới về bản sắc quốc gia, bản sắc của người dân Pháp thay thế cho cái thế giới nhỏ hẹp của vùng thung lũng Aire và cánh rừng Argonnes mà từ trước tới giờ được coi  như  những điểm chính liên hệ tới căn cước của cư dân Varennes. Cái phong trào Khai Sáng vĩ đại. cái biến động một là sóng giải phóng trí tuệ và sự tái thẩm định mà đã nở rộ trong số những nhà ưu văn hoá tú tại các thành phố lớn của Âu Châu  vào thế kỷ 18, quả thực  đã từng là điều gì rất xa lạ đối với Varennes. Có lẽ chỉ có với sự thay đổi hiến pháp của cuộc Cách Mạng mà cái châm ngôn về thời đại Khai Sáng của Immannuel Kant : “Dám biết dám hiểu” mới mang lại một ý nghĩa thực sự cho đại đa số người dân ở các thị xã làng mạc xa xôi của miền quê nước Pháp. Chỉ có trong cái ý nghĩa tích luỹ đầy tự tin và sự nhận thức về đất nước là một khối mà chúng ta có thể hiểu được các hành động của những người giống như Drouet và Sause và cả những nhà lãnh đạo địa phương khác ở cả khu vực trong suốt cuộc khủng hoảng mgày 21-22 tháng Sáu năm ấy.
Nhưng có 2 sự việc cũng đóng vai trò quan trọng trong việc cấu thành yếu tố tâm lý cách mạng của cư dân Varennes trong mùa hè 1791 này. Vào tháng Tám 1789, để đối phó với sự đe doạ của tình trạng vô chính phủ và có thể là phản cách mạng sau khi chế độ cũ sụp đổ, thị trấn đã thành lập đội dân quân đầu tiên của thị xã. Hai đại đội vệ binh quốc gia địa phương được thành lập: đội “Săn Lùng” và đội “Bộc Phá” với mỗi đội có quân phục riêng, cờ quạt trống kèn đầy đủ và được chỉ huy bởi các viên sĩ quan do chính họ lựa chọn.. Người ta có thể phóng đại một cách hiếm hoi về cái cảm giác tự hào của những thanh niên Varennes, trên dưới ba trăm người tuổi từ 16 đến 50 thực tập việc đi diễn hành qua phố xá và quanh công viên  với một ban quân nhạc  địa phương đi kèm. Lúc đầu, họ chỉ trang bị một ít loại vũ khí thực sự, loại súng săn hay súng cổ gia truyền. Nhưng khi trình diện với bộ quân phục mới toanh, màu xanh lục cho đội “săn lùng” và màu xanh dương đậm cho đội “Bộc Phá”, họ  cảm nhận được ý nghĩa của mục đích và tầm quan trọng của họ. Tâm trạng của một sĩ quan trong bộ đồng phục, trước đó là một đặc quyền gần như độc nhất của giới quý tộc, bây giờ ở trong tầm tay của bất cứ ai, ngay cả là anh chủ quán trọ Jean Le Blanc hay Justin George, con trai viên thẩm phán tầm thường. Quả thực, có một tay sĩ quan ở trong đội vệ binh của thị Trấn Varennes trong đêm 21 tháng Sáu này, anh chàng trẻ Etienne Raden sau này đã thuyên chuyển qua quân đội chính quy trong thời chiến và đã trở nên một vị tướng trong quân đội Napoleon.
Đến mùa xuân và mùa hè 1790, dân quân Varennes đã gia nhập vào các vệ binh đồng sự ở khắp nơi trong vùng để đi diễn hành trong một loạt các buổi liên kết hay trong các buổi lễ ’liên bang’. Một trong những buổi này  vào ngày 1 tháng Bảy 1790, đã có tới 3000 dân quân tụ họp tại Varennes nơi họ sinh hoạt xã hội, diễn hành và tuyên thệ trung thành với tổ quốc. Hai tuần lễ sau đó, vào ngày kỷ niệm đệ nhất chu niên phá ngục Bastille, Justin George, Etienne Eadet cùng nhiều dân quân Varennes khác đã tiến về Paris để tham gia vào đại  lễ hội liên bang toàn quốc  ở tại cuộc duyệt binh từ  Champ de Mars đến tận phía Tây của thủ đô, nơi bây giờ là công trường tháp Eiffel. Nơi đó, từ phía xa xa, họ đã nhìn thấy vua Louis XVI đang đọc lời tuyên thệ trung thành của ông với  bản tân hiến pháp. Mọi người giờ có thể mường tượng rõ ràng rằng họ chắc chắn nhớ lại cảnh tượng này khi cũng ông vua đó chỉ  một năm sau, có mặt ở trong cái thị trấn bé nhỏ của họ trên con đường đào tẩu, chối bỏ chính cái hiến pháp mà ông đã thề hứa bảo vệ nó.
Cái tổ chức thứ hai cũng quan trọng không kém trong tinh thần cách mạng, không chỉ gói gọn ở Varennes nhưng hầu như khắp nơi trên đất Pháp là cái tổ chức địa phương phổ biến được gọi là ‘câu lạc bộ’. Có lẽ nhờ ảnh hưởng của ông bố đại biểu mà Justin Geprge đã giúp thành lập một chi nhánh câu lạc bộ các thân hữu của Hiến Pháp địa phương vào ngày 25 tháng Ba 1791. Với  số lượng hội viên lúc đầu là 44 người, câu lạc bộ là một trong những hội đầu tiên trực thuộc chi nhánh quản trị mới của vùng Meuse mà Varennes gắn bó. Ít lâu sau họ liên kết với cánh Jacobins ở Paris, một tên tuổi lớn nổi tiếng của  tổ chức xã hội những Thân Hữu của Hiến Pháp. Mục đích tự xưng của câu lạc bộ là ủng hộ và tuyên truyền nhưng đại luật đã được Hội Đồng Lập Hiến Quốc Gia thông qua. Thế nhưng ở tại Varennes cũng như nhiều nơi trong nước, nhóm Jacobins nhanh chóng tiết lộ một lời kêu gọi đặc biệt để làm tai mắt cho Cách Mạng chống lại mọi kẻ thù cùng những kẻ tình nghi.
Vào những tháng trước cuộc khủng hoảng tháng Sáu, câu lạc bộ đặc biệt tập trung vào việc dò xét giới giáo sĩ địa phương. Một năm trước đó Hội Đồng Lập Hiến, nay gọi tắt là Hội ĐỒng Quốc Gia đã thông qua một điều luật tái cơ cấu giáo hội Công Giáo được biết như là hiến pháp về quyền dân sự cho hàng giáo sĩ. Kể từ đầu năm 1791, các đại biểu đã đòi hỏi tất cả các linh mục có quyền hạn ban bí tích giải tội phải tuyên thệ chính thức trung thành với Hiến Pháp một cách tổng quát, và  đặc biệt với sự biến đổi về hàng giáo sĩ. Vào tháng Tư, vị linh mục của thị trấn Varennes, một tu sĩ dòng Méthain bị cán bộ cách mạng tước bỏ nhiệm vụ sau khi linh mục này từ chối tuyên thệ. Cố chấp với lập luận rằng nhà nước không có quyền hạn để truất phế ông, vị linh mục đã ra cử hành thánh lễ trong ngày thứ Sáu tuần Thánh. Cánh Jacobins và một số dân quân đã tiến vào thánh đường dùng vũ lực đuổi ông ra. Trong khi chẳng có bằng chứng nào chứng tỏ các lãnh đạo thị trấn chống lại giới giáo sĩ hay giáo hội, nhưng họ vô cùng phẫn nộ về chuyện có một người từ chối tham gia vào Hiến Pháp lại  vẫn có quyền dạy bảo con cháu họ và còn có qiuyền giải tội cho họ. Sự từ chối tuyên thệ của gần non nửa số giáo sĩ ở những địa phận chung quanh đã làm tăng thêm mối nghi ngờ rằng đang có những âm mưu phản cách mạng đang tiến hành  hoạt động trong vùng .
Quả thực, hầu như ngay từ khởi đầu cuộc Cách Mạng, cái chủ nghĩa lạc quan hàng ngàn năm  gây ra bởi những biến cố ở Paris lại hoà lẫn với lo lắng sợ hãi. Theo nhận thức ở vào thế kỷ 21 này,  đôi khi chúng ta quên đi những mối lo sợ và bất ổn mà con người, với lần đầu tiên trải nghiệm về dân chủ như thế nào, cho dù có nhiệt tâm ủng hộ đến đâu chăng nữa. Thật khó tin rằng giới quý tộc và giới tu sĩ của chế độ cũ sẽ không vận dụng những biến cố đó hoặc họ sẽ không tìm cách đoạt lại quyền hành hay tìm cách trả thù cho những mất mát của họ. Thật ra, có ba vụ bắt bớ do hốt hoảng đã xảy ra tại Varennes trước tháng Sáu 1791, cả ba đều liên hệ tới sự lo sợ về những kẻ thù tưởng tượng, có lẽ trong sự trả đũa của các thành phần trưóc đó có ưu tiên. Vào tháng Tám 1789, cư dân thị trấn đã kinh hoảng với cái tin tức có một đám côn đồ từ miền Bắc tới. Mặc dù chuyện côn đồ không trở thành sự thật, cái phản ứng tự vệ tiếp theo sau tin đồn đó đã làm nền tảng cho việc thành lập các đơn vị dân quân đầu tiên của thị trấn. Chỉ một năm sau đó lại có tin đồn lan ra một cách ghê gớm rằng quân đội đế quốc Áo đã tiến vào xâm lược và đã có khoảng trên dưới 500 vệ binh của các làng mạc lân cận  đã tụ tập đến Varennes giúp chống lại. Một làn sóng lo sợ thứ ba lại xảy ra vào tháng Hai 1791 với tin đồn một đám côn đồ khác đã vượt qua biên giới phía Bắc tràn vào. Mặc dù việc báo động một lần nữa chứng tỏ là không có nguyên cớ, lời kêu cứu  hỗ trợ của thị trấn dẫn tới việc ban quản trị hành chính trung ương đã tiếp tế một số vũ khí đạn dược có cả tới 4 khẩu đại bác tới bảo vệ Varennes. Những đợt hoảng hốt tiếp theo lại cung cấp thêm một loạt những diễn tập được  huy động với mục đích giúp cư dân thị trấn biết  cách đối phó khi sự nguy hiểm thực sự xảy đến. Có lẽ quan trọng hơn cả là sảnh đường của thị trấn Varennes bây giờ đã có được  một  trong những kho chứa vũ khí đạn dược lớn nhất trong cả vùng với  súng đạn trang bị đã sẵn sàng khi cuộc khủng hoảng đêm 21 tháng Sáu này xảy ra.
Ngoài mối lo khuấy rối của bọn côn đồ hay sự xâm lấn của tụi lính Áo, một mối đe doạ có thể thấy nhãn tiền hơn ngay từ đám binh lính hoàng gia đang đồn trú tại Varennes và các khu phố lân cận, trong số có nhiều tay là lính đánh thuê đến từ Đức hay Thuỵ Sĩ. Mối quan hệ quân và dân vẫn thường căng thẳng từ lâu nay, ngay cả trong những thời điểm ôn hoà nhất. Cư dân địa phương thường phải gánh chịu việc nuôi ăn ở quân lính miễn phí. Đám lính trẻ thường khét tiếng ngổ ngáo khi say sỉn hay khi tán tỉnh chọc ghẹo gái địa phương. Việc  quân đội trú đóng ở trong các ngôi làng cũng thường được xử dụng trong các dịp cưỡng ép cộng đồng dân chúng phải đóng  thuế  đã quá hạn trả. Kể từ tháng 10 /1789, chính quyền địa phương đã phản đối việc đặt để các phân đội kỵ binh nói tiếng Đức ở tại Varennes. Những đội quân này đã được di rời đi vào tháng Hai năm sau, nhưng sáu tháng sau đó, tướng Bouillé, viên tư lệnh vùng lại mang vào 600 trăm quân bộ binh. Đội quân này chỉ mới trước đó đã liên quan đến một cuộc đàn áp dã man một phong trào phản đối của những người lính trơn chống lại đám sĩ quan thuộc tầng lớp quý tộc của họ ở tại thành phố Nancy gần đó. Đây là cuộc biểu tình phản đối mà rất nhiều người dân yêu nước đã công khai ủng hộ họ. Sự có mặt của đám lính tàn bạo này ở Varennes đã đưa đến những căng thẳng tột độ. Tình hình chỉ được xoa dịu khi lãnh đạo thị trấn tìm ra được một tu viện bỏ hoang ở sát bìa thị trấn làm chỗ trú quân cho họ.
Đám bộ binh rồi cũng rời đi vào tháng Hai 1791. Tuy nhiên , vào tháng Sáu, tướng Bouillé lại loan báo sẽ gửi khoảng 60 tay kỵ binh nói tiếng Đức đến trú ngụ. Bây giờ thì chúng ta biết rằng hành động này là một phần của kế hoạch di chuyển quân với mục đích bảo vệ cho chuyến đào tẩu của nhà vua, một âm mưu mà Bouillé đã liên quan đến một cách tỉ mỉ. Mặc dù cái phân đội nhỏ bé này cũng trú đóng tại tu viện trên và  tương đối gây ra không nhiều những quan ngại trước mắt đối với cư dân Varennes, nhiều người vẫn quan tâm với nghi ngại ngày càng tăng khi nhìn thấy hàng đoàn xe chở đồ đạc hàng hoá quân sự đi qua phố, và khi nghe những lời đồn đại từ cửa miệng của quân lính suốt cả khu vực. Thực vậy, các viên chức điạ phương ở Meuse đã rất bối rối và quan ngại sâu sắc vể những sự di chuyển đó trong thời bình. Việc đi tới đi lui hết kỵ binh lại đến bộ binh, hôm trước rút đi, hôm sau lại tiến vào, cứ tiến tới rồi rút lui, thay đổi quân sự mà chẳng có gì đáng cần thiết hay hữu dụng để làm gì? Vào ngày 20 tháng Bảy, 40 tay kỵ binh hành quân về phía Tây, được cho là để tiếp nhận một ‘kho tàng’ hay một xe chở lương tiền để phát lương cho quân? Ngày hôm sau, đứa con trai út của Bouillé cùng một viên sĩ quan nữa tới thuê trọ qua đêm tại quán trọ Đại Hoàng Gia ở ngay phía Đông của nhánh sông. Bọn này tuyên bố là đến để chuẩn bị cho một cuộc viếng thăm đột xuất sắp tới của chính viên tướng.
Những lo sợ của  dân địa phương lan toả ra sao không rõ ràng lắm. Chỉ biết là ngay từ sáng sớm ngày 21 tháng Sáu, anh chàng Sauce đã tự viết một bức thư chào mừng đám kỵ binh mới tới như một dấu hiệu thân thiện của thị trấn. Anh cũng có nói chuyện với viên sĩ quan chỉ huy và được bảo đảm là chẳng có chiến tranh gì đâu. Tuy nhiên, những người khác trong thị trấn, đặc biệt các thành viên của hội câu lạc bộ Jacobins lại chẳng tin điều đó.  Cái thành kiến chống lại giới quý tộc ngày càng tăng làm cho viên chỉ huy quý tộc  trở thành đối tượng của sự nghi ngờ. Có một thành viên vô danh của câu lạc bộ đã viết  một loạt thư gửi về ban quản trị của hội ở Bar-le Duc ngay trong buổi chiều của cuộc khủng hoảng 21 tháng Sáu. Anh ta kể rõ chi tiết tất cả các hoạt động quân sự rất lạ thường ở một thời điểm hoà bình ở trong thị trấn. Anh ta cũng không quên tả lại chuyến viếng thăm của Franςois de Gogurlat, một kẻ âm mưu chính khác trong việc sắp xếp kế hoạch đào tẩu của nhà vua và là người đã tra vấn Sauce về các vệ binh và quan điểm chính trị của các vị lãnh đạo thị trấn Varennes. Bằng một lối giải thích rất đáng nghi ngờ, anh ta còn dự đoán rằng rất có thể “kho tàng bí mật” mà đám quân lính đang bàn tán đó chính là đức vua, có lẽ  sắp bị bắt cóc khỏi Paris bởi một lũ xấu nào đó.
Cũng rất có thể là George và các bạn của anh ta  ở quán Golden Arm đang thảo luận về đủ loại các tin đồn này cộng với nỗi lo ngại về chuyện quan quân thay đổi ngay  trong buổi tối Drouet xuất hiện.  Nhưng dù trong trường hợp nào, cái thị trấn Varennes bé nhỏ tầm thường  ở gần biên giới Đông Bắc nước Pháp cũng đã chuẩn bị rất tốt về mọi mặt từ, quân sự, hành chính đến cả tâm lý để sẵn sàng cho cuộc khủng hoảng ngày 21 tháng Sáu hơn là những kẻ âm mưu tổ chức cuộc đào tẩu của nhà vua tưởng tượng.

Quân đội và nhân dân


Vào sáng sớm ngày 22 tháng Sáu, ngay cả khi các nhân sĩ trong thị trấn còn đang thảo luận việc phải làm gì với nhà vua vừa mới tới giữa đêm thì cả thị trấn đã bắt đầu xôn xao náo động. Thật ra diễn biến chính xác trong đêm ra sao vẫn rất mù mờ. Ai nấy đều cảm thấy  nhầm lẫn; cả hàng đống biến cố đột ngột xảy ra cùng lúc.  Nhưng giờ không phải là lúc để ghi chép lại, và việc thuật lại những sự kiện trong đêm hôm đó phải căn cứ theo ký ức của những cá nhân hiện diện trong đêm, đôi khi không ăn khớp với nhau vì được viết lại sau nhiều ngày, nhiều tháng hay thậm chí nhiều năm sau đó. Trong bất cứ trường hợp nào, ngay sau khi 2 đứa con của Sauce chạy đi khắp phố  báo động : “cháy, cháy!”, có ai đó đã tức thì đến kéo chuông nhà thờ ở bên kia sông. Tiếng chuông nhà thờ có một ngôn ngữ riêng của nó tuỳ theo âm sắc và nhịp điệu, khoan thai để kêu gọi giáo dân đến thánh lễ, hay loan báo đám cưới hoặc đám ma. Nhưng khi tiếng chuông dồn dập và lập đi lập lại nhiều lần thì đó là tiếng chuông báo động cho một sự nguy hiểm và khẩn cấp. Lúc đó mọi người sẽ túa ra đường và hỏi chuyện gì đang xảy ra. Chỉ trong ít phút, người chỉ huy vệ binh cũng cho đánh thức các tay trống để dóng lên tiếng trống tụ  họp quân. Thế rồi dân quân  khoác quân phục vào và nhảy bổ  tới với vũ khí  trên tay hay chạy đến thị sảnh ở  trung tâm thị xã  để nhận vũ khí.
Khi biết được sự có mặt của nhà vua, họ vừa tò mò vừa sửng sốt lại vừa lo lắng. Thình lình, ý nghĩa của việc di chuyển quân và câu chuyện bí mật về cái kho tàng gì đó sắp đến trở nên rõ ràng. Những người chưa từng có kinh nghiệm về trò ảo thuật của sự có mặt bất ngờ của hoàng gia bèn nhanh chóng cảm thấy nguy hiểm vì sự trả thù lên những người đã cả gan ngăn chặn bước đào tẩu của nhà vua, và điều cận kề nhất có thể xảy ra là sự tấn công của đám  quân lính đang trú đóng trong vùng. May mắn, mối nguy hiểm gần kề nhất là đám kỵ binh người Đức ở kế bên thị trấn đã không tỏ vẻ  gì hăm doạ. Hầu hết bọn chúng dường như vẫn ngủ nghỉ hay  vùi đầu vào ly rượu trong quán và theo dõi một cách vô hại.  Thế nhưng có người thấy viên chỉ huy bọn họ lên ngựa tiến về bờ sông và  phi ngược hướng Bắc. Lát sau hắn quay lại với  anh chàng Bouillé trẻ đi theo. Mọi người hiểu ra rằng ông tướng Bouillé đã được thông tin và họ tin rằng, chẳng bao lâu nữa, đoàn quân của ông ta sẽ ở ngay sau lưng họ. Các viên chỉ huy đội dân quân bèn bố trí các phân đội  vệ binh đến trấn những  lối vào then chốt của thị trấn để đặt rào cản hay chướng ngại vật bằng các toa xe hay bất cứ gì tìm được theo cách bố trí của họ. Họ cũng không quên  gửi ngay phát thư đi cầu viện những làng mạc chung quanh.
Nỗi lo sợ nhất của họ  dường như trở nên cụ thể vào khoảng một giờ sáng, khi một nhóm chừng 40 tên  kỵ binh, sau lại có thêm một đám nữa, xuất hiện ở  cửa vào mặt Nam của thị trấn. Các tay chỉ huy của chúng, mà cư dân Varennes sau đó biết được là Goguelat và quận công Choiseul, đã nói chuyện với đám kỵ binh bằng tiếng Đức, và đám này đáp lại với vẻ ngạc nhiên. Sau đó bọn chúng bèn tấn công phá rào cản và dùng sống kiếm đẩy dạt đám vệ binh ra tiến vào trung tâm thị trấn và cuối cùng dừng lại ở vị trí bày binh bố trận ngay trước cửa nhà của Sauce. Những giây phút kế tiếp thật căng thẳng và  đầy bất trắc, gây nên một nỗi lo lắng đầy kinh hoàng cho mọi người. Đám kỵ binh  trên lưng ngựa với đầy đủ nón sắt áo giáp, súng đạn và kiếm trận trên tay đã  cố tình hăm doạ dân chúng. Anh chàng Sauce bước ra khỏi nhà và phát biểu một bài diễn văn đầy lòng yêu nước trước cửa tiệm của anh và anh phản đối rằng: ” Đều là những công dân có giá trị  và những quân nhân quá can đảm, chúng ta có cần tham gia vào một cuộc tác chiến chỉ dẫn tới đổ máu…?”. Tuy nhiên, chẳng ai biết bọn lính đó hiểu biết tiếng Pháp cỡ nào và sự đối đầu giữa vê binh và đám lính tiếp tục. Cuối cùng, một người, rồi thêm hai viên sĩ quan nữa yêu cầu được nói chuyện với nhà vua. Khi Goguelat trở lại sau đó và dường như chuẩn bị một cuộc tấn công, đám vệ binh cũng chuẩn bị chống trả. Họ mang đến 4 khẩu đại bác đặt ngay ở trên và dưới con đường bọn kỵ binh đang bố trí. Đồng thời họ phóng thanh yêu cầu  nhà cửa 2 bên đường mở cửa ra để mọi người đang còn trên đường chạy vào ẩn núp, chừa lại bọn lính đơn độc trong vùng lửa đạn. Nhận ra sự nguy hiểm, Goguelat tự mình tấn công nghĩa quân, ra lệnh cho họ quay mũi mấy khẩu đại bác ra ngoài. Tuy nhiên, một tay dân quân trong làng đã rút súng bắn ông ta rơi khỏi lưng ngựa. Viên bá tước ôm vết thương chạy vào quán trọ Golden Arm. Kẻ bắn ông cũng đi theo xin lỗi rối rít. Những người khác chạy đi làm việc với đám kỵ binh không còn vị chỉ huy. Sau nhiều giây phút vô cùng căng thẳng, đồng thời có blếu tặng cho uống rượu miễn phí,  họ đã thuyết phục được đám kỵ binh xuống ngựa và sau đó tỏ ra thân thiện với dân làng và thề sẽ nghe theo các viên chỉ huy của dân quân địa phương.
Đối với cư dân Varennes, sự xuất hiện của Goguelat cùng đám kỵ binh đánh dấu một khúc quanh mới ở nhiều khía cạnh. Qua sự kiện hăm doạ bằng nột hành vi bạo động này, cư dân càng tin tưởng hơn rằng việc đào tẩu của nhà vua không chỉ đơn thuần là một nỗ lực của hoàng gia đi lánh nạn cho nhà vua và gia đình, mà có cả một âm mưu to lớn và nguy hiểm có dính líu đến bọn lính ngoại và có lẽ cả quân đội nước ngoài. Hơn thế nữa, hiệu quả việc đối phó với khủng hoảng của Sauce, người lãnh đạo thị trấn thật vô cùng mạnh mẽ. Chỉ mới ít ngày trước, vị bá tước đã thu hút anh bằng những phát biểu mạnh mẽ về lòng ái quốc trong một báo cáo tổng quát về thị trấn và về vệ binh quốc gia, ngay cả khi những công dân khác vẫn nghi ngờ tối đa. Bây giờ, anh chàng chủ tiệm tạp hoá đã ngộ ra rằng anh đã bị một tay quý tộc thao túng, coi anh như một thẳng ngu ngốc. Sau này anh viết lại: “ Dưới tấm mạng che lòng ái quốc, Goguelat đã giấu tôi một sự phản quốc bỉ ổi. Tôi chỉ có thể nói lên một sự căm phẫn sâu xa nhất.” Cái kinh nghiệm đắng cay này có thể đã trở nên then chốt cho việc Sauce thay đổi thái độ đối với nhà vua.
Dù vậy, toán dân quân tiếp viện không lâu sau đó đã đến từ khắp nơi. Chừng hơn nửa tiếng sau nửa đêm, có ai đó đã gửi đi ba bốn viên cảnh sát đến hết làng này đến làng khác vừa phi ngựa đến vừa chạy vừa hét lên “ cầm vũ khí lên, cầm vũ khí lên”. Ngay sau khi Sauce gửi điện văn đến Verdun, trung tâm quân sự lớn nhất trong vùng để xin trợ giúp rằng: “ Xin mau mau đưa quân viện và đại bác đến giúp chúng tôi. Nhà vua và hoàng gia đang có mặt ở đây.”  Ngay trước khi những người chuyển tin tới, các làng lân cận đã nghe thấy tiếng chuông nhà thờ vang lên dồn dập và họ đã túa ra đường, với một mệnh lệnh ngắn ngủi, đám dân quân đã giương cờ gióng trống tiến về Varennes. Tại khu phố thị Montnlancville nơi chỉ cách chừng 2 dặm phía Bắc, thông địệp đã tới lúc một giờ sáng. Mặc dù có sự lẫn lộn chưa biết rõ ràng chuyện gì khẩn cấp đến thế, người phát tin đã nhanh chóng đi sang các làng mạc khác để báo động trước khi thông điệp được thông hiểu. Cánh đàn ông đã cho lệnh trang bị vũ khí và chừng hơn trăm người đã chạy bộ tới Varrenes lúc một giờ rưỡi. Khi đã hiểu rõ chuyện ngọn ngành, họ bèn vào vị trí sẵn sàng chiến đấu. Cũng giống như bao lần huy động trước, cánh đàn bà và con nít theo chân họ sau đó, đẩy theo các toa xe chứa thực phẩm và đồ tiếp tế.
Montfaucon, một làng ở dãy đồi xa xa thuộc vùng Argonne nhận được tin tức khoảng ba giờ sáng. Dân làng sau này nhớ lại rằng mới buổi chiều tối, mọi sự vẫn còn yên lặng ra sao, và họ đã sững sờ ra sao khi nhận một thông điệp “không bao giờ ngờ tới và khó có thể tin được” như thế. Thế nhưng họ cũng ngay lập tức quơ bất thứ vũ khí nào có thể có được và đi đến Varennes vào lúc rạng sáng. Tin tức tới được Verdun vào khoảng 5 giờ 15 phút sáng. Lãnh đạo khu vực truyền tin lại khắp phố trước khi  phái đi 400 vê binh cùng binh sĩ chinh quy Pháp. Triacourt, cách 20 dặm phía Nam, nhận được tin cùng khoảng thời gian. Autry ở phía Tây của vùng Argonne biết tin khoảng chừng một giờ sau đó. Quả thực, ngay khi nhận được tin tức khẩn cấp, nhiều cộng đồng đã kéo chuông báo động đồng thời gửi thêm tin tức cho bạn bè cùng các gia đình trong các thôn xóm hẻo lánh hay các nông trại làm thành một phản ứng dây chuyền giúp cho tin tức truyền đi với một tốc độ nhanh chóng đến kinh ngạc. Khi trời sáng, dân quân đã đến Varenes ở khắp nơi, từ Cuisy, Septsangs  đến Dannevoux và Sivry bên bờ sông Meuse và Damvillers quá khỏi Meuse. Cũng trong buổi sáng hôm đó, tin tức truyền miệng đã lan tới Saint Dizier ờ cách 45 dặm phía Nam và  cả vùng Chalons-sur-Marne và Reims, ở cách hơn 70 dặm phía Tây. Đến buổi chiều thì Metz và Thionville ở  cùng khoảng cách về phiá Đông cũng nhận được tin. Tất cả nhanh chóng gửi đến Varennes những đội dân quân  có trang bị.
Ngay buổi sáng ngày 22 tháng Sáu đã có hàng ngàn người tụ họp tại cái thị trấn nhỏ bé này trong vùng Argonne: vệ binh với súng đạn, nông dân với đủ loại vũ khí tự kiếm được và đàn bà chuẩn bị đủ mọi thực phẩm và bánh mì cho cánh đàn ông. Mặc dù cũng có một ít tên vô lại nhân cơ hội lẻn vào nhà cửa cư dân ăn trộm đồ ăn thức uống, hầu hết mọi người khác đều giữ gìn kỷ luật tốt  và sẵn sàng cho một cuộc chiến đấu mà họ chắc sắp xảy ra. Có một bô lão quý tộc ái quốc nguyên là vị cựu sĩ quan trong quân đội hoàng gia cũng có mặt tại hiện trường góp sức tổ chức một hệ thống phòng thủ. Các rào cản được đặt ra khắp nơi chung quanh chu vi của thị trấn và cây cầu gỗ nằm giữa thị trấn bị tháo gỡ một phần. Ngay sau khi trời rạng sáng, có thêm 65 kỵ binh từ phương Bắc đến, nhưng nhân dân lúc này đã sẵn sàng với súng đạn lên nòng và đám kỵ binh bị buộc đứng chờ bên ngoài thị trấn. Chỉ có đại úy Deslon, viên sĩ quam chỉ huy của họ được phép vào nói chuyện với nhà vua.

Vận mạng của đất nước


Trong lúc đó, trong một phiên họp khẩn cấp có cả vài quý tộc và thẩm phán của hội đồng xét xử địa phương, hội đồng thành phố thật phân vân không biết xử trí ra sao với nhà vua. Một đám ít người vốn chỉ là chủ tiệm, thương gia hay khá nhất là những luật sư miệt vườn, tự nhiên thấy họ đang phải gánh một trách nhiệm nặng nề của một toà án tối cao với vận mạng của cả nước nằm trong tay họ. Sau khi đã tái triệu tập vào lúc 2 giờ sáng, họ phái anh chủ tiệm hớt tóc Mangin  như một sứ giả đi đến báo cáo cho Hội Đồnng Quốc Gia  sự có mặt của nhà vua  để yêu cầu cố vấn. Nhưng họ thừa hiểu rằng phải mất nhiều ngày trước khi họ có được câu trả lời từ Paris và họ thì không thể chần chờ không quyết định mãi. Lúc đầu họ hứa giúp đỡ hoàng gia tiếp tục hành trình của họ. Thế nhưng  việc có mặt của đám kỵ binh và cái phong cách hăm doạ hung hãn của đám chỉ huy đòi đưa nhà vua đi bằng vũ lực đã làm giảm đi đáng kể tinh thần cộng tác và thiện chí của họ, đặc biệt khi họ nhìn thấy Goguelat trong đám chỉ huy , họ nhận ra ngay cái tiểu xảo và trò lường gạt của y.
Hơn nữa, qua phản xạ tự nhiên của họ và qua lời khuyên nhủ kiên quyết của cánh Jacoins cùng những nhà ái quốc có mặt trong thị trấn, các thành viên hội đồng thị trấn đã đi đến một kết luận về cái chuyện quái lạ  của sự trốn chạy của  nhà vua. Vua Louis nói với họ rằng ông không bỏ rơi vương quốc và rằng ông sẽ đến ở tại Monmédy nhưng vẫn thực sự nắm được tình hình.  Họ rất ngạc nhiên với lời kể của nhà vua về tình hình Paris mà nó không giống như những gì họ hiểu biết qua việc thu thập tin tức từ báo chí và từ các tường trình của viên thị trưởng của họ. Hầu hết họ đã nghe đến những báo cáo về những tay cố vấn  không đáng tin cậy của nhà vua và ông thì dễ dàng bị bọn họ thao túng tới bất cứ ý định nào của nhà vua. Hậu quả của thị trấn này của họ sẽ ra sao nếu như sau đó có xác định là nhà vua đã bị hiểu lầm? Liệu họ có bị tố cáo tội phản quốc như lời của Drouet nói không? Ngay cả khi nhà vua không vượt qua biên giới, thì sự vắng mặt của nhà vua ở Paris có ý nghĩa gì cho sự tồn tại của Hội Đồng Quốc Gia và bản tân hiến pháp mà họ ủng hộ nhiệt tình cũng như ủng hộ nhà vua?  Cái viễn ảnh của một cuộc nội chiến và có lẽ một sự xâm lược của ngoại quốc dường như quá rõ, đặc biệt đối với một thị trấn như Varennes, nơi luôn bị ám ảnh vì địa hình gần sát biên giới.
Họ đã đấu tranh tư tưởng với những câu hỏi trên trong bao lâu, khổ tâm với sự phân vân về lòng trung thành bị phân tán như thế nào, chúng ta không thực sự biết. Tuy nhiên, một lúc nào đó, có lẽ vào lúc Sauce gửi lời  kêu gọi yểm trợ đến Verdun, họ rõ ràng đã từ bỏ ý định hộ tống hoàng gia đến Monmédy và tìm cách câu giờ để chờ những lực lượng hữu hiệu đến tiếp viện để phòng thủ thị trấn. Dù sao, trong suốt đêm, Sauce và một bộ phận của hội đồng thấy họ phải trở lại gặp nhà vua và giải thích về sự thay đổi ý định của họ. Thật là một cảnh tượng hết sức lạ lùng.  Một tay chủ tiệm chạp phô, một thợ thuộc da và một thẩm phán miệt vườn lại dám thông báo cho ông vua nước Pháp rằng họ phải từ chối theo lệnh của ông. Họ không thể để nhà vua tiếp tục hành trình. Thật khó xử khi phải diễn tả ý định  đó trước mặt hoàng gia, họ nói với vua  về cái cảm giác dịu dàng nhưng lo âu rằng, giống như  là những thành viên trong một gia đình  vĩ đại vừa mới tìm lại được người cha thân yêu, nhưng giờ họ đang lo sợ sẽ lại  có thể mất người cha ấy lần nữa. Họ bảo đảm với vua rằng thần dân rất ngưỡng mộ nhà vua, rằng  sức mạnh của ngai vàng của vua luôn ở trong tim và tên ngài luôn ở trên môi, nhưng nơi cư ngụ chính đáng của vua là ở Paris, và mặc dù họ sống trong vùng thôn dã, họ vẫn khẩn cầu nhà vua hãy quay về nơi chốn của ngài.”  Họ cũng thêm rằng họ e là nếu vua vẫn cứ ra đi thì sẽ gây ra những biến cố đổ máu  và  họ lên án điều đó vì sự an nguy của đất nước”  và cảnh báo rằng  sự cứu tế của nhà nước phụ thuộc vào sự hoàn thành hiến pháp, mà hiến pháp lại đang cần sự trở về  của nhà vua để  được phê duyệt. Những quyết định này của hội đồng thị trấn đã làm gảm nhẹ sự cần thiết của nó với lời yêu cầu khẩn thiết của đám đông bên ngoài gồm đủ mọi thành phần  nam phụ lão ấu đang tập trung trước cửa nhà Sauce hô lớn: “vạn tuế quốc vương, vạn tuế  tổ quốc , xin người trở về Paris.”
Lúc đầu, Vua và hoàng hậu dường như không hiểu, không muốn lắng nghe và vẫn yêu cầu chuẩn bị người ngựa để họ tiếp tục hành trình. Hoàng hậu Marie-Antoinette thậm chí còn cho gọi bà vợ của Sauce vào gây ảnh hưởng lên chồng bà, và hứa hẹn rằng cả thị trấn sẽ hưởng lợi lớn nếu hỗ trợ nhà vua. Theo như cư dân thị trấn nhớ lại, bà Sauce đáp lại rằng bà thực sự yêu mến hoàng gia, bà cũng yêu chồng, nhưng anh ấy có trách nhiệm của anh, và bà  lo sợ rằng chồng bà sẽ bị trừng phạt nếu để cho đoàn của vua vượt qua trạm.  Một câu chuyện khác, có thể là thật cũng có thể ngụy tạo rằng vua Louis đã kêu gọi lão già Géraudel, một người đốn củi và cũng là vệ binh rằng khi  nhà vua tái  thề hứa là sẽ không có chuyện nhà vua bỏ nước ra đi mà chỉ mong làm điều tốt cho đất nước mà thôi. Géraudel đã đáp lại rằng: “Tâu hoàng thượng, thần dân không dám chắc thần dân có thể tin ngài được.” Hai năm Cách Mạng đã thay đổi mọi thứ.

Khi tay đại úy Deslon đến trước cửa nhà Sauce lúc 5 giờ sáng, anh ta lập túc hỏi nhà vua anh ta phải làm gì. Nhưng lúc này, vua Louis dường như đã đầu hàng mặc cho số mệnh. Vua nói: “Ta chẳng có mệnh lệnh nào cho nhà ngươi cả. Giờ ta là một tù nhân.” Deslon bèn cố nói chuyện với hoàng hậu và một trong những viên sĩ quan khác bằng tiếng Đức, ngôn ngữ mẹ đẻ của hoàng hậu, một lần nữa nêu lên một hành động quân sự để giải vây cho hoàng gia. Thế nhưng những cư dân đang ở trong phòng lập tức la lớn: “Không được nói tiếng Đức ở đây” và rồi Deslon trở ra ngoài thị trấn với toán quân của hắn chờ đợi một lệnh lạc mà nó không bao giờ đến. Dù thế nào đi nữa thì tình hình cũng hoàn toàn biến đổi trong  khoảng một giờ sau đó, khi hai đại diện được Hội Đồng Quốc Gia và  vị tướng Lafayette phái đến hôm trước đã tới được Varennes. Đó là Bayon, một sĩ quan trong đội vệ binh quốc gia ở tại Paris và Romeuf, một trong những người phụ tá của viên tướng, hai người đang làm nhiệm vụ đuổi theo nhà vua và hoàng gia mà họ vẫn chưa chắc chắn là hoàng gia đã tự ý  đi trốn hay bị bắt cóc. Mệnh lệnh của cả hai đều chính thức chỉ thị tới tất cả sĩ quan và thành viên của vệ binh quốc gia hay trong hàng ngũ quân đội. Một khi đại diện thành công trong việc bắt kịp hoàng gia, các sĩ quan sẽ được giữ lại và dùng mọi biện pháp cần thiết để ngăn chặn việc bắt cóc hay để ngăn cản hoàng gia tiếp tục hành trình, và rồi báo cáo về cơ quan lập pháp ngay tức thì. Đối diện với hai mệnh lệnh trái ngược từ hai đại diện thẩm quyền trung ương của nhà nước cách Mạng, một là ý nguyện của nhà vua, một là ý định của Hội Đồng Quốc Gia, người dân thị trấn không do dự ngả theo phe hội đồng. Hai đại diện leo lên tầng hai trong nhà Sauce và  đưa sắc lịnh đó cho vua và hoàng hậu. Marie-Antoinette tỏ ra giận dữ và khinh bỉ: “Thật là vô lễ phạm thượng!” Và bà quăng sắc lệnh xuống sàn. Vua Louis thì tỏ vẻ thờ ơ nhưng đầy vẻ buồn thảm chỉ nói: “ Nước Pháp không còn vua nữa.”
Thực ra, Hội Đồng Cách Mạng chỉ khẳng định một điều là hoàng gia phải bị chặn lại. Thế nhưng cư dân Varennes không hề nghi ngờ về việc hoàng gia phải được đưa về Paris ngay tức khắc. Ngoài đòi hỏi theo đúng hiến pháp, nhà vua và Hội Đồng cũng cần giữ sự gần gũi thân mật, nên mọi người rất lo lắng về tình hình quân sự địa phương. Họ vẫn đang chờ đợi một cuộc tấn công từ ông tướng Bouillé và họ chỉ cầu mong là thị trấn của họ sẽ được để yên nếu như nhà vua được chuyển đi nơi khác. Vì vậy vào lúc 7.30 sáng khi mặt trời đã lên cao và thời tiết bắt đầu nóng bức, cả hai phía hội đồng  thị trấn và phía hoàng gia đều mệt nhoài vì một đêm mất ngủ, 2 cỗ xe ngựa quay đầu và lại chui qua  vòm cổng chào của thị trấn, quay ngược lại và ra khỏi thị trấn. Được hộ tống bởi hàng ngàn vệ binh quốc gia, nhà vua và cả hoàng gia  bắt đầu một hành trình dài trở lại Paris.

               
Cái đêm nhà vua bất ngờ xuất hiện trong một thị xã nhỏ bé ở vùng Đông Bắc nước Pháp có thể  là một trong những giây phút đầy kịch tính và cảm động nhất trong toàn bộ cuộc Cách Mạng. Đối với cư dân thị trấn, trải nghiệm trong đêm đó không thể nào quên và trong một vài trường hợp, nó đã thay đổi nguyên vẹn đời sống của họ. Drouet bỗng nhiên thấy mình được bầu chọn vào Nghị Hội Toàn Quốc, phần lớn nhờ vào hành động của anh trong đêm đó. Sauce bị những kẻ trung thành cuồng tin với hoàng gia theo dõi trong nhiều năm trời vì họ cho rằng anh là hiện thân của tội ác.  Vợ anh có lẽ té ngã chết khi bà cố  ẩn núp dưới một cái giếng khi một toán quân ngoại xâm tiến vào năm 1792. Quả thực, toàn thị trấn thỉnh thoảng đã bị nhiều nhóm phản cách mạng hăm doạ huỷ diệt. “Varennes, thị trấn thảm sầu, một nhà tiên tri về ngày tận thế viết, đống hoang tàn đổ nát của ngươi chẳng bao lâu nữa sẽ bị cày xới nát trên mặt đất.” Ngược lại, các nhà ái quốc từ khắp nơi trên đất Pháp đã gửi ngập tràn thị trấn với những bức thư ca tụng biết ơn. Mộ món tiền khổng lồ gần 200,000 Phật Lăng từ Hội Đồng Quốc Gia ban thưởng cho thị trấn được chia cho công dân địa phương. Các đồ vật chạm trổ, cờ thêu và chén dĩa vẽ tay được làm để chào mừng thị trấn và cư dân với những hàng chữ : “Tổ Quốc tri ân” và nhà nước cũng dựng lên một tháp đài tưởng niệm ở ngay tại khu vực quán Golden Arm nơi mà vệ binh quốc gia đã chặn đứng hành trình đào tẩu của hoàng gia.  Các văn sĩ, sử gia có những cuộc hành hương đến viếng cái lầu 2 trong căn hộ của gia đình Sauce trong suốt thế kỷ 19 mãi tới khi cả trung tâm thị trấn bị toán quân xâm lươc Đức phá huỷ vào tháng Tám 1914 và  bốn năm sau lại bị quân Mỹ bắn phá thêm một lần nữa  trong trận chiến Argonne.
Ngoài những hậu quả xảy đến cho cư dân Varennes, biến cố đêm đó cũng chúng tỏ một thay đổi hoàn toàn trong lịch sử của Cách Mạng và của chế độ quân chủ Pháp với một tác động lớn lao và tức khắc lên Hội Đồng Quốc Gia, lên toàn thể nước Pháp và có lẽ toàn thể Âu Châu. Để đi sâu vào trong bối cảnh rộng lớn hơn của biến cố đào tẩu này, tuần tự tiến trình ra sao, ảnh hưởng tới cuộc sống của đủ loại các nhóm chính trị và xã hội trong suốt vương quốc như thế nào sẽ được đề cập trong những chương kế tiếp.


Khi nhà vua chãy trốn - chương 2




Chương 2: Nhà vua nước Pháp

Trung tâm của bi kịch này là vua Louis XVI, vị vua thứ năm của dòng họ Bourbon. Khi có mặt tại Varennes, ông vừa 36 tuổi. Nhà vua là một người bí ẩn, kỳ lạ, ở nhiều khía cạnh, không giống như bất kỳ các vị vua mà ông kế vị hay nối ngôi ông sau đó. Ngay cả những người đương thời với nhà vua biết rõ ông cũng cho rằng  ông là người rất khó để đánh giá,  khó tiếp cận và cũng khó tiên đoán. Không biết vì nhút nhát, thiếu dứt khoát hay có một chiến lược  chính trị mà nhà vua rất ít nói, luôn tư lự và không thể dò xét được.
Ngay từ khi còn nhỏ, nhà vua đã là đứa trẻ ít nói, thiếu tự tin và chẳng bao giờ cảm thấy thoải mái trong một thế giới đầy phô trương, nịnh hót, và trí tuệ là một thiết yếu cho cuộc sống trong triều tại cung điện Versailles, nơi cư ngụ của hoàng gia ở cách Paris chừng 15 dặm về phía Tây Nam. Louis là con trai thứ hai trong gia đình 4  cậu con trai của vua Louis XV triều đại tiền nhiệm và ông bị coi thua kém nhất trong đám anh em của ông. Những người đương thời  đã  hiểu lầm tính nhút nhát và chậm chạp của ông như là biểu hiệu của sự thiếu thông minh, và cái hình ảnh tiêu cực này cũng bắt nguồn từ cái diện mạo bề ngoài của ông. Mặc dù thừa hưởng cặp mắt xanh và mái tóc vàng từ người mẹ, nhà vua lại có chiều hướng mang vóc dáng to lớn xồ xề của cha, một đặc tính hỗn hợp qua thời gian bởi việc mê ăn uống quá độ. Ngay từ thời còn trẻ, nhà vua dường như ít quan tâm tới diện mạo của mình. Ông bước đi chậm chạp trong một dáng đi vụng về siêu vẹo coi thật chướng mắt với sự lịch lãm của triều đình.

Bà De Campan, một trong các nữ cận thần của hoàng hậu đã diễn tả một cách tiêu biểu: “Bước đi của nhà vua nặng nề và chẳng có dáng vẻ quý phái. Nhà vua chẳng quan tâm tới y phục, và mặc dù với những nỗ lực hàng ngày của người thợ chăm sóc đầu tóc, tóc tai nhà vua cứ rối bù vì những cử chỉ bất cần của nhà vua.”
Người đương thời cũng vô cùng bối rối với sự đam mê của nhà vua vào các hoạt động lao động tay chân  như thợ khoá, thợ nề, những sở thích gây sốc cho những thành kiến chung về sự tiêu khiển thì giờ của một vị vua mà nghe nói đến cả người dạy ông làm khoá cũng đã bảo ông. Chỉ có một hành vi có vẻ thích hợp cho cả những kỳ vọng và hình ảnh chung với các vị tiền nhiệm là việc ham mê săn bắn của ông.  Ngay từ thời còn trẻ, ông đã ra khỏi nhà hầu như mỗi ngày, đi lang thang trong những khu rừng  bao quanh Paris, và cố học thuộc lòng tên các con đường bộ và đường thuỷ. Là một vị vua, ông sẵn sàng  huỷ bỏ một buổi gặp gỡ với đại sứ ngoại quốc để đi săn nếu có một ngày nắng đẹp, ngay cả trong thời kỳ chiến tranh loạn lạc. Và ông cũng ghi chép rất tỉ mỉ mọi cuộc săn bắn, lập danh sách từng con nai, con heo rừng, thỏ và cả chim chóc bị bắn hạ hay bị săn lùng bởi đàn chó săn của ông với một số lượng cực lớn đến 200,000 món trong suốt 14 năm.
Dù có những nhận xét không đúng của các quan lại trong triều, các đại sứ và mặc dù cả với những nghi ngại của chính ông, Louis không phải là không thông minh.  Vấn đề giáo dục ông đã được chăm sóc đáng kể, đặc biệt sau cái chết của người cha và người anh tral lớn của ông làm ông trở nên kẻ thừa kế ngai vàng. Nhà vua tự ép mình một cách có phương pháp, có lẽ là cố ẩn mỉnh  vào trong việc nghiên cứu học hỏi theo những đòi hỏi của triều đình bù  cho những thiếu sót và sự thiếu quý phái lịch thiệp, thành quả giáo dục của vua không phải là không ấn tượng. Nhà vua học cùng lúc ba ngôn ngữ, tiếng Anh, tiếng Đức và tiếng Ý. Với một trí nhớ tuyệt vời cho từng chi tiết, nhà vua xuất xắc trong môn thiên văn học, địa lý và lịch sử và với sự giúp đỡ của một thày dạy kèm, nhà vua đã thực hiện một bản dịch sách của sử gia Anh Gibbon. Nhà vua đọc sách suốt đời, đôi khi cũng bình luận trên những bài báo đã đọc và còn mua cả ấn bản bộ sưu tập Bách Khoa tự điển Encyclopedia vào năm 1777. Nhà vua cũng đam mê nghiên cứu bản đồ và hiểu biết địa hình nước Pháp vô cùng tường tận. Có đôi khi còn vẽ ra những kế hoạch về những giải đất mà ông hy vọng có ngày sẽ trở thành vương quốc của ông. Quả thực, nhà vua hầu như có một ham thích  đến độ ám ảnh về dữ kiện và con số như  đã chỉ ra rõ  qua những ghi chép về săn bắn của ông với những danh sách dài vô tận và những biểu đồ vắn tắt được vẽ lên với sự chính xác của một kế toán viên hay một tu sĩ Biển Đức: về tên tuổi và nghề nghiệp theo yhứ tự thời gian của những hầu cận  trong cung điện và những người chăm sóc đàn chó săn; tên tuổi và tiểu sử của từng con ngựa ông cưỡi từ khi 11 tuổi (128 con  cả thảy) và của mọi thú vật nhìn thấy trong các công viên hoàng gia và từng chi tiết của sự chi tiêu trong nhà của cá nhân ông. Nhà vua cũng duy trì một nhật ký cá nhân, nhưng đây cũng chỉ là một tóm lược thật sự về các hoạt động của ông  mà chủ yếu, săn bắn chiếm vị trí  tự hào nhất.  Chẳng có chỗ nào chỉ ra một chút tình cảm hay ý tưởng cá nhân của ông cả.
Có lẽ khá hơn các vị vua tiền nhiệm trong dòng họ Bourbon của ông, Louis đã  nhận được những chỉ dẫn  cặn kẽ từ người thày dạy kèm khi ông này nhận thừc được những nhiệm vụ và bổn phận cuả  người làm vua mà vua Louis đã sao  chép lại như một loại giáo lý hoàng gia. Có thể không nghi ngở gì rằng nhà vua chịu ảnh hưởng sâu đậm từ việc học hành  về tôn giáo của ông, và ông đặt sự kính trọng và đạo đức Kitô rất quan trọng hệt như  bất cứ  vị vua nước Pháp nào trong thời  đại trước đổi mới. Người thày dạy ông đã tìm cách để ông ghi khắc những lời giáo huấn về tôn giáo trong lòng của nhà vua và trong suốt cuộc sống , ông tham dự thánh lễ mỗi ngày và thực thi mọi nghĩa vụ tôn giáo trong mùa Phục Sinh  hết năm này qua năm khác như ông đã ghi chép rõ trong nhật ký. Thần quyền của ông để cai trị  thật rõ ràng và không thể tra vấn: “Ta biết rõ rằng ta nợ nần Thiên Chúa vì Người đã chọn ta để cai trị dân”. Nhà vua đã viết ngay trên trang đầu tiên của môn tôn giáo của ông.  Và có lẽ từ những bài học từ thày dạy và từ ý tưởng về cái nhiệm vụ Kitô giáo và tinh thần gia trưởng mà nhà vua có được một niềm tin vững chắc về cái trách nhiệm của một ông vua đối với thần dân. “ Thần dân của ta nên biết rằng niềm ước ao và mối quan tâm đầu tiên của ta là giảm bớt gánh nặng và cải thiện điều kiện sống họ tốt hơn. Lòng từ thiện của một ông hoàng phải theo gương lòng từ bi của Chuá,” một cảm nhận  mà ông nhắc đi nhắc lại cả trước và trong cuộc Cách Mạng. Cùng lúc đó, nhà vua dường như cảm thấy một nhu cầu tâm lý cần được đánh giá bởi thần dân và nhận được những sự tung hô của họ cho những nỗ lực của ông. Nhà vua đặc biệt chịu ảnh hưởng bởi buổi tiếp tân nổi tiếng ông nhận được trong ngày lễ đăng quang của ông tại Reims năm 1775, một năm sau ngày vua lên ngôi.  Ông diễn tả cuộc du hành của ông từ Paris đến cảng Cherbourg, ngự trên chiếc xe ngựa diễn hành qua đán đông tung hô vạn tuế là một trong những giây phút trị vì hạnh phúc nhất. Cho đến cuối cuộc đời, ông rất đau lòng nếu như đám đông dân chúng  quên lời chúc tụng truyền thống: “vạn tuế Hoàng Thượng!” hay khi tiếng tung hô của họ không còn  nhuệ khí.
Nếu nhà vua thu thập được từ người thày dạy dỗ và từ sự siêng năng đọc sách của ông về  sự khai sáng nhấn mạnh  vào sự hữu dụng  và ý chí tổng quát, điều đó chứng tỏ rằng ông hiểu những quan niệm như vậy nằm trong giới hạn của chế độ phụ hệ. Nhà vua phải cân nhắc ý chí chung trong những quyết định của ông, nhưng cái ý nguyện của nhà vua sẽ là phán quyết cuối cùng, là chất lượng tốt nhất của luật pháp.  Song hành hiện hữu với niềm tin của mình về trách nhiệm của nhà vua đối với an sinh của thần dân, nhà vua duy trì một cảm nhận mạnh mẽ về một xã hội thượng lưu, có thứ bậc trong  thân phận và tầng lớp cao thấp, khó có thể xoá bỏ từ những tập quán của thời đại khai sáng. Nhà vua rõ ràng sở hữu cùng lúc hai quan điểm, hai mục đích trái ngược nhau, một mặt là mối an sinh xã hội, mặt khác là sự bảo toàn cái uy thế và vương quyền mà nó đã gây rắc rối cho  cả một thế hệ nếu như các vị vua ở  cuối thế kỷ 18, các vị vua  mà đôi khi  được gọi là những kẻ “độc tài sáng suốt”.  Những khó khăn nội tại về cái phân chia đối nghịch  này  càng phức tạp bởi cá tánh của vua Louis với bản tính thiếu tự tin của ông mà dường như mỗi ngày mỗi tăng thêm. Bị giằng xé  giữa cái tính thiếu xác quyết trong phán đoán và từ những bất đồng giữa các cố vấn của ông, giữa một mặt muốn cải tổ, mặt khác lại muốn giữ gìn truyền thống cai trị, nhà vua thường thấy việc làm một  quyết định là một diễn tiến tàn khốc.  Theo phu nhân De Tourzel, người bảo mẫu các con của vua và đã đi theo hoàng gia đến Varennes, nhà vua mang trên người sự thiếu tự tin quá trầm trọng, cứ luôn luôn nghĩ rằng người khác hiểu sự việc hơn ông. Sau cái chết của nhà vua, bà viết: “Trái tim ông đưa ông tới nhìn ra sự thật, nhưng với những nguyên tắc, những thành kiến, những nỗi lo sợ, những đòi hỏi về những đặc quyền và lòng tôn kính đã hù doạ ông và đưa đến việc ông bỏ rơi cái ý tưởng là sự thương yêu thần dân của ông đã đưa đến việc ban đầu ông thừa nhận.
Cá tính của nhà vua càng trở nên phức tạp hơn nữa vào 1770, khi nhà nước hợp cùng hệ thống các đồng minh quốc tế đã kiếm cho ông một bà vợ và một hoàng hậu tương lai. Marie-Antoinette là đứa con gái áp út trong số 16 đứa con của nữ quận chúa Maria-Theresa và trẻ hơn Louis một tuổi.  Bà dễ thương và quyến rũ cho dù không quá đẹp với mái tóc vàng, cánh mũi  chim ưng và môi dưới đầy đặn. Hoàng hậu chỉ  nhận được một nền giáo dục cơ bản. Bà nói tiếng Pháp khá tốt với giọng hơi lai âm hưởng Đức nhưng gặp khó khăn khi viết lách và dường như chẳng bìết gì về lịch sử, địa lý và văn chương. Người thày dạy kèm được gửi đến Vienne để chỉ dạy cho nàng công chúa 14 tuổi về vai trò tương lai của một hoàng  hậu nước Pháp đã diễn tả rằng  bà thông minh nhưng rất bướng bỉnh và khó lòng chú ý lâu tới bất cứ gì đụng chạm tới việc học hay nói chuyện nghiêm chỉnh. Người ta hiếm khi có thể nhận thức  được một cặp vợ chồng không xứng đôi như vậy: một Louis nặng nề chậm chạp, nội tâm bất an và một công nương thanh lịch, nhanh nhẹn và đầy tự tin. Cái tiềm năng của sự bất đồng còn phức tạp hơn vì cái tình trạng sinh lý bất thường gây hoạ cho cặp vợ chồng trong 7 năm đầu cuộc hôn nhân của họ.  Một dị tật trong bộ sinh dục  gây cho Louis bị đau đớn trong việc chăn gối khiến ông gần như không thể thực thi nhiệm vụ  của một người chồng.  Thời gian qua đi nhưng hoàng hậu vẫn không có thai và khi có tin đồn rằng hoàng hậu cảm thấy  chán ngán chồng, và rồi những miệng lưỡi độc địa bắt đầu loan truyền những chuyện nhảm nhí  của bà cùng lúc với sự bất lực của Louis. Đó thật là một điều sỉ nhục mà nó càng hạ thấp bản năng tự tin của một ông vua mà các vị vua tiền nhiệm từng tự hào về sức mạnh sinh lý của họ.
Cuộc hôn nhân sắp tan vỡ đã được vãn hồi vào năm 1777, ba năm sau ngày Louis lên ngôi khi Hoàng đế nước Áo Joseph II và cũng là người anh cả của hoàng hậu du hành đến Versailles với nỗ lực để cứu vãn tình huống. Vua Louis được thuyết phục đi giải phẫu chữa dị tật để dễ dàng chăn gối với vợ. Đồng thời, bà hoàng hậu trẻ cũng bị người anh  khiển trách về việc  đã không làm tròn trách nhiệm làm vợ và làm mẹ để giúp hoàn tất chiến lược quốc tế của gia đình. Sự thành công của Joseph  trong việc cố vấn hôn nhân quả thực rất ấn tượng: hoàng hậu đã có thai 5 lần trong 8 năm sau đó với 1 con gái và 2 con trai sống sót. Khi đưá con đầu lòng sinh ra, Louis tràn ngập niềm vui và rất biết ơn vợ. Ông hãnh diện tuyên bố trước triều đình rằng sẽ cố gắng nhiều hơn để có thêm người nối dõi.
Đặc biệt sau khi Louis đã có kế truyền, một mối quan tâm lớn lao đối với người dân Pháp, nhà vua có thêm nhiều ngưỡng mộ trong dư luận quần chúng.  Theo sau sự vỡ mộng của họ dưới sự trị vì của vua Louis XV với hàng đống cung nữ và sự bỏ bê công việc triều chính của vị vua này, nhiều người dường như bám lấy vị vua trẻ, công khai ca ngợi  sự trung thực của nhà vua, sự siêng năng trong công việc , lòng trung thành với  vợ và cả tinh thần sùng đạo của ông. Sự thân thiện, khiêm tốn, không kiểu cách cung đình và sự ít quan tâm đến dáng vẻ bên ngoài, tất cả đều làm cho công chúng quý mến nhà vua. Những trang ’chuyện tầm phào’ của tờ báo Mémoires sescrets đã mô tả nhà vua vào năm 1778 như sau: “Không ai có thể thân thiết và tự nhiên hơn vua Louis XVI.”  Lại có những câu chuyện về sự tử tế và thân thiện của ông với các đầy tớ trong cung, và khi săn bắn trở về, ông chẳng cạo râu thoa mặt, quần áo thì xốc xếch. Cái hình ảnh  bình dân tích cực này vẫn bền bỉ và còn mạnh mẽ hơn trong những năm đầu của cuộc Cách Mạng.
Ngược lại, hoàng hậu chẳng bao giờ khuất phục hay cố gắng để khuất phục cái hình ảnh tiêu cực mà bà đã tạo nên trong những năm đầu tiên ở vị trí trị vì. Dù sao, việc có thai và việc chăm sóc giáo dục  con cái đã giúp giảm bớt  sự bồng bột của bà và cũng bớt đi những hội hè giải trí thâu đêm trong những năm đầu trong cung điện. Dù vậy, bà chẳng bao giờ thấy hoàn toàn thoải mái ở Pháp và luôn luôn ghét những lễ nghi công cộng  dài lê thê và nhàm chán ở tại  Versailles. Hoàng hậu ngày càng trở nên riêng tư và gắn bó với việc xã hội hoá của  riêng cá nhân bà, tập trung  ở quanh bà một nhóm nhỏ cả nam và nữ, những người trẻ đẹp lôi cuốn và quý phái như ông hoàng Artois đứa em út của nhà vua,  công nương De Lamballe và nữ quận công xinh đẹp De Polignac. “mụ người Áo”, cái  hỗn danh mà bà bị gọi một cách thô tục, đã trở thành đề  tài của tin đồn và lời đàm tiếu không khi nào dứt. Bà bị mô tả trong mọi hành vi dâm loạn và cả những hànnh xử đồng tính. Chuyện bê bối về chiếc dây chuyền có gắn kim cương mà hoàng hậu bị tố cáo là đồng loã trong một vụ lừa đảo bạc triệu trong triều đình càng làm cho hình ảnh của bà trước công luận thêm tệ hại. Có lẽ là việc nhà vua ít quan tâm đến triều chính và việc hoàng hậu độc xử  quyền hành, cho nên nhiều dòng họ quý tộc cảm thấy bị bỏ rơi hay bị gạt bên lề, Do đó, nhiều thành viên trẻ trong những dòng họ này chẳng bao lâu đã ngả theo sự cải tổ của Cách Mạng.

Mặc dù hầu hết những tin đồn về cuộc sống truỵ lạc của hoàng hậu là không đúng sự thật, nhưng quả thực có một người đàn ông trong số những bạn thân của bà dường nnhư có liên hệ đặc biệt với bà.  Đó là một bá tước Thuỵ Điển và là một sĩ quan trẻ tên Alex von Fersen khi họ quen biết nhau từ thời thơ ấu khi bà là một công chúa nước Áo và anh chàng đang làm một vòng quanh Âu Châu.  Anh ta đi vắng trong nhiều năm, chiến đấu dưới quyền tướng Rochambeau trong cuộc Cách Mạng Hoa Kỳ, nhưng thỉnh thoảng cũng trở lại thăm viếng Versailles khi được nghỉ phép. Chẳng bao giờ bị quyến rũ bởi người Pháp, nhưng hoàng hậu lập tức  bị lôi cuốn với anh chàng ngoại quốc đẹp trai với phẩm cách điềm đạm và kín đáo này, không giống như những chàng trai khác trong triều. Qua sự giúp đỡ của hoàng hậu, anh chàng có được một trung đoàn quân lính riêng và  một nơi cư trú tại Paris. Sau khi sinh đứa con út vào năm 1786, vợ chồng  vua Louis một lần nữa sống ly thân và có lẽ chính trong giai đoạn này, hoàng hậu và vị bá tước Thuỵ Điển trở nên thân thiết đặc biệt.  Chúng ta sẽ chẳng bao giờ biết họ có thật sự là tình nhân của nhau không. Fersen luôn luôn duy trì  một vị trí bí mật đáng kể trong triều. Thế nhưng họ đã có rất nhiều lần gặp gỡ nhau trong cái biệt thự nho nhỏ Petit Trianon ở trong khu rừng ở gần Versailles. Bá tước De Saint-Priest, một đại quan trong triều biết rõ về đời sống hoàng cung đã tin rằng  chẳng có gì nghi ngờ, đã  diễn tả Fersen như một “tình nhân hờ” của hoàng hậu cũng hệt như quận chúa “ De Pampadour” từng là tình nhân hờ ) của vua Louis XV.  Cho dù bất cứ quan hệ của họ như thế nào, cả hai vẫn duy trì một sự gắn bó sâu đậm và thân thiết như đã được làm rõ trong những thư tín riêng tư của Fersen gửi cho em gái của anh chàng, một gắn bó mà nó đóng một vai trò chủ chốt trong cuộc trốn chạy của hoàng gia năm 1791.

Nhà vua và cuộc Cách Mạng

Vào những năm cuối 1780s, nhà vua, hoàng hậu và cả nước Pháp cùng bị cuốn hút vào một chu kỳ đất nước bị khủng hoảng và bất ổn. Những khó khăn ngày càng tăng về tài chánh xảy ra từ việc nước Pháp dính líu vào cuộc Cách Mạng Độc Lập của Hoa kỳ, tuy thành công nhưng quá tốn kém, đồng thời cũng bởi cái gệ thống thuế khoá không hiệu quả và bất công làm cho đất nước không thể trả nợ. Vai trò của nhà vua trong chế độ cũ và trong sự ra đời của cuộc Cách Mạng có thể tranh cãi không bao giờ dứt.  Nhưng cái ảnh hưởng nặng nề nhất của vua Louis về một loạt các biến cố có lẽ xảy ra từ việc nhà vua đã không làm, hơn là việc vua đã làm: đó là từ  sự thiếu lãnh đạo, thiếu quyết đoán và thiếu kiên trì của ông.
Vào những ngày tháng  trị vì đâu tiên, sau cái chết của ông nội nhà vua,  vua Louis XV năm 1774, ông vua trẻ dường như đã áp dụng cho mình ngôi vua bằng một nỗ lực đáng kể  và một tinh thần trách nhiệm.  Nhà vua tiêu nhiều thì giờ đọc các báo cáo và tham khảo cùng các quan bộ trưởng. Việc tiếp xúc của nhà vua với bộ trưởng ngoại giao đôi khi tỏ ra vụng về ngượng nghịu, nhưng vẫn chứng tỏ nhà vua có khả năng nắm bắt những phức tạp trong liên hệ quốc tế. Nhà vua chăm chú theo dõi những biến cố cách mạng ở các  vùng thuộc địa  Mỹ châu  và có đắn đo đóng góp trong việc phát triển một chính sách can thiệp của Pháp vào đó với ngụ ý ủng hộ những kẻ bị áp bức khi họ gõ cửa xin cứu giúp, nhưng trên hết là để trực tiếp đánh vào đế quốc Anh, một kẻ thù không đội trời chung mà trong quá khứ đã từng dám sỉ nhục thanh danh của nước Pháp.  Tuy vậy, nhà vua vẫn tiếp tục trông cậy vào sự cố vấn và quyết định của hai nhân vật đại biểu lão thành là 2 bá tước Maurepas và Vergennes, thầy dạy dỗ và hướng dẫn trực tiếp nhà vua khi ông mới lên ngôi. Sau khi 2 ông qua đời vào 1781 và 1787, với cuộc khủng hoảng tài chánh trở nên không kiể soát được và với những âm mưu  và tranh chấp giữa các đại quan trong triều ngày càng tăng cường độ, nhà vua  lúng túng dựa vào hết viên cố vấn này đến quan đại thần khác mà việc triều chính dường như quá nhiều đến vuột khỏi tầm tay.  Hết năm này qua năm khác, Louis bỏ thêm thì giờ cho việc săn bắn và số lượng thú săn được trong sổ ghi chép danh sách càng tăng đột biến. Trong thâm tâm nhà vua, ông tiếp tục muốn thần dân thật hạnh phúc, nhưng thực tế ông thấy bấp bênh và phân vân chẳng biết làm sao để đạt được mục đích ấy. Những ai quan sát ông kỹ vào những năm cuối 1780s sẽ thấy nhà vua ngày càng trở nên lờ đờ chậm chạp. Là người luôn trầm tư và thiếu bặt thiệp, giờ nhà vua lại thêm lắp bắp và nín lặng; có lúc ông ngủ gục và ngáy khò khò ngay giữa buổi thiết triều quan trọng. Đa số việc trị vì đất nước của nhà vua sau này đong đưa giữa những vị quan tiến bộ và   những vị bảo thủ, giữa những  nỗ lực cải tổ cấp tiến từ thượng tầng và những phản ứng cố thủ. Cuối cùng, vào giữa năm 1788, duới thế lực của tổng giám mục Loménie de Brienne và sau đó thêm áp lực của  chủ ngân hàng Thuỵ Sĩ Jacques Necker, vua Louis bị thuyết phục  thi hành một bước quan trọng là triệu tập Đại Hội Toàn Quốc để tham khảo về tình trạng suy thoái của đất nước. Nhưng những biến động liên tục trong chính sách không chỉ tạo thêm những bất trắc và bất ổn  của đất nước sâu xa hơn, mà qua những  màn cải tổ không phù hợp, nó còn giúp giáo dục quần chúng và làm cho họ quen thuộc dần với  sự thay đổi lớn lao có thể sẽ xảy ra.
Những năm cuối 1780s, ảnh hưởng của hoàng hậu về mặt chính trị cũng tăng dần. Trong những năm đầu mới lên ngôi, nhà vua tự động loại hoàng hậu ra khỏi những cuộc họp hội đồng và những quyết định về chính sách theo như lời khuyên bảo của các vị cận thần dạy học chống lại người Áo, hay có thể hoàng hậu tin như vậy.  Tuy thế bà cũng đã thực thi một lối ảnh hưởng gián tiếp với năng khiếu của bà kết thân hay loại trừ từng cá nhân các quan lại. Việc dính líu của bà trong một âm mưu trong triều rõ ràng đóng một vai trò trong sự thất bại của của vị quan cấp tiến Turgot năm 1775 và của nội các  Necker  đầu tiên vào năm 1781. Vào thời điểm đó, người anh trai hoàng đế của bà đã phẫn nộ vì sự can thiệp đó của bà, đặc biệt vì nó chẳng giúp gì cho bước tiến của Áo. Rồi hoàng đế Joseph II và bá tước de Mercy-Argenteuil, vị đại sứ có tài của ông thường xuyên rèn luyện hoàng hậu về  chính sách Hapsburg, chỉ bảo bà về các vấn đề chính trị quốc tế và uốn nắn bà trở thành một gián điệp Áo thực thụ ở ngay đầu não của nước Pháp. Khi cuộc Cách Mạng tiến gần tới, vua Louis đã mất hầu hết những cố vấn đáng tín cẩn nhất và ông trở nên rối loạn và phân vân cùng cực với những chính sách cải tổ bị thất bại, và ông đã  tìm đến với Marie để tham vấn mọi vấn đề. Vào năm 1788, nhà vua bắt đầu cho mời hoàng hậu tham gia vào một số những buổi họp hội đồng nhất định. Ngay cả khi bà không có mặt trong buổi họp, đôi khi nhà vua rời phòng họp giữa buổi triều chính để đi tham khảo hoàng hậu dưới sự lo ngại và bất mãn của các đại thần. Không như Louis, hoàng hậu Marie chẳng bị phiền toái với sự phân vân thiếu quyết đoán. Bà không bao giờ nghi ngờ lấy một giây phút nào rằng, những  đề nghị cải tổ của những “người yêu nước” và những vị quan cấp tiến sẽ là  tai hoạ cho những gì bà tin tưởng. Việc đối nghịch một cách kiên quyết của bà vói mọi hình thức đổi mới đã ảnh hưởng mạnh mẽ lên nhà vua.
Trong suốt những tháng ngày đầu tiên của Cách mạng, qua biến cố trọng đại tạo nên Hội Đồng Quốc Gia, những cuộc nổi dậy long trời lở đất ở Paris như phá ngục Bastille, sự áp bức của giới quý tộc cũng như những đặc quyền của giới giáo sĩ ,  và nhất là sự hủy bỏ hệ thống phong kiến, nhà vua duy trì sự bình dân đáng kể với hầu hết mọi thành phần của quần chúng Pháp. Các đại biểu yêu nước cản thấy thất vọng với bài diễn văn của nhà vua trong ngày 23 tháng Sáu, khi ông gắn bó với  vị thế của giới quý tộc bảo thủ và chối bỏ sự hiện hữu của Hội Đồng Quốc Gia. Nhưng không lâu sau đó nhà vua được tha thứ với những biến cố dồn dập tiếp theo sau, những biến cố rõ ràng có lợi cho Cách Mạng. Hầu hết những nhà ái quốc  duy trì niềm tin rằng nhà vua vẫn cố gắng kiến tạo những lợi ích tốt nhất cho đất nước, chẳng qua chỉ là  một trường hợp thông thường của một vị  vua tốt lỡ nghe theo những lời cố vấn sai trái. Những phát triển sau này dường như đã  đưa ra chứng cớ rằng Louis một lần nữa đã gạt bỏ mọi thành kiến về  giai cấp và đón nhận Cách Mạng. Cái nhận thức tích cực của nhà vua được củng cố thêm trong dịp đại Lễ Toàn Quốc nhân dịp kỷ niệm đệ nhất chu niên ngày phá ngục Bastille. Chính ở nơi này, dưới sự hiện diện của hàng trăm ngàn người cổ võ hoan hô mà Justin George, Etienne Radet và những chàng vệ binh quốc gia đến từ thị trấn Varennes đã chứng kiến vua Louis giơ cao tay trước bàn thờ tổ quốc tuyên thệ sẽ giữ vững bản tân Hiến Pháp. Bởi vì mọi người đều biết rằng nhà vua là một người ngoan đạo thì việc thề hứa là một hành động rất thiêng liêng, và vì thế đã có một niền vui lan toả rộng rãi rằng Cách Mạng giờ đã chiến thắng và  quốc vương rõ ràng đã đứng về phía nhân dân, rất xứng đáng với tước vị quốc vương của nhân dân Pháp quốc.
Nhưng khi nhìn lại quá khứ, chúng ta biết rằng cái quan điểm bình dân này chỉ là một sản phẩm của một ý niệm mơ ước hơn là thực tế. Ngay vào những ngày đầu tháng Sáu 1789, nhà vua đã vô cùng giận dữ vì sự vô cảm của thành phần đại biểu ái quốc của Hội Đồng Quốc Gia trước cái chết của hoàng tử đầu lòng của vua. Ông cũng vô cùng bất mãn với việc Hội Đồng Quốc Gia từ chối nhượng bộ quyền  phủ quyết tuyệt đối của ông vào tháng Chín 1789. Đối với nhà vua và hoàng hậu, biến động cốt lõi trong năm đó rõ ràng là những ngày tháng Mười khủng khiếp. Trong 2 ngày 5 và 6 tháng Mười, hàng trăm phụ nữ Paris và sau đó kéo theo hàng ngàn vệ binh quốc gia đã kéo nhau đi bộ đến Versailles cưỡng ép nhà vua và hoàng gia  phải rời Versailles để về cư trú tại Paris. Không một ai trong đám tuỳ tùng có thể quên cảnh tượng hoàng hậu hối hả chạy đi tìm nơi trú ẩn an toàn trong cung điện vào buổi sáng sớm, trên người vẫn còn đang mặc đồ ngủ cùng với các con và đoàn tỳ nữ. Chúng ta sẽ không bao giờ biết đám đông rượt đuổi bà có ý muốn hãm hại bà hay chỉ muốn đối thoại với bà và chỉ yêu cầu cơm ăn áo mặc. Thế nhưng tự bản thân hoàng hậu bà không nghi ngời gì về chuyện bà đã thoát chết trong đường tơ kẽ tóc. Chiếc xe chở Hoàng gia đã phải quay về Paris ngay chiều hôm đó, đi cùng với một đám đông  cả nam lẫn nữ rất huyên náo và thô bạo, có cầm theo và giơ cao vài cây sào nhọn trên có cắm thủ cấp của mấy tên lính bảo vệ  hoàng cung càng làm tăng thêm một trải nghiệm của sự kinh hoàng và ghê tởm.
Trong sự phẫn uất và phiền muộn, hoàng gia đã phải di chuyển tới nơi cư ngụ mới trong điện Tuilleries ở phía tây của khu liên hợp vĩ đại Louvre nằm ngay trung tâm thủ đô. Nhiều tuần liên tiếp sau đó, cả hoàng gia từ chối bước ra khỏi nhà hay đi dạo trên  những khu vườn kế bên.  Một ít ngày sau biến cố ấy, nhà vua viết thư cho vua Tây Ban Nha, cũng là một người có họ hàng thân thuộc với Louis, một bức thư rất đáng chú ý mà nó chỉ được các sử gia tìm thấy vào thế kỷ 20. Trong lá thư đó, vua Louis đã  công khai  và đầy tự tin khước từ toàn bộ cuộc Cách Mạng và bày tỏ sự chống đối tới tất cả những ai đã hành động ngược lại với uy quyền của hoàng gia bằng sự doạ nạt để cướp lấy nó kể từ cuộc tấn công vào thành Bastille. Cho dù có bất cứ chút cám dỗ nào  đã từng giúp cho nhà vua  cảm thấy cần hợp tác với phong trào cải tổ, lúc này nhà vua hoàn toàn ôm chặt  lấy cái hình ảnh truyền thống của vương quyền: “ Trẫm nợ nần chính bản thân trẫm,  trẫm nợ con cái trẫm và trẫm nợ luôn gia tộc trẫm trong việc gìn giữ vương quyền, một uy quyền đã được xác quyết trong dòng dõi hoàng gia của trẫm qua thử thách của thời gian sẽ không suy giảm đi bất cứ lãnh vực nào.” Nhà vua tuyên bố một cách trịnh trọng rằng chỉ có bản tuyên bố bảo hoàng của ông ngày 23 tháng Sáu mới là chính sách mà ông đồng ý ký tên. Lúc này cả vua và hoàng hậu đều tin rằng có một nhóm nhỏ Jacobin cấp tiến người Paris đã đang nắm quyền hành kiểm soát đất nước, trong  khi đại đa số nhân dân bên ngoài thủ đô vẫn ủng hộ nhà vua và họ vẫn chờ cơ hội  để bày tỏ lòng yêu mến và sự tuân phục với vua. Nhưng tạm thời, khi nền chính trị tồi tệ, nhà vua đành xử dụng chính sách  kiên nhẫn chờ thời và cứ để cho lũ ác nhân làm theo ý chúng cho đến khi ‘cái gọi là Cách Mạng’ tự hủy diệt qua các chương trình dân chủ và công bằng xã hội không bao giờ  có thể thành tựu. Saint-Oriest đã viết: “ Nhà vua tự trấn an rằng cái Hội Đồng Quốc Gia chắc chắn sẽ bị bất tín nhiệm bởi chính những sai lầm của nó. Sự mềm yếu của nhà vua đã đưa đẩy ông đến những tư tưởng trên , như vậy giải thoát cho ông  về một nhu cầu phải đối diện thường trực ngày qua ngày với những đối nghịch quá khó để một con người như ông chấp nhận.
Bây giờ chúng ta biết rằng, khi Louis dường như ủng hộ những hoạt động của hội Đồng Quốc Gia, lời tuyên thệ của nhà vua cùng những lần ông xuất hiện trước Hội Đồng Quốc Gia đã được biên soạn bởi các nhà quý tộc yêu nước và đạo diễn bởi hầu tước Lafayette, một vị anh hùng trẻ trở về từ cuộc Cách Mạng Hoa Kỳ và là một tay lãnh đạo Cách Mạng độc nhất có ảnh hưởng trong năm 1790. Một điều chắc chắn là sự kiên trì không nao núng không bao giờ là sở trường của vua Louis. Nhà vua thỉnh thoảng lại từ bỏ những đánh giá tình hình của chính mình. Cuối cùng vào mùa xuân 1790, hoàng gia cũng mạo hiểm ra khỏi cung điện Tuileries dạo chơi trong vườn và còn dám ngồi xe đi vào thành phố. Khoảng tháng Sáu, họ được phép đi đến lâu đài Saint-Cloud của hoàng hậu ở mạn Tây Paris vả thời gian tiêu khiển ở vùng quê dường như đã nâng cao tinh thần của họ. Nhà vua cũng ảnh hưởng lớn lao từ việc tiếp tân đầy nhiệt tâm của ông trong dịp đại lễ Liên Bang và sự ăn mừng dài một tuần lễ sau đó. Nhà vua ngày ngày cỡi ngựa đi xem xét quân binh và các đơn vị vệ binh quốc gia. Những lời chúc tụng “vạn tuế đức vua” của họ vang lên đầy vẻ nhiệt tình và thành thật giúp lấp đầy cái nhu cầu được yêu mến và quý trọng của ông.  Trong lúc này, cả nhà vua và hoàng hậu đều đắm chìm vào sự mê hoặc của bá tước Mirabeau, một diễn giả đại tài và cũng là một lãnh đạo Cách Mạng, người tự coi mình như một cố vấn bí mật cho nhà vua và cũng mang trong người cái viễn tượng về một thoả hiệp sẽ lấy lại uy quyền cho nhà vua bằng một chế độ quân chủ lập hiến vững mạnh.

Tiếc rằng Mirabeau bất ngờ qua đời  tháng Tư 1791, và trước đó khá lâu, nếu không hoàng hậu thì nhà vua đã hoàn toàn mất tin tưởng vào vị bá tước. Hơn nữa, nhiều tháng trôi qua, khi tình hình ngày càng trở nên phức tạp và bất định, nhà vua càng dựa hẳn vào lời khuyên và đường lối của hoàng hậu. Có điều đáng ngờ là không biết có bao giờ hoàng hậu nghiêm chỉnh cứu xét một thoả hiệp  với Cách Mạng mà bà cho là cái ác hay không? Trong suốt thời kỳ này, hoàng hậu viết thư phàn nàn với ông anh ở Vienna  và với người bạn tâm tình người Áo Mercy-Argenteuil rằng bà và gia đìng cảm thấy như bị giam cầm bởi một bọn nổi loạn  hay những tên đầy tớ ngỗ nghịch. Bà cảm thấy thật phẫn nộ vì sự cả gan của bọn chúng, dám kỳ vọng đòi ngang hàng với giới quý tộc, hoặc ngay cả với vương triều. Bà viết cho Mercy vào tháng Sáu 1790: “ Lũ quái vật đó ngày càng trở nên xấc láo . Ta thật vô cùng thất vọng.” Các từ ‘quái thú’, quái vật” được  liên tục nhắc đến khi bà nói về Cách Mạng. Khi viên đại sứ Tây Ban Nha nói chuyện với hoàng hậu  vào tháng Giêng 1791, ông ta có cảm tưởng đứng trước một người đàn bà đang ở trong giới hạn tột cùng của sự chịu đựng. Bà nói với ông bằng một giọng run run vì cảm xúc: “Louis  sẽ không làm tròn bổn phận làm vua với chính ông, với thần dân và với toàn thể Âu Châu nếu nhà vua  bằng mọi giá không chịu gạt bỏ những yên xấu xa đang bao vây chúng ta.”  Dưới ảnh hưởng của hoàng hậu, đồng thời với sự vụng về và tự dối lòng, Louis  đóng vai trò lá mặt lá trái, một vai trò không chỉ vô cùng nguy hiểm cho nhà vua mà còn là tai hoạ cho Cách Mạng và cho cả nước Pháp.

Quyết định đào tẩu

Chúng ta có lẽ sẽ không bao giờ biết chắc Louis đã làm cái  quyết định tối quan trọng trốn khỏi Paris như thế nào và khi nào. Vào cái đêm ông thực sự trốn khỏi cung điện, nhà vua để lại trên bàn giấy một bản tuyên bố viết tay ghi lại những mối bất bình để chứng minh cho cái quyết định rời bỏ thủ đô và để chấm dứt việc hợp tác với các lãnh đạo Cách Mạng.  Nhà vua cay đắng phàn nàn về việc nhà vua đã bị Hội Đồng Quốc Gia tước bỏ hoàn toàn mọi quyền hành: từ việc trực tiếp điều hành quân đội, quyền ngoại giao, quyền quản trị các vùng địa phương, quyền ban đặc xá và nhất là quyền phủ quyết thẳng thừng các luật lệ mà nhà vua không chấp thuận. Nhà vua vô cùng giận dữ với việc Hội Đồng cắt giảm mạnh mẽ thu nhập của nhà vua làm hạ thấp sinh hoạt  của vua và như vậy  làm suy sụp uy tín của vương triều. Nhà vua cũng cảm thấy khổ sở vì danh dự bị coi nhẹ khi bị buộc phải ngồi cạnh viên chủ tịch Hội Đồng trong buổi Đại Lễ Toàn Quốc và bị chia cách với gia đình. Sau đó là việc tái cơ cấu hàng giáo phẩm Công Giáo Pháp quốc và những đòi hỏi kế tiếp buộc giới giáo sĩ phải tuyên thệ trung thành với Hiến Pháp mới, những biện pháp mà ông cảm thấy bị cưỡng ép phải chấp nhận. Đặc biệt những nghị định vừa kể đã xé nát lương tâm của một vị vua ngoan đạo, nhất là khi những nghị định này đã bị giáo hoàng lên án vào mùa xuân 1791.
Đối với một vị vua dòng dõi Bourbon, thừa kế một triều đại tuyệt đối nối kết chặt chẽ với giáo hội Công Giáo chính thống và có truyền thống cai trị cả ngàn năm, chẳng có gì nghi ngại đây là những lý do chính đáng. Thế nhưng đó có phải là những lý do thực sự đưa tới việc trốn chạy của nhà vua không thì không chắc chắn. Thực ra, có nhiều luật lệ mà Louis chống lại đã được phê chuẩn hơn một năm trước khi kế hoạch đào tẩu bắt đầu hình thành. Ít nhất kể từ tháng Bảy 1789, và nhiều dịp khác sau đó, các vị triều thần, các bộ trưởng và chính hoàng hậu đã khuyến khích Louis rút lui vào một khoảng cách an toàn khỏi những đám đông nguy hiểm ở thủ đô và cần có một  đội quân trung thành luôn bên cạnh bảo vệ, nhưng nhà vua luôn luôn  từ chối những kế hoạch đó. Vào những ngày tháng Mười, nhà vua từ chối việc di tản được tổ chức chu đáo của Saint-Priest đi tới Rambouillet, khoảng 20 dặm ở ohía Tây Versailles. Vào mùa xuân 1790 cũng thế, ông từ chối lời đề nghị đi trốn tới Compiègne hay một nơi nào đó. Một phần cũng là  vì vấn đề ông thiếu quyết đoán. Dù vậy nhà vua dường như cũng lo lắng về những hậu quả về sự trốn chạy đối với các thành viên khác trong gia đình. Đưá em út của nhà vua, hoàng thân Artois đã đi lưu vong chẳng bao lâu sau biến cố Bastille và 2  bà cô già của vua,  2 cô con gái của vua Louis XV đã tìm cách đi hành hương đến Rome vào đầu năm 1791. Nhưng đưá em gái Elizabeth và em trai của nhà vua, hoàng thân Provence, vị vua Louis XVIII tương lai vẫn ở lại Paris. Dù bất cứ gì, 2 thảm trạng  bạo động hồi đầu năm 1791 đã trực tiếp tác động mạnh đến  nhà vua và hoàng gia ở cung điện Tuileries và dường như là then chốt trong việc làm mạnh thêm quyết định  đi trốn của Louis.
Những biến cố phức tạp và khó hiểu  trong ngày 28 tháng Hai đã được châm ngòi từ một cuộc tấn công dân gian vào nhà tù Vincennes ở phía Đông thành phố với tin đồn nó đang là một Bastille mới, bí mật giam giữ những nhà ái quốc. Khi tướng Lafayette dẫn một đoàn quân vệ binh quốc gia lớn tới dẹp loạn, lại có tin đồn mới lan toả rằng nhà vua bị bỏ rơi không người bảo vệ và tính mạng đang bị nguy hiểm. Với những đe doạ bạo động gia tăng nhanh chóng, khoảng ba trăm đám quý tộc trẻ cuồng tín sinh sống tại Paris, nhiều người trong số họ là thành viên của toán quân bảo vệ hoàng cung  giờ đã phân rã,  hay  người của câu lạc bô bảo hoàng chạy bay tới Tuileries bảo vệ nhà vua.  Khi vào đến hoàng cung, họ bắt đầu nhạo báng và sỉ nhục các vệ binh ái quốc mà họ gặp đang có mặt trong cung. E sợ có một cuộc đối đầu đẫm máu, nhà vua bước ra can thiệp và kêu gọi những người đến bảo vệ ông buông vũ khí và ra về bất bạo động.  Nhưng ngay khi họ vừa tuân lệnh, nhiều người bị  đám vệ binh bao vây bắt giữ. Nhà vua vô cùng giận dữ vì cảm thấy bị phản bội với một sự thoả thuận hai phía và sự sỉ nhục cho danh dự của nhà vua. Nhà vua đã viết trong đêm đi trốn chạy: “Những thần dân trung thành của Trẫm đã bị lôi ra khỏi cung một cách tàn bạo,” và còn riêng nhà vua phải “uống cạn chén đắng đến những giọt cuối cùng”.

Đáng quan ngại cho nhà vua và hoàng gia hơn nữa là những biến động hôm 18 tháng Tư 1791. Chuyện bắt đầu với chương trình của hoàng gia trở về lâu đài Saint-Cloud để ăn mừng lễ Phục Sinh. Một đám đông khổng lồ bên ngoài cổng phía Tây của cung điện Tuileries để ngăn chặn chuyến đi. Đám đông sau đó còn được sự ủng hộ của nhiều vệ binh quốc gia đến đáng lẽ để giúp giải toả cản đường. Người dân cho rằng nhà vua muốn rời cung điện chỉ cốt tránh né những mục vụ cử hành lễ Phục Sinh bởi hàng giáo sĩ theo Hiến Pháp phò Cách Mạng . Đám đông từ chối giải tán, và đám vệ binh cũng từ chối tuân lệnh mặc cho chính tướng Lafeyette (chỉ huy của họ) yêu cầu. Trong lúc xô xát, nhiều cận thần và triều thần của nhà vua bị bắt giữ và bị hăm doạ treo cổ. Lần đầu tiên trong đời, nhà vua nghe trực tiếp lời chế giễu và ngay cả có lời hăm doạ bị truất phế. Một lần nữa nhà vua trở nên cay đắng và giận dữ. Có báo cáo ghi nhận nhà vua than thở: “Thật đáng kinh ngạc là sau khi đã ban phát tự do cho đất nước, chính ta lại bị cướp đoạt hết mọi thứ tự do.”  Cuối cùng, hoàng gia buộc phải xuống xe quay trở vào cung điện , như  vậy “bị buộc trở về nơi nhà tù” của họ. Những nhà quan sát kỹ lưỡng cho rằng đặc biệt biến cố ngày 18 tháng Tư đã trở thành điểm then chốt làm cho nhà vua tin rằng  sự nguy hiểm cho hoàng gia đang cận kề và như vậy cần phải ra đi. Có lẽ nhà vua đã ám chỉ biến cố này khi ông giải thích hành trình của hoàng gia cho anh chàng Sauce ở Varennes và sau đó cho Hội Đồng Quốc Gia.
Nhưng 2 biến cố đẫm máu ở cung điện vào cuối mùa Đông và đầu mùa Xuân lại có tác dụng khác.  Sau ngày 28 tháng Hai, vệ binh quốc gia được lệnh cấm đám quý tộc vào cung điện Tuileries cho dù ở đẳng cấp thứ bậc nào trừ khi họ có những lý do cá nhân hay về quản trị cần tham khảo nhà vua. Biến cố 18 tháng Tư còn cho thấy một sự áp đặt hạn chế chặt chẽ hơn, xua đuổi hầu hết những quý tộc cận thần thân cận nhất của nhà vua cũng như các giám mục và hàng giáo sĩ khác của hoàng gia, những người từ chối lời tuyên thệ trung thành với hiến pháp Cách Mạng. Mặc dù Louis và Marie không bao giờ gắn bó chặt chẽ với các  nghi thức triều chính như các triều đại tiền nhiệm, những xét xử của Cách Mạng đã đẩy họ gần hơn bao giờ hết trước sự ủng hộ và đồng hành từ những người ủng hộ thuộc  tầng lớp quý tộc của họ. Bây giờ, hoàng cung gần như một nơi trống vắng. Một nơi đã từng có đầy sự vĩ đại của vương quốc mọi người nam nữ bao quanh hoàng gia chan hoà ám áp với sự hiện diện của họ, lúc này chỉ còn toàn đám vệ binh Cách Mạng và những toán hầu cận chỉ biết chúi mình vào bổn phận. Đối với hoàng gia, sự huỷ bỏ  chế độ triều chính vào mùa xuân 1791 dường như là một cú đánh hung bạo và không cần thiết, và hoàng gia tin rằng mục đích là để làm nhục và cô lập họ. Viên đại biểu quý tộc Irland de Bazôges viết: “Từ chối Hoàng Thượng sự an ủi nhỏ nhặt nhất là được ở bên cạnh những người quý trọng nhà vua. Chưa đủ hài lòng với việc giam lỏng nhà vua, giờ bọn chúng lại muốn xua đuổi cả những người tôn kính và mong được an ủi người.” Quả thực, trong bản tuyên bố để lại trước khi trốn chạy, vua Louis đã phàn nàn cách riêng việc bị tước bỏ hầu như mọi tước vị của một vị vua.
Những biến cố bạo động này có đẩy nhà vua đến quyết định trốn chạy cuối cùng không hay chỉ đơn giản củng cố một quyết tâm trước đó, vào giữa tháng Tư 1791, dường như không còn có thể quay ngược trở lại. Axel von Fersen viết về biến cố 18 tháng Tư: “Giờ mọi sự đã quá rõ ràng cho nhà vua. Đây là thời điển hành động và hành động với hạn kỳ hối hả.”

Kế hoạch đào tẩu

Kế hoạch mà hoàng gia xử dụng vào tháng Sáu 1791 đã được hoạch định khoảng 9 tháng trước  bởI vị giám mục Palmiers và nam tước Breteuil, một vị cựu bộ trưởng bảo hoàng của nhà vua giờ đang sống lưu vong ở Thuỵ Sĩ.  Kế hoạch đã thay đổi khác đi với những  phác thảo ban đầu mà theo đó mục tiêu  không những chỉ đưa nhà vua rời khỏi Paris đi tới một nơi chốn an toàn như Rambouillet hay Rouen mà còn phải chắc chắn nhà vua phải đi đến tận vùng biên giới nơi ông có thể  có được sự ủng hộ hay ít ra có quân ngoại quốc hỗ trợ. Giả thiết căn bản là một khi đã rời  thủ đô, cách xa bọn Jacobins và cái Hội Đồng Quốc Gia cấp tiến, nhà vua sẽ có được khối kượng khổng lồ nhân dân đi theo hỗ trợ. Có được quân lính trung thành ở chung quanh bảo vệ và sự hậu thuẫn của ngoại quốc, rồi dần dần những người dân Pháp khác sẽ kéo nhau đến ủng hộ. Với vị thế hùng mạnh này, nhà vua sẽ có thể tái thương lượng để sửa đổi lại Hiến Pháp và có cơ hội chấm dứt Cách Mạng.
Vào khoảng cuối tháng Mười 1790, nhà vua đã đồng ý cứu xét tới một chương trình như vậy, ít ra như một kế hoạch dự phòng và những kẻ chủ mưu đã bắt đầu xếp đặt kế hoạch chi tiết. Ngay từ đầu, vị tướng tư lệnh vùng phía Đông Bắc nước Pháp có đại bản doanh tại Metz, hầu tước Bouillé nhận lãnh trách nhiệm chuẩn bị tiếp đón nhà vua ở vùng ranh giới.  Việc đào tẩu từ Paris và toàn bộ lộ trình được chính hoàng hậu đặt kế hoạch và trên hết là Von Fersen. Mối liên hệ lâu dài giữa hoàng hậu và người bạn tình Thuỵ Điển đó lúc này đã đạt tới một chiều hướng mới và cái âm mưu mà hai người hoạch định cũng mang đầy vẻ tinh vi và xảo quyệt như bất cứ chuyện gì đã nảy sinh  trong suốt cuộc Cách Mạng.
Đêm qua đêm, hết mùa Đông sang tới mùa xuân 1791, ngay cả trước khi nhà vua chấp nhận ý tưởng, Fersen và Marie đã bí mật gặp gỡ nhau trong cung điện để ráp nối một kế hoạch được coi là một mắt xích khó thực hiện nhất trong toàn bộ âm mưu, đó là hành động trốn ra khỏi điện Tuileries và cái thủ đô chật ních người đầy nghi ngờ đó. Mặc dù vua Louis vẫn được tham khảo trong những quyết định chủ yếu và vẫn còn  giữ được một số quyền phủ quyết, nhưng dường như càng ngày nhà vua càng gia tăng việc uỷ quyền cho hoàng hậu. Theo như diễn biến và trong trường hợp lạ thường này, Fersen bỗng trở nên một loại thủ tướng ngoại vi chuyên lo việc nội bộ hoàng cung. Nhiều đêm trong tuần, anh chàng đi vào hoàng cung, ngụy trang trong y phục của một thường dân với chiếc áo khoác có đuôi và chiếc nón rộng vành của giai cấp bình dân. Lời tường thuật về quan hệ của anh chàng với hoàng gia có lẽ không quá phóng đại. Abh ta viết cho bá tước Taube, người bạn thân ở Thụy Điển: “ Không có tôi,  việc đào tẩu của họ không thể xảy ra. Chỉ mình tôi có sự tín cẩn nơi họ. Không một ai khác có đủ sự thận trọng mà họ dựa vào để thực hiện một kế hoạch táo bạo như vậy.
Ngay từ lúc đầu, Fersen đã thấy rõ rằng sự thành công của dự tính sẽ phụ thuộc vào hỗ trợ của quân đội ngoại quốc. Việc chi tiêu tài chính của nhà vua rất có giới hạn, và vua cần những số tiền lớn lao để chi trả cho lính đánh thuê và duy trì lối sống cần thiết của hoàng gia cho đến khi tình thế trở lại bình thường. Kế hoạch cũng đòi hỏi quân đội Áo có mặt tại biên giới  với một số lượng  đủ lớn  để phục vụ như một điểm tập trung đáng kể cho mọi thành phần lực lượng bất mãn với những biến cố trong nước  chú ý tới và tìm đến  gia nhập. Nhưng những thương lượng kéo dài với các chế độ ngoại bang, lúc đầu từ hoàng hậu đã tỏ ra thất bại nặng nề. Nhiều quốc vương lân bang, cho dẫu có  đồng cảm với việc trốn chạy của hoàng gia đã tỏ ra ngần ngại, trừ phi những thế lực to lớn khác đã đồng ý. Hoàng hậu đặc biệt thất vọng với  người em ruột Leopold của bà, hoàng đế nước Áo  lên kế vị sau cái chết của Joseph năm 1790.  Chỉ mới hồi đầu tháng Sáu 1791, Leopold đã hứa hỗ trợ đầy đủ tài chánh và  gửi quân tới giúp.  Nhưng ngay như vậy, vị hoàng đế cũng  giải thích rằng sự trợ giúp chỉ có sau khi nhà vua đã trốn thoát thành công và ở tình thế  hành động độc lập. Một vị thế như vậy giúp tang them sự khuyến khích cho việc đào tẩu nhưng lại làm cho việc hoạch định trước khó khăn hơn .
Theo lộ trình của cuộc đào tẩu, cả Bouillé và Ferseb đều cố nài hoàng gia di chuyển chia ra nhiều nhóm và xử dụng loại xe nhỏ bé tầm thường để nhanh chóng bay tới biên giới. Đây có lẽ là chiến lược mà người em của vua đã dùng  để trốn qua Brussels,nguỵ trang như một người nước Anh và cũng trốn trong cùng một đêm với hoàng gia. Nhưng nhà vua và hoàng hậu quyết tâm từ chối ra đi riêng rẽ và cả nếu không có 2 đứa con và công nương Elizabeth em gái nhà vua.  Phiền phức hơn nữa, hoàng hậu kiên quyết mang theo hai nữ hầu cận. Rồi họ lại thêm vào hầu tước d’Agoult, một người bạn thân của gia đình để làm hướng dẫn viên và phát ngôn nhân nếu có khó khăn xảy ra và thêm ba sĩ quan quý tộc khác, nguỵ trang như người đánh xe để làm hộ vệ. Với số lượng lên tới 11 người, đoàn người giờ quá đông để đi trên một chiếc xe.
Đối diện với những đòi hỏi như trên, Fersen đã phải chùi đầu vào việc xếp đặt hành trình phức tạp đó sao để toán người này được bí mật đưa tới biên giới. Để tạo nên một mặt trận  hư cấu, tay sĩ quan Thuỵ Điển có đưọc sự hỗ trợ của nữ bá tước Người Nga de Korff đang chuẩn bị rời nuớc Pháp với đứa con gái vào tháng Sáu. Bà này tuyên bố rằng bà lỡ tay làm hư sổ thông hành của bà và yêu cầu giới thẩm quyền cấp cho bà một sổ khác và nó được mang cho hoàng gia xử dụng. Cũng chính bà là người cho đặt làm một cỗ xe với những bánh xe thật lớn và dàn nhún vĩ đại để có thể đưa hoàng gia  tới vị trí an toàn. Người giám sát công việc đóng xe là một người bạn thân của bà, không ai khác hơn là chàng Thuỵ Điển Fersen. Chiếc xe được kiến trúc đặc biệt cần tới ba tháng để hoàn thành và tiêu tốn gần 6000 Phật Lăng, một món tiền khổng lồ mà chỉ những  ai giàu có nhất mới có thể chi trả. Cỗ xe được sơn màu đen với khung màu vàng thật rộng rãi và thật xa xỉ, thích hợp cho một vị vua nhưng có vẻ quá lố cho một hành trình bí mật. Phía trong xe lót da và gấm, ghế ngồi lót đệm và có nhiều tầng để hành lý, đồ dùng dã ngoại, già để rượu cùng dụng cụ sửa chữa khẩn cấp và còn có cả một bồn tiêu tiểu lót da. Thêm vào đó là một cỗ xe nhỏ được chuẩn bĩ để chở 2 nữ quản gia.
Để đưa toàn bộ 11 người ra khỏi hoàng cung Tuileries đi vào những con đường  bên ngoài thành phố, Fersen đã đặt kế hoạch từng bước thật chính xác cho từng người, từng xe và cả các con ngựa với tất cả các phương sách và sự tỉ mỉ  như một quân lệnh trong một trận chiến. Các kế hoạch được bố trí là dùng một dãy hành lang ít người đi tới trong hoàng cung và những căn phòng  bỏ trống, mà quan trọng nhất là một căn phòng ở lầu trệt của tòa nhà có cửa mở thông thẳng ra bên ngoài sân triều. Đó là một căn phòng của một hoàng tộc thân cận của vua đã được bỏ trống từ 18 tháng Tư và sẽ được dùng như một căn phòng bí mật tập trung hoàng gia để trốn ra ngoài. Hoàng hậu cũng cho làm một cánh cửa bên trong mở ra nối căn phòng với một cầu thang dẫn tới phòng ngủ hoàng gia, được giải thích là để cho người nữ hầu cận nhất của bà xử dụng. Nhiều căn phòng khác cũng được sửa chữa lại để bảo đảm dễ dàng đi tới những con đường phía sau hơn và để ngăn cách các căn phòng của hoàng gia với những phòng ngủ của các đầy tớ và lính gác ngay ở bên ngoài.
Đồng thời, hoàng hậu và vài tỳ nữ hầu cận tín cẩn nhất lo xếp đặt các đồ nguỵ trang tương xứng với gia đình “bá tước  Nga de Korff” kể cả  xiêm y cho vị thái tử 5 tuổi và bộ y phục  của một thương gia cho nhà vua. Ngoài bộ y phục đặc biệt này, nhà vua chỉ mang theo bộ vương y màu đỏ và vàng lộng lẫy đã từng mặc trong hành trình đến Cherbourg vào 1786 với ý định sẽ mặc khi nắm quyền chỉ huy quân đội trung thành của ông tại biên giới. Tuy nhiên, một vị hoàng hậu nước Pháp thật khó để hy vọng bà chịu ăn mặc như một thường dân, và Marie đã rất đau lòng để lén lút mang ra trước đó, không chỉ toàn bộ tủ xiêm y mà còn hầu hết đồ trang sức, nhiều đồ đạc và đặc biệt một rương  chứa đầy đồ trang điểm phấn son. Bà đã dùng mọi hình thức bố trí, che đậy và đủ loại lý do để giải thích. Không may là việc di dời những “nhu cầu” trang điểm của hoàng hậu ra khỏi cung bị bắt gặp và đã dậy lên mối nghi ngờ trong lòng một trong những tỳ nữ của bà, một người đàn bà vừa có tinh thần ái quốc vừa có chồng là một sĩ quan thuộc vệ binh quốc gia.  Cuối cùng, hoàng gia phải hoãn lại hành trình đi trốn chậm hơn  một ngày: trong ngày nghỉ phép của người tỳ nữ trên.
Quả thực, nếu hoàng gia hy vọng thoát ra ngoài không bị chú ý, điều cần yếu là họ đừng để Cách Mạng để ý và nghi ngờ. Qua nửa năm đầu 1791 và đặc biệt sau ngày 18 tháng Tư, hoàng gia  đã khôn khéo đeo đuổi một chích sách lừa gạt. Trong khi hoàng gia lên án Cách Mạng với những thông điệp bí mật  gửi cho các lãnh đạo nước ngoài mỗi khi có dịp, họ cũng làm mọi thứ trong quyền hạn có thể để ru ngủ những nhà ái quốc tin tưởng rằng hoàng gia hoàn toàn ủng hộ Hội Đồng Cách Mạng. Vào ngày 19 tháng Tư,  lần đầu tiên trong hơn một năm, vua Louis  tự thân chinh tìm đến Hội Đồng và tái xác quyết chấp nhận tân Hiến Pháp. 4 ngày sau đó, nhà vua gửi tương tự một điệp văn công khai tới các đại sứ Pháp ở nước ngoài. Không bao lâu sau đó, nhà vua và hoàng hậu tham dự lễ Phục Sinh do các giáo sĩ tuyên thệ cử hành, mặc dù có sự ghê tởm của nhà vua đối với giáo hội ly khai. Như Fersen giải thích cho Breteuil, nhà vua chấp nhận hy sinh mọi thứ cho việc thực hiện kế hoạch đào thoát của anh ta và cố  che mắt những phần tử  Cách Mạng để họ không để ý đến ý định thực sự của nhà vua. Từ đó trở đi, nhà vua sẽ đưa ra một hình ảnh thừa nhận và hoàn toàn ủng hộ Cách Mạng và các lãnh đạo Cách Mạng. Nhà vua sẽ hoàn toàn dựa vào lời khuyên của họ và sẽ dự liệu những ý nguyện của đám đông để giữ họ nín lặng, đồng thời sẽ kiến tạo một cảm giác tự tin cần thiết cho việc trốn chạy khỏi Paris.
Trong cùng thời gian, tướng Bouillé cũng đi theo một phương cách đánh lạc hướng đám ái quốc địa phương từ đại bản doanh của ông ta ở Metz, phía Đông cách Paris khoảng 180 dặm. Bá tước Franҫois Bouillé, 52 tuổi, người nổi tiếng  trong nước Pháp như một cựu chiến binh trong trận chiến Bảy Năm và Cách Mạng Hoa Kỳ và là người hùng, hay tên vô lại, tuỳ quan điểm của mỗi người, đã đè bẹp cuộc nổi loạn trước đó tại Nancy.  Quả thực, đã có một số lãnh đạo chính trị Cách Mạng đã đến gặp gỡ ông ta như một đồng minh tiềm năng. Nhưng từ khi vị Giám Mục Pamiers mang đến cho ông ta một bức thư của nhà vua với yêu cầu hỗ trợ, ông đã hết lòng phục vụ nhà vua. Sau  chuyến thăm viếng Metz của Fersen và sau khi đã gửi đứa con trai lớn và tuỳ viên quân sự tới Paris, ông đã khai triển một kế hoạch tỉ mỉ cho hành trình của vua đến biên giới.  
Nhiệm vụ trước tiên và khó khăn nhất là việc chọn một vị trí vững chãi nơi nhà vua có thể rút đến. Mặc dù lúc đầu Bouillé tính chọn Bensanҫon và Valeciennes, nhưng cuối cùng ông chọn thành phố cổ nhỏ bé Montmédy ờ phía Tây Nam của Luxembourg.  Đây không chỉ là một đồn luỹ dưới quyền chỉ huy trực tiếp của ông, nó còn có một ưu thế về sự củng cố mạnh mẽ trực tiếp tới vùng Tây Nam cũng như biên giới phía Bắc từ hướng Paris. Tuy nhiên, nhà vua sẽ không ở trong thành luỹ đó vì lo mgại có thể bị kẹt trong một cuộc vây hãm, mà ông sẽ ở trong lâu đài Thonnelle ngay ở phía Bắc Montmédy , cách biên giới nước Áo chưa tới 2 dặm.  Nói vắn tắt, nhà vua sẽ có khoảng mười ngàn quân lính bảo vệ cả trong thành và những vị trí kế cận.
Đối với hành trình trốn chạy của hoàng gia, Bouillé lúc đầu đề nghị con đường gần nhất qua Reims, Vouziers và Stenay ở về mạn Bắc con đường nhà vua thực sự đi qua. Con đường này không chỉ gần nhất, mà nó còn dẫn qua những khu vực đồng quê nghèo nàn và thưa dân, gần như tránh khỏi nhửng cứ điểm của Cách Mạng. Thế nhưng Louis đã từng đi qua một đoạn trên con đường này trong dịp đăng quang tại Rheims và nhà vua dường nhưbị  ám ảnh vì  lo sợ rằng bọn Cách Mạng  địa phương sẽ nhận ra ông. Cuối cùng, con đường chếch xuống phía Nam được chọn đi ngang qua Montmirail, Châlons-sur-Marne, Sainte-Mainehould và Clermont và cũng thận trọng tránh né Verdun, thành phố đặc biệt nổi tiếng cực đoan.  Một khi sáng kiến đã được lựa chọn, Bouillé chọn Franҫois de Goguelat đi thăm dò nguyên con đường dài 150 dặm bằng một hành trình  đi khảo sát dưới dạng một trong những người đánh xe đưa thư thông thường. 45 tuổi và được huấn luyện trở thành một kỹ sư công binh và vẽ bản đồ, Goguelat là một người ủng hộ chế độ quân vương đã từng là một tuỳ viên cá nhân của hoàng hậu. Bởi vì hoàng gia cần phải di hành khẩn cấp và thay ngựa thường xuyên, Goguelat cũng phải ghi chép lại từng vị trí đổi ngựa dọc hành trình. Tuy nhiên, sau khi qua khỏi Clermont, lộ trình đi trốn sẽ phải hướng lên phía Bắc để tránh Verdun và rời khỏi con đường hoàng gia hoạch định. Vì vậy, kế hoạch phải chuẩn bị sẵn ngựa mới lấy từ chính trong hàng ngũ quân đội ở chặng cuối của lộ trình, đặt chúng vào một vị trí tách biệt ngay ở phía ngoài thị trấn Varennes. Bởi vì những kẻ đưa ra kế hoạch biết rất ít về tình hình chính trị tại Varennes, Goguelat đã lặng lẽ nhưng lại vụng về đi thẩm vấn nhiều cư dân ở đó kể cả  ông phó thị trưởng Sauce và rồi tự kết luận rằng thị trấn này rất an toàn. Chính Bouillé sẽ chờ đón cùng người ngựa tại điểm dừng chân thay ngựa cuối cùng ở Dun, quá khỏi  Varennes khoảng 15 dặm  và một khoảng cách tương đương về phía Nam Montmédy.
Việc quân sự hộ tống nhà vua gây ra một vấn đề hệ trọng cho những người làm kế hoạch. Tất cả họ đều mong có thể bảo vệ nhà vua ngay khi hoàng gia rời khỏi Paris, nhưng việc đưa quân tới quá gần thủ đô thật nguy hiểm. Hơn nữa, nếu việc hộ tống quân sự được xếp đặt quá sớm, điều này sẽ gây chú ý đặc biệt cho chuyến xe của hoàng gia.  Cuối cùng, với sự đồng ý của nhà vua và hoàng hậu, họ quyết định chỉ gửi một toán quân kỵ binh nhỏ vài giờ  trước khi hoàng gia đến. Nếu cần thiết, họ sẽ giải thích cho cư dân địa phương rằng quân đội được gửi đi hộ tống một chuyến xe chở lương phát cho quân lính.  Một cách tổng quát, sự phân chia đội ngũ như vậy đã  được chỉ đạo là chỉ quan sát từ xa và đi theo sau  cỗ xe của hoàng gia, chỉ can thiệp trực tiếp khi nào nhà vua bị nhận diện và xem ra sẽ gặp rắc rối. Ở mức độ nào thì quân lính nên can thiệp hay không là một câu hỏi tế nhị cho toàn thể kế hoạch. Ở đây, Bouillé buộc phải tuỳ thuộc vào sự tín nhiệm của đám sĩ quan trẻ, nhiều người trong họ chỉ  được thông báo việc nhà vua đến vào giây phút cuối cùng.
Sau một số tranh cãi, họ quyết định thiết lập lữ đoàn hộ tống đi xa nhất ở gần điểm đổi ngựa Somme-Vesle, một làng ngay phía Đông Châlons. Trong số những nhiệm vụ khác là viên chỉ huy của lữ đoàn này phải cử người liên lạc đi tới những phân đội ở xa dọc theo lộ trình ngay sau khi cỗ xe hoàng gia vừa đi qua.  Cũng quan trọng không kém là anh ta phải để lại một lính gác trên con đường  mà nhà vua vừa đi qua để chặn hết tất cả những  tay sứ giả từ Paris tới để truyền đi lời báo động. Tìm người  để chỉ huy vị trí trọng yếu này, Bouillé đã có một lựa chọn kỳ lạ là quận công Claude-Antoine-Gabriel de Choiseu-Stainville, một người chỉ mới ba mươi và thiếu kinh nghiệm. Mặc dù mọi người ai cũng biết sự trung thành của Choiseul và gia thế quý tộc của anh ta, cả Fersen và hoàng hậu lại lo ngại về cái tính tình dở dở ương ương của anh chàng và thúc giục vị tướng tìm người khác thay thế. Trong một lá thư gửi đi, Fersen  có nhắc đến anh ta như một  tay trẻ tuổi gàn dở.
Dù vậy, Bouillé không quá lo lắng về các viên sĩ quan của ông bằng sự trung thành của đám lính dưới quyền chỉ huy của họ.  Trong suốt mùa Đông và mùa Xuân 1791, các câu lạc bộ ái quốc địa phương đã mạnh mẽ tuyển mộ đám binh lính Pháp đồn trú trong địa bàn của họ và gây nghi ngờ về sự trung thành và động cơ của các viên sĩ quan chỉ huy, những sĩ quan mà hầu như không có ngoại lệ là thành viên của giới thượng lưu đang ngày càng bị mất tín nhiệm. Chỉ huy các cấp khắp nơi nhìn vô vọng vào cấp dưới của họ mỗi ngày mỗi trở nên ngỗ mghịch và vô kỷ luật hơn, đôi khi họ tuyên bố thẳng ý định của họ chỉ tuân theo lệnh lạc nếu chính họ chấp thuận. Với những điều kiện như thế, Bouillé cảm thấy không còn lựa chọn nào khác ngoại trử việc xử dụng đám lính đánh thuê ngoại quốc. Ông kêu nài nhà vua cấp kinh phí để bảo đảm đám quân Thuỵ Sĩ và Đức quốc được trả thù lao cao và số tiền ngoại hạng đó cần có ngay khi cần đến. Fersen và hoàng hậu đã cố nạo vét được gần một triệu phật Lăng, đa số đến từ khối tài sản của Fersen mà họ đã liều lĩnh chuyển đến Metz  gói gọn trong những cây vải lụa. Kế hoạch lại có nguy cơ hơn nữa vào mùa xuân khi vị tân bộ trưởng chiến tranh  ủng hộ Cách Mạng chuyển đổi một số toán quân ngoại quốc giỏi nhất của viên tướng quai vùng khác.
Nhưng Bouillé cũng quan tâm đến độ tin cậy của chính nhà vua. Việc đưa hầu tước D’Agoult vào trong đoàn người đào tẩu được đặt ra để bù vào lỗ hổng thiếu kinh nghiệm  du hành của nhà vua. Nhưng cuối cùng, hoàng gia đã bỏ lại d’Agoult để lấy chỗ cho phu nhân de Tourzel người nữ quản gia, người kiên quyết cho là nhiệm vụ của bà phải đi theo đoàn ngay khi bà biết được kế hoạch trốn chạy. Bouillé cũng bị ám ảnh bởi nỗi lo sợ rằng nhà vua sẽ không bao giờ có đủ cương quyết và sự bền bỉ để theo đuổi kế hoạch táo bạo này đến tận cùng, mà có thể nhà vua sẽ rút lui ở thời điểm cuối cùng, làm cho những người âm mưu đặt kế hoạch không được bảo vệ và có nguy cơ bị bắt giữ vì tội phản quốc.  Những nỗi lo sợ như thế càng tăng thêm qua việc nhà vua cứ hoãn tới hoãn lui ngày giờ khởi sự. Lịch trình đầu tiên được ấn định vào cuối tháng Năm, rồi đầu tháng Sáu, cuộc đào tẩu cứ dời lại liên tục từ  ngày 12 đến 15 rồi lại 19 tháng Sáu.  Khốn khổ hơn nữa,, mãi cho tới hôm 15 tháng Sáu, Bouillé mới biết được hoàng gia lại dời lại qua ngày 20. Vào thời điểm này, mọi lệnh lạc chỉ thị của viên tướng đã được ban ra và các toán quân của ông đã đi vào vị trí.  Những thay đổi lệnh  cần thiết, chắp vá vào với nhau ở giây phút cuối đã gây ra  nhiều lỗi lầm nho nhỏ và những mâu thuẫn  trong đó đã tác hại đáng kể đến việc thành bại của công việc. Có lẽ chuyện nghiêm trọng nhất là một số cánh quân kỵ binh sẽ phải đóng quân ngoài trời thêm một ngày trong các thành phố dọc theo lộ trình, dấy lên những nghi ngại và lo lắng cho cư dân trong vùng.
Mặc dù cuộc trốn chạy của nhà vua được nghiên cứu cặn kẽ tí mỉ, có một điều ít được chú ý tới là việc nhà vua sẽ làm gì khi tới được Montmédy. Bouillé tuyên bố rằng ông ta không được cho biết về ý định của vua. Louis có thể sẽ thiết lập một chính phủ lâm thời với vị cựu bộ trưởng bảo hoàng của vua bá tước Breteuil  làm thủ tướng. Breteuil được yêu cầu soạn thảo một bản chính sách từ Thuỵ Sĩ nơi đang sống lưu vong và sẽ về làm việc với nhà vua ở Montmédy trong thời hạn sớm nhất.  Thế nhưng bản soạn thảo, được gửi trước tới Luxembourg để giao lại cho nhà vua đã không được mở ra và đã bị phá huỷ.  Xét đoán từ lời lẽ trong thư để lại trên bàn làm việc trước lúc ra đi và từ bài diễn văn đọc ngày 23 tháng Sáu 1789 mà lời lẽ trong thư có nhắc tới, có lẽ nhà vua cũng vẫn duy trì Hội Đồng Quốc Gia. Tuy nhiên, nhà vua liên hệ đến hội đồng với cái tên “Đại biểu thường trực toàn dân” và nhà vua cũng đề nghị giai cấp quý tộc phải đóng vai trò thống trị trong cái hội đồng đó và  lấy lại tất cả các đặc quyền trước đó. Nói một cách khác, nhà vua có ý chỉ rằng sẽ tháo bỏ hầu hết mọi lãnh vực Cách Mạng, lấy lại hầu hết vương quyền trước đó, huỷ bỏ tân Hiến Pháp về giới giáo sĩ, hoàn trả tài sản của giáo hội đã bị Cách Mạng tịch thu và  khước từ mọi luật lệ ban hành kể từ tháng Mười 1789. Trong sự suy nghĩ của Louis, công cuộc phản cách mạng này sẽ là một sự thương lượng hoà bỉnh giữa vị vua nhân từ và những thần dân bướng bỉnh mà nhà vua hứa sẽ tha thứ cho tất cả những sự sỉ nhục mà vua đã gánh chịu. Khi tình hình đã bình lặng, nhà vua sẽ từ thành luỹ biên giới trở về và sẽ chọn một nơi cu trú có một khoảng cách an toàn từ Paris, có thể là lâu đài Compiègne cách  thủ đô cũ khoảng 75 dặm về phía Bắc .

Đánh cược

Nhưng các thần dân của vua có ngoan ngoãn chấp nhận phương cách mà vua Louis đề nghị không? Căn cứ vào phản ứng của họ trong những ngày sau cuộc trốn chạy đó thì dường như đa số dân chúng sẽ không chấp nhận.  Thật khó tưởng tượng rằng nếu cuộc trốn chạy của nhà vua thành công sẽ không dẫn đến nội chiến. Cả hoàng hậu và tướng Bouillé đều dự đoán như thế. Hơn nữa, hai người cũng giả thiết  rằng có lẽ vì an toàn bản thân,  vua Louis sẽ phải sớm  di chuyển qua vùng lãnh thổ nước Áo , và họ đã có kế hoạch để thuyết phục nhà vua làm điều đó.  Mặc dù ý định từ lâu của nhà vua là ở lại trong vương quốc của mình, ông cũng chắc chắn sẽ phải  băng qua biên giới vào lãnh thổ nước ngoài , nơi chỉ cách một đoạn đường ngắn, một khi có chứng cứ rõ ràng gia đình gặp nguy hiểm. Và một khi những người  ở quanh ông và biết rõ cách làm sao điều khiển nhà vua bắt đầu  tạo sức ép.  Mặc dù Louis có thể tưởng tượng rằng ông hành động chỉ vì lợi ích của nhân dân, nhưng hầu như chắc chắn cuộc trốn chạy thành công  dấy lên một cuộc nội chiến toàn diện và có thể  có luôn một cuộc chiến tranh quốc tế với viễn ảnh một sự chịu đựng đau khổ cho những người mà vua gọi là thần tử của ông.
Mercy-Argenteuil, viên đại sứ Áo quốc không nghi ngờ gì về điểm này. Trong một loại các lá thư viết cho hoàng hậu vào mùa Đông và mùa Xuân, Mercy đã van nài hoàng hậu suy nghĩ về những hậu quả của cuộc trốn chạy và điều gì sẽ xảy ra nếu kế hoạch thất bại. Mercy lý luận rằng nhà vua và hoàng hậu đã đánh giá thấp khả năng ủng hộ rất phổ biến của công chúng cho Cách Mạng. “Chạy trốn vào thời điểm này là không thể nào.  Tại mỗi ngôi làng đều có thể có những trở ngại mà hoàng gia không thể vượt qua. Thần thật run sợ khi nghĩ đến cái thảm hoạ xảy đến nếu như kế hoạch thất bại.”  Ông ta hiểu rằng tình thế lúc này thật đáng thất vọng và nhà vua đã mất hầu hết quyền hành trước đó. Viên đại sứ cho rằng hoàng gia hãy chờ cơn bão đi qua như vậy sẽ tốt hơn: “Nếu điện hạ chịu khó kiên trì một chút, điện hạ sẽ thấy sớm hay muộn, cái trò kiến tạo điên rồ của Cách Mạng sẽ tự sụp đổ mà thôi. Ngược lại, nếu cứ chọn cách giải quyết cực đoan, (đó là chạy trốn) sẽ mang lại quyết định chưa biết là tốt hay xấu đến vận mạng của nhà vua và cả  vương quyền
Nếu nhà vua cố tình trốn chạy, đây sẽ là một vụ đánh cược.  Và quả thực tiền cá cược rất cao.  Thành công  có thể  có nghĩa  là nội chiến. Thất bại sẽ mang lại thảm hoạ và có lẽ một kết thúc của  thể chế quân chủ.