Khi nhà vua chạy trốn - Chương 7

Chương 7Phán Xét Vua


Suốt ba tuần lễ sau ngày nhà vua chạy trốn và bị bắt trở lại, người dân Paris tiếp tục tham khảo ý kiến trên khắp các tỉnh thành. Đối với câu lạc bộ Cordeliers, một cuộc trưng cầu ý dân toàn quốc là cần thiết trước khi có bất cứ quyết  định nào về số phận của nhà vua, và hội viên của họ hy vọng rằng đa số người dân sẽ lựa chọn thể chế cộng hòa. Ngược lại, cánh trung lập lại tin rằng người dân Pháp từ thủ đô đến miền quê sẽ hậu thuẫn  vương triều một cách áp đảo. Trong lúc đó, Hội Đồng Cách Mạng Quốc Gia đã trì hoãn  quyết định của họ về việc thẩm vấn, một phần để chờ phản ứng của các vùng nội địa, những phản ứng mà trong các bức thư các đại biểu gửi về cho đơn vị cử tri của họ đã nhiệt tình kêu nài gạ gẫm.  Nói vắn tắt là mọi người ý thức rằng Paris không phải là toàn thể nước Pháp và rằng quan điểm về nhà vua của đại đa số công dân vẫn chưa được biết đến. Nói chung là mọi người đang chờ người dân Pháp lên tiếng.
Và cuối cùng người dân đã lên tiếng. Đằng sau tất cả những âm thanh và sự phẫn nộ của sự động viên toàn quốc,tổ chức phân chia đội ngũ các vệ binh, củng cố phòng thủ biên giới, đàn áp những thế lực tình nghi để ngăn ngừa, mọi người bắt đầu tự hỏi  về số phận của một con người mà những hành động của người đó đã gây nên toàn bộ các sự kiện. Họ cần giải thích rõ rệt về việc biến mất bất ngờ của vua Louis? Việc đó có hàm ý gì đối với Hiến Pháp mới mà HĐCMQG đang gặp khó khăn để hoàn thành? Vị trí nào, hay có một vị trí nào cho một vị vua, dù là nhà vua này hay bất cứ nhà vua nào khác, trong cái thế giới mới mà các nhà Cách Mạng hy vọng xây dựng lên?

Một công dân vua


Những câu hỏi như vậy đặc biệt làm người dân cả nước đau lòng và bất an không thua kém người dân Paris, những người đã nối kết với vua bởi một sự ràng buộc đặc biệt về cảm xúc và truyền thống. Dĩ nhiên, cá nhân các vị vua không thể nào được đứng ngoài sự bị khiển trách. Hai người tiền nhiệm của nhà vua hiện tại: Vua Louis XIV và Louis XV thường là chủ đề của những chỉ trích châm biếm từ cả giới trí thức và giai cấp thường dân. Tuy vậy, khác với thanh danh của cá nhân các vị vua, cái huyền thoại của vương triều lại tồn tại với sức mạnh lạ thường. Nó được xây dựng lên từ một loạt danh sách các truyền thống lịch sử cổ xưa, những huyền thoại trần gian cũng như trên các hình ảnh của các vĩ nhân  thu góp được từ các triều đại thế kỷ 17 và 18 qua sức mạnh quân sự và sự huy hoàng tráng lệ của các lâu đài và cuộc sống của triều đình. Cả người lớn đến trẻ em tại Pháp tiếp tục phô bày một nền văn hoá dân gian về những câu chuyện quần chúng nơi mà sự hiện hữu của một vương triều và lý tưởng của một quân vương đức độ được duy trì một cách đương nhiên, ngược lại với những ông vua tồi tệ hay những ông vua nhu nhược được cố vấn sai trái. Cho tới khi chế độ cũ chấm dứt, nhiều người trong số những tầng lớp thấp kém vẫn có niềm tin vào “cái chạm tay của vua” khi họ cho rằng quyền lực thần kỳ của vua chữa khỏi chứng bệnh tràng nhạc (scrofula), loại bệnh  làm da sưng phồng.  Và đức hạnh của vua Henry IV, vị vua đầu tiên của dòng họ Bourbon, sức mạnh của ngài, ý thức cao và tình yêu thương thần dân của ngài vẫn còn được nhắc đến vào buổi ban đầu của cuộc Cách Mạng khi người dân muốn diễn tả một chúa thượng lý tưởng. Quả thực, từ 1789 đến năm 1791, nhà vua Louis XVI thường được so sánh với nhà vua Henry lý tưởng.
Chắc chắn hình ảnh vương quyền đã được gợi lên trong nhiều thập niên trước năm 1789. Trong nhiều thế kỷ đã có đủ loại các thành ngữ được mô tả để ca tụng sự vĩ đại của vua:  nhà vua là một dũng sĩ vĩ đại, một phán quan chính trực, một lãnh chúa cao ngất. Nhưng vào buổi đầu Cách Mạng, hình ảnh của nhà vua như một vị cha già dân tộc, một sự đặt tên được nói đến ít ra từ thế kỷ XVI  đã đạt đến ưu thế. Chẳng có gì nghi ngờ khi cho rằng hình ảnh đó được chính vua Louis XVI khuyến khích một cách có ý thức.  Nhà vua vô cùng  tự hào về sự thành công trong nhiệm vụ làm cha của riêng ông, một thành công đạt được sau một thời kỳ dài thất bại về đời sống tình dục và hỗn loạn tâm lý, và việc nhà vua đặc biệt thích thú với việc nuôi dưỡng con cái.  Nhà vua liên tục xử dụng ẩn dụ về tình phụ tử trong các diễn văn gửi tới HĐCMQG. Louis XVI cũng làm tương tự tại Varennes, khi ông tiết lộ thân thế của mình cho những “đứa con trung thành” của ông tại nhà ông Sauce. Dĩ nhiên, hình ảnh cha già, cũng như hình ảnh của vua, có những ý nghĩa phức tạp và đôi khi mơ hồ. Nó có thể ám chỉ hình ảnh gia trưởng trong một uy quyền gần như tuyệt đối theo luật và theo tập quán đối với vợ con, một hình tượng với khuôn mẫu vươn xa tới khái niệm tôn giáo về ngôi thứ Nhất Thiên Chúa Cha đầy quyền năng. Nhưng khi hình ảnh được một thành phần lớn  của người dân có giáo dục bám chặt lấy vào cuối thế kỷ XVIII, hình ảnh vua như cha già dân tộc có được nối kết trên hết với cái  mốt thời trang văn chương về một giai điệu mang gia đình tính.  Trong ca kịch và văn chương thời kỳ này, đã có biết bao lời ca ngợi cho hình ảnh “người cha tốt lành,” một người cha không độc tài mà thích hòa giải, ngay cả bình đẳng với vợ con, đối xử với mọi thành viên trong gia đình như bạn hữu và người đồng hành.
Không thể có sự sai lầm khi nói về cảm giác kính trọng đối với Louis XVI trong bản danh sách các bất mãn năm 1789. Hàng ngàn thư từ chính thức đã được người dân Pháp tấu trình lên năm 1789 trong cuộc bầu chọn đại biểu chung. Hầu hết mọi người tiếp tục thỉnh nguyện nhà vua với danh từ truyền thống của danh dự và cứu xét từ “Hoàng thượng” hay “điện hạ” đi song hành với những thành ngữ  thỉnh nguyện thư chính thức: “Khẩn nài Hoàng Thượng anh minh ban cấp cho điều này điều kia là các diễn tả thông thường nhất.” Hơn một nửa các danh sách về những bất mãn đã mở đầu bằng những lời ca ngợi nhiệt tình đối với nhà vua trị vì và có trên một phần ba cố liên hệ tới đức tính phụ tử của vua. Nhiều người thêm vào tính nhân hậu và có khoảng một phần tư nói đến tính công minh của vua mặc dù không ai nói đến sức mạnh quân sự.  Gần một phần năm đặc biệt xử dụng từ ngữ “thiêng liêng” đối với vua, mặc dù từ ngữ này thỉnh thoảng xử dụng khi nói đến những khái niệm trừu tượng, chẳng hạn như “quyền sở hữu tài sản thiêng liêng” hay “Hiến Pháp thiêng liêng”, không chỗ nào khác mà nó được dùng để diễn tả một cá nhân chuyên biệt. Đó là sức mạnh văn hóa của sự huyền bí của vương triều kết hợp với lòng biết ơn đối với hành động vua Louis cho triệu tập đại hội nghị các thành phần giai cấp mà nó giải thích việc hầu hết các người yêu nước đã  tỏ ra bao dung và tha thứ cho nhà  vua reong suốt 2 năm đầu của cuộc Cách Mạng.
Chúng ta đã nhìn thấy điều đó kể từ tháng Mười 1789 nếu không sớm hơn, vua Louis đã tự mình đeo đuổi một chính sách lừa gạt. Ngay cả trong lúc nhà vua công khai chấp nhận những luật lệ mà HĐCMQG gửi đến cho ông, ông cũng bí mật loan báo cho nhà vua Tây Ban Nha rằng ông phải ký những luật đó dưới áp lực. Nhưng nói chung người dân Pháp không biết gì về việc này. Những nhà ái quốc trung hoà, với quyết định củng cố thể chế quân chủ lập hiến, đã  dùng hết quyền hạn của họ để cổ động cho hình ảnh của Louis qua những bài diễn văn và những trình bày được xếp đặt công phu mà họ đã thuyết phục nhà vua  làm theo. Và nếu chúng ta phán xét  qua những bức thư ào ạt gửi đến HĐCMQG, sự nổi danh của Louis có thể đã gia tăng trong 2 năm đầu của Cách Mạng. Không lâu sau bài diễn văn của nhà vua đọc trước các đại biểu tháng Hai 1790, thị trấn Ernée nhỏ bé đã viết: “Thật là một ngày hạnh phúc và đầy phúc lành được ghi nhớ mãi mãi khi nhà vua đức độ nhất, người lấy lại tự do cho dân Pháp, người cha dịu dàng của tổ quốc, sự hiện diện của người  đã làm rạng danh Hội Đồng  và cho tất cả thần dân của người.” Các nhà lãnh đạo tỉnh Troyes cũng không kém nhiệt tâm khi diễn tả sự liên hệ tình cha con với nhà vua: “Con cái của người cha chung lắng nghe lời nhà vua và đoàn kết sau lưng người như người mong muốn. Cái tình phụ tử của nhà vua đòi hỏi chúng ta chứng minh cho tình yêu đó.”
Có thể chắc chắn rằng cuộc Cách Mạng đã giảm thiểu đáng kể quyền lực của vua.  Hiến Pháp đã biến đổi vị thế của vua từ một vị vua toàn quyền thành một người  chỉ đứng đầu ngành hành pháp, với các quyền lập hiến giống như các quyền hạn của tổng thống Mỹ chỉ vừa mới được thiết lập ở bên kia bờ Đại Tây Dương. Tuy vậy, đối với hầu hết người dân, cái cảm giác đặc biệt bán phần mang màu sắc tôn giáo của vương triều vẫn tồn tại. Họ tiếp tục tin tưởng rằng nhà vua ủng hộ Cách Mạng và rằng cuối cùng ý nguyện của vua và của đất nước sẽ luôn luôn song hành. Sự hiểu biết sơ sài về những nhận xét bình phẩm của nhóm câu lạc bộ Jacobins vào nửa đầu năm 1791, mà trong số có người hối thúc nhà vua ra lệnh cấm các giáo sĩ ngoan cố vào triều đình, đã bị áp đảo bởi một loạt các lời cảm kích và tôn trọng.  Thị trấn nhò bé Coudray không xa Paris đã diễn tả sự phẫn nộ của họ đối với những hành vi bạo động xảy ra tại hoàng cung vào ngày 28 tháng Hai và  làm sỉ nhục tới một nhân vật thiêng liêng là nhà vua chúng ta. Khi nhà vua đau ốm với chứng viêm họng vào tháng Ba năm đó, hàng trăm hội đồng thị xã và câu lạc bộ Jacobins đã tổ chức những buổi thánh lễ long trọng để cầu mong nhà vua chóng bình phục, và hầu như mọi phố thị đã tưng bừng tổ chức lễ tạ ơn khi họ biết nhà vua đã hoàn toàn bình phục. “Thiên Chúa người cai quản vận mệnh của mọi quốc gia không muốn cướp đi khỏi chúng con, người ủng hộ mạnh mẽ nhất, là cột trụ vững chắc cho hạnh phúc của chúng con. Giáo hội chúng con ngân vang lên lời cầu nguyện tạ ơn” (Laval thuộc miền Tây nước Pháp). “Như đàn con nuôi của hoàng đế Henry vĩ đại, chúng con sẽ mãi mãi gắn bó  với vị vua dòng Bourbon này để xứng  với danh người  và đáng quý với tổ quốc” (Belly thuộc miền Đông). “Xin Thiên Chúa che chở thần tượng của đất nước” (Bourges thuộc miền trung nước Pháp). Vài tuần sau đó, thị trấn Châteaurenard nhỏ bé thuộc vùng tỉnh Provence đã mở màn  một bức tranh  chân dung nhà vua vẽ trên bức tường của toà thị sảnh thị trấn và viên thị trưởng vừa mới  được bầu đã đọc một bài diễn văn cúng hiến cho vua. Ông phát biểu: “Đức vua Louis đã tạo nên một mối quan hệ  hoàn toàn mới với thần dân của ngài, vì thế dường như không thể xếp ngài  vào chung  thể  loại với các vị vua khác. Các vị vua tìm sức mạnh của quyền lực qua việc xử dụng bạo lực  khủng bố, nhưng vua Louis XVI chỉ thể hiện sự tự tin có được qua đức độ của ngài. Các vị vua đòi hỏi sự tôn kính và tuân thủ, còn vua Louis chỉ yêu cầu có được tình con dân yêu mến. Các vị vua ước vọng là những chúa tể của thần dân, vua Louis chỉ muốn là người cha thân yêu của dân tộc. Các vị vua làm mọi thứ để trói buộc tự do của dân, Louis thì hoàn trả lại  hết cho chúng ta. Ngài là bạn hữu của nhân loại,  là một công dân vua.”
Vào buổi tối sự kiện Varennes, khắp các tỉnh thành trong nước, tuyệt đại đa số người dân Pháp tiếp tục  tỏ ra có tình cảm, ngay cả với sự tôn kính với cá nhân nhà vua. Họ tiếp tục nghĩ về vương triều như một trung tâm, một nơi cốt yếu của tình đoàn kết và sự gắn bó của quốc gia.

Những giọt lệ máu


Có lẽ chính cái cường độ mạnh mẽ về sự gắn bó với nhà vua đã thúc giục nhiều người dân Pháp nhớ lại kinh nghiệm của họ về những ngày bi thảm sau chuyện chạy trốn của nhà vua. Trong khoảng từ 21 tháng Sáu đến cuối tháng Bẩy, có trên 650 lá thư mà ban bí thư của HĐCMQG đã nhận được từ khắp các bộ phận tập trung trên cả nước, từ mọi ban ngành, mọi thị trấn lớn nhỏ và cả từ một số làng mạc đáng ngạc nhiên. Mục đích của đống thư tín liên lạc này là để tái khẳng định lòng trung thành với HĐCMQG trong cơn khủng hoảng chính trị quá lớn lao này kể từ khi có cuộc Cách Mạng. Nhưng đa số các lá thư chứa đựng những bày tỏ đau lòng về việc thay đổi thái độ đối với nhà vua trong sự đối mặt với khủng hoảng. Các hội đồng quản trị thị xã, các câu lạc bộ yêu nước, các đơn vị vệ binh quốc gia, hội phụ nữ, các toà án khu vực và đủ loại các công dân đã gửi đến những báo cáo, các báo cáo này rõ ràng do các nhân sĩ ưu tú địa phương soạn thảo, nhưng thường do hàng chục, hàng trăm người ký. Gom chung lại, những thư tín này họp thành một sự bỏ phiếu của ý kiến dân tỉnh lỵ theo thời gian, khi người dân cả nước cố tiến tới một thoả thuận với nhà vua và vị thế của vua đối với đất nước sau vụ Varennes.
Vào những ngày đầu của cuộc khủng hoảng, sau khi người dân đã nghe tin nhà vua biến mất nhưng vẫn chưa biết việc hoàng gia bị bắt lại, các phản ứng tuỳ thuộc vào sự đo lường về việc tin tức được loan truyền như thế nào và từ người nào. Những thỉnh nguyện thư của các câu lạc bộ tại Paris và các tường thuật của báo chí cấp tiến tương đối nhẹ nhàng với việc nhà vua mất tích. Nhưng các loan báo đầu tiên của chính HĐCMQG lại mù mờ hơn, không hề nhắc đến bản tuyên bố chống Cách Mạng của nhà vua và còn để một khoảng trống lớn cho người ta hiểu lầm rằng hoàng gia bị bắt cóc sao đó. Nhiều nhóm người dân tỉnh lỵ đã nhiệt tình chấp nhận một kịch bản như vậy và cho nhà vua quyền “vô tội cho đến khi tội trạmg rõ ràng”. Nói chung, gần một phần ba những thư tín đó tiếp tục giữ cái quan điểm tích cực và thông cảm với nhà vua trong thời gian đầu của cuộc khủng hoảng này. Họ cay đắng nói về một tội ác kinh khủng về việc bắt cóc nhà vua và hoàng gia, về những tên quái vật của nhân loại dám làm chuyện bắt cóc một vị vua đức độ nhất trong các vị vua và về một nước Pháp giờ bỗng thành trẻ mồ côi. Nhóm Jacobins tại Arras, một chi nhánh luôn luôn có sự liên hệ mật thiết với Robespierre đã vô cùng chua chát với biến cố này trong phản ứng đầu tiên của họ. Họ than vãn: “Chúng đã bắt nhà vua đi, một vị vua chỉ biết sống cho thần dân của ngài, một vị vua thường tỏ ý tôn trọng HĐCMQG, và các hành động yêu nước của ngài chứa đầy công bình và sự thật. Khi họ nghe tin rằng đã tìm được nhà vua và ngài đã trở về Paris, nhiều thị trấn tỉnh lỵ đã tự phát tổ chức ăn mừng. Chỉ trong ít phút, trước sân của thị sảnh thành phố Rouen tràn ngập số lượng người cả nam lẫn nữ bị thu hút bởi tin tức về sự kiện một cách kỳ lạ. Họ diễn tả nỗi vui mừng bằng một cuộc khiêu vũ đến tận ba giờ sáng. Khắp nơi, chuông nhà thờ đổ, pháo bông, lễ tạ ơn và những lễ hội công cộng khác đánh dấu giây phút, mà theo Limoges diễn tả, với sự chua xót đắng cay biến thành niềm hân hoan vui sướng.
Nói chung, chỉ đến cuối tháng Sáu thì người dân vùng tỉnh mới bắt đầu đánh giá đầy đủ cái ý nghĩa của các sự kiện vừa mới tiết lộ và cái khủng hoảng về lương tâm thực sự mới bắt đầu quét qua khắp nước Pháp. Khi HĐCMQG đi vào thời điểm khoảng ba tuần lễ của giai đoạn hoà hoãn, xếp đặt một sự trì hoãn về việc xét xử nhà vua, thì các tuyên bố chính thức của Hội Đồng không còn là nguồn thông tin cốt yếu  cho các tỉnh thành nữa. Các thị trấn tràn ngập thư từ và thỉnh nguyện thư chạy lòng vòng từ các câu lạc bộ và khu vực tại thủ đô và báo chí Paris ở đủ mọi xu hướng chính trị. Đặc biệt, số lượng lớn các báo chí đã mở ra rộng rãi hàng loạt các thông tin và luôn có các bình luận diễn giải. Câu lạc bộ ái quốc tại Vendôme giải thích: “Nền báo chí công cộng đã tiếp tục giúp chúng tôi phát triển ý kiến của chúng tôi. Như mọi người dân Pháp, chúng tôi theo sát cái nhịp điệu bình thường của báo chí xuất bản.  Có nhiều trường hợp chung quanh chuyện chạy trốn của vua đã bị bỏ sót hay bị kiểm duyệt trong các  văn bản đầu tiên của Hội Đồng. Chính nhờ báo chí lớn nhỏ mà người dân các tỉnh lỵ mới nghe  được về sự  đón chào với sự bất mãn của dân Paris trong chuyến trở lại Paris của hoàng gia ngày 25 tháng Sáu và những nỗ lực của nhóm Cordeliers để buộc nhà vua thoái vị. Chỉ đến lúc này họ mới biết đến bản tuyên bố của cá nhân nhà vua mà trong đó ông hàm ý phủ nhận lời tuyên thệ trước kia của ông và chối bỏ các nghị quyết của Cách Mạng mà trước đây ông đã ký thành luật. Các nhà lãnh đạo địa phương tại Toulon lần đầu biết đến lá thư của vua vào ngày 1 tháng Bẩy. Khi người dân tại Bergerac thấy lá thư đó bốn ngày sau đó, họ lập tức công khai đốt cháy một bản sao của nó tại công viên thị trấn.
Để đánh giá khối lượng lớn thông tin này, các câu lạc bộ ái quốc địa phương đóng một vai trò đặc biệt quan trọng. Vào giữa năm 1791 có hàng trăm các câu lac bộ như vậy được thành lập, bao gồm khoảng 400 trực tiếp quan hệ với nhóm Jacobins tại Paris. Nhưng mặc dù các câu lạc bộ vùng tỉnh theo dõi sát các cuộc tranh luận của đám Jacobins tại thủ đô, họ không bao giờ mù quáng hoàn toàn phụ thuộc vào cơ quan trung ương chính. Nhà đại lý Anh quốc William Miles đã ngạc nhiên với sự thay đổi liên tục về tư tưởng trong đủ loại các hiệp hội trên cả nước, một diễn tiến làm ông nhớ lại về “cái hành lang thì thào” của đại thánh đường Saint-Paul, cái lối đi vòng quanh bên trong cái chỏm cầu vĩ đại tại London mà khách thăm viếng có thể nghe thấy người khác nói dù đứng ở bất cứ chỗ nào. Với các câu lạc bộ Jacobins tại Paris không thể tiến tới một sự đồng thuận, các câu lạc bộ tại tỉnh thành càng trở nên độc lập hơn cả về phạm vi và về các chủ đề của cuộc tranh cãi của họ. Hàng tá các hội đoàn bắt đầu chuyền tay các bản sao của các cuộc thảo luận địa phương trong suốt mạng lưới thông tin thư tín của các câu lạc bộ tỉnh, mang đến kết quả là các tư tưởng và đề nghị được phổ biến nhanh chóng. Tại Bordeaux, Bergerac và Bar-le-Duc, các truyền đơn và thỉnh cầu mới đã đến mỗi ngày từ các hội đoàn kết nghĩa trên khắp vương quốc mà không đi qua Paris, những truyền đơn mà mỗi ngày mỗi trở nên cấp tiến hơn.
Trong giai đoạn trầm lắng của biến chuyển và sự không chắc chắn khi nhà vua dường như đã không nhìn nhận Cách mạng và HĐCMQG cũng chưa chọn lựa vị trí nào, người dân khắp nơi bắt đầu khái quát đánh giá lại những giả thuyết căn bản của Hiến Pháp mới. Không chỉ ở tại các câu lạc bộ chính trị điạ phương, mà tại các hội đồng quản trị khác và đủ loại các cuộc hội họp đột xuất cũng chuẩn bị đối  diện cuộc khủng hoảng. Người ta tự hỏi lòng, tranh cãi và rồi thông qua các chọn lựa có thể thực hiện được khi xem xét lại. Tại Toulouse, mọi người cố gắng công khai tuyên bố ý kiến của họ về vị thế của nhà vua, cho dù có phải liều lĩnh ra sao. Tại Tours, như một viên chức thị trấn diễn tả, các cuộc tranh luận chẳng bao lâu chú trọng tới những câu hỏi đáng chú ý và có tính thăm dò nhất mà chưa bao giờ  được thảo luận từ thuở ban đầu của vương triều. “Làm sao chúng tôi diễn tả được điều đó, nỗi vui mừng mà chúng tôi cảm nhận ngay giữa thời kỳ căng thẳng và sợ hãi của chúng tôi. Chúng tôi nhìn thấy đám trẻ tuổi nhút nhát lắp bắp nói lên ý tưởng của chúng, những người trẻ tuổi bạo dạn hơn diễn tả nhiệt huyết và sự dũng cảm  vể cảm giác của họ, những người trưởng thành hơn đưa ra những lời khuyên bảo có suy tư và thận trọng hơn. Thật là một cảnh tượng xúc động!
ý kiến lúc này quay qua chống lại nhà vua mạnh mẽ. Trong suốt giai đoạn then chốt từ khoảng thời gian cuối tháng Sáu khi tin tức về vụ bắt giữ tại Varennes  vừa tới cho đến giữa tháng Bẩy khi HĐCMQG ban hành các nghị quyết, chỉ chừng một phần sáu những lời chứng thực đến từ các tỉnh thành có sự thông cảm cho  một ông vua trốn chạy. Ngay cả những người tỏ ra nhiệt tình với vua cũng liên kết nhận xét của họ qua những lời bình luận nghiêm khắc với sự nối kết các hành động của nhà vua với sự nhu nhược của ông tạo nên sự chấp nhận những lời cố vấn xấu xa. Một thành viên hội đồng thị xã viết: “Nhà vua thật là nhu nhược, yếu đuối, bị lừa gạt và bị lợi dụng.” Một người khác viết: “Chúng tôi mong muốn có thể tin rằng do mềm yếu và sự mù quáng tiếp nhận đám quan lại trong triều đáng phỉ nhổ mà Louis XVI  đã bị dẫn dắt tới việc trốn chạy khỏi vị thế và bỏ rơi một dân tộc đã cho ông tràn đầy tình yêu mến. Đó không phải là ý nguyện ban đầu của nhà vua mà chỉ để làm hài lòng những ước mơ và những tham vọng không kiềm chế của của những kẻ bu quanh ông. Bởi vì cái giả thuyết này mà chúng tôi sẽ tạm giữ im lặng và chưa vội phán xét nhà vua.”
Ngược lại, gần ba phần năm số lượng thư tín đã trở nên rõ ràng tiêu cực với sự đánh giá nhà vua của họ. Với những lời lẽ biện luận đánh động sự giận dữ và đắng cay, các ban quản trị hành chánh, thành viên các câu lạc bộ và các đơn vị vệ binh quốc gia ở khắp mọi ngõ ngách đòi tra cứu về mọi khía cạnh tội lỗi của vua. Louis XVI bị tố cáo đã đào tẩu khỏi hoàng cung mà không hề nghĩ đến những hậu quả của hành động này đối với thần dân. Một người mà họ đã từng coi là người ủng hộ họ mạnh mẽ nhất đã từ bỏ vị trí của ông ta một cách hèn nhát và phản bội lại chính lời thề của ông.  Việc từ bỏ một ngai vàng danh giá nhất trên thế giới của ông đã làm nước Pháp trở nên một ngôi mộ to lớn.” Mặc cho những lời phủ nhận của Louis, hầu hết các thư tín có rất ít nghi ngờ về ý định thực sự của nhà vua chính là sự trốn khỏi nước Pháp để tìm kiếm sự trợ giúp của quân nước ngoài chống lại đất nước mình. “Vị tư lệnh tối cao của đất nước lại có kế hoạch bỏ đi tỵ nạn tại nước ngoài nơi hứa hẹn cho ông tiền bạc, trợ giúp và binh lính để chiếm lại những quyền lực tưởng tượng mà ông tuyên bố là thuộc về của ông.” “Ông ta tìm kiếm trong vô vọng việc xử dụng lưỡi gươm ngoại quốc lên đầu chúng ta. Những hành động như vậy chỉ có thể dẫn tới chiến tranh và chỉ có thể liệt vào hạng phản quốc.” “Nhà vua đã từ bỏ ngai vàng để qua lãnh địa ngoại quốc và biến đổi những cánh đồng phì nhiêu của chúng ta thành biển máu. Ông ta có lẽ đã giao phó đất nước cho sự tương tàn của nội chiến và ngoại chiến.”  Ngay cho dù ông chỉ nghe theo lời cố vấn của bọn xấu xa khác, trách nhiệm của ông ta cũng không nhẹ hơn với tội hoàn toàn phản bội lại đất nước. Chỉ có một điều quá rõ ràng là mục đích tối hậu của ông là quay trở lại làm người đứng đầu quân đội và để áp đặt lại hệ thống chế độ cũ trước đây mà thôi. Được hấp thụ một nền giáo dục với những nguyên tắc độc tài toàn trị, Louis XVI sẽ mãi mãi là kẻ thù của tự do.”
Không gì làm các nhà ái quốc tỉnh thành giận dữ hơn là lời tuyên bố nổi tiếng của nhà vua khẳng định tới toàn thế giới rằng những lời thề trước đây của ông trước Hiến Pháp là không thành thật. Theo đặc tính của Cách Mạng, thấm nhuần với những lý tưởng minh bạch và xác thực, có lẽ không tội lỗi nào lớn lao hơn việc phản bội lời thề, một việc mà chính vua Louis tự thú nhận đã làm. Họ lập đi lập lại  rằng ông là một người man trá, một kẻ bất trung, một tên bội thề. “Chúng ta ghê sợ bất cứ người dân Pháp nào lừa gạt đến mức phản bội lại lời thề hứa của mình vì đó là vi phạm các nguyên tắc thiêng liêng nhất. Ông ta quá hèn nhát, không đáng tin cậy, không ngay thẳng và bất trung, kẻ phản lại lời thề hứa, sự giả bộ đức độ của ông hoá ra chỉ là cái đạo đức giả dối nhất. Nhiều nhóm người đã trực tiếp so sánh lời thề giả dối của nhà vua với những lời thề hứa của họ trước đây, bảo đảm với HĐCMQG  rằng, không như  nhà vua, họ sẽ mãi mãi gìn gữ lời thề của họ, Đối với đám Jacobins tại Nantes, Louis đã tự bao phủ mình trong cái ti tiện mãi mãi. Họ không còn liên hệ so sánh ông với vị vua Henry vĩ đại nữa, mà với Charles IX, một ông vua Pháp bội tín, người đã mời các nhà lãnh đạo giáo phái Tin Lành tới một đám cưới tại ngày lễ Saint-Bartholomew năm 1572 chỉ để tàn sát họ.
Cùng với một đám thiểu số các nhà ái quốc tỏ ra có chút cảm thông cho vua Louis và khối đại đa số lên án ông dữ dội, một thành phần thứ tư không hề liên hệ đến nhà vua trong thư tín của họ, một sự không đếm xỉa gì đến sự hiện hữu của nhà vua mà tự nó đã là một sự ngầm kết tội chưa hề có tiền lệ. Hầu hết những người trả lời như vậy cho biết rõ rằng, bây giờ họ chuyển lòng trung thành của họ cho HĐCMQG. Nhóm Jacobin Saint-Lô tại Normandy đã diễn tả cái diễn tiến tâm lý này là cái mà họ đã trải qua vào cuối tháng Sáu sau khi họ  được biết về những biến cố trước đó. “Lúc đầu, chúng tôi sững sờ đến chẳng biết nói gì để diễn tả cảm xúc, vì một câu nói đã phá hủy mọi niềm hy vọng của chúng tôi: ‘Nhà vua đã bỏ rơi chúng ta!’ Chúng tôi do dự. Chúng tôi cố tìm hiểu điều đó có nghĩa gì? Như vậy những lời hứa hẹn của nhà vua là tào lao sao? Những lời thề thốt của ông chỉ là mhững lời lẽ vô giá trị sao? Nhưng rồi chúng tôi nhận ra rằng quý vị đại biểu đã lãnh trách nhiệm. Tiếng nói của tổ quốc vẫn còn được nghe thấy. Và chúng tôi lập lại lời thề trang nghiêm chấp nhận những nghị quyết mới. Vận mệnh cùa những quốc gia tự do không còn bị ảnh hưởng bởi những hành động của các vị vua.”  Đã đến lúc chính các vị đại biểu được coi như những người cha của đất nước, cha của dân tộc, những người lấy lại tự do, những biểu tượng về tình cha con đã từng được dành riêng cho nhà vua. Các bức thư chứa đầy những sự so sánh các đại biểu với những khuôn mẫu anh hùng của Hy Lạp và La Mã cổ xưa: họ là những Lycurgus mới mang luật lệ đến cho nhân dân; họ là những nghị sĩ La Mã chiến đấu chống lại Nero và Catiline bạo chúa. Những người khác lại dùng những liên hệ tôn giáo trong sự khen ngợi HĐCMQG: Công việc của các vị có bàn tay của Đấng Toàn Năng nâng đỡ. Ngay cả trong giờ lâm tử, họ cũng hướng đầu quay về  Paris và loan báo những lời lẽ vì Thiên Chúa và HĐCMQG Họ tuyên bố: “Trong những hoàn cảnh hiện tại, chúng tôi sẽ đi theo các vị cha già dân tộc  với bất cứ quyết định nào của các vị, ngay cả việc nhà vua bị xét xử hay truất phế. Chúng tôi sẽ giữ nguyên niềm tin tưởng đối với đất nước, luật pháp và giới chức hành pháp; tuy nhiên các vị nên chọn nắm lấy thẩm quyền hành pháp đó. Chúng tôi để cho qúy vị toàn quyền hành động và phán đoán nên trừng phạt hay ân xá cho các tội lỗi của vua Louis XVI.”
Nhiều lời lẽ tuyên bố vô cùng mủi lòng diễn tả một sự vỡ mộng sâu đậm về nhà vua. Nhóm Jacobins ở làng La Bassée ở phía Bắc nước Pháp viết rằng cho tới ngày 21 tháng Sáu, họ vẫn coi vua Louis XVI vừa là một nhân vật lớn và một vị vua vĩ đại nhất trong các vua trị vì. Ông dường như khác xa biết bao so với 65 vị vua tiền nhiệm. Nhưng chỉ trong một ngày, qua một hành động đơn lẻ, vị vua này hoàn toàn mất hết mọi danh tiếng. Cái tính trầm lặng nổi bật của Louis, một thời được giải thích là cái trầm lặng của sự khôn ngoan và cẩn trọng, giờ bị coi là ngu ngốc hay phản bội. Ngay cả những danh xưng được dùng cho biểu tượng nhà vua cũng bị thay thế đáng buồn từ những danh từ : “hoàng thượng, Bệ Hạ hay đức vua” trở thành cách gọi tên cộc lốc “Louis hay Louis de Bourbon”, chứng tỏ một sự kiện là nhà vua không còn được coi như hiện thân của một ngôi vàng vĩnh cửu, mà giờ chỉ là một cá nhân đầy lỗi lầm nếu không phải là hư hỏng đồi bại. Trong sự chối bỏ lời hứa và vi phạm lời tuyên thệ trang nghiêm, Louis đã từ bỏ cái lý công chính của người dân đại lượng và nhạy cảm, những người đã luôn luôn tôn thờ các vị vua của họ như thần tượng, yêu mến vua mặc cho các tật xấu của các ngài. Quả thật, hình ảnh thần tượng, trước đây vua là thần tượng của người dân Pháp, giờ thần tượng đã bị đập tan và phá hủy mãi mãi trong lời biện giải của các văn bản thư tín vùng tỉnh.
Một ít người viết thư còn bắt đầu viết lại lịch sử của Cách Mạng và vị thế của nhà vua trong trang lịch sử đó. Những người đứng đầu một thị xã nhỏ bé ở miền Trung nước Pháp đã tự hỏi rằng Louis có thể bị thay thế không với nguyên tắc độc tài chuyên chế? Và họ đã viết một bài dài diễn giải về 2 năm kể từ 1789 mà trong đó nhà vua được hình dung như đang cố  tạo nên một thành lũy của chính sách độc đoán ngay trong lòng của  chính HĐCMQG. Chính vua là người đã dùng vũ lực ép buộc các đại biểu phải lánh nạn trên sân Tennis. Có thể ngày hôm nay, Paris đã là một nghĩa trang lớn, nếu không có các hành động can đảm của cư dân, những người phá ngục Bastille. Đối với nhóm Jacobins ở Versaille, lúc này dường như ông vua lường gạt phải chịu trách nhiệm về tất cả những khó khăn làm nước Pháp đau khổ trong 2 năm qua, ngay khi ông chuẩn bị cuộc tàn sát dân tộc ghê rợn, một dân tộc đã luôn luôn  bao phủ ông với lòng tử tế. Người dân thành Alès phía Nam nước Pháp nhắc lại: “Mới đây thôi, chúng tôi thành lập một ban hợp ca hát bài ca ngợi nhà vua. Vì quá tin tưởng, chúng tôi coi ông là người hoàn trả lại quyền lợi cho chúng tôi. Nhưng thay vì là người cha của chúng tôi, ông muốn là một bạo chúa, mà chúng tôi có thể gọi là tên đao phủ. Vâng thưa quý vị! Trái tim chúng tôi vỡ nát và mắt chúng tôi chứa đầy máu lệ.

Quân chủ hay cộng hoà?


Hầu hết những nhóm gửi lời khai chứng thực vào cuối tháng Sáu đầu tháng Bẩy đã không có một tư thế trực tiếp về việc nên làm gì với nhà vua đều hứa tuân thủ theo quyết định của HĐCMQG, cho dù đó là quyết định như thế nào.  Nhưng có một phần tư trong số các thư tín còn đi xa hơn. Họ cảm thấy bị phản bội nặng nề. Họ coi hành vi của Louis thật đáng khiển trách đến nỗi họ không bao giờ còn có thể tín nhiệm ông sẽ có trách nhiệm nào nữa trong chính quyền, và họ thúc giục HĐCMQG ra tay chống lại nhà vua. Vào khoảng một nửa nhóm này dường như đã sửa soạn để duy trì Hiến Pháp hiện tại. mặc dù họ khuyến khích Hội Đồng truất phế nhà vua khỏi ngai hay đưa ông ra xét xử trước tổ quốc. Các người lãnh đạo thị trấn Montauban thấy đau lòng vô cùng với những bước đi mà họ sẽ phải làm. Họ vẫn yêu thích chế độ quân chủ lập hiến, nhưng họ nói nước Pháp có thể làm gì khi phải đối diện với một người từ chối không muốn thi hành luật pháp? Một ông vua trốn chui trốn nhủi từ bỏ cái vị trí cao cả của mình do Hiến Pháp đặt ông ta lên, người vi phạm những nghị quyết mà ông đã chấp nhận, người giẫm đạt dưới chân những lời tuyên thệ thiêng liêng nhất của mình, người cho thần dân một gương xấu về sự lừa gạt. Một người như vậy là một hình tượng thật đáng buồn trước mắt chúng tôi.” Cuối cùng, họ trông cậy vào một lý thuyết cam kết về vương quyền để minh chứng cho việc tạm ngưng quyền xá miễn không thể  bị truy tố: “Một vị vua  vi phạm hiến pháp là đã phá hủy giao ước xã hội mà trong đó quyền cai trị của vua đã được ghi chép.” Nhóm Jacobins tại Limoges quay lại với một lý luận về cảm xúc trực tiếp hơn: “Louis XVI không thể được tiếp tục ngồi trên ngai nữa vì hình ảnh ông ta không còn ngự trị trong trái tim của nhân dân, những người khinh bỉ ông.” Tại Nantes, một bộ phận chính quyền đề nghị một phiên bản Pháp về cuộc Cách Mạng Vinh Quang năm 1688 khi quốc hội Anh Quốc truất phế vua James II và thay thế ông bằng William và Mary. Họ viết: “Người dân Anh đã dạy chúng ta rằng truất phế một ông vua bất tín với luật pháp của đất nước mình thì không phải là lật đổ chế độ quân chủ.”

Tuy nhiên, tất cả những đề nghị như vậy phơi bày ra một loạt các khó khăn. Có thể nào HĐCMQG tự mình tuyên bố truất phế Louis như kiểu các công dân thành Nantes ủng hộ, hay là trước hết, phải chính thức  xét xử nhà vua trước một phiên toà tối cao mới vừa được thành lập tại Orléans? Chuyện gì sẽ xảy ra giả như phiên toà phán quyết nhà vua vô tội? Và nếu nhà vua bị truất phế, ai sẽ là người thay thế vị trí đó? Người nối nghiệp hợp pháp của Louis XVI. thế tử Louis-Charles chỉ mới có 5 tuổi, và như vậy vấn đề lựa chọn một nhiếp chính đáng tín nhiệm dường như đáng lo sợ. Người hầu như chắc chắn sẽ là nhiếp chính có lẽ là quận công d’Orléans, một người bà con của vua ủng hộ Cách Mạng. Nhưng nhiều nhà ái quốc cũng không tin tưởng  viên quận công giống như  họ bất tín nhiệm Louis.  Có lẽ khi đối diện với những khó khăn như thế, việc sửa chữa Hiến Pháp được ưa thích hơn. Lại có một nhóm nhỏ thư tín có đủ loại đề xuất khác nhau để giới hạn mạnh mẽ quyền lực của vua, để ông trở thành một bóng ma quyền lực của chính ông, như các viên chức tại Brest đề nghị. Ban lãnh đạo thành phố Lyon viết: “Người ta sẽ không bao giờ thấy Louis lấy lại niềm tự tin mà ông ta đánh mất. Nếu chúng ta cần có một nhà vua nối nghiệp ngồi ngủ trên ngai, nhà vua như thế không bao giờ có thể có nhiều quyền hành để ông ta lạm dụng.” Một số đề nghị chấm dứt quyền phủ quyết lập pháp của nhà vua, một quyền hạn mà họ không thể nào tin là có thể đặt trong tay một ông vua hèn nhát và lừa gạt.”  Những người khác bình luận rằng nên đưa quyền lực thực sự vào tay một nội các với các bộ trưởng được chọn bởi cơ quan lập pháp hoặc ngay chính người dân, đưa nước Pháp tiến gần hơn với hệ thống quốc hội Anh Quốc.  Nhóm Jacobins tại Dijon viết: “Nếu chế độ quân chủ cần được duy trì, nước Pháp phải kiềm chế quyền hạn của nó để mọi người dân sẽ luôn luôn được bảo vệ khỏi sự đe doạ của chế độ độc tài.”

Nhưng thực ra nước Pháp có nên bảo tồn chế độ quân chủ? Rõ ràng một số phe nhóm trong cả nước, chẳng hạn như câu lạc bộ Dole đã nghiêm túc cứu xét bước kế tiếp trong một chuỗi lý luận để cắt bỏ cái nút thắt Gordian và hoàn toàn xoá bỏ chế độ quân chủ. Trong cái bối cảnh của Âu Châu thế kỷ 18, đây là một đề xuất đáng kinh ngạc, tạt vào mặt tất cả các tư tưởng đương thời, các trí tuệ chung như là một sự nguy hiểm và một chế độ cộng hòa thì không thể thực hiện trong một lãnh thổ rộng lớn và đông dân như Pháp. Chỉ có một số rất nhỏ nhoi các phe nhóm đã sẵn sàng nắm lấy một vị trí tập thể như vậy. Những người đó đã tự chứng minh trong những thời kỳ hùng biện với những lời tố cáo chống lại Louis XVI cùng toàn thể chế độ cũ thường tìm kiếm cảm hứng từ những nhân vật anh hùng cổ điển của nền cộng hoà La Mã. Dường như không ai nói đến nền cộng hòa Mỹ gần gũi nhất, một nền cộng hòa bị coi là quá thô thiển và dân cư ít ỏi so sánh với nước Pháp.

Vệ binh quốc gia tại một thị trấn nhỏ Saint-Claud ở miền Đông Nam nước Pháp đã nổi trận lôi đình chống lại ông vua man rợ của họ, một ông vua đã bán đi sự tín nhiệm của ông, vinh quang của ông và tổ quốc của ông cho bọn ngoại quốc trong khi ấp ủ trong lòng một kế hoạch kinh khủng trong việc giám sát sự tàn sát người dân Pháp. Họ bèn kê khai ra: “12 thế kỷ chịu đựng tai hoạ dưới quyền lực tuyệt đối của vua chúa đã hủy hoại trái đất,”  trước khi họ thúc giục HĐCMQG lật đổ triều đại Tarquins tân thời, (Tarquins là triều đại các vị vua La Mã cuối cùng) để thiết lập một nền cộng hòa. Các thành viên câu lạc bộ ở thành phố Niort lân cận thì đã nêu lên một lý thuyết giao ước. “Louis XVI đã vi phạm hiệp ước mà ông đã ký kết với đất nước. Vì ông đã phản bội lời thề của ông, như vậy hiệp ước đã bị xé bỏ và vì thế đất nước có toàn quyền kết thúc sự nghiệp chính trị của ông một cách không thể tranh cãi.” Và rồi họ kết luận: “Nếu chúng ta phải chiến đấu với Tarquins, đừng bao giờ quên rằng tất cả mọi người dân Pháp thực sự đã tuyên thệ với lời thề của Brutus (Brutus là một thủ lãnh La Mã dẫn đầu sự lật đổ Tarquins).” Vệ binh tại thành Arras thì cất cao giọng: “Hỡi công dân Pháp và đồng hương, giờ đây định mệnh đang mở ra. Các biến cố lớn lao đã tiết lộ ra sự phản bội tày trời, nhưng một tội ác xấu xa được bí mật  âm mưu vẫn có thể mang lại một may mắn không kỳ vọng trước. Chúng ta hãy quên đi là ta có một ông vua. Hãy coi vua là chuyện thời quá khứ.”

Làm sao những nhà ái quốc ở một số thành phố tỉnh lỵ nhỏ bé của Pháp lại có những thế đứng như vậy có vẻ không rõ ràng. Trong trường hợp của Clermont-Ferrand, bà Marie-Jeanne Roland, một nhà ái quốc Paris có liên hệ với cánh Cordeliers được biết là đã thường xuyên gửi lời cố vấn đến việc nuôi dưỡng, ủng hộ một nền cộng hòa tới một trong các vị lãnh đạo yêu nước của họ. Khó có thể tin rằng các đảng viên của tư tưởng cộng hòa tại Arras và Chartres chịu ảnh hưởng dưới những lời hùng biện của Robespierre và Pétion, các đại biểu cấp tiến của họ. Nhưng những người dân thị trấn khác dường như đã chấp nhận những vị thế đó một cách độc lập trước khi các báo cáo và thỉnh nguyện thư từ Paris đến tai họ. Và quả nhiên, chuyện gây cảm hứng đơn lẻ  quan trọng nhất trong vùng quê làm sụp đổ triều đại quân chủ không đến từ Paris mà từ Monpellier.

Nguồn gốc của tư tưởng cộng hòa trong cái thủ phủ tỉnh lỵ cỏn con gần Điạ Trung Hải vẫn còn tồn tại bí mật. Trong những văn bản tấu trình những bất công 1789 do nhiều nhà cấp tiến tương lai ký, dân thị trấn tự tiết lộ rằng họ luôn nhiệt tình ủng hộ nhà vua. Động tác đầu tiên tẩy chay vương triều xảy ra vào 27 tháng Sáu, một ngày sau khi thị trấn biết sự kiện bắt giữ nhà vua tại Varennes và hầu như chắc chắn trước khi các bản thỉnh cầu thư về cộng hòa từ Paris gửi đến. Bản đề nghị do Jacques Goguet, một y sĩ 24 tuổi chỉ vừa mới tốt nghiệp tại trường y khoa Montpellier đem trình lên  hiệp hội ái quốc địa phương. Bản đề nghị được đại đa số các lãnh đạo thành phố chấp nhận rất nhiệt tình, không chỉ bởi câu lạc bộ mà gồm cả ban quản trị thành phố, quận lỵ và của các ban ngành. Trong phiên bản cuối cùng được chấp thuận ngày 29 tháng Sáu, thỉnh cầu thư gửi tới HĐCMQG được thảo luận chặt chẽ và xúc tích. Các hội viên tranh luận: “Nhà vua hiện tại thật hèn hạ, và chúng tôi quá khinh bỉ ông ta đến không còn ghét hay sợ ông nữa. Chúng tôi để cho luật pháp toà án xử dụng lưỡi gươm trả thù. Vì vậy, chúng tôi chỉ yêu cầu rằng người dân Pháp sẽ không còn một vị vua nào khác ngoài chính chúng tôi làm chủ.” Lại một lần nữa, lời thỉnh cầu được biện minh bằng sự liên hệ tới thời cổ đại: “Đối với chúng tôi để trở thành công dân La mã thực thụ, tất cả những gì tồn tại là sự thù ghét và việc  trục xuất vua quan. Sự thù ghét thì đã là sự thật. Chúng tôi chờ hành động của các vị để bảo đảm điều thứ hai (việc chấm dứt vương triều).” Rồi họ kết luận: “Ngày hôm nay, mọi thành kiến đã bị phá hủy và người dân đã được khai sáng. Ý kiến quần chúng cho phép các ngài, yêu cầu các ngài đưa chúng tôi ra khỏi tội ác của vua chúa.

Thỉnh cầu thư không chỉ được gửi đến Paris nơi được đọc trước mặt nhóm Jacobins vào ngày 6 tháng Bẩy, mà hàng tá các bản sao được truyền tay trực tiếp qua mạng lưới quốc gia của các câu lạc bộ ái quốc. Bất cứ nơi nào nhận được thì dường như nó là chủ đề của các tranh luận nghiêm trọng và nhiệt tình nhất. Bordeaux có được nó rất sớm vào ngày 2 tháng Bẩy. Toulouse và Aix-en-Provence đọc nó vào 2 ngày 4 và 5 tháng Bẩy. Tới 10 tháng Bẩy thì nó tới Strasbourg, một vùng Đông Bắc xa xôi. Poitiers ở miền Tây nước Pháp bắt đầu tranh luận về nó 2 ngày sau đó, trong khi Bar-le-Duc ở gần Varennes đọc nó vào ngày 13 tháng Bẩy và Limoges ngày 15. Cuối cùng, được biết là chỉ có 5 câu lạc bộ đã hoàn toàn thừa nhận bản thỉnh cầu trên. Nhiều nơi khác lúc đầu tham gia, nhưng rồi họ xem xét lại và quyết định chờ đợi  quyết định của HĐCMQG hay lựa chọn cách phế bỏ vị vua hiện tại nhưng không từ bỏ nền quân chủ.  Nhưng ngay cả khi đa số chối bỏ thỉnh cầu thư của Montpellier, một thiểu số vẫn mạnh mẽ thường xuyên dấy lên việc ưa thích một nền cộng hòa. Trong cả hai nơi Poitiers và Bordeaux, các đội ngũ theo cộng hòa tranh luận cho lập luận của họ hùng hồn, và những người này có thể đã thắng nếu như cuộc tranh luận không bị chấm dứt vì có nghị quyết của HĐCMQG tới miễn tội nhà vua.

Nhiệm vụ của chúng ta là tuân thủ


Tin tức về quyết định của HĐCMQG và vụ việc bắn giết tại Champ de Mars đã đột ngột kết thúc  giai đoạn căng thẳng tái thẩm định chính trị. Đối diện với cuộc khủng hoảng mới này, các nhân sĩ địa phương xác định sự gắn bó của họ với những nghị quyết tháng Bẩy hầu như không có bất cứ ngoại lệ nào. Không có bất cứ nơi nào bên ngoài Paris mà các nghị quyết trở thành mục tiêu của các cuộc xuống đường hay các vụ bạo động. Các vị đại biểu đã mở màn cho cuộc Cách Mạng và là người dẫn dắt đất nước thành công qua nhiều khó khăn trở ngại trước đó, giờ tiếp tục chỉ đạo với sự tôn trọng lớn lao và có uy tín dưới con mắt các người yêu nước vùng tỉnh trong sự buồn rầu thất vọng của nhóm người Paris cấp tiến và câu lạc bộ Cordeliers.

Tuy nhiên, một số đông công dân đã thật đau lòng với các vấn đề bị đe doạ. Trong các bức thư gửi đến HĐCMQG, dân tỉnh lỵ cùng các ban quản trị địa phương thường trích dẫn đến các bài diễn văn của cá nhân các đại biểu, là những diễn văn đã được đọc, so sánh và cân nhắc cẩn thận. Robespierre, Vadier, Salle, Duport và Barnave có trong danh sách của một thị trấn, chứng tỏ rằng sự lựa chọn các diễn giả trích dẫn gồm cả hai phía của cuộc tranh luận đã được cứu xét hợp lệ. Có vài nhóm đã rà soát lại từng bước một toàn thể diễn tiến của lý luận, xem xét tất cả các cách giải quyết có thể xảy ra đối với cuộc khủng hoảng, loại bỏ những phương án tỏ ra không thể thực hiện, và rồi họ trình lên phản ánh của riêng họ cho Hội Đồng quyết định cuối cùng. Các cử tri đi bầu tại một thị trấn nhỏ đã viết khi họ suy nghĩ về cái tình thế khó xử không lường trước này: “Có quá nhiều phức tạp. Nhà vua dường như có tội. Tuy nhiên ông ta lại có quyền miễn tội hợp pháp.  Vậy làm sao ông có thể bị tố cáo? Làm sao có thể phán xét ông?”

Việc chấp thuận quyết định của Hội Đồng lại không hề đồng nghĩa với việc ủng hộ nhà vua. Các tỷ lệ thông cảm cho nhà vua tiếp tục tụt dốc thê thảm, hạ xuống từ 31% từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng, còn 17% ở giai đoạn lưng chừng, tới  con số thảm hại 7% vào gần cuối tháng Bẩy. Ở vào giai đoạn cuối cùng, hiếm thấy ai còn nhắc nhở đến câu nói tha thứ cũ là “một vị vua tốt bị cố vấn tồi.’ Chỉ có một lá thư duy nhất thuộc  một thị trấn nhỏ miền Trung nước Pháp có nhắc nhở đến đặc tính thiêng liêng của vua.  Để chắc chắn hơn, chỉ một phần năm thư viết  từ giữa tháng Bẩy về sau công khai kết tội Louis, nhưng gần ba phần tư không hề đá động gì tới vua cả. Nhiều nhà lãnh đạo tỉnh lỵ rõ ràng đã ưa thích cách dùng tấm màn im lặng  bao phủ lên màn kịch đáng buồn của việc nhà vua chạy trốn hơn. Đối tượng chính yếu của đại đa số người viết thư là để tái xác định sự trung thành của họ với HĐCMQG như  giới chức thẩm quyền cao nhất trên đất nước và đại diện tối cao của ý nguyện chung. Một lần nữa, các đại biểu được ca ngợi cao ngất trời như các cha già dân tộc hay như các anh hùng theo kiểu mẫu anh hùng La Mã xưa. Cho dù những quan điểm trước đây của các nhà ái quốc địa phương có là gì chăng nữa, lúc này họ cảm thấy ràng buộc vào bổn phận phải đi chung với HĐCMQG. Nhóm Jacobins ở một thị trấn miền Bắc Brittany viết:  “Tuân thủ là bổn phận của một công dân tốt, và giờ đây tất cả chúng ta hãy làm gương.” Hầu như đồng bào các nơi của họ đều đồng ý: “Các ngài đã lên tiếng và một tiếng hô lớn đã vang lên trên khắp miền đất nước : ‘Đó là luật pháp!’ Và tất cả chúng ta sẵn sàng chết cho luật pháp.” Ngay cả khi trước đó họ đã tranh luận cho một biện pháp mạnh mẽ hơn chống lại nhà vua, ý nguyện chung của cả nước giờ đã được Hội Đồng quyết định và cái trước đây là một sai lầm, giờ có thể trở thành tội ác.

Khi đưa ra những bình luận về tình trạng chính trị và quyết định của HĐCMQG, hầu hết các thư tín đã nói rất ít về tình yêu mến của họ đối với nhà vua hay nền quân chủ hơn là nỗi lo sợ về một nền cộng hòa và về sự phẫn nộ đối với các hành động nổi loạn của đám cộng hòa tại Paris. Họ quay đi quay lại với những lập luận của chính HĐCMQG, nhiều người đổ lỗi cho một loạt các triết gia từ  Montesquieu tới Rousseau, rằng một chế độ cộng hòa có lẽ không thực tế và không thể thực hiện tại Pháp. Một chính quyền cộng hòa như thế có thể khả thi ở những bang tỉnh thành phố, đất nước nhỏ bé như Thuỵ Sĩ hay Hy Lạp cổ xưa, nhưng với một quốc gia rộng lớn, điều đó sẽ dễ dàng dẫn tới vô tổ chức và hỗn loạn. “Đất nước này quá to lớn để chuyển đổi sang thể chế cộng hòa. Sớm hay muộn, các quyền lực lân bang sẽ xâu xé nó thành nhiều mảnh. Những ai đề xuất một nền cộng hòa đã chưa từng cứu xét đến những bài học kinh nghiệm, đến hợp lý của lịch sử, đến những hậu quả có thể xảy ra, đến những dữ kiện về phong tục Pháp, dân số, địa lý và thái độ của dân.” “Chúng tôi tin rằng trong một đất nước  có cân nhắc với một dân số lớn lao, chắc chắn phải có một trung tâm cho sự đoàn kết, một thẩm quyền hành pháp tối cao độc nhất mà từ nơi đó, giống như sức đẩy Archimedes,  với đòn bẩy của vương quyền, tất cả mọi thành phần giai cấp  bao la của đất nước có thể tiến lên.

Nhiều người dân Pháp dường như rất sợ hãi cảnh nội loạn  có thể sẽ nổi lên trong nước nếu HĐCMQG can thiệp làm xáo trộn chế độ quân chủ. Hầu hết các phong trào chống đối tại Paris đã nhận được một sự đón nhận rất tiêu cực tại các tỉnh lỵ. Đã có rất nhiều sự tham khảo về sự dấy loạn của đám người tại Paris, những sự kiện mà dường như chỉ để chứng tỏ rõ ràng về những mối nguy hiểm khi đặt quyền lực vào trong tay của người dân trong sự vắng bóng một giới chức thẩm quyền trung ương độc nhất. Lời thỉnh cầu của người dân Paris làm chúng tôi run lên vì tức giận: “Lòng chúng tôi tràn đầy lo lắng. Chúng tôi e ngại rằng dưới sức ép của cái đám đông lầm lạc tự cho mình là tiếng nói của quốc gia một cách sai trái này, các ngài sẽ bị buộc phải hy sinh các nguyên tắc của các ngài.” Có những lời lẽ kết tội bất tận về cái địa ngục  và là tai hoạ đáng ghê sợ của tình trạng vô chính phủ, về sự giận dữ của thường dân mất phương hướng. Nhiều tỉnh lỵ đã chia xẻ quan điểm tình nghi của các đại biểu rằng sự phản đối tại thủ đô là do bọn phản Cách Mạng hay thế lực nước ngoài kích động với âm mưu loại bỏ Hiến Pháp. “Ẩn núp bên trong mặt nạ yêu nước, bọn âm mưu như vậy nhằm mục đích gây sự chia rẽ bất hoà trong chúng ta. Chiêu bài vô chính phủ đã được cổ động bởi bọn quái vật, bọn phản quốc, bọn giáo sĩ ngoan cố, những kẻ thù của đất nước tự khoác cho mình chiếc áo choàng yêu nước chỉ để nhắm lật đổ Hiến Pháp và đưa đẩy đất nước vào tranh giành hỗn loạn.”

Một thiểu số chừng một phần tám các phe nhóm tỉnh lỵ gửi đi những bức thư đề nghị rằng họ không hoàn toàn đồng ý với quyết định của Hội Đồng Cách Mạng Quốc Gia mặc dù cuối cùng họ cũng được thuyết phục chấp nhận. Trong vài trường hợp, người dân địa phương lúc đầu chống đối các nghị quyết đó và chỉ chấp thuận sau khi đã nghiên cứu cẩn thận các tranh luận. Một số viên chức thành thật viết: “Nếu chúng tôi nghe theo ý chúng tôi thì một quyết định có hành động đối với nhà vua có lẽ sáng tỏ hơn. Nhưng các nhà lập pháp bị buộc phải chống lại cảm tính mà người thường dễ dàng bị khuất phục.” Cuối cùng, Hội Đồng đã làm họ tin rằng một thể chế quân chủ lập hiến là hệ thống duy nhất có khả năng giữ lại nămg lực và tính đoàn kết cần thiết cho sự ổn định của một quốc gia rộng lớn và cung cấp được một bức tường không thể vượt qua chống lại ảnh hưởng của các phe phái.  Một nhóm công dân khác đồng ý: “Sau khi nhà vua đáp lại tình yên thương và sự tin trưởng của chúng ta  bằng sự vi phạm vào những cam kết thiêng liêng nhất của ông, tất cả chúng tôi hy vọng toà án đất nước sẽ cai trị chống lại tội ác. Nhưng HĐCMQG đã đi quá khỏi sự cứu xét và những nhiệt tình của thời điểm của biến cố và đã đưa ra được một văn bản mới trên nền tảng luật pháp quốc gia qua nghị quyết ngày 15 tháng Bẩy.” Lãnh đạo của một làng nhỏ tại Bordeaux thẳng thừng hơn: “Lúc đầu chúng tôi không chấp nhận nghị quyết của các vị vì coi nó xung đột với các nguyên tắc chung. Nhưng sau khi suy nghĩ kỹ, chúng tôi thà chịu đựng một ông vua bất tài và lừa gạt còn hơn bị buộc phải đối mặt với sự kinh khủng của nội chiến ngoại chiến.”

Những người khác tuyên bố gắn bó với luật pháp ngay trong lúc vẫn nhấn mạnh sự hoài nghi sâu sắc của họ liên quan tới quyết định của HĐCMQG. Theo quan điểm các viên chức ở hải cảng Brest trong vùng Breton, đất nước giờ có lẽ được đặt trong tay của một người mà qua sự chạy trốn và bản tuyên bố của ông đã tự tố giác ông là kẻ thù lớn nhất của chúng ta. Một thị trấn khác trong vùng Brittany đồng ý chấp nhận Louis là vua của họ chỉ vì: “Chúng tôi được lệnh phải chấp nhận theo luật mà thôi.”  Còn các vị lãnh đạo tại Montpellier, những người mạnh mẽ thúc đẩy cho một nền cộng hòa  đã chấp nhận nghị quyết với sự mỉa mai: “Ở trong xã hội, người ta chỉ có thể lựa chọn giữa các loại xiềng xích khác nhau mà thôi.” Trong tình thế hiện tại, họ chẳng có lựa chọn nào khác ngoài việc đặt mình bên dưới sự trói buộc đầy vinh dự và hữu ích của luật pháp. Một vài phe nhóm tỏ rõ rằng sự chấp nhận của họ đối với nghị quyết của Hội Đồng có tính đột xuất và có điều kiện tùy theo hành vi tốt xấu của nhà vua. Họ sẽ chỉ chấp nhận khi nhà vua tiếp tục xử dụng uy quyền của mình để duy trì Hiến Pháp. Họ chỉ chấp nhận khi ông ta công nhận rằng làm vua là để phục vụ nhân dân chứ không phải ngược lại.” Có một số rất nhỏ chỉ trích Hội Đồng thậm tệ.  Nhóm Jacobins tại Périgeux thì không chắc rằng những nghị quyết trước đây có phù hợp với tiếng nói của lương tâm và ý nguyện chung của dân tộc không. Họ cảnh báo các đại biểu đừng bao giờ quên rằng: “các vị chỉ là một bộ phận của ý dân.” Nếu họ muốn được tuân thủ trong tương lai, họ không được bỏ qua sự quan trọng của việc duy trì niềm tin tưởng chung của nhân dân. Quả thực, trên dưới một tá các phe nhóm những người đáp trả chỉ đồng ý chấp nhận nghị quyết nếu Hội Đồng thấy ngay sự thay thế chính Hội Đồng. Đây là thời cao điểm mà các đại biểu nên giã từ trở về nhà và để những người khác thay thế. Ngược lại, như một thị trấn cảnh báo thẳng thừng: “Sư kiên quyết của các ngài sẽ bị coi là ngoan cố.”


Sự chạy trốn của Louis XVI tới Varennes đã làmrung động xã hội vùng miền nước Pháp tới tận gốc rễ. Vào cuối thời kỳ hoang mang lưng chừng và sau những cuộc tranh luận căng thẳng, các ý kiến từ từ biến thành chống đối mạnh mẽ sự cai trị của nhà vua. Những diễn văn mà ít nhất cũng hiểm độc như những diễn văn phát xuất từ Paris đã lan tỏa khắp nước.  Mặc dù chỉ một thiểu số nhỏ thị trấn đã có vị thế tập thể đồng ý truất phế nhà vua và tạo dựng nền cộng hòa, các cá nhân đã chuyển biến qua vị thế đó đã xuất hiện và đã đẩy mạnh quan điểm của họ tới hầu như mọi vùng miền đất nước. Khắp nơi, người ta tranh cãi về tư tưởng và cứu xét tới khả năng của một sự thay đổi cả nền tảng của chính quyền, ngay cả khi một sự thay đổi như vậy đã bị đa số từ chối. Phần lớn các phe nhóm gửi văn bản chấp nhận đã công khai hay ngầm bày tỏ rằng họ được chuẩn bị để tuân thủ quyết định của Hội Đồng, ngay cả khi quyết định đó liên quan tới việc chiếm quyền lực vĩnh viễn bởi chính Hội Đồng.  Quả thực không hề có một bức thư đơn lẻ nào lên án việc tạm ngưng quyền hạn của nhà vua vào ngày 21 tháng Sáu. Mười bốn tháng sau, khi một  tân Hội nghị Quốc Gia  tạo nên nền cộng hòa, đa số người dân Pháp cả ở tỉnh lỵ lẫn Paris có lẽ đã suy nghĩ lại về khả năng có thể sống trong một nước Pháp không cần có nhà vua hiện tại, hay có lẽ bất cứ ông vua nào nữa.

No comments: