Chương 4: Thành phố
Paris
Thành phố Paris khi hoàng gia trở lại vào ngày 25 tháng
Sáu nơi họ cho rằng mình đang bi giam lỏng,
tự nó đã là một thế giới riêng, khác hẳn với những thành phố hay thị trấn khác
trong khắp vương quốc Pháp. Với cư dân khoảng 700,000 người, Paris là thành phố
lớn thứ nhì trong số các thành phố của Thiên Chúa Giáo và là một trong mười thành
phố lớn nhất thế giới. Nếu có ai leo lên một cái tháp của nhà thờ Đức Bà, vương
cung thánh đường nằm trên một hòn đảo giữa lòng sông Seine ngay giữa trung tâm
thành phố, họ sẽ cảm nhận được hết mọi sự đa dạng lạ thường của cái thế giới đông
đúc, rộn rã và phức tạp này. Từ trên cao điểm này, người quan sát dễ dàng nhận
ra những kiến trúc cổ kính của Paris mà ngay từ thế kỷ 18, du khách đã kéo nhau
đến thăm viếng: Hội Trường Công Lý Gothic vĩ đại ở ngay sát phía Tây, nơi trước đó quốc hội Paris hội
họp; Hội Trường Thành Phố Phục Hưng lộng lẫy
ở phía Bắc bên kia bờ sông; mái vòm Baroque của viện Hàn Lâm Pháp ở xa
xa phiá Tây dọc theo bờ sông; và ngay phía đối diện là cấu trúc đồ sộ của lâu đài
Louvre cùng những kiến trúc phụ thuộc trải dài của toàn thể cung điện Tuileries.
Bên cạnh những đại tháp và pháo đài to lớn của các kiến
trúc dân chính, người ta có thể đếm được không ít hơn 200 tháp chuông lớn nhỏ của
các nhà thờ công giáo được xây dựng lên trong nhiều thế kỷ, nhiều cái hiện đã bị
Cách Mạng tịch thu cùng với nhiều tài sản và doanh thu của giáo hội. Ở phía Tây
nói chung, và ở một số khu vực nhỏ tại nhiều vị trí trong thành phố, du khách cũng
còn có thể nhận ra những đốm trắng với những kiến trúc mới mẻ hơn xen lẫn một vùng
xanh ngát. Đây là những ngôi nhà tân thời (town houses) và các khu vườn mà có lẽ là nơi tập trung đông đảo nhất các gia đình
quý tộc của cả Âu Châu. Mặc dù Cách Mạng
đã xoá bỏ những ưu tiên về luật pháp và chính trị mà đám quý tộc được hưởng lợi
trước đó, nhưng không như giới giáo sĩ, họ vẫn giữ lại được hầu hết các tài sản
to lớn cũng như cái ảnh hưởng văn hoá của họ.
Bên cạnh những kiến trúc biểu tượng sự sung túc và
quyền lực trên, đa phần thành phố trông có vẻ xám xịt hơn và hơi loè loẹt, một
đống hỗn tạp những kiến trúc nhiều tầng nhỏ hơn, cái thì hơi nghiêng ngả, cái
chồng chất như chống đỡ nhau. Đặc biệt, những cụm nhà của dân lao động có thể
thấy ở những vùng ngoại ô phiá đông: đáng kể nhất là khu vực Saint-Antoine nằm
nhô ra ở mạn Đông như một mũi dao nhọn cắm
vào miền quê từ cái quảng trường đã từng là nhà ngục Bastille giờ đã bị phá huỷ.
Ở khu Saint-Marcel phụ cận, xóm nhà co cụm dọc theo một khúc quanh của nhánh sông
nhỏ Bièvre trước khi nhập vào sông Seine từ phía Đông Nam. Fersen đã cẩn thận né tránh khỏi những khu vực
này khi anh ta lái xe đưa hoàng gia trốn khỏi thành phố vào rạng sáng ngày 21 tháng Sáu. Nhưng những
nhà cửa tương tự có thể thấy ở hầu như khắp thành phố, thường tiếp giáp trực tiếp
với các lâu đài và nhà thờ. Đây là nơi ở của khối lượng lớn người dân lao động
Paris, những người trước đây tự gọi là “giai cấp thứ ba.”
Một số cá nhân trong đó, có lẽ chừng 100,000 người rải
rác, họ sống thoải mái và có cuộc sống ổn định trong những gia đình là công chức,
có nghề nghiệp chuyên môn, lái buôn, chủ tiệm hoặc thủ công có tay nghề cao. Một
số đáng kể trong nhóm người này sinh trưởng tại thành phố và vì thế đàn ông và
hầu hết đàn bà đều có học. Đám người cốt lõi này được coi là giai cấp trung lưu
và họ tập trung tại đây đông hơn những nơi
khác trong cả nước gộp lại và họ đã cung cấp vai trò lãnh đạo địa phương cốt lõi
cho cuộc Cách Mạng. Nhưng đa số ngưòi dân Paris
có cuộc sống rất bấp bênh. Họ là những công nhân cửa tiệm, người lao động
thuê, bán hàng dạo, đi giặt mướn, đầy tớ và cả đĩ điếm với chừng 40,000 người:
công việc bấp bênh lúc có lúc không, thất nghiệp, thất cơ lỡ vận. Nhiều người
trong số là di dân đến từ những vùng có tập quán hỗn tạp với âm giọng khác biệt
từ khắp các vùng miền của đất nước và cả nước ngoài. Một số có năng khiếu hay tài
buôn bán, họ lập tức hoà nhập vào cuộc sống hàng ngày. Số còn lai thì thất học
và không nghề nghiệp, sống trôi nổi bấp bênh và đáng thương hại. Đó là sự đặt kề
bên nhau số lượng lớn giữa cái vĩ đại và cái nhỏ nhoi, cái sung túc và cái bần
hàn, cái học thức cao và cái mù chữ và cả mọi thứ ở khoảng giữa hai thái cực mà nó mang lại cho thành phố Paris một sắc
thái rất đặc biệt. Quả thực, Sébastien Mercier, một nhà quan sát từng sống lâu
năm tại Paris vào thế kỷ 18 đã diễn tả khá đúng về cái thành phố này như “ một
nồi hòa tan mọi thứ của nhân loại”.

Mặc dù nhà vua thích hoang tưởng rằng sự bất ổn của
Paris kể từ 1789 chỉ là sự quấy động của một thiểu số nhỏ Jacobins và những kẻ
kích động, đã có chứng cớ rõ ràng về tác động của cuộc Cách mạng lên mọi thành
phần xã hội Paris. Du khách nước ngoài ghé qua thành phố vào những năm
1790-1791 đã thấy được những dấu hiệu bên ngoài của sự biến đổi này: các thảo
luận về chính trị xảy ra ngay trên đường phố cả trong số những khách lạ; những
huy hiệu yêu nước ba màu xuất hiện trên ngực hay trên nón của cả nam lẫn nữ, báo chí và truyền đơn Cách
Mạng được bán và phân phối khắp nơi; những bài hát yêu nước trổi lên vào khoảng
tạm nghỉ giữa các buổi nhạc kịch phổ thông. Sự chính trị hoá trong đời sống hàng
ngày của người dân Paris là một phần của một diễn tiến cách mạng đã ảnh hưởng tới
dân quê và cư dân thị trấn Varennes suốt 2 năm trước đó. Hầu như ở khắp mọi nơi,
cuộc công kích của Hội Đồng Quốc Gia chống lại cơ cấu chế độ cũ nhân danh chủ
quyền và sự bình đẳng về tay nhân dân đã khuyến khích nam nữ già trẻ đặt câu hỏi
về chủ quyền và sự bất công một cách tổng quát hơn. Thế nhưng tại Paris, cái lý
luận về dân chủ và bình đẳng đã nhanh chóng thúc đẩy một phần dân chúng tới những
hy vọng cả ngàn năm cho một biến đổi căn nguyên của thế giới.
Sự cấp tiến hoá lạ thường này lúc đầu nối kết với
kinh nghiệm của thành phố vào thế kỷ 18 như một chiến trường về văn hoá là có
thật. Những cuộc đấu tranh chính trị của quốc hội Pháp chống lại các chính sách
tài chính và tôn giáo của vương triều, phong trào bất đồng chính kiến của tư tưởng
Jansen chống lại nền tảng Công Giáo và cuộc đấu tranh về trí tuệ của các triết
gia thời khai sáng chống lại chủ nghĩa (ưu đãi) phẩm trật giáo hội và mù quáng
với mọi hình thức đã làm cho Paris căng thẳng hơn bất cứ nơi nào trên đất Pháp
cũng như cả Âu Châu. Quả thật, Paris được thừa nhận là thủ đô của thời kỳ Khai
Sáng, lôi kéo trí thức trong suốt vùng Đại Tây Dương tề tựu đến các
sảnh đường, các quán cà phê và các nhà xuất bản của nó. Các phong trào vô cùng
phức tạp và thường mâu thuẫn nhau này đã ảnh hưởng nhiều yếu tố lên số dân Paris có học thức một cách lạ thường,
giúp tạo nên một bầu không khí ắp đầy những tư tưởng độc lập và cốt yếu.
Nhưng sự cấp tiến hoá Paris cũng được thắt chặt vào những phát triển gần nhất. Vào
khoảng đầu năm 1791, Paris đã bão hoà với
hàng chục nhật báo và vô số những xuất bản bất định kỳ khác. Nền báo chí
như vậy đã nối khớp hầu hết mọi vị trí của bối cảnh chính trị lại. Nhiều khu vực trong thành phố, giọng điệu và
chất lượng của việc tranh luận ngày càng chịu ảnh hưởng bởi một nhóm tác giả cấp
tiến đặc biệt có tài năng như Camille Desmoulin, Jean-Paul Marat, Nicolas de
Bonneville, vợ chồng Louise Kéralios, François Robert, những người luôn cổ võ cho những nguyên tắc dân chủ và bình
đẳng lan rộng hơn. Tại hầu hết tờ báo tại
Pháp, dù cấp tiến hay không, thường có hiệu quả trực tiếp nhỏ nhoi lên đại đa số
nam nữ dân chúng những người ít có cơ may tới gần với chữ in. Tuy nhiên ở tại
Paris, không chỉ cư dân có học thức đặc biệt đông, mà vẫn có nhiều phương tiện
khác mà dân thất học có thể tiếp cận các bình luận chính trị mới nhất. Những
người này thường tụ họp trong hơn 700 quán cà phê trong thành phố, đã có thể
nghe được tin tức báo chí và truyền đơn được phát thanh và bình luận hàng đêm bởi
một trong những nhà diễn thuyết hàng đầu. Những người khác được thông tin, hay
thông tin bóp méo, về các sự việc trong ngày bởi hàng trăm người bán báo dạo
lang thang khắp thành phố. Họ liên tục rao lớn những tựa đề báo hoặc đưa ra những
diễn dịch đầy cảm tính về những tựa đề đó, những chuyện nóng bỏng nhất để bán báo.
William Short, người bảo trợ của Thomas Jeđerson và là một đại diện của Hoa Kỳ
tại Paris đã rất kinh ngạc với cái ảnh hưởng lạ thường của dòng báo chí phổ thông.
Ông viết cho Jefferson: “ Những tờ báo này được rao bán khắp thành phố và được bán rẻ hoặc biếu không
cho người dân và họ đọc ngấu nghiến với một lòng khao khát đáng kinh ngạc. Ông
Mercier cũng ngạc nhiên với tầm ảnh hưởng to lớn của những người bán báo mà rất
đông trong số họ mù chữ: “Những đề xuất luật pháp đơn giản bỗng được biến thành
các nghị định chính thức và toàn thể các khu xóm đã rất giận dữ với những biến
cố không bao giờ xảy ra. Dù bị dắt mũi cả ngàn lần vì những thông báo sai lệch
của đám bán báo dạo này, thường dân lao động vẫn tiếp tục tin họ.”
Cuối cùng, chủ nghĩa cấp tiến Paris đã ảnh hưởng từ ngày đầu cuộc Cách Mạng bởi một sự phát triển
lạ thường của các hội đoàn chính trị. Chúng
ta đã thấy tầm ảnh hưởng của câu lạc bộ yêu nước địa phương tại Varennes và các
vùng phụ cận. Tại Paris, vào thời điểm nhà vua tẩu thoát, có không ít hơn 50 hội
đoàn như vậy. Một số trong nhóm này, giống như đa số các câu lạc bộ tại các tỉnh
lỵ, tương đối có vẻ ưu tú với những lệ phí cao giới hạn hội viên thuôc giai cấp
trung lưu hay thượng lưu. Đây là trường hợp của câu lạc bộ Jacobin thường hội họp
bên hữu ngạn sông Seine cách Hội Đồng Quốc Gia và cung Điện Tuileries một quãng
không xa và là hội mẹ của toàn thể mạng lưới “Thân Hữu của Hiến Pháp” của cả nước.
Vẫn còn nhiều câu lạc bộ Paris được tạo nên chuyên biệt để thu hút các thành phần
xã hội thấp kém hơn, những công dân “thụ động” này mà Hội Đồng Quốc Gia đã dùng tiêu chuẩn về tài sản để loại trừ họ ra khỏi
việc đi bỏ phiếu và
nắm giữ các chức vụ hành chính.
Không có nhóm Paris nào tích cực tuyển mộ các giai cấp
thấp tham gia vào hoạt động chính trị hơn được Hội Thân Hữu về Nhân Quyền, được
biết đến trong lịch sử như câu lạc bộ Cordeliers. Họ thường tập trung hội họp bên
tả ngạn sông Seine kế cận khu phố Latin và ngay trung tâm các nhà xuất bản, các
thành viên bao gồm một nhóm trí thức cấp tiến như Desmoulins, Marat, Robert và
Georges Danton và một đội ngũ đáng kể những thương gia địa phương, nam nữ nghệ
nhân. Ngay từ lúc đầu, nhóm Cordeliers đã đeo đuổi một chương trình nghị sự
song song: một mặt cổ võ cho sự bành trướng dân chủ và bình đẳng cũng như bảo vệ
các quyền lợi của người dân. Mặt khác là
diệt trừ tận gốc các mầm mống âm mưu mà hầu hết họ cho là đe doạ đến cuộc Cách
Mạng. Nhưng nhóm này chỉ là nhóm lâu đời và nổi tiếng nhất trong số hơn 30 “hội thân hữu anh em” thuộc các hiệp hội dân chủ
phổ thông nổi lên Paris trong khoảng 1790-1791.
Một số phát triển quanh những cá nhân có tham vọng làm lãnh đạo trong các khu vực đặc biệt của thành
phố. Số khác, chẳng hạn như hội “anh em
nghèo khó” đã được chính nhóm Cordeliers cổ động vào đầu năm 1791 với mục tiêu
đặc biệt là huy động khối quần chúng ủng hộ cho học thuyết chính trị bình quyền
của họ. Tất cả các hội thân hữu anh em này muốn đấu tranh đạt được quyền bầu cử
và nắm giữ chức vụ hành chánh cho mọi nam công dân bất kể có tài sản hay không. Nhiều nhóm còn cho phép nữ giới tham
gia. Một số còn đòi hỏi gia tăng vai trò
cho phụ nữ yêu nước một cách phổ quát hơn.
Vào mùa xuân 1971, Franҫois Robert và Cordeliers đã cố gắng điều hợp những
hoạt động của tất cả các hiệp hội này quanh một uỷ ban trung tâm. Như vậy, hội
Thân Hữu cho Nhân Quyền đã đi đến con đường tạo dựng nên một mạng lưới các câu
lạc bộ chính trị có bản doanh đặt tại Paris hoạt động song hành với mạng lưới
quốc gia của nhóm Jacobins.
Một nhóm các hiệp hội đô thị thứ hai đã phát triển
quanh 48 khu phố Paris. Lập nên từ mùa xuân 1790 để thay thế các quận lỵ cũ, các
khu phố được thiết kế như những đơn vị bầu cử cho sự lựa chọn từng thời kỳ của các viên chức hành chính. Nhưng đến đầu
năm 1871, họ hội họp liên miên, cố kiểm soát một loạt các công việc khu phố và
thường trực nêu ý kiến về những vấn đề chính trị trong ngày. Mặc dù hội viên được
giới hạn trong các công dân nam chủ động, ban lãnh đạo cũng gặt hái được những
sợi dây thân thiết với các cộng đồng địa phương, cho họ vay mượn một đặc tính cơ
sở chắc chắn. Quả thực, nhiều khu phố với số lượng lớn cử tri thuộc thành phần
lao động đã thừa nhận các vị trí dân chủ và bình đẳng không khác với nhóm
Cordrliers và các hội thân hữu là mấy. Quyền lực và ảnh hưởng của họ càng lớn mạnh
hơn sau khi họ bắt đầu liên lạc với nhau
và cùng hội họp để điều hợp các chích sách. Vào mùa xuân 1791, cả hai bộ phận các
khu phố và các hiệp hội đã trở nên những cơ cấu có ảnh hưởng về sự độc lập ngày
càng gia tăng bên ngoài Hội Đồng Quốc Gia và chính quyền thành phố Paris trung ương.
Vào những tháng trước cuộc tẩu thoát của nhà vua, một
loạt các phát triển đã làm cho những khu vực quanh Paris trở nên lúng túng và đáng
nghi ngại hơn. Một làn sóng lớn các cuộc
đình công và những hoạt động tập trung của công nhân đã làm cho thành phố gần
như liên tục hỗn loạn trong suốt mùa đông và mùa xuân. Công nhân nam nữ bị quấy
rầy, một phần vì giá cả gia tăng quá nhanh chóng, lại càng bị kích động thêm với
việc chính quyền phát hành in thêm hàng đống tiền giấy. Tuy vậy, sự bất ổn cũng có thể do chính những
diễn tiến của cuộc Cách Mạng khi những công nhân làm thuê mướn tạm thời áp dụng
lý luận bình đẳng vào cái hệ thống lao động mà những người khác đã dùng để chống
lại hệ thống chính trị và xã hội. Nhiều
người trong đám lao động này được khuyến khích trong cuộc tranh đấu tháng Ba
1791 khi Hội Đồng Quốc Gia chính thức từ
bỏ hệ thống bang hội, một cơ cấu đã cấp cho những đại nghệ nhân quá nhiều chủ quyền. Tuy nhiên, chỉ một ít ngày
trước cuộc tẩu thoát của nhà vua, Hội Đồng đã
phê chuẩn một nghị định không có lợi cho giới công nhân, điều luật Le
Chapelier đặt các hiệp hội công nhân và
sự thương lượng tập thể ngoài vòng pháp luật.
Cả tầng lớp lao động và trung lưu cũng thấy bất ổn vì
những tin đồn liên tục về các âm mưu phản cách mạng. Nỗi lo sợ dấy lên vì những
tuyên bố dồn dập của đám quý tộc đã chạy ra ngoại quốc hăm doạ sẽ vượt qua sông
Rhine quay về quang phục và vì những âm
mưu rất thực và công khai xảy ra hàng ngày trong suốt 2 năm đầu của cuộc Cách Mạng. Những sự căng thẳng như vậy càng trầm trọng
thêm bởi một số lớn quý tộc còn lại trong thành phố, nhiều người trong số họ có
câu lạc bộ và nhà xuất bản riêng. Đám quý tộc này lại liên hệ chặt chẽ với nhóm
thiểu số bảo thủ có mặt trong Hội Đồng Quốc Gia. Sự thành lập câu lạc bộ Quân
Chủ vào cuối năm 1790 với hội viên đa số là thành phần quý tộc và hàng giáo sĩ
dường như là một chứng cứ rõ ràng về một mưu đồ muốn thiết lập lại tất cả các sự
lạm quyền của chế độ cũ. Có lẽ phiền phức hơn nữa là sự việc tách rời tôn giáo
với sự vận động thi hành một Hiến Pháp Dân Sự cho hàng giáo phẩm và sự đòi hỏi
một lời tuyên thệ trong tầng lớp giáo sĩ. Khoảng 34% giáo sĩ tại thủ đô và các vùng ngoại
ô từ chối tuyên thệ. Đối với cư dân Paris cũng như cư dân Varennes, đám giáo sĩ
cứng đầu rõ ràng là biểu hiệu của những lực lượng phản cách mạng đang manh nha tiềm
ẩn. Sự lo sợ về một âm mưu nào đó của giới giáo sĩ ương ngạnh và đám quý tộc là
nguyên nhân cơ bản dẫn đến những bạo loạn tại Paris suốt cả mùa đông và mùa xuân.
Trách nhiệm quản trị và kiểm soát cái thành phố hỗn loạn và đầy căng thẳng này rơi vào tay của
2 nhân vật chủ chốt, cả hai được chính Hội Đồng Cách Mạng Quốc Gia chọn lựa vào
tháng 7 năm 1789: Jean-Sylvain Bailly thị trưởng, và hầu tước La Fayette tổng tư
lệnh vệ binh quốc gia. Là một nhà thiên văn học nổi tiếng, thành viên của Hàn Lâm
Viện Pháp đầy uy tín và một thời đã từng là bạn của Voltaire và Benjamin
Franklin, Bailly đã thêm nổi danh về chính trị như người có khả năng ngoại hạng
để trở thành vị chủ tịch đầu tiên của Hội Đồng Cách Mạng Quốc Gia. Anh chàng hầu
tước trẻ hơn nhiều, với tuổi đời chỉ mới 33 ở thời điểm Varennes, đã nổi danh
không chỉ với những thành quả của ông trong cuộc Cách Mạng Hoa Kỳ mà cả trong
những liên hệ của ông trong hàng loạt các hoạt động tự do tại nước Pháp vào những
ngày tiền Cách Mạng. Vào năm 1791, Bailly và Lafayette đã có trong tay một lực
lượng trên 50,000 vệ binh quốc gia. Khoảng 10,000 trong số này là hiện dịch, có
trả lương và sống trong quân ngũ, hầu hết là những cựu chiến binh. Số còn lại là
lính tình nguyện trừ bị chỉ thay phiên nhau phục vụ hay trong tình trạng khẩn cấp.
Bởi vì quân tình nguyện trừ bị được yêu cầu tự cung cấp quân trang quân phục và
phải có thì giờ rảnh rỗi cho việc huấn luyên quân sự cơ bản, nên đa số họ là thành
phần giai cấp trung lưu. Mặc dù toàn lực lượng nghe có vẻ ấn tượng và còn lớn mạnh
hơn bất cứ gì hiện hữu trong chế độ cũ, nó không phải là không có vấn đề. Điều
nghi ngại tương tự về thẩm quyền thường xảy ra trong hàng ngũ quân lực cũng có
tác động lên khối vệ binh quốc gia. Việc một số đội ngũ vệ binh từ chối không
cho hoàng gia rời khỏi cung điện Tuileries hôm 18 tháng Tư, cho dù đã có lệnh
chính thức cho phép của Lafayette đã chứng tỏ điều này. Nhưng từ sau sự việc 18
tháng Tư này, viên tướng tư lệnh đã được rảnh tay để cải tổ hàng ngũ quân đội với sự áp đặt kỷ kuật cứng rắn hơn qua sự sa thải
các vệ binh bướng bỉnh.
Trong suốt nửa đầu năm 1791, vệ binh luôn hoạt động tích
cực, can thiệp hầu như mỗi ngày vào đủ loại các chống đối của công nhân, tranh
chấp tại thị trường và các cuộc bạo loạn chống lại giới giáo sĩ hay quý tộc bị
đồn thổi là có âm mưu phản Cách Mạng và gây nội chiến. Những người dân Paris bàng
quang và du khách ngoại quốc bị ám ảnh bởi những hỗn loạn không ngớt xảy ra. Sự
đe doạ thường trực và cái thực tế về bạo động xã hội cứ vây bủa thành phố như
những vụ bạo động hôm 28 tháng Hai và 18 tháng Tư chỉ là những thí dụ bi thảm
nhất. Viên mật vụ người Anh William Miles thố lộ: “Đe doạ xảy ra hàng ngày,
Lafayette và những phụ tá của ông cứ chạy
lanh quanh như người phát thư.” Viên đại sứ Anh, bá tước George
Granville Grove tường thuật rằng “đất nước này đang trải qua một tình trạng hoàn
toàn vô chính phủ.” William Short thì cho rằng những hỗn loạn không bao giờ dứt
tạo nên sự buồn thảm và lo lắng cho xã hội
Paris, rốt cuộc gây những đớn đau cực độ cho chính cư dân của nó.
Ông già người Paris Guittard de Floriban có cùng cảm giác: “Bộ chúng ta
không bao giờ có thể hạnh phúc với chỉ đơn giản sống hoà bình với nhau được
sao? Những bạo loạn làm cho tôi cảm thấy hụt hẫng và tuyệt vọng.” Vào cái đêm có
biến cố Varennes, Paris đã ở trong tình trạng nguy hiểm bạo loạn sẽ bùng nổ từ
mgày này qua ngày khác.
Louis bất tín
Trong nhiều tháng
đã có những tin đồn về một âm mưu bắt cóc nhà vua lan khắp thành phố Paris. Một
vị đại biểu Hội Đồng đã báo cáo về những đe doạ như thế đã có từ tháng Giêng, và
báo chí cũng có những bài tường thuật tương tự từ tháng Hai và trong suốt mùa
xuân. Mặc dù chi tiết của âm mưu đó thường
rất mù mờ, giả thiết vẫn thường là một ai đó, một thế lực ngoại quốc, một đám
quý tộc chẳng hạn, và có lẽ ngay cả hoàng
hậu cũng đang toan tính bắt cóc nhà vua ngược lại ý muốn của ông. Ngay trong đêm
đi trốn, nhà báo cấp tiến Stanislas Fréron đã tường thuật những tin đồn lan toả
quanh thành phố rằng hoàng hậu Marie-Antoinette cùng với cô chị (em) gái
Elizabeth của vua đã thực sự tổ chức cuộc vượt thoát. Marat còn dựng ra một phiên
bản mù mờ hơn về chuyện này bằng những vẽ vời thêm những lời tiên đoán của ông
ta về ngày tận thế. Theo lời tố cáo của một trong những tỳ nữ của hoàng hậu,
Lafayette và các viên sĩ quan đã gia tăng
số lượng vệ binh canh gác hoàng cung. Ngoài
ra còn có rất nhiều tin đồn trong thành phố
trong nhiều tháng trước đó, chẳng có tin nào có thực chất để người ta lưu
ý kỹ đến những lời tố cáo vô căn cứ đó.
Dù sao, vào lúc
7 giờ sáng ngày 21 tháng Sáu, những người
phục vụ trong hoàng cung Tuileries cũng rất kinh ngạc khi họ vào phòng ngủ của
nhà vua và thấy giường ngủ trống trơn. Lúc đầu, họ hy vọng có lẽ nhà vua chỉ đi
qua phòng hoàng hậu. Nhưng khi họ thấy giường ngủ của bà không hề có dấu bà nằm ngủ trong đêm và cả các con vua và phu
nhân Elizabeth cũng biến mất, toàn thể hoàng cung xảy ra một sự hỗn loạn. Nhiều
nhân viên phục vụ vội vàng thay đổi thường phục và trốn ra khỏi lâu đài vì lo sợ
bị tố tội thông đồng. Vào lúc Bailly và Lafayette đi vào cung điện, được thông
báo về tin đồn thổi mà lúc đầu họ không tin, thì tin tức đã lan ta khỏi hoàng
cung và được loan truyền trên đường phố với tốc độ chóng mặt. Một cư dân Paris
nhớ lại trải nghiệm này: “Tôi nghe có tiếng gầm thét đang tới gần, tựa như tiếng
sóng gào của một cơn bão tố đang tiến tới. Càng lúc càng gần hơn, vang dội hơn
và nó lướt qua với một sức mạnh còn ghê gớm hơn.” Viên thẩm phán trẻ Félix
Faulcon, đại biểu đơn vị Poitiers còn đang viết lách trong phòng khi ông nghe thấy
tiếng la hét ngoài đường và ngay nhà bên cạnh và rồi ông nghe có câu nói là nhà
vua đã biến mất. Một đại biểu khác, sử gia Antoine Thibaudeau đã thức giấc vì
tiếng súng đại bác bắn bên bờ sông Seine. Không lâu sau đó, mọi người đều ra
trước cửa sổ hỏi thăm nhau tin tức từ nhà qua nhà và từ những người dưới đường
phố. Trong khoảng thời gian 8 đến 9 giờ
sáng khi tin tức đã lan, nhà thờ ở khắp nơi trong thành phố bắt đầu đổ chuông.
Khi tiếng trống báo điềm bất tường nổi lên kêu gọi lực lượng vũ trang chuẩn bị,
người ta hối hả kéo nhau ra phố để tham gia vào các đội ngũ lực lượng vệ binh
quốc gia, nhiều người vừa chạy vừa chỉnh trang quân phục.
Nhiều người chạy
vội tới hoàng cung để tận mặt chứng kiến. Vào khoảng 8 giờ rưỡi, một đám đông
khổng lồ đã ào qua cánh cổng Tuileries và leo lên những bậc thang tiến đến các phòng ốc
của hoàng gia, vừa hăm doạ vừa nhục mạ
những bảo vệ và các người phục vụ chưa kịp rời cung. Người lính gác được chỉ định bảo vệ em gái nhà
vua bị xô vào tường đe doạ cho tới khi đám đông được chỉ cho thấy có một cánh cửa
bí mật ở phía sau một kệ sách. Có báo cáo là có người đã phá hủy những bức hoạ
của hoàng gia cùng một số bàn ghế trong phòng hoàng hậu. Nhưng đa phần, đám đông
chỉ đứng quan sát và trò chuyện cùng nhau. Khi các viên chức thành phố đến khẩn
thiết yêu cầu được niêm phong mọi vật dụng để bảo toàn chứng cớ thì đám đông đã
giải tán. Vài nơi khác, một nhóm những
người đối nghịch đã bao quanh Bailly và Lafayette, hai người lúc đầu phải chịu
trách nhiệm cho màn tẩu thoát, trong khi 2 người đang cố gắng để đi đến sảnh đường
thành phố. Nhưng viên tướng tổng tư lệnh điềm tĩnh giữ vững vị thế của ông và đưa
viên thị trưởng tới chỗ an toàn chỉ với vài vệ binh bảo vệ. Công tước D’Aumont,
viên sĩ quan chỉ huy đội bảo vệ hoàng cung trong đêm đó thì không được may mắn
như vậy. Ông bị đám đông lùa ra một góc và bị đánh đập tơi bời đến nỗi áo quần tả tơi
trước khi có một đơn vị bán quân sự giải cứu. Ở những vùng khác trong thành phố,
tin đồn lan ra rằng các nhà tù đang giam giữ thành phần phản cách mạng nguy hiểm
không bao lâu nữa sẽ bị phá vỡ và họ sẽ tấn công mọi người. Các lực lượng vũ
trang thành phố phải mau tới để ngăn cản một cuộc tàn sát có khả năng sẽ xảy
ra.
Tuy vậy nói
chung, sau cơn sốc và kích thích đầu tiên, thành phố vẫn giữ nguyên điềm tĩnh và
hầu hết người quan sát đều bình luận rằng phản ứng tương đối ôn hoà. Viên đại sứ
Tây Ban Nha viết: “Có một sự hoàn toàn yên tĩnh ở đây như là một hình thức kinh ngạc đến sững sờ, dường như mọi người vẫn
cảm thấy hoài nghi.” Một phóng viên ngoài đường phố của tờ báo Le Bibillard
quan sát: “Chưa bao giờ Paris lại có cảnh tượng vừa đầy xúc động lại vừa điềm tĩnh
như thế. Đặc biệt thường dân đã giữ nguyên trật tự.” Một ký giả người Đức tên
Konrad-Engelbert Oelsner lại tự hỏi về cái bầu không khí rất kiên định và hầu
như lạc quan vui vẻ đang ngự trị trên đường phố: “Đã có những chuyển động và sự
hiếu kỳ nhưng không hề có sự phá hủy hay mất trật tự. Sự phẫn nộ tự biểu hiện
qua sự hài lòng vui thích nhiều hơn là sự cay đắng. Người người hỏi thăm nhau,
kể lể cho những người chưa nhìn thấy trước đó, rồi tranh luận và hài hước. Một
biến cố lạ thường ảnh hưởng đến toàn thể cộng đồng, cướp đi những công việc thường
ngày của cả triệu người, kéo họ ra khỏi những quan tâm nhỏ nhoi nhưng lại mang
họ đến gần nhau hơn.” Nói ngắn gọn, một âm mưu thực sự khi trở thành công khai
lại trở nên ít gây rối loạn hơn những tin đồn và những nỗi lo sợ có các âm mưu
trước đó.
Rõ ràng, một trong những điểm chính dẫn đến việc quần
chúng kiềm chế là cái hành động kịp thời và mạnh mẽ của giới chức thẩm quyền thành
phố. Được Bailly vội vã triệu tập vào 10 giờ sáng, hội đồng thành phố họp liên
tục trong vòng 6 ngày kế tiếp. Các thành viên hội đồng đã nhanh chóng thiết lập
những mối dây liên kết với Hội Đồng Cách Mạng Quốc Gia nơi có một số nhân viên
được chỉ định đi qua đi lại từng giờ. Họ cũng cố gắng làm việc gần gũi với các
uỷ ban từng khu vực. Mỗi uỷ ban được mời cử hai đại diện đến sảnh đường thành
phố để bảo đảm sự liên lạc với các chính quyền địa phương. Bằng cách này, các
luật lệ mới được Hội Đồng quyết nghị cho việc giải quyết cuộc khủng hoảng được nhanh chóng
tuyên bố tới mọi ngõ ngách của thành phố.
Thêm vào đó, Baily cùng các nghị viên cũng mau chóng điều tra tham khảo đến
cả những tố cáo xa vời khó tin nhất, chẳng
hạn những báo cáo về việc phá ngục sắp tới hay cả việc cho là có những kẻ thù đang
lên kế hoạch bắn đại bác vào thành phố từ những ngọn đồi chung quanh. Vì thế, họ
đã tháo bỏ được những nỗi lo sợ ngay khi
chúng vừa mới chớm nổi lên.
Ngay trước khi tiếp xúc với ngài thị trưởng, nhiều
khu phố đã bung ra hành động. Như có cơ hội, nhiều nơi sáng hôm đó đã có cuộc họp
để bầu cử một cơ chế lập pháp mới. Khi lời
tuyên bố tình trạng khẩn cấp tới tai, họ lập tức tự tuyên bố đó là phiên họp thường trực và huy động ngay các đơn vị vệ
binh trong khu vực họ. Lần đầu tiên trong đời, những công dân hạng hai đáng thương,
những người quá nghèo khó để có được quyền bầu cử được chào đón niềm nở để tham
gia vào các đơn vị. Một số cư dân trong đám này tự trang bị vũ khí cho mình bằng việc đột nhập vào những kho vũ khí của
chính quyền. Một số khu vực còn đi xa hơn khi tuyên bố hoàn toàn kiểm soát lực
lương bán quân sự địa phương và từ chối nghe theo lệnh của Lafayette, viên tướng
mà nhiều người nghi ngờ là có liên quan đến sự biến mất của hoàng gia. Viên tướng và các lãnh đạo thành phố đã từ lâu
nghi ngờ về tư tưởng cấp tiến của nhiều khu vực và tạm thời họ có thể tái khẳng
định uy thế của họ đối cới toàn thể các đơn vị vệ binh và ngăn cản việc tạo ra
các nhóm bán quân sự độc lập. Nhưng ngay trong cơn khủng hoảng quốc gia, hội đồng
thành phố đành tỏ ra bao dung với các phiên họp thường trực của các khu vực và
tạm chấp nhận lời tuyên bố của họ về những đơn vị quản trị ngoại vi. Đây là một
tiền lệ có ý nghĩa. Trong vòng thời gian một năm sau biến cố Varennes, những
khu vực này đã phát triển thành các nền tảng hợp hiến chính của tổ chức vũ trang cấp tiến “sans-culottes” (nhóm không
quần chẽn), một lực lượng diều hâu đầu tiên trong việc lật đổ nhà vua và là một
thế lực khủng bố tại Paris.
Điều tương đồng đáng kể khác đối với tương lai của cuộc
Cách Mạng là một sự thay đổi về thái độ của dân đối với nhà vua. Trong suốt 2 năm
đầu của cuộc Cách Mạng, vua Louis vẫn giữ được hình ảnh tích cực trong đại đa số
cư dân Paris thuộc đủ mọi khuynh hướng chính trị. Khi các bà cô già của nhà vua
di dân sang Rôme vào tháng Hai, một nữ hội viên của hội Anh Em thuộc Les Halles
đã viết cho nhà vua: “Chúng thần dân yêu ngài như người cha tốt bụng, và chúng
thần muốn cho ngài biết chúng thần buồn làm sao khi gia đình ngài bỏ rơi ngài.”
Một tháng sau đó, khi Louis đang hồi phục sau một thời gian bị cảm cúm, đã có hàng
núi tình cảm và lời chúc lành từ khắp Paris gửi đến, một niềm vui chung được đánh
dấu bằng một buổi lễ tạ ơn tại nhà thờ Đức
Bà , một loạt súng đại bác chào mừng và một buổi trình diễn ánh sáng đặc biệt suốt đêm của thành phố. Cái nguồn hận
thù nghiêm trọng nhất trước khi có biến cố 21 tháng Sáu là việc nhà vua từ chối tham dự thánh lễ do các
linh mục “theo phe lập hiến” cử hành. Đây là sự trách móc quan trọng nhất đã trở
thành độc lực cho các biến cố trong ngày 8 tháng Tư và kể từ lúc đó có một thái
độ lạnh nhạt đối với nhà vua trong đám báo chí cấp tiến. Tuy thế, nhà vua đã
nhanh chóng nhận ra sai lầm của mình và sửa chữa theo phương cách của ông (thực
ra chỉ là để che giấu kế hoạch cho việc tẩu thoát). Hầu hết cư dân Paris đã sẵn
sàng gợi lên một phương thức thử nghiệm qua thời gian gọi là: “một nhà vua tốt
bị cố vấn xấu” và đổ cho lỗi lầm của ông là do chịu ảnh hưởng của đám quý tộc và
hoàng hậu.
Nhưng qua cuộc trốn chạy của Louis, mọi việc hoàn toàn
biến đổi. Không chỉ việc trốn chạy của vua làm cư dân Paris sững sờ, mà bức thư
nhà vua viết để lại chối bỏ hầu hết mọi thứ về cuộc Cách Mạng và tuyên bố rằng
sự đồng ý trước đây của ông với những luật lệ mới là vì bị ép buộc. Oelsner bị đánh
động bởi một số người ông ta thấy họ đọc và thảo luận về lá thư của vua trên đường
phố. Nơi đây, chính nét chữ viết tay của Louis, nhà vua đã xác định rõ ràng cuộc
vượt thoát hoàn toàn là ý định của ông chứ chẳng phải tác phẩm của cố vấn nào.
Bây giờ rõ ràng là vua Louis đã dối trá với thần dân. Lời tuyên thệ long trọng
nhà vua thề hứa chỉ mới một năm trước, một lời thề trước mặt Thượng Đế và Quốc
Gia để duy trì hiến pháp chỉ là sự gian trá.
Quả thực, kể từ sau ngày 21 tháng Tư, thật khó tìm được
một tờ báo nào, ngoại trừ các tờ có truyền thống bảo hoàng, có được bất cứ gì
viết tích cực cho nhà vua. Tờ Chronique de Paris viết về sự phản bội trí trá của
nhà vua, về sự tàn bạo và sự giấu diếm màn trốn chạy của ông. Tờ báo Journal de
Perlez trung dung hơn, đóng vai trò mâu thuẫn giữa những tuyên bố trước đó của
nhà vua và tuyên ngôn mới của ông. Viên
ký giả hỏi: “Làm sao người ta còn có thể tin vào những gì vua nói được nữa?” Cái
phản ứng cay nghiệt, sự ngập tràn khinh bỉ, sự quay lưng ngoảnh mặt cùng sự ghê tởm đối với nhà vua in sâu vào tâm trí những
nhà quan sát đương thời. Một vài bài tường thuật còn bình luận về thái độ hèn
nhát khi nhà vua bỏ rơi quan lại trong triều cùng những người ủng hộ hoàng gia
càng làm đám đông phẫn nộ đến cực độ. Trong số hàng đống các tựa đề báo và các
tờ rơi, trong ba tuần lễ kế tiếp có trên một trăm bài được xuất bản mà nhà vua
bị gán cho là kẻ phản bội, tên gian trá, kẻ hèn nhát hay đơn giản Louis lầm lạc.
Nicolas Ruault, một học giả và là nhà bán sách Paris cũng phát biểu: “ Thử nghĩ
đến những diễn đạt thấp kém nhất mà bạn cho rằng họ có thể xử dụng và bạn vẫn đánh giá thấp những gì họ
thực sự nói ra.” Nhà báo Thuỵ Sĩ Etienne Dumont cũng đồng tình: “Chẳng có gì hình
dung hết những nhục mạ cứ được lập đi lập lại không chút khoan dung với đầy sự
khinh bỉ một cách lạnh lùng.”
Cánh những người Paris cấp tiến, sẵn có sự nhạy cảm với
những mưu đồ, nên họ cảm thấy vô cùng lúng túng, có lẽ cả hổ thẹn. Làm sao họ có thể có mắt như mù,
hay đã bi ru ngủ đế nỗi sự việc rõ ràng mà không thấy được một âm mưu to lớn như
vậy?” Jacques-Pierre Brissot, một gương mặt chính trị và là một ký giả phản đối:
“Chúng ta tin tưởng vào lời lẽ của vua. Chúng ta bị những lời nói hay ho lừa phỉnh.
Chúng ta có thể bị mang tội khi dám tỏ ý nghi ngờ lời hứa của nhà vua. Giờ này,
ông vua “yêu nước” của chúng ta chạy trốn. Mặt nạ rơi xuống rồi nhé!” Có vô vàn
những tài liệu tham khảo đề cập đến nhà vua như một kẻ không trung thực với những
thề hứa của mình. William Short khám phá rằng mọi cư dân Paris nói về nhà vua đại
khái như: Louis tên phản bội, Louis tên bất tín. Tờ Chronique de Paris viết: “Ông
ta trốn chạy bỏ mặc những lời hứa hẹn không thành thật của ông. Ông lại chọn thời
điểm trốn chạy ngay vào thời điểm chuẩn bị kỷ niệm lời tuyên thệ toàn quốc trước
trời đất và sự hiện diện của đất nước, một đất nước đã từng tha thứ những lỗi lầm
trước đó của ông. Nhóm Codeliers trích dẫn một đoạn văn từ Brutus, một vở kịch
nổi tiếng của Voltaire:
Hãy nhớ lại một ngày, dưới bàn thờ tháng Tám
Louis thề hứa sẽ mãi mãi trung thành và công chính.
Nhưng sự ràng buộc giữa thần dân và ngai vàng cung kính.
Ông gạt bỏ lời thề và phản bội chính ông
Ông gạt bỏ lời thề và phản bội chính ông
Không có chứng cớ nào rõ ràng hơn về sự phẫn nộ sâu sắc
này bằng việc thay đổi các biểu hiện của nhà vua. Trước khi có biến cố
Varennes, hình ảnh nhà vua được chạm khắc vào tường nhà và tiệm quán khắp nơi tại Paris. Nhưng lúc này, tất cả đã bị tháo bỏ
trong đêm, với một số lượng lớn, nghe nói được quăng xuống mương cống một cách
công khai. Quả thực, đây là một sự sửa chữa nổi bật về hình ảnh được dùng cho
biểu tượng nhà vua. Hơn thế nữa, ông còn bị tô vẽ như một con súc vật, đặc biệt
như một con heo. Điều này rõ ràng muốn ám chỉ đến cái tật ăn uống quá độ của
Louis, một cái tật đã từng được coi là “đáng yêu”, nhưng bây giờ bị coi là “đáng
tởm.” Trong nhiều tuần kế tiếp, ông “vua heo” xuất hiện khắp nơi trên báo chí,
tờ rơi, áp phích và trong điêu khắc chạm trổ. Thông thường, người ta vẽ nguyên
một gia đình toàn heo: Ông vua heo Louis bên cạnh hoàng hậu heo và một lũ heo
con. Có ai đó còn cả gan dán một tờ áp phích biếm hoạ lớn đó lên tường của hoàng
cung Tuileries ngay sau chuyện nhà vua chạy trốn với chú thích: “Một con heo bự
vừa mới trốn thoát khỏi chuồng. Ai thấy nó yêu cầu đưa nó về lại chuồng gấp.
Xin hậu tạ.”
Sự ra đời của nhóm
Sans Culottes (nhóm nổi dậy không quần)
Đã gần nửa đêm ngày
22 tháng Sáu , cư dân Paris biết rằng nhà
vua”heo” của họ quả thực sẽ trở lại “chuồng.”
Vào khoảng 10 giờ rưỡi tối, ông thợ hớt tóc Mangin, người được phái từ
Varennes gần 24 giờ trước đó cuối cùng đã đến Paris. Vừa cỡi ngựa trên đường
phố ông vừa la: “Đã bắt được nhà vua! Nhà vua đã bị chặn lại!” Thân hình phủ đầy
bụi và gần kiệt sức sau một hành trình dài không nghỉ, ông ta trình diện Hội Đồng
Cách Mạng Quốc Gia với một bản phúc trình và đồng thời kể lại sơ sơ một cách không
chính xác lắm về những sự việc xảy ra trong thị trấn của ông. Lời kể được một số
cư dân đi theo ông vào gặp gỡ Hội Đồng biến đổi thêm thắt và rồi họ vội vã quay
về thưật lại cho bạn bè nghe. Nhưng chẳng bao lâu tin tức nhà vua bị bắt lại đã
lan truyền mau chóng khắp thành phố. Hầu hết mọi người đã lên giường. Nhưng họ
vội bật dậy vì tiếng ồn ào bên ngoài và lướt đến cửa sổ hay ùa xuống đường để hỏi
thăm thêm chi tiết và rồi trăn trở suốt cả đêm về những tình huống khác nhau không
ngờ tới có thể xảy đến của biến cố này. Lúc này họ đã đinh ninh là hoàng gia có
lẽ đã ra tới ngoại quốc và điều đó chắc sắp được tuyên bố. Sự bắt giữ xảy ra
trong một thị trấn nhỏ tại Lorraine ra vẻ
như một kỳ tích, mang lại một cảm giác hân hoan mới, đầy tự tin và uy lực. Một
lần nữa, dường như vận mạng, hay có lẽ chính
Thượng Đế đang đứng về phía Cách Mạng.
Như một sự ngẫu nhiên, hôm sau là ngày lễ Thánh Thể,
một đại lễ mừng kính mình thánh Chúa và là một trong những ngày lễ trọng theo lịch
Phụng Vụ Công Giáo. Kế hoạch mừng lễ đã có trước nhiều tuần như chương trình sắp
xếp mỗi năm, là sẽ rước Thánh Thể quanh khắp 52 giáo xứ của thành phố qua các
con đường được trang trí sặc sỡ với băng rôn, hoa lá và nhiều đồ trang hoàng khác.
Người ta hát thánh ca và đi rước diễn hành với đoàn vệ binh theo sau bước chân
hàng giáo sĩ, theo sau nữa là các hội tôn giáo của đủ loại nhóm dân lao động với
băng rôn cờ quạt của họ. Buổi tối có pháo bông và lễ hội ăn mừng.
Nhưng bây giờ đại lễ đã biến thành buổi lễ dân sự ăn
mừng sự việc bắt giữ nhà vua. Sự kiện quy mô nhất trong toàn buổi lễ diễn hành là sự kiện đi rước vòng quanh khu vực thánh
đường Saint-Germain-l’Auxerrois, một cấu trúc Gothic ngay phía Đông của điện
Louvre và là giáo phận chính thức của hoàng thành Tuileries. Buổi diễn hành hàng
năm được đề ra bao gồm nhà vua cùng hoàng gia tham dự cũng như đa số các đội ngũ
thuộc Hội Đồng Cách Mạng và hàng trăm vệ binh quốc gia tinh nhuệ nhất do chính tướng
Lafayette dẫn đầu. Nhưng với sự vắng mặt
của nhà vua, và giờ với tin ông bị bắt giữ lại, giòng âm nhạc thánh ca đã được
thay thế bằng những bài ca ái quốc. Trên
hết, các quan sát viên thật ấn tượng với bản hùng ca Cách Mạng phổ thông rất mạnh
mẽ, quyết liệt và đầy lạc quan “Mọi sự thành công, mọi điều tốt đẹp” được trình
bày lập đi lập lại. Vị linh mục “ái quốc” Thomas Linder, người có mặt và lần đầu
tiên được nghe bài ca đã chúc mừng người nhạc sĩ vô danh đã giúp kích động thêm
lòng can đảm của công dân Pháp và nhen nhúm lại tinh thần lạc quan của họ. Không
một ai bỏ sót một biểu hiện thực tế là các đại biểu của Hội Đồng Cách Mạng Quốc
Gia đã thay thế vị trí trong đoàn diễn hành của nhà vua, lúc này vẫn còn đang
rong ruổi ở Champagne trong cỗ xe ngựa trên đường trở lại Paris. Một nhật báo
ghi nhận rằng sự xuất hiện của Hội Đồng Cách Mạng đã là một thắng lợi rõ ràng.
Bên đường, tiếng vỗ tay chào mừng và những tiếng la hét vui mừng hân hoan hoà lẫn
với tiếng nhạc của đội vệ binh quốc gia.
Dù là có kế hoạch hay chỉ là ngẫu hứng, nhiều vệ binh
có mặt trong đội đi diễn hành phía sau đại biểu Hội Đồng Cách Mạng khi trở lại
hội trường đã xin được tuyên thệ trung
thành với hiến pháp mới mà Hội Đồng vừa mới soạn thảo hôm trước cho các đại biểu
thuộc giới quân sự. Sau bữa ăn tối, những vệ binh khác từ khắp thành phố đã tụ
họp vào hội trường yêu cầu được thề hứa tương tự. Sự việc dường như do Lafayette đạo diễn, người
đang lo lắng tìm cách lấy lại uy tín với những người yêu nước sau vụ không ngăn
cản được cuộc trốn chạy của hoàng gia.
Thế nhưng viên tướng đã không tiên liệu cho sự việc đáng kể kế tiếp. Dường
như sống lại thời khắc diễn hành trong ngày với sự biến đổi hoạt động tôn giáo
thành một hành động chính trị, người dân thường Paris tiến về hội trường thành
phố khi hoàng hôn buông xuống và cũng yêu cầu được phép tuyên thệ. Các nhạc công bèn choán những hàng ghế trống ở
bên phải hội trường nơi mà trên nguyên tắc là vị trí của các đại biểu bảo thủ và
quý tộc, nhưng họ thường vắng mặt. Một lần
nữa, ban nhạc cất lên bản nhạc hùng ca đã hát ban ngày cùng những bài ca ái quốc
khác. Từng hàng người nối đuôi nhau bước qua sảnh đường lung linh nến, đi từ một
ngưỡng cửa này qua cánh cửa khác, vừa cất cao giọng hát vừa đưa tay lên thề hứa
khi họ đi ngang qua vị chủ tịch của Hội Đồng Cách Mạng. Cũng vẫn trong sắc thái
ngày lễ, quần áo họ ăn vận đủ kiểu đủ màu sắc. Có những người mặc quân phục vệ
binh, nhưng có rất đông dân thường với nam trong bộ đồ lao động và nữ với khăn
choàng và mũ nón làm bếp, những “Sans Culottes”, giờ thành cái tên gọi của nhóm
họ. Họ đi qua hội trường, tập hợp thành hàng sáu gồm đủ thứ thợ thuyền từ ông bán
thịt, thợ mỏ than, bà bán cá đến thợ làm bánh với những ổ bánh mì cắm trên đầu
ngọn giáo hay đám phu khuân vác với cái nón rộng vành đến từ khu chợ trung tâm.
Họ cả nam lẫn nữ đủ mọi lứa tuổi, mọi thành phần nghề nghiệp, vài bà mẹ còn bồng
con trên tay khi họ bước tới tuyên thệ, dường như cả thế hệ sau cũng cố tham
gia vào việc trung thành với đất nước này. Họ đi trong vòng trật tự kéo dài khoảng
ít nhất 2 giờ. Guittard ước lượng có chừng 15,000 người. Có người lại ước đoán
lên tới 50,000. Các vùng ngoại ô lao động Saint-Antoine và Sainte-Marcel đặc biệt
hiện diện đông đảo. Marie-Leanne Roland, 37 tuổi và là vợ của nhân viên hành chánh
trong vùng và chính bà cũng là một nhà Cách Mạng cấp tiến rất nhiệt tâm đã tuyên
bố rằng hầu như toàn vẹn khu Sainte-Antoine đã đến xếp hàng nối đuôi nhau dọc
theo đường phố dài đến trên dưới 2 dặm.
Sau những giờ phút dài lo sợ bất trắc, đêm lễ hội đầy
màu sắc này đánh dấu sự thư giãn và dường
như củng cố lại cái cảm giác đầy tự tin và sự đoàn kết. Rõ ràng một phần là có
sự huy động của các hiệp hội Anh Em và các phần tử cấp tiến. Người dân thường
hiện diện cũng được trang bị với những thông điệp chính trị rất kiên quyết. Có
người mang băng rôn kẻ chữ: “ sống tự do hay chết”. Những người khác chế thêm lời
cho bản nhạc hùng ca “ҫa ira”, đòi đưa
giới quý tộc và nhà vua xuống địc ngục. Mặc dù nói chung, sự trung thành của họ bày tỏ trực tiếp đối với Hội Đồng Cách Mạng
Quốc Gia, họ cũng nói rõ là họ không có ý định phục tùng mọi quyết định
của Hội Đồng nếu họ không vừa ý với những
quyết định đó . Có người la lớn: “Hoan hô các đại biểu chính phủ tốt, còn những
người khác hãy coi gương đó!” Mặc dù thái
độ của họ nói chung rất vui vẻ, người ta vẫn thấy họ mang theo đủ mọi loại vũ
khí từ búa liềm tới gươm giáo. Nhiều ngọn giáo có trên đầu bọc trong cái mũ đỏ
tự do, loại mũ được giới lao động thợ thuyền yêu nước chọn làm biểu tượng. Nhưng bên dưới cáí mũ đỏ đó là những mũi giáo
sắc như dao cạo và những câu liêm thường được dùng để móc chân ngựa kỵ binh nhưng
mới đây còn được dùng để cắm thủ cấp của những nạn nhân các vụ bạo động. Một số
thương giáo này hầu như đã bị cướp đi từ những kho vũ khí trong thành phố hai
ngày trước. Đây là lần đầu tiên loại vũ khí này được nhìn thấy mang vào Hội Đồng
kể từ sau biến cố bi thảm tháng Mười năm 1789. Vì vậy, trong một ý nghĩa mang
tinh biểu tượng, cuộc diễn hành lạ thường này đánh dấu một thời khắc chính thức
về sự xuất hiện của phong trào “sans Culottes” như một lực lượng chính trị có ý
thức và có tổ chức . Nó trở nên một lực
lượng mà Hội Đồng Cách Mạng cùng toàn thể nước Pháp không lâu sau đó phải để ý đến.
Có thực sự cần có một
vị vua?
Trong hơn ngàn năm, người dân Paris luôn luôn có một
vị vua cai trị. Theo nguyên tắc, khi vua băng hà, người khác nối ngôi, thường một
nam nhân thân cận nhất của vua lập tức nắm lấy vương quyền, ngay cả khi nhà vua
kế vị chỉ là một đứa trẻ, vương quyền sẽ được hội đồng nhiếp chính nắm giữ. Nhưng
trong lúc này, đối với đại đa số cư dân Paris, cái huyền thoại về vương tước vỡ
tan. Một khi Louis được đưa trở lại Paris từ Varennes, đi qua đường phố Paris và đưa vào hoàng thành Tuileries như trước, một
câu hỏi lớn trong đầu mọi người rằng nhà vua và vương triều sẽ ra sao. Nhà xuất
bản sách Nicolas Ruault ước đoán tình trạng này trong lá thư gửi cho anh em ruột
của ông: “Chúng ta phải quyết định sẽ làm gì với ông vua này, ông vua giờ chỉ còn
là cái danh hiệu mà thôi. Câu hỏi vừa tế nhị vừa cực kỳ đáng sợ. Tất cả mọi cư
dân Paris đều nghĩ đến tình trạng này và có đưa ra nhiều giải pháp. Cứ để cho
Louis làm vua, nhưng chỉ làm vua trên danh nghĩa. Nhà vua cần bị tước đoạt hết
mọi quyền lực cho đến khi Hiến Pháp mới hoàn thành, sau đó ngôi vua được định đoạt
có còn cần thiết hay không. Có đề nghị đòi đưa Louis đi khỏi Paris hay ra khỏi
nước. Nhà vua phải bị giam giữ và đưa ra toà xử tội phản quốc. Lại có đề nghị
truất phế nhà vua và đưa người kế vị lên
thay thế, và phải là người được giáo dục tốt về những tư tưởng Cách Mạng. Nhưng
ngay từ ngày đầu tiên hoàng gia chạy trốn và trong suốt khoảng thời gian khủng
hoảng, một số người dân Paris còn đi xa hơn. Họ tự hỏi là chế độ quân chủ có thực
sự còn cần thiết không? Và có phải đã là thời điểm mà người dân Pháp có thể sống
độc lập trong một thể chế cộng hoà không cần có vua?
Chắc chắn là, đây không phải là lần đầu tiên từ ngữ
“cộng hoà” được nói đến tại Paris. Gần một năm trước, Louis Lavicomterie, một
thành viên tương lai của hội nghị đã xuất bản một xã luận có tựa “ Về nhân dân
và các vị vua”, với tư tưởng công khai ủng hộ một chính quyền không có vua.
Louise Kéralio, nhà văn, kiêm sử gia và nhà xuất bản cấp tiến nhanh chóng nắm bắt
ý tưởng đưa vào trang nhật báo Mercure Nationale của bà, một tư tưởng mà
Franҫois Robert chồng bà phát triển xa hơn vào trong một tập sách nhỏ vào cuối
năm, Vào mùa xuân 1791, khái niệm cộng hoà đã trở nên hợp thời trang được bàn
luận rộng khắp giới trí thức cấp tiến. Dù vậy vẫn luôn luôn có những quan ngại
nào đó về tính cách hàn lâm của khái niệm này trong các cuộc tranh luận. Mối bận tâm chính của đám cấp tiến vẫn tiếp tục
là vấn đề mở rộng quyền bầu cử cho mọi nam công dân, bất kể lợi tức thường niên
của họ. Và cái tư tưởng một nền chính trị
nước Pháp không có vua cai trị vẫn chưa thực sự có sự ủng hộ phổ quát. Viên quận
công trẻ de Chatres, người sau này trở thành nhà vua Louis-Philippe của nước Pháp
vào năm 1830 đã diễn tả các phản ứng của
đám đông yêu nước như một vở kịch diễn Brutus của Voltaire. Khi một kịch
sĩ diễn câu: “Nào, chúng ta cần có tự do không cần vua”, thì chỉ vài tiếng vỗ
tay lèo tèo, trong khi đại đa số gào lên: “Vạn tuế đức vua”, câu tung hô luôn
được đám đông hô lên trợ giúp với ba khẩu
hiệu: “ Tổ quốc muôn năm, pháp muôn năm
và Hoàng Thượng muôn năm.
Dù vậy, biến cố Varennes đã mang lại một thay đổi bi
thảm trong thái độ của cư dân Paris. Chỉ trong vài tiếng khi tin tức được tiết lộ, một màn tấn công rộng rãi vào các
biểu hiệu của hoàng gia khắp nơi trên đường phố
Paris. Bất cứ gì có liên quan đến
hoàng gia đều bị đập phá, tháo gỡ, che phủ hoặc bôi xoá. Kể cả những gì có dính
líu đến tên tuổi hoàng gia với bất cứ hình thức nào, chẳng hạn Khách Sạn Nữ Hoàng
hay nhà hàng với tên Bò Đội Vương Miện đều có dấu vết bị phá hủy. Huy hiệu của dòng họ Bourbon trên các công thự
hay các văn phòng công chứng đều bị bôi đen bằng dầu trộn nhọ nồi. Quân lính và
vệ binh được khẩn thiết yêu cầu tháo bỏ các huy hiệu cũ trên bộ quân phục của họ.
Một số tài sản hoàng gia bị kéo đổ. Những tượng đài quá to lớn không thể di
chuyển bị vải đen che phủ. Ngay cả một con đường mang tên Phố vua Xiêm (Siam) cũng
bị đổi tên mới có ý nghĩa yêu nước hơn. Marie-Jeanne Roland đã rất kinh ngạc và
thích thú bởi sự nhanh chóng lạ thường với cái tư tưởng mới dường như đã chiếm
trọn các khu phố lao động. Hôm 22 tháng Sáu bà viết: “Đám đông đã có sự hiểu biết
mạnh mẽ và đúng đắn. Từ ngữ “cộng hoà” giờ được thốt ra trên môi của mọi người.
Thêm vào sự việc thường dân tự phát tấn công vào các biểu hiệu của vương triều,
một số đáng kể giới trí thức Paris, các khuôn mặt chính trị, các chủ bút báo chí
cấp tiến công khai tuyên bố ủng hộ cho một
nền cộng hoà. Chỉ trong vài ngày, nhiều ký giả nổi danh nhất cũng ra mặt ủng hộ
tư tưởng cấp tiến này. Brissot là người đáng nể nhất khi ông ta nhục mạ vua
Louis với lời lẽ như là: “Nhà vua đã tự tay hủy hoại chính ngai vàng của mình.
Không ai có thể cảm hoá một kẻ độc tài tiến tới một nguyên lý tự do.” Nicolas
de Bonneville, một nhà văn và sáng lập hội “nhân dân thân hữu của sự thật” cũng
bắt đầu minh chứng cho một nền cộng hoà. Cùng với các bạn của ông, hầu tước de
Concorde, nhà toán học nổi tiếng và Thomas Paine, một người Mỹ theo phái tự do, ông cho ra đời một nhật báo
để hết lòng cổ võ cho tư tưởng cộng hoà. Và như tu viện trưởng Sieyès viết cho
Paine: “Chỉ với những sự việc như biến cố ngày 21 tháng Sáu mà chúng ta bỗng
nhiên nhìn thấy sự xuất hiện của một đảng phái cộng hoà.
Ngay từ đầu, sự lãnh đạo hữu hiệu và năng động nhất
cho một đảng phái như vậy đến từ câu lạc bộ Codeliers với các thành viên bao gồm
nhiều ký giả, những người mạnh mẽ thừa nhận tình thế mới mẻ. Chính trong ngày
nhà vua bỏ trốn, câu lạc bộ đã có câu trả lời cho toàn bộ tư tưởng của một thể
chế quân chủ lập hiến khi nó đã được Hội Đồng Cách Mạng Quốc Gia nghiên cứu soạn
thảo trong 2 năm qua. Các thành viên của câu lạc bộ dường như thừa nhận một chiến
lược có 2 hướng. Một mặt, họ thúc giục các đại biểu Hội Đồng tái phác thảo Hiến
Pháp theo đường hướng cộng hoà. Mặt khác, nhận thức rằng đa số công dân Pháp vẫn
có thể chống đối một biện pháp như vậy cho tới khi tất cả họ được thông tin và
giáo dục thật rõ ràng, các thành viên ủng hộ một cuộc trưng cầu ý dân trên toàn
quốc để có những tranh luận cho vấn đề. Trong một thỉnh nghuyện thư chính thức gửi
tới Hội Đồng, họ viết: “Thưa các nhà lập pháp, quý ngài không còn hy vọng gì gây
cảm hứng cho nhân dân để có một mức độ tín cậy tối thiểu trong một đất nước được
vận hành bởi một người gọi là vua nữa. Căn cứ vào dữ kiện này, chúng tôi xin các
ngài, dưới danh nghĩa Tổ Quốc, hoặc là tức khắc tuyên bố nước Pháp không còn thể
chế quân chủ nữa mà là thể chế cộng hoà; hoặc ít nhất chờ đợi cho tới khi tất cả
các bộ phận chính quyền và các hội đồng sơ cấp loan báo về ý nguyện của họ về câu hỏi tối quan trọng này.” Sau đó, Câu lạc bộ trở nên một cơn lốc sinh hoạt và năng
lực trong việc cổ động và giải thích cho tư tưởng của họ. Các thành viên in ấn
những tấm áp phích lớn, đem dán lên tường ở khắp nơi trong thành phố. Họ thúc
giục tất cả các hội thân hữu Paris có sự liên kết mật thiết với họ để cùng điều
hợp nỗ lực chung và cùng bàn bạc thảo luận để cùng chấp nhận một vị trí chung.
Thêm vào đó, họ tổ chức các cuộc diễn hành chung các thành viên để cùng đưa thỉnh
nguyện thư của họ đến Hội Đồng Cách Mạng.
Cuộc xuống đường ngày 24 tháng Sáu là một biến cố khác
đánh dấu sự phát triển về tư tưởng cấp tiến phổ quát và việc chính trị hoá nhóm
“Sans Culottes”. Trong một số khía cạnh, điều này được coi như cuộc xuống đường
chính trị thời đại mới đầu tiên trong lịch sử Pháp, dự đoán theo cái hình thức
và tinh thần của nó trong các cuộc xuống đường về chính trị tại Paris vào thế kỷ
19 và 20. Được điều hành qua mạng lưới xã hội phổ thông và các khu vực, người dân
từ khắp Paris kéo nhau ra đường tiến về địa điểm tập trung tại công trường Vendôme. Ban tổ chức dựa theo sự thành công của buổi
diễn hành ngày lễ Thánh Thể hôm trước đi đến Hội Đồng. Trong ý nghĩa này, lại có
một sự kết nối thích thú khác giữa một buổi rước sách tôn giáo thời chế độ cũ và
một hình thái mới của văn hoá dân chủ tập thể. Nam nữ già trẻ đa số thuộc thành
phần lao động, khoác tay nhau xếp thành hàng 7 hàng 8 bước đi trên đường, thỉnh
thoảng lại cất tiếng ca hay hô khẩu hiệu. Nhiều người đeo huy hiệu trên tay hay
trên áo bìểu hiệu cho tổ chức và nhiệm vụ của họ để tìm ra những kẻ âm mưu.
Guittard de Floriban, một lão già tư sản sống không xa cánh Cordeliers đứng nhìn cảnh tượng hàng ngàn
người đi qua. Lúc đầu ông rất sợ hãi, lo lắng bạo động và hỗn loạn xảy ra. Nhưng
rồi ông nhận ra rằng đoàn người rất điềm tĩnh và rất có trật tự. Không như đêm
hôm trước tại trụ sở Hội Đồng Cách Mạng, lần này không ai mang vũ khí, dù chỉ là một cây gậy. Ông
ta đi theo họ khi họ băng qua sông trên cây cầu số 9 tiến về công trường Chiến
Thắng nơi họ tụ họp tới hàng ngàn bgười đến từ phía đông thành phố. Tại công
trường Vendôme, ngay mạn bắc của hội trường
của Hội Đồng Cách Mạng, họ gặp Lafayette, người đã được thông tin về cuộc
xuống đường và đã tập trung một đội ngũ lớn vệ binh quốc gia với đại bác và súng
trường sẵn sàng. Thế nhưng đoàn người giữ nguyên hoà bình và chỉ tuyên bố là họ
muốn trình một thỉnh nguyện thư có 30,000 chữ ký lên Hội Đồng Cách Mạng. Sau một
khoảnh khắc đối mặt một cách bối rối, một
nhóm 7 người đại diện đám đông được cho vào
trao thỉnh nguyện thư.
Những người đi xuống đường có lẽ chỉ thấy thất vọng khi Hội Đồng trì
hoãn việc đọc thỉnh nguyện thư của họ vào ngày hôm sau. Theo như một thành viên
của nhóm Cordeliers, khi thỉnh nguyện thư được trao, chỉ có một mình một tay thư
ký đọc trong một tư thế mà “không một ai khác có thể nghe thấy” và sau đó gửi đến
một uỷ ban nào đó để rồi bị quên lãng ngay. Hơn ba tuần lễ sau đó, nhóm
Cordeliers và những hiệp hội thân hữu khác trong thành phố lại tiếp tục công việc
vận động của họ. Người ta đếm được có đến
17 thỉnh nguyện thư được tạo nên trong
khoảng 21 tháng Sáu đến 17 tháng Bẩy, cái nào cũng bị Hội Đồng từ chối và cho vào
sọt rác thẳng tay. Trong suốt thời điểm này, nhóm Cordeliers và các hội thân hữu
tiếp tục tranh luận hàng đêm về nhà vua và số phận xứng đáng cho ông. Bà
Marie-Jeanne Roland, người mỗi đêm đều đến tham dự trong các buổi tranh luận có
mời nữ giới tham gia đóng góp đó, đã rất ngạc nhiên khi bà chứng kiến một sự biến
đổi những cái đã ăn sâu cả ngàn năm. Thường dân Paris chỉ mới vài năm trước luôn
miệng đọc tiếng Amen một cách mù quáng với bất cứ chuyện gì được giới chức thẩm
quyền phán ra, giờ đã được khai sáng và sẵn sàng ủng hộ chính nghĩa của họ và đòi
hỏi một sự cai trị trong công lý. Bà phát biểu: “Chúng ta đang tiến bộ tới 10 năm
chỉ trong một ngày”.
Hơn nữa, cuộc vận động cho cộng hoà của xã hội phổ thông
còn có ảnh hưởng to tát hơn với hai điều phát triển khác. Đầu tiên, cuộc vận động
cộng hoà xảy ra ngẫu nhiên cùng lúc với một loạt các cuộc xuống đường của công
nhân mà người đương thời đánh giá là có tổ chức và dữ dội hơn bất cứ gì họ chứng
kiến trước đó. Vào tuần lễ đầu tiên của tháng Bẩy, các vệ binh quốc gia được phái
đi dẹp các cuộc biểu tình chống đối lao động
và các cuộc đình công diễn ra chẳng hạn
từ những người làm thuê mũ nón, thợ nề, công nhân làm đường. Các cuộc đình
công lúc này đang bị cho là bất hợp pháp chiếu theo luật lao động Le Chapelier trước
đây của Hội Đồng Cách Mạng. Gần như cùng lúc chính quyền thành phố, được sự hỗ
trợ của Hội Đồng Cách Mạng cũng đã bắt đầu tháo bỏ một hệ thống lao động công ích
đã khởi sự từ năm 1789 như là công việc cho những người bị thất nghiệp và giờ bị
coi là quá mắc mỏ. Những hành động này đã gây nên những lo lắng và phẫn nộ lớn
lao. Vì vậy, vào cuối tháng Sáu sang đầu tháng Bẩy, công nhân đã tổ chức các cuộc
xuống đường phản đối, nhiều cuộc xuống đường biểu tình này cũng tụ họp tại công
trường Vendôme. Mặc dù các phong trào lao động này ra vẻ không liên quan gì đến
các biến cố chính trị, chúng cũng làm tăng cường độ của một bầu không khi khủng
hoảng và tạo thêm năng lực cho phong trào Sans Culottes.
Thứ hai, nhóm Corfeliers và các nhóm thân hữu cùng với
rất nhiều bộ phận cấp tiến khác tại Paris ngày càng tỏ ra tập trung sự giận dữ
của họ vào chính cái Hội Đồng Cách Mạng Quốc Gia. Bực bội vì Hội Đồng đã rất ít
quan tâm đến những thỉnh nguyện thư của họ, giờ họ lại càng nghi ngờ nhiều hơn
về việc đối xử với nhà vua và hoàng gia sau khi họ trở về của các đại biểu, khi
họ cho phép hoàng gia ở lại trong cung điện với đầy đủ người hầu và các cố vấn
như chẳng có chuyện gì xảy ra cả. Họ lại càng thêm thất vọng và giận dữ khi vào
tuần lễ thứ hai tháng Bẩy, có tin rò rỉ ra là đại biểu Hội Đồng đang cứu xét việc
miễn tội cho nhà vua. Từ các nhận thức bị tổn thương đưa đến hoang tưởng, phái
Cordeliers cả nam cả nữ cùng thân hữu anh em bỗng cảm thấy trong Hội Đồng đang
manh nha một âm mưu nào đó. Tin đồn lan toả rằng các đại biểu đã bị triều đình
mua chuộc, rằng họ đã sửa chữa hay làm giả các lời khai riêng tư của nhà vua; đáng
chú ý là lời khai của vua Louis rằng ông không bao giờ có ý rời bỏ đất nước. Lại còn những tin đồn là đại đa số các đại biểu
đang có kế hoạch ám sát những nhóm nhỏ các nhà cấp tiến trong Hội Đồng như Pétion
và Robespierre, những đại biểu cảm thông với vị thế của Cordeliers. Giữa cơn khủng
hoảng đó, Hội Đồng Cách Mạng đã trì hoãn việc bầu ra một cơ quan lập pháp mới.
Và giờ lại có thêm tố cáo là các đại diện đã lợi dụng tình thế để tự kéo dài thêm
thời gian nắm quyền của họ, giống như các thành viên của cái quốc hội trì hoãn
của Anh Quốc vào thế kỷ 17.
Vào ngày 12 tháng Bẩy, nhóm Cordeliers và các thân hữu
làm thêm một thỉnh nguyện thư. Hội đồng lại từ chối một lần nữa sau khi vị chủ
tịch, Charles de Lameth chỉ mới đọc có vài hàng đã thông báo là vi hiến. Giận dữ
vì sự sỉ nhục này mà nó gần giống như việc giới thượng lưu hạ nhục mà họ phải
nhận chịu dưới thời chế độ cũ, và ngay chính bản thân Lameth cũng là cựu bá tước, nhóm Cordeliers giải quyết bằng cách bỏ mặc Hội
Đồng, họ trực tiếp đưa vấn đề ra trước công chúng Pháp. Họ bèn thảo một ‘bản
tuyên cáo với Tổ Quốc” đem phát hành và phổ biến khắp đất nước, một bản tuyên cáo
chẳng bao lâu được hầu hết các hiệp hội thân hữu ủng hộ. Cho đến lúc này, những
người cấp tiến đã hết sức cẩn thận hành động trong phạm vi pháp luật, cố gắng
tuân thủ các nghị quyết của Hội Đồng Cách Mạng trên các thỉnh nguyện thư và thông
cáo hợp lệ tới chính quyền thành phố trước mỗi cuộc xuống đường. Nhưng thông cáo
mới này có thể được coi như một lời kêu gọi xác thực nhất cho sự bạo loạn, định
trước một cuộc triệu tập Hội Nghị Toàn Quốc vào mùa hè 1792. Các thỉnh nguyện
viên đòi triệu hồi từng bộ phận trong 83 bộ ngành, các đơn vị quản trị của chế
độ mới phải gửi phái đoàn đến Paris để hợp hiến một quyền hành pháp mới thay thế
cho vương quyền, và có lẽ luôn cả quyền hành của Hội Đồng Cách Mạng Quốc Gia cho
tới khi quốc gia giải quyết xong số phận của nhà vua và xác định một phương thức
chính quyền mới. Họ cũng tố cáo việc các đại biểu đã từ chối cho phép tổ chức bầu
cử xảy ra, một việc lạm dụng và vi phạm quyền hành trong chức vụ của họ. Các
ban ngành cần phải ngay tức khắc và đơn phương
tổ chức bầu cử mới thay thế các đại biểu đương nhiệm đã hoàn toàn mất sự
tin tưởng của quốc dân. Cuối cùng, các ban quản trị địa phương được hối thúc tổ
chức các cuộc bầu cử này qua hình thức đầu phiếu phổ thông cho mọi nam công dân,
bỏ qua điều luật của Hội Đồng Cách Mạng để có quyền bầu cử phải có khả năng đóng
đủ thuế.
Trong cùng một thời gian, nhiều nhật báo cấp tiến đã
có những thông điệp được phát thanh trong các quán cà phê và được đọc ra rả suốt các con đường trong thành, giờ
cũng trực tiếp đề cập đến bạo loạn.
Brissot nổi trận lôi đình chống lại Hội Đồng về vị thế của nhà vua như một tội
lỗi, một sự vô lý, một sự tàn bạo. Fréron and Bonneville dự đoán sẽ có một cuộc
bạo động đang đến gần. Một bài báo, có lẽ
do Pierre-Gaspard Chaumette của nhóm Cordeliers viết còn mạnh mẽ hơn. Tác
giả nhắc nhở các đại biểu về số phận của viên thống đốc Paris trong vụ Bastille
1789, người đã bị đám đông bạo loạn chặt đầu khi ông ta dám chống cự lại ý dân.
Tác giả viết: “Có những phút giây mà bạo lực trở nên nhiệm vụ thiêng liêng nhất.”
Ngày kỷ niệm
Bastille 1791
Kỷ niệm năm thứ hai ngày phá nhà ngục Bastille rơi đúng
vào giữa cuộc khủng hoảng. Mặc dù đã có một số người nói đến việc huỷ bỏ biến cố
này sau ngày 21 tháng Sáu, các viên chức Paris cuối cùng vẫn quyết định tiếp tục
với lịch trình ban đầu. Nhóm Cordeliers và nhóm Sans Culottes mới ra lò không
thể nói thay cho cả một dân số thành phố phức tạp. Quả thực, một số đông cư dân
Paris, bao gồm hầu hết các đại biểu của Hội Đồng Cách Mạng Quốc Gia đã rất kinh
ngạc về những cuộc xuống đường thường xuyên như thế của công nhân lao động và đám
người cấp tiến. Có một số thích thú với việc vua chạy trốn, còn hầu hết ra vẻ
phẫn nộ với hành động nhà vua. Tuy nhiên, sự bạo động liên miên hay những hành
vi hăm doạ bạo động của đám đông và những lời kêu gọi bạo động chống Hội Đồng của
nhóm Cordeliers dù có che đậy cũng làm họ sợhãi và làm cho họ thận trọng hơn về
việc thay đổi tận gốc rễ bản Hiến Pháp. Những trưởng lão của thành phố hy vọng
rằng một sự nhắc nhở lại về ngày lễ toàn bang năm 1790 sẽ cách nào đó làm sống
lại sự thần kỳ và sự đoàn kết của năm trước và cung cấp phương tiện cho các công
dân đáng kính để phản bác lại các cuộc xuống đường của đám cộng hoà. “Nó sẽ là
tiếng chuông báo động cho bọn điên khùng
muốn phá huỷ vương triều, cho bọn du thủ trộm cướp chỉ biết la hét đòi cộng hoà”,
như một tay nhà báo trung lập diễn tả. Dù gì, cái vận động trường vĩ đại ở tại
Champ de Mars phía tây thành phố cũng được nâng cấp để chứa thêm nhiều khán giả
hơn năm trước, và ở trung tâm thành phố, đền thờ quốc tổ cũng được tân trang lại
trong dịp này.
Buổi lễ hội toàn thành phố bắt đầu vào đêm 13 tháng Bẩy,
với một buổi đại hoà tấu nhạc trong vương cung thánh đường Đức Bà, có sự tham dự
của đủ loại chức sắc Hội Đồng Cách Mạng Quốc Gia và các cá nhân đã dẫn đầu
trong cuộc tổng tấn công hai năm trước. Bài ca tạ ơn Chúa Te Deum được hàng giáo phẩm ủng hộ Cách Mạng cất cao
lời ca và nhạc sĩ Franҫois-Josrph Gossec tổ chức hoà nhạc bản nhạc bất hủ có tựa
đề: The Fall of the Bastille. Lễ hội kéo dài qua sáng ngày hôm sau với một đám rước dài khởi sự phát xuất từ 10
giờ sáng tại một địa điểm trước đó là nhà tù Bastille đi diễn hành qua thành phố.
Đám rước dẫn đầu bởi Bailly và chính quyền thành phố, theo sau là một hàng dài
các viên chức trong các bộ ngành hành pháp, tư pháp, quân đội cùng 48 khu quận.
Tất cả đi xen lẫn giữa các ban nhạc và trống kèn, các đội vệ binh quốc gia và một
mô hình Bastille được chở theo giống như một nghi thức tôn giáo trong các buổi
rước kiệu thời chế độ cũ. Đoàn diễn hành
đi quanh thành phố trong hơn 3 tiếng ngang qua hội trường thành phố, đi xuống hữu
ngạn sông Seine rồi băng qua sông gần khu hoàng thành Tuileries. Sau đó đi dọc
theo khu tả ngạn Saint-Germain để tiến vào vận động trường. Khoảng 2 giờ chiều,
khi mọi người đã vào vị trí, một thánh lễ bắt đầu với bài Te Deum được hát lên
lần nữa dưới sự chủ tế của vị giám mục
thành Paris “ủng hộ lập hiến” vừa mới được bầu lên. Lễ hội kết thúc với một loạt
các màn trình diễn quân sự của lực lượng vệ binh do chính Lafayette ngồi trên lưng
con ngựa trắng điều khiển trực tiếp.
Biến cố ra vẻ thành công ở một số khía cạnh. Hầu hết
người chứng kiến nghĩ rằng người tham sự cũng đông như năm 1790 hoặc hơn thế và
không ai chối bỏ rằng vì thời tiết tốt hơn. Ngay từ sớm tinh mơ, bầu trời đã ấm
áp đẹp đẽ khác với cảnh mưa rơi lầy lội
của năm trước. Thế nhưng cũng có đầy dấu hiệu thay đổi thái độ so với năm trước
và giờ có những khác biệt quan điểm chính trị dữ dội đang chia rẽ cư dân Paris.
Tuyên bố rằng vì quá bận rộn với các cuộc
tranh luận, Hội Đồng Cách Mạng chỉ đưa đến 24 đại diện thay vì toàn thể đại biểu
tham dự như năm 1790. Điều rõ rệt nhất là sự vắng mặt của nhà vua và hoàng gia.
Không ai còn nghĩ đến việc yêu cầu nhà vua đến lập lại lời thề với Hiến Pháp. Một số nhân chứng còn chú ý đến những thay đổi Bàn Thờ Tổ Quốc vào phút chót bởi những nghệ
nhân vô danh nào đó. Có một bức hoạ điêu khắc “Chiến Thắng của Voltaire” với hàm
ý một diễn tiến chống lại chế độ giáo phẩm chỉ mới được cử hành ít ngày trước để
vinh danh ông tổ của thời kỳ Khai Sáng. Lại có một cảnh khác mà người mục kích
cho rằng đó là hình tượng của Drouet,
người hùng trong vụ Varennes. Rõ ràng hơn hết, danh từ “đức vua” đã bị bôi xoá
khỏi bàn thờ Quốc Tổ, giờ chỉ còn thấy “Đất nước, luật pháp,…(bỏ trống)”. Mọi
liên quan đến nhà vua trong tất cả các cờ quạt của các đơn vị vệ binh đều được
tháo bỏ. Nhiều lần trong buổi lễ, đám đông hô lớn: “Không còn Louis XVI nữa, không
còn vua nữa.”
Cũng có những tường thuật về những căng thẳng và đủ hình
thức bạo động trong 12 tháng trước. Nhà quý tộc xứ Creole đang viếng thăm nước
Pháp tên Henri Paulin Panon Desbassayns đã mắc phải một sai lầm tệ hại khi mang
trên người thập giá Thánh Louis, một huy hiệu biểu tượng giới quý tộc của chế độ
cũ nên đã bị đám đông sỉ nhục và cư xử tồi tệ. Việc đối xử còn tàn tệ hơn nữa với
2 người ủng hộ hàng giáo phẩm “bướng bỉnh” dám ném đá lên bàn thờ Tổ Quốc. Khi
diễn tiến mới khởi sự, một tin đồn lan toả rằng Hội Đồng Cách Mạng sẽ hưởng lợi
với sự hiện diện của dân chúng tại công trường Champ de Mars trong việc bầu phiếu
để xá tội cho nhà vua. Vì vậy, một số người vội vã quay trở lại hội trường thành
phố. Thực ra, thành viên của nhiều hội quần chúng phổ thông kể cả nhóm
Cordeliers đã không tham dự buổi lễ. Họ đưa
thẳng người của họ đến Hội Đồng từ trước để tiếp tục xuống đường chống lại các
chính sách của Hội Đồng và trình lên một thỉnh cầu nữa. Một lần nữa họ đòi hỏi
các đại biểu không đưa ra quyết định gì về việc nhà vua cho đến khi toàn thể công
dân cả nước được tham khảo qua một cuộc trưng cầu ý dân. Lần này họ còn đi xa hơn.
Họ tranh cãi rằng bộ phận tối cao thực sự của đất nước không phải là Hội Đồng Cách
Mạng mà là nhân dân. Và họ tiếp tục rằng
việc chối bỏ không chịu thừa nhận cái thực tế
này có thể sẽ dẫn đến màn nội chiến.
Rõ ràng mọi con mắt đổ dồn vào các đại biểu của Hội Đồng
Cách Mạng Quốc Gia. Những người mà chỉ vài tháng trước còn được công bố như “các
người cha của đất nước,” giờ đang bị khiển trách và đe doạ dấy loạn bởi một thiểu
số lớn họng trong dân chúng Paris. Lúc này, Hội Đồng Cách Mạng không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải hành động.
No comments:
Post a Comment