Khi nhà vua chạy trốn - chương 5

Chương 5: cha già dân tộc.


Trong hơn 2 năm làm việc của các đại biểu Hội Đồng Cách Mạng Quốc Gia, soạn thảo hiến pháp mới và cơ cấu lại đất nước từ trên xuống dưới, họ có nhiều nhóm người xuất chúng trong nhiều lãnh vực. Hệ thống bầu cử, được chắp nối bởi thể chế quân chủ năm 1789 đã mang đến những con người ưu tú  từ địa phương, vùng miền đến tầm vóc quốc gia ở khắp nơi trên vương quốc.  Có khoảng gần 300 nhà quý tộc mà hầu hết đều có tước vị và vô cùng giàu có đại diện cho các gia tộc vĩ đại nhất của nước Pháp. Có vài chục giám mục, tổng giám mục và trên 200 linh mục chính xứ cai quản từ thị trấn đến thôn làng khắp cả nước. Lại có chừng 600 vị đại biểu của giai cấp thứ ba, đại diện cho thứ dân của hầu hết mọi vùng miền. Họ bao gồm đủ mọi nghề nghiệp: luật sư, quan toà, bác sĩ, thương gia, chủ đất và công chức nhà nước các loại. Hầu hết các đại biểu cho giai cấp thứ ba này là những người có tài sản và có kinh nghiệm trong việc quản trị phố thị. Nhưng mẫu số chung của họ là được huấn luyện làm việc trong vòng luật pháp. Khoảng 2/3 trong số họ  có theo học ngành luật pháp với nhiều người được xếp vào loại giỏi nhất về pháp luật trong độ tuổi của họ.

Đối với các đại biểu thường dân của giai cấp thứ ba và một số lượng nhỏ giới quý tộc và giáo sĩ ủng hộ họ, những tuần lễ đầu tiên của cuộc Cách Mạng đánh dấu một thời điểm lạ thường gần như kỳ tích. Đối diện với sự ngoan cố không nhượng bộ của hầu hết quý tộc và với sự gần như từ bỏ quyền lực của chế độ quân chủ, lại có sự khuyến khích của đám đông dân chúng Paris, họ đã học tập, khích lệ nhau và kết nối lại  từ những tư tưởng có được trong các lãnh vực đổi mới ở thế kỷ 18. Chẳng bao lâu, họ thấy mình tiến xa hơn và nhanh chóng hơn đến một sự biến đổi cấp tiến cho nước Pháp hơn bất cứ ai trong họ đã từng tưởng tượng. . Vào khoảng giữa tháng Sáu 1789, họ đã tự chuyển biến vào trong Hội Đồng Cách Mạng Quốc Gia, tự nghiêm túc tận hiến qua lời “thề  nguyền trên sân tennis” để soạn thảo hiến pháp đầu tiên của quốc gia. Vài tuần sau đó, vào ngày 4 tháng Tám, trong một buổi họp đêm đặc biệt đáng ghi nhớ, họ đã gạt bỏ ra ngoài phần lớn các tổ chức chính trị và xã hội của chế độ cũ và toàn bộ hệ thống đặc quyền lãnh chúa và ưu tiên giai cấp. Không lâu sau đó, họ ban hành bản “tuyên ngôn nhân quyền (cho nam giới) và quyền công dân, dự liệu cho các điều khoản của dự luật về các quyền mà đã được phê chuẩn tại Hoa Kỳ 2 năm trước. Theo sau sự kiện dời đô từ Versailles về Paris những ngày tháng Mười 1789, các buổi hội họp của họ cũng di chuyển đến một khu vực cưỡi ngựa trong  nhà ngay phía Bắc của những khu vườn Tuileries. Họ tập trung với một nhiệt tâm làm nhiệm vụ xây dựng lại đất nước. Phá bỏ phần nhiều chế độ cũ, họ buộc phải xây dựng lại mọi thứ từ con số không: chính quyền trung ương, địa phương vùng miền, toà án, luật pháp, hệ thống thuế khoá, việc tổ chức các lực lương vũ trang và ngay cả giáo hội.

Để chấm dứt một cuộc Cách Mạng


Nhưng khi các đại biểu đi vào năm thứ hai cuộc Cách Mạng, những thay đổi tế nhị trong thái độ và quan điểm của họ đã bắt đầu xuất hiện, một phần có thể do quá mệt mỏi. Đối với những người đặt nặng vấn đề nhiệm vụ, đối với những người tham dự các buổi họp thường xuyên, tham gia vào các ủy ban này nọ, đọc hết những đề xuất dài dằng dặc của các đại biểu khác và giữ nguyên sự giao thiệp tiếp xúc với cử tri của họ, những trách nhiệm vô hạn  đó có thể dẫn đến kiệt sức và chán ngán mệt mỏi. Có ít người trong họ đã quen thuộc với tốc độ sống như vậy trước khi bước chân đến Paris và một số khác giờ có khả năng mướn thư ký. Một đại biểu đã viết: “Tâm trí chúng tôi không còn chịu đựng nổi với sự cố gắng liên tục và quá mức thế nữa.”  Một người khác nghĩ: “Họ  bị phiền hà với quá nhiều công việc, quá nhiều hội họp và quá nhiều chuyện đấu tranh.”  Trong quan hệ giao lưu, họ diễn tả là đã kiệt sức, mệt mỏi, đau đầu mất ngủ và xuống cân. Đến đầu năm 1791, chuyện vắng mặt gia tăng bất thường. Hầu hết  đám quý tộc và đa số các giáo sĩ đã ngừng tham dự hội họp và chỉ còn chừng 400 trong số 1200 đại biểu thường xuyên có mặt.
Sự kiệt sức và làm việc quá sức cũng có thể đã góp phần vào những xung đột phe phái dữ dội đánh dấu năm thứ hai cuộc Cách Mạng. Đại biểu Jean-Franҫois  Campmas: “Hội Đồng Cách Mạng không còn làm việc hiệu quả như buổi ban đầu nữa. Họ đã hoàn toàn kiệt quệ và trở thành con mồi cho những tham vọng chính trị.“ Kể từ cuối năm 1789, những đại biểu cấp tiến nhất đã bắt đầu gặp gỡ riêng biệt vào ban đêm tại một tu viện đã bị bỏ hoang ở ngay phía bắc hội trường thành phố, chỉ cách một  hai bloc đường. Tại đây, hội thân hữu của chế độ lập hiến, hay còn gọi là câu lạc bộ Jacobins, đặt theo danh xưng thánh Jacôbê, đã bàn luận về các vấn đề xây dựng những chiến lược chính trị trước các phiên họp Hội Đồng và dự đoán trong nhiều khía cạnh  về các hoạt động của một đảng phái chính trị tân thời. Không lâu sau đó, họ khai triển một mạng lưới xã hội liên kết trên toàn quốc, chính là cái mạng lưới mà những người yêu nước đã tham gia vào năm 1791. Nhưng chỉ ít tháng sau khi thành lập, nhóm Jacobins thấy họ đối nghịch với một sự tách rời bất ngờ của các đại biểu trung lập được tổ chức như Hiệp Hội 1789. Cả hai câu lạc bộ yêu nước này lại thường bị phân tán bởi những đối đầu chính trị và xung đột cá nhân. Đầu tiên là tướng Lafayette, khi rời bỏ Jacobin để gia nhập nhóm 1789, đã than vãn với người bạn George Washington vào tháng Năm 1791: “Ngay cả những người tự gọi mình là những người yêu nước, thì cái đam mê chia bè kết phái cũng đã gần tới mức độ có thể dẫn tới cảnh máu đổ thịt rơi.”
Những thách đố mà các đại biểu đối diện cũng phức tạp vì một loạt các sự phát sinh không được dự đoán trước. Vào mùa xuân 1790, một cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Anh Quốc và Tây Ban Nha lúc đầu gây nên mối đe doạ về một sự can thiệp quốc tế vào nội tình nước Pháp. Mối đe dọa làm cho Hội Đồng Cách Mạng tiếp tục bận tâm  đến ngay trước đêm hoàng gia trốn chạy. Viễn ảnh về chiến tranh dường như đặc biệt làm đảo lộn hơn với những hận thù dâng cao giữa đám lính thường dân và bọn sĩ quan quý tộc, cũng là những thù hằn tương tự mà tướng Bouillé đã phải đương đầu trong nỗ lực của ông ta đưa nhà vua đi trốn chạy, đã đưa quân đội Pháp đến bờ sụp đổ. Phiền phức hơn nữa là sự đối nghịch  được thúc đẩy trong một số khu vực của quốc gia  vì đạo luật ‘Dân Sự Hoá Hàng Giáo Phẩm’ và sự đòi hỏi lời thề trung thành (với Cách Mạng) của họ. Hầu hết các đại biểu yêu nước thấy đạo luật này là một sự cải tổ cơ cấu giáo hội  thật hợp lý và cần thiết. Nhưng một số thành phần dân chúng lại được thuyết phục cho rằng họ đang cố thay đổi  toàn thể hệ thống giáo hội Công Giáo. Sự nghiêm trọng của khủng hoảng đã đến với các đại biểu khi nhiều phần tử trong chính khu vực cử tri của họ, có khi có cả chính vợ con và bạn hữu họ bắt đầu tấn công vào những chính sách tôn giáo của Hội Đồng.
Cùng lúc đó, các đại biểu bị buộc phải đối đầu với những vấn đề bạo loạn và bất ổn ngày càng gia tăng. Cái đe doạ thường ngày về một Paris  đang ở trong tình trạng vô chính phủ. Trong những khu vực mà các đại biểu sinh sống và làm việc, nào là bạo động vì giá bánh mì, công nhân chống đối và sự bất phục tùng của các đơn vị vệ binh quốc gia đã làm cho các nhà ái quốc đặt vấn đề về vị thế dân chủ mà họ đang ôm ấp. Một khi được coi như là những người cứu độ cho cuộc Cách Mạng, không lâu sau thường dân Paris bị nhiều người có tư tưởng trung lập coi là vô ơn, mguy hiểm và khó lường. Theo quan điểm này, họ lại trở nên nguy hiểm hơn qua những láng giềng thiếu trách nhiệm của nhóm Cordeliers và báo chí cấp tiến. Bắt đầu vào mùa đông 1790-`1791, một nhóm Jacobins trung lập bắt đầu đẩy mạnh một loạt các nghị định nhằm mục đích giải giới phe cấp tiến phổ thông. Các biện pháp này bao gồm việc loại trừ những công dân nghèo khổ ra khỏi lực lượng vệ binh quốc gia, việc thực thi luật pháp chống lại “các tội ác của  báo chí”,  và điều luật Le Chapelier cấm các tổ chức nghiệp đoàn công nhân và đình công. Lãnh đạo của nhóm này là tay luật sự trẻ Antoine Barnave của đơn vị Grenoble và các thân hữu của ông: các nhà quý tộc Charles và Alexandre Lameth, cả hai là cựu quân nhân trong chiến tranh Cách Mạng Hoa Kỳ, cùng với viên thẩm phán độc lập Paris Adrien Duport. Đối với Barnave và nhóm thân hữu trên, giờ là thời điểm kết thúc Cách Mạng, đưa dân Pháp trở lại cuộc sống bình thường và để xếp đặt lại sự ổn định và kỷ cương xã hội.
Tuy nhiên, chấm dứt một cuộc cách mạng cũng tỏ ra khó khăn như khi bắt đầu. Tất cả mọi biện pháp ôn hoà đều bị một nhóm nhỏ Jacobins cấp tiến trong Hội Đồng do Pétion và Robespierre cầm đầu chống đối bằng đủ mọi cách. Robespierre, giống như Pétion, có một đời sống khổ hạnh cho dù đầy nhiệt huyết trong niềm tin chính trị của mình đã từ chối không chịu từ bỏ niềm tin vào quyền lực và thiện tâm của thường dân. Quả thực, 2 người này cùng với một nhóm đại biểu đi theo họ tin rằng cuộc Cách Mạng vẫn chưa hoàn tất. Dân chủ cần được lan toả và mọi nam công dân phải có quyền đầu phiếu cho dù họ thuộc tầng lớp nào hay bất kể điều kiện kinh tế giàu nghèo.
Nhưng vào mùa xuân 1791, Robespierre cùng bạn bè khó lòng chiếm ưu thế. Một người từng trong nhóm cấp tiến phát biểu: “Đã đến thời điểm cho sự tự chế.” Ước vọng ngăn chặn ảnh hưởng quần chúng tại Paris và kết thúc cuộc Cách Mạng đã đẩy nhiều người ôn hoà tới việc chống đỡ cho quyền hạn và uy tín của nhà vua.  Viên đại sứ Tây Ban Nha đã tìm ra sự xoay chiều chính sách này vào cuối năm 1790: “các nhà lãnh đạo dân chủ đang tìm cách tiến tới một sự thông cảm với chế độ quân chủ và hứa hẹn tiến tới sự trở lại trật tự nhanh chóng.” Vào tháng Tư 1791, Barnave và cánh ôn hoà đã ngưng tham gia vào câu lạc bộ Jacobins, và như Robespierre nghi ngờ nhưng không có chứng cớ, họ đã bí mật thương lượng với vua Louis XVI. Ước vọng của phe đa số để củng cố lại vương triều giúp giải thích cái thái độ tích cực quá mức đối với nhà vua trong số rất đông các đại biểu yêu nước cùng lối suy nghĩ viễn vông khi họ đánh giá các hành động của nhà vua. Cùng một lý do tương tự mà chuyện bất ngờ trốn chạy tìm tự do của nhà vua cũng giống như một cú đập  mạnh đến choáng váng mặt mày.

Thời kỳ tạm hoà hoãn


Khi vị chủ tịch Hội Đồng Cách Mạng Quốc Gia loan báo cái tin tức khủng khiếp lúc 9 giờ sáng ngày 21 tháng Sáu, các đại biểu ngồi im lặng sững sờ. Một thành viên nhắc lại rõ ràng: “mặt mày ai cũng choáng váng”,  khi tất cả mọi người cố hiểu rõ mọi tình trạng của biến cố. Jean-François Gaultier de Biauzat chỉ ghi chú lại đơn giản: “Giờ chỉ cầu mong Thiên Chúa cứu giúp chúng ta.”Trong nhiều tuần trước đó, họ đã nghe nhiều dự đoán về việc nhà vua có thể bị bắt cóc. Nhưng lúc nào cũng có hàng tá các tin đồn rì rỏ xung quanh, và các bồi thẩm viên được huấn luyện để phân tích các bằng chứng và họ biết cách để loại bỏ những tin không đáng để ý.  Vả thực tình mà nói, những tin đồn trên không phải loại mà các đại biểu có thể tin. Khi họ ngày càng hình dung ra rằng nhà vua là một nhân vật quan yếu trong cái hệ thống lập hiến mới, họ càng tự thuyết phục rằng nhà vua thật đáng tín nhiệm.

Không lâu sau có một đoàn các nhân viên bối rối đến hội trường của Hội Đồng để cố tự biện hộ và giải thích chuyện gì đang xảy ra. Lafayette, người có trách nhiệm tối hậu cho việc bảo vệ an ninh của hoàng thành Tuileries đi vào với một dáng điệu sầu thảm và chán nản. Thị trưởng Bailly cùng nhiều đại biểu đã yêu cầu cho  điều tra các tin đồn trước đó đồng thời cũng thú nhận sự thất bại của họ. Quả thật, nhiều tin đồn giờ có vẻ như đáng chú ý hơn các đại biểu tưởng tượng. Người tỳ nữ của hoàng hậu, kẻ mà hoàng gia rất lo sợ trong vài tuần trước cuộc trốn chạy đã đưa tin cho các viên chức về màn trốn chạy sắp xảy ra vô cùng chính xác. Họ đã cử thêm vệ binh đến canh gác cửa nẻo mà bà ta đã ám chỉ, thế nhưng hoàng gia vẫn biến đi như có ảo thuật. Một số đại biểu đoán là chính Lafayette có dự mưu hay ít ra ngó lơ   để cho âm mưu thành tựu. Chính xác hơn, dường như viên tướng không thực sự tin các lời đồn đãi. Nếu chúng ta có thể tin hồi ký của ông ta, thì ông đã trực tiếp đưa ra những bản báo cáo đó với chính vua Louis, và nhà vua đã đưa ra những lời lẽ phủ nhận rất nghiêm trang và đầy uy lực đến nỗi Lafayette đã đánh cược bằng mạng sống của mình rằng nhà vua sẽ không bỏ đi như vậy. Giống như nhiều người khác, ông ta tin rằng nhà vua không thể nào nói dối. Có lẽ vì lý do này làm cho ông ta đã không báo động cho các vệ binh bảo vệ hoàng cung sự đặc biệt cảnh giác cần thiết.

Trong bất cứ biến cố nào, các đại biểu nhanh chóng vượt qua sự mất tinh thần. Họ mạnh dạn nhắc nhở nhau về mọi sự việc đã trải qua, so sánh tình thế hiện tại với thời điểm mùa hè 1789 khi những trở ngại dường như đã không thể vượt qua. Họ tuyên bố mở một phiên họp thường trực và sẽ hội họp liên tục suốt nhiều ngày kế tiếp, với bộ phận đại biểu chủ yếu ở lại suốt đêm để sẵn sàng đối đầu với bất cứ tình trạng khẩn cấp nào có thể xảy ra. Và để đối mặt với khủng hoảng chưa hề xảy ra, họ bỏ qua những mâu thuẫn đối nghịch để cùng nhau sát cánh làm việc. Các thành viên đại biểu đặc biệt ấn tượng khi Barnave, một hội viên trẻ của nhóm Jacobins lên tiếng biện hộ cho Lafayette, từ lâu là đối thủ của anh. Hành động công bình và quảng đại này làm cả hội đồng sững sờ và mang lại kết quả là làm dừng lại mọi tố cáo chống lại Lafayette. Đó là một ngày mà mọi sự chia rẽ trước đó từ tư tưởng, nhiệt huyết, đối đầu đến cá nhân thù nghịch đều quy về một mối. Sáng hôm sau 22 tháng Sáu, tất cả các đại biểu gốc quân nhân, hầu hết thuộc cánh hữu bảo thủ của Hội Đồng đã ra mặt tiến lên với một chân qùy và kiếm  giơ lên cao, cùng đọc lời tuyên thệ trung thành với Hiến Pháp. Lời thề trở thành một bi kịch đặc biệt vì  nó không còn gì liên quan đến nhà vua. Đó cũng chính là lời thề mà buổi chiều hôm đó, đoàn người Paris đủ thành phần đủ màu sắc đã đến tuyên thệ trước  mặt Hội Đồng Cách Mạng.

Trong 2 ngày kế tiếp đã có hàng loạt các vụ vận động và các nghị định ra đời, hầu hết được thông qua bởi sự đồng nhất cao. Mệnh lệnh đầu tiên của Hội Đồng là tìm cách chặn đường tẩu thoát của vua. Chính Lafayette đã gửi công văn đi ngay trước khi các đại biểu hội họp ngày 21 tháng Sáu. Lúc này, Hội Đồng cũng làm như vậy, họ phái người mang thông điệp đi trên những con đường chính để chận nhà vua và hoàng gia lại. Trong tiếng Pháp, từ ngữ chận có nghĩa là ngăn lại mà cũng là bắt giữ lại, và như vậy là rõ ràng không mù mờ gì nữa.

Gần như ngay tức khắc, các đại biểu tiếp tục giữ cho chính quyền tiếp tục vận hành. Chưa bao giờ trong lịch sử nước Pháp không có vua hay người nhiếp chính. Bây giờ trong trường hợp khó khăn này, Hội Đồng Cách Mạng buộc phải tùy cơ ứng biến. Các đại biểu đã đồng thanh nhất trí và không cần bàn cãi về việc chấm dứt đòi hỏi sự chế tài của nhà vua trong việc phê chuẩn các nghị định, lại thêm rằng tất cả các nghị định đã được bỏ phiếu trước đó và còn đang chờ sự chấp thuận của nhà vua được thông qua thành luật ngay tức khắc. Có người đề nghị thành lập một uỷ ban an toàn công cộng thuộc bên hành pháp lấy từ Hội Đồng để giải quyết chuyện khẩn cấp. Nhưng các đại biểu chọn cách làm việc qua những bộ trưởng hành chánh đang có sẵn, những người được triệu hồi ngay và được yêu cầu tuyên bố trung thành với Hội Đồng Cách Mạng. Khi tất cả đã thi hành, họ được xếp đặt ở trong một toà nhà tiếp giáp để  dễ dàng tiếp xúc với các đại biểu và làm việc trực tiếp với các uỷ ban trong chính sách điều hợp. Những nghị định khác cho phép bộ trưởng tài chánh tiếp tục chi tiêu ngân sách không cần chữ ký hoàng gia và chỉ thị cho các toà đại sứ nước ngoài giao dịnh trực tiếp với Hội Đồng qua bộ trưởng ngoại giao.

Những quyết đinh ban hành ngẫu hứng chỉ trong vài giờ như vậy được coi như biện pháp tạm thời và cấp thiết. Nhưng không ai biết là nhà vua sẽ được tìm thấy hay có bao giờ quay trở lại không. Quả thực, việc tái cơ cấu chính quyền nhanh chóng đã cấu tạo nên một cuộc cách mạng ảo thứ hai, dù chỉ là uỷ nhiệm và có tính tạm thời, là một nền cộng hoà chân thật.Trên nguyên tắc, kể từ 1789, tất cả những thay đổi như vậy hoàn toàn hợp pháp, các đại biểu đã tự tuyên bố là một hội đồng cử tri có đầy đủ quyền lực để tạo một chính quyền mới. Nhưng trên thực tế, họ luôn luôn chờ đợi sự chấp thuận của vua Louis về các nghị định để có hợp hiến hay không. Trong 2 bài diễn văn soạn tại chỗ, Charles Lameth đề xuất một hình thái hợp lý khác cho các hành động của họ, một  sự chứng thực dựa trên tình huống khẩn cấp. “Ngay lúc này, chúng ta buộc phải gánh vác hai trọng trách lập pháp và hành pháp. Trong những giai đoạn khủng hoảng, người ta không thể tự ép buộc mình vào những hình thức pháp luật mà người ta cần làm trong thời kỳ yên bình. Thà rằng phạm vào một điều bất công tạm thời còn hơn để mất nước.” Những cảm nhận như thế mang nhiều ám chỉ bất tường. Trong nhiều khía cạnh, những quyết định đưa ra trong thời điểm khủng hoảng Varennes có lẽ định hình trước về những chính sách của một chính quyền cai trị dựa trên tình huống: một chính quyền khủng bố.

Các đại biểu cũng mau chóng nhận thức được những hậu quả có tính quốc tế từ việc trốn chạy của nhà vua. Không chỉ cư dân của Varennes và Sainte-Menehould, họ nghi ngờ rằng cuộc chạy trốn được điều hợp với một kế hoạch dùng ngoại quốc xâm lược để dẹp tan cuộc Cách Mạng bằng quân sự.  Vì vậy, Hội Đồng tiến tới một bước chuẩn bị đất nước cho chiến tranh. Các sĩ quan chỉ huy chính tại Paris được lệnh đi đến hội trường và được yêu cầu tuyên thệ trung thành với Hiến Pháp. luật pháp và Hội Đồng Cách Mạng. Một lần nữa danh từ nhà vua bị loại bỏ trong lời thề. Các đại biểu cũng xúc động khi viên tướng Lean-Baptist Rochambeau, một người bạn của Washington và là một anh hùng trong trận chiến Yorktown cũng đến tuyên thệ. Các sĩ quan được yêu cầu làm việc với các bộ trưởng và các uỷ ban của Hội Đồng dự thảo những kế hoạch dự phòng. Thấu hiểu được những yếu kém của quân lực Pháp, các đại biểu tiến tới bước kêu gọi các vệ binh quốc gia tình nguyện trên khắp cả nước cho một sự phục vụ đầy tiềm năng trong lực lượng võ trang chính thức. Một đợt đầu của cuộc nổi dậy hàng loạt, một cuộc tổng động viên  trong thời chiến tranh, đã thiết lập được các danh sách khoảng ít nhất 3000 nhân sự tại từng bộ phận trong tổng số 83 bộ, sẵn sàng mang vũ khí bảo vệ tổ quốc và  Hiến Pháp. Hội Đồng Cách Mạng còn dự liệu một bản hiến pháp khác vào giai đoạn 1793-1794 bằng cách gửi 4 đội đại diện  với nhiệm vụ đi đến các bộ phận tiền phương để giám sát việc chuẩn bị chiến tranh và  nhận chân sự trung thành của các sĩ quan trong đoàn quân. Bất cứ nơi nào họ đi qua, các đại biểu cũng được chỉ đạo dùng mọi biện pháp cần thiết để bảo đảm trật tự công cộng và bảo toàn an ninh cho đất nước.

Cùng một mối lo lắng cho các đại biểu là vấn đề giữ gìn hoà bình cho đất nước, đặc biệt tại những khu vực quanh trụ sở Hội Đồng Cách Mạng.  Căn cứ vào sự bất ổn thường xuyên xảy ra tại Paris trong suốt 6 tháng qua, hầu hết các đại biểu dự đoán có sự bùng phát  vì hoảng sợ, bạo động hay tệ hơn nữa. Barnave nhớ lại cuộc khủng hoảng tháng Bẩy 1789 và những rối loạn do tầng lớp lao động thấp kém gây ra tại Paris cho tới khi các người chủ  sở hữu tài sản và những công dân ở tầng lớp đó gắn bó với nhau một cách chân thật với đất nước  hình thành. Các đại biểu nhanh chóng thiết lập một đội vệ binh bảo vệ chung quanh phòng họp và ngăn cản bất cứ ai ngoại trừ các đại biểu tiến vào. Sau đó họ ban hành một  lệnh kêu gọi trực tiếp tới cư dân Paris: “Hội Đồng Cách Mạng Quốc Gia  thông báo tới toàn thể công dân rằng sự bảo vệ Hiến Pháp và quốc phòng chưa bao giờ đòi hỏi sự duy trì luật pháp cấp thiết hơn. Người dân Paris đâu dễ dàng để yên vì sự biến mất của hoàng gia và do đó đã có nhiều cuộc bạo động xảy ra.  Tuy thế trongnhững ngày đầu tiên sau khi nhà vua chạy trốn, hầu hết các nơi dân chúng giữ thái độ bình tĩnh. Các đại biểu rất ngạc nhiên và vô cùng biết ơn. Félix Faulcon viết: “Dường như là một phép lạ, một may mắn lớn lao không kỳ vọng trước. Tôi cho rằng dường như có đấng Tối Cao đang bảo vệ Hiến Pháp.

Lúc đầu, mọi người cho rằng nhà vua có lẽ bị bắt cóc. Tin đồn lan nhanh trước ngày 21 tháng Sáu đã luôn luôn đề cập đến một ai đó tìm cách thúc đẩy vua trốn tránh ngược lại ý muốn  của nhà vua hay qua sự lừa gạt. Không ai muốn nghĩ tới khả năng chính nhà vua chấp nhận cuộc mạo hiểm này. Nhưng khi có sự xuất hiện bản tuyên bố viết tay của chính nhà vua giải thích lý do của hành động ấy, mọi sự hoàn toàn thay đổi.  Sự hiện hữu của nó lúc đầu được một trong các vị bộ trưởng biết, và tới 2 giờ chiều ngày 21 tháng Sáu, nó được chính thức đọc cho Hội Đồng nghe. Phán đoán dưới những bài phát biểu và các lá thư, lời tuyên bố gây ra hầu như làm cho mọi người toá hỏa tam tinh cũng như các tin tức đầu tiên về việc biến mất của nhà vua.

Khi ý tưởng của bản tuyên bố thấm vào đầu, không ai ngoại trừ cánh cực hữu còn cố công bảo vệ nhà vua. Các đại biểu quá kinh hoàng với việc nhà vua Louis quá dễ dàng phản lại lời thề hứa của ông. Basquiat, người trước đây mạnh mẽ bảo vệ nhà vua đã nói với các đồng sự: “Louis XVI, vị vua mà dường như luôn luôn được cho lấy điều tốt đẹp để khoả lấp cho những thiếu sót sai lầm, chỉ trong một giây phút đã phá hủy hết những lời thề hứa của mình. Với bản tuyên bố viết bằng chính nét bút của mình, ông đã tiết lộ cho cả thế giới biết rằng danh dự và trách nhiệm của một vị vua đối với thần dân chỉ là con số không to tướng.” Các đại biểu thật phẫn nộ về việc nhà vua hiểu rất rõ ràng về những hậu quả do  hành động của ông, một hành động có thể dễ dàng dẫn đến nội chiến và có thể là một đại hoạ lớn lao. Nhiều người đã vỡ mộng rằng nhà vua tưởng đã ủng hộ Cách Mạng với một thái độ chân thật và thành khẩn như vậy mà giờ lại chối bỏ hoàn toàn mọi thứ. Họ đã luôn luôn tin Louis không thể nào là người thất hứa hay phản bội niềm tin của thần dân. Một đại biểu khác viết: “Nhà vua đã lừa gạt chúng ta cũng như lừa gạt cả nước, những người đã một thời tôn kính ông. Nhà vua lương thiện, nhà vua của thần dân chỉ mới vài tuần trước đây, giờ biến thành một tên tệ hại, một thằng ngu ngốc, hèn nhát, quái vật…”

Ngay cả các đại biểu ôn hoà cũng tuyên bố về sự ghê tởm của họ đối với hành động của nhà vua. Lafayette nhắc lại: “Tội lỗi gấp hai vì họ đã được cảnh báo và những cái mà họ đã bỏ lại phía sau, phô bày ra đủ thứ nguy hiểm.” Viên hầu tước bảo thủ de Ferrières viết cho vợ ông: “Nhà vua đã bỏ rơi không chỉ giới quý tộc, giáo sĩ và nguyên cánh hữu của Hội Đồng Cách Mạng mà luôn cả bạn bè, đầy tớ và các bộ trưởng. Hành vi này thật gớm ghiếc.” Trong lúc dầu sôi lửa bỏng, một số đại biểu đã có ý sẵn sàng nhìn thấy nhà vua ra toà trước mặt công chúng, và thay thế bởi một ban nhiếp chính hay ngay cả truất phế và thay bằng chế độ cộng hoà. Ông thầy tu Thomas Linder viết cho người em: “Nước Pháp bây giờ được chuẩn bị để đưa ra một khuôn mẫu về một người có thể coi khá vô lại so với các vị vua. Khi người ta xem xét danh sách những tên ngu ngốc và vô lại đã làm ô uế ngai vàng của chúng, người ta bị dụ dỗ lật đổ mọi thứ.” Antopine Durand cảm thấy rằng kinh nghiệm này đã chữa lành cho nước Pháp căn bệnh sùng bái cá nhân coi vua như những vị thần thánh.
Tuy nhiên, vào buổi tối 22 tháng Sáu, mọi sự lại rối tung lên với tin chấn động nhà vua bị bắt giữ. Sau 2 ngày mù mờ bất trắc, hầu hết các đại biểu kết luận rằng nhà vua đã vượt biên ra tới ngoại quốc. Nhưng khi anh thợ cạo Manguin thị trấn Varennes ùa vào phòng họp kể lại diễn tiến câu chuyện, toàn thể đại biểu đứng hết lên ghế vỗ tay hoan hô. Trong sự ghê tớm lúc đầu đối với nhà vua, một số đã có suy nghĩ cho rằng tốt hơn để ông ta đi khuất và như vậy  thoát khỏi ông luôn. Lại có người đón nhận tin nhà vua bị bắt như trút được gánh nặng lớn. Frerrières lập tức viết thư cho vợ: “Em có thể tưởng tượng ra niềm vui về tin này ra sao không?” Gaultier bắt đầu bản báo cáo tới cử tri của ông bằng một lời cầu nguyên tạ ơn. Viên mục sư Tin Lành Lean-Paul Rabaut của giáo khu Saint-Etienne viết: “Xin tạ ơn tới vì sao bổn mạng của chúng ta mà tôi tiếp tục tin cậy.”

Nhưng cái cảm giác vui mừng rất ngắn ngủi. Khi tin loan truyền về diễn tiến trở về Paris của hoàng gia quá chậm chạp, tình thế trở nên căng thẳng và buồn thảm. Các đại biểu lúc đầu tập trung vào cơn khủng hoảng tức thời, vào trách nhiệm giữ tình thế yên ổn, chính quyền vẫn đứng vững và chuẩn bị cho quốc gia điều mà mọi người lo là một cuộc chiến tranh sắp xảy ra. Trong khảnh khắc đầu tiên bị sốc và  bị phản bội, một số đại biểu đã sẵn sàng có ý loại bỏ nhà vua khỏi chính quyền và thay thế bằng một nhiếp chính hay ngay cả một nền cộng hoà. Nhưng những ý nghĩ đó chỉ dễ dàng theo đuổi khi không có mặt nhà vua hay khi ông ra nước ngoài hơn là khi ông trở lại hoàng cung Tuileries chỉ cách nhau vài trăm mét. Lúc này, họ buộc phải đối diện với vấn đề trọng tâm là chuyện chạy trốn của nhà vua có ý nghĩa gì đối với tương lai của bản dự thảo Hiến Pháp mà họ đã miệt mài nghiên cứu soạn thảo trong suốt 2 năm và sắp sửa hoàn thành. Vấn đề thật trọng yếu như một người đã phát biểu: “Chúng tôi đã không dám nghĩ tới cho tới lúc này.”

Các vấn đề dường như không bao giờ hết, từ những việc căn bản về phương thức, vì chúng chưa hề có tiền lệ và Hiến Pháp cũng không đưa ra được hướng dẫn nào cho những câu hỏi sâu  xa về triết học chính trị: Người ta sẽ điều tra nhà vua ra sao? Nhà vua có phải đã phạm tội không? Có thể nào một vị vua  lại phạm tội? Ngay cả khi không bị kết án phạm tội trước luật pháp, liệu nhà vua có thể còn đáng tín nhiệm và đưa lại vị trí nắm quyền hành pháp? Một số đông đại biểu đã rất khổ tâm về phương hướng hành động mà họ cần làm, và cảm thấy như ở một vị trí không thể bảo vệ. Họ đã đặt hết vốn liếng vào niềm hy vọng của một nền quân chủ lập hiến. Họ càng lo lắng hơn  làm sao để đưa hiến pháp vào việc thực thi, kết thúc cuộc Cách Mạng và để làm mọi tranh cãi  ngưng lại cũng như tình trạng vô chính phủ dường như đang muốn nuốt chửng cả cái xã hội của họ. Nhưng sau các biến cố vừa qua, liệu bản dự thảo Hiến Pháp có bao giờ trở thành khả thi? Có người đã nói: “Chúng ta phải đối đầu với một mối nguy tiềm ẩn ở mọi phương hướng. Thật khó có thể tưởng tượng, bằng phương cách nào chúng ta có thể tự giải thoát khỏi cái vị trí không thể nào tin được mà việc nhà vua chạy trốn đã đặt chúng ta vào đó?”

Phiên họp tranh cãi đầu tiên đã khởi sự vào buổi chiều 25 tháng Sáu. Với việc nhà vua từ Varennes trở lại  Paris chỉ còn vài giờ nữa là về tới, Hội Đồng Cách Mạng buộc phải có một quyết định sơ bộ về việc đối xử với tình trạng ra sao. Chẳng bao lâu sau, mọi người thấy rõ rằng, cái sự đoàn kết vì mục đích chung của các đại biểu khi tin tức đào tẩu của vua mới xảy ra giờ đã tan tác. Nhóm cách mạng thuộc phe bảo thủ và quý tộc đòi hỏi nhà vua được trở lại ngôi vị ngay tức khắc. Họ cho rằng nhà vua chẳng vi phạm bất cứ luật lệ nào khi rời cung, và dù gì đi nữa, gần 2 năm trước đây, chính Hội Dồng Cách Mạng đã bỏ phiếu cho nhà vua có được đặc quyền miễn tội. Như người phát ngôn bảo thủ Pierre-Victor Malouet nói: “Bất cứ hành động nào khác đều làm sai lạc chính cái Hiến Pháp đã được thiết lập.” Ngược lại, các đại biểu cực tả tranh cãi rằng Louis phải bị đưa ra xét xử, có lẽ trước toà kháng cáo mới được thiết lập. Robespierre nói: “Cho dù ở cấp bậc nào, vị trí cao cả đến mấy, không công dân nào có thể nghĩ họ bị mất danh giá khi họ tuân theo pháp luật.”

Sau nhiều hồi tranh cãi, Hội Đồng Cách Mạng Quốc Gia đã chọn một vị thế trung dung. Trách nhiệm giải quyết vấn đề chạy trốn tới Varennes sẽ do Hội Đồng tự quyết định, bằng cách tự thành lập một phiên thẩm vấn bên ngoài toà, Các cuộc điều tra sự việc sẽ do 2 uỷ ban thường trực của Hội Đồng là Nghiên Cứu và Báo Cáo giám sát. Ngoại trừ hoàng gia, những người khác có liên quan đến cuộc đào tẩu và bị bắt lại gồm 3 cận vệ, hộ khán, Phu nhân de Touzel, Choiseul, Goguelat và những viên sĩ quan khác sẽ bị giam giữ và điều tra. Tuy nhiên, nhà vua và hoàng hậu sẽ được đối xử đặc ân và được thẩm vấn ngay trong hoàng cung.  Một uỷ ban đặc biệt  của các đại biểu được thành lập để xem xét các bằng chứng và tường trình cho  toàn thể Hội Đồng.  Cùng lúc đó, Hội Đồng làm một quyết định quan trọng tiếp tục giữ lại mọi quyền hạn của nhà vua. Quyền chế tài các nghị định của vua cũng bị đình chỉ. Tất cả các quyền hành pháp sẽ do các bộ trưởng và các uỷ ban của Hội Đồng đảm nhiệm.

Ba đại biểu nổi trội nhất về pháp luật được Hội Đồng chọn để thẩm vấn vợ chồng nhà vua.  Buổi thẩm vấn vua khởi sự vào buổi chiều 26 tháng Sáu chỉ sau khi ông trở về  được 24 tiếng. Tuy nhiên buổi hoàng hậu gặp gỡ đại biểu  được dời qua ngày hôm sau, được giải thích là vì bà vẫn còn đang tắm rửa, nhưng thực ra chỉ để lời khai của bà trùng khớp với lời khai của chồng. Lời khai về câu chuyện của họ đồng ý  với nhau, tương tự  như họ đã chuẩn bị cẩn thận ở tại phòng ngủ  nhà ông thị trưởng Sauce ở Varennes và đã được thuật lại cho Barnave và Pétion trên quãng đường trở lại Paris: “Nhà vua chưa bao giờ có ý định rời bỏ đất nước mà chỉ là di hành đến Montmédy nơi hoàng gia sẽ an toàn khỏi những đe doạ và những lời nhục mạ họ gặp phải tại Paris. Rằng nhà vua chẳng có liên hệ nào với các lực lượng nước ngoài. Rằng ông đã thật kinh ngạc trong chuyến đi khi khám phá ra rằng dân chúng khắp nơi ủng hộ bản Hiến Pháp mới.” Như Lindet tường thuật: “Nhà vua đã chuẩn bị bỏ qua mọi điều không vui của cá nhân của ông với Cách Mạng để cùng hợp tác.” Đa số lời khai trong câu chuyện là khá chính xác, ngoại trừ sự chối bỏ việc có liên hệ với cánh quân nước ngoài là không đúng sự thật.

Khi kết quả của các buổi thẩm vấn được tường trình tới Hội Đồng Cách Mạng, toàn thể sự kiện được chuyển qua việc cứu xét tới một ủy ban mà cuối cùng phối hợp thành viên của 7 uỷ ban. Trong gần 3 tuần kế tiếp, từ 27 tháng Sáu đến 13 tháng Bẩy, toàn bộ sự việc ở trong tình trạng lấp lửng. Các phiên họp suốt cả ngày lẫn đêm có tới 128 giờ, cuối cùng cũng kết thúc và Hội Đồng trở lại trạng thái công việc bình thường. Theo như đại biểu Laurent-François Legendre, thời gian chờ đợi dài là cần thiết để uỷ ban có thể hoàn tất cuộc điều tra của họ. Nhưng theo một thống đốc người Mỹ Morris, người  sống tại Paris và quen biết nhiều đại biểu, việc trì hoãn mang nhiều lý do chính trị hơn là tư pháp.  Dường như với ông, rõ ràng là với sự kiện nhà vua đã trở về Paris an toàn, các đại biểu ôn hoà đã quay lại chiến lược lâu dài của họ là duy trì chế độ quân chủ. Morris viết vào 2 tháng Bẩy: “Ý định của Hội Đồng Cách mạng, theo tôi tìm hiểu, là cố gắng che đậy chuyện đào tẩu được  phần nào hay phần đó đó và mong nó sẽ đi vào quên lãng,” Đối với Morris,  thu xếp như vậy chứng tỏ một nhận thức kém vỏi và có tiềm năng gây hoạ lớn: “Điều này chứng tỏ là có sự nhu nhược lớn ở mọi lãnh vực và có lẽ nó sẽ  hủy hoại vương triều. Thực tế, một lần nữa cánh Barnave-Lameth-Duport đã bí mật thương lượng với hoàng gia. Họ hy vọng sự trì hoãn cho phép họ huy động  được ý kiến công chúng ở các vùng địa phương ủng hộ nhà vua.

Nhưng dù  dưới bất cứ động cơ nào, Hội Đồng Cách Mạng và cả nước cũng tự thấy đang ở trong một tình trạng lưng chừng lửng lơ. Trên thực tế, chính quyền đã trở thành một thể chế “cộng hoà quân chủ”, một  vương quốc với một vị vua không có quyền hành, được cai trị bởi các đại biểu không chỉ thực thi vai trò hành pháp và lập pháp mà giờ còn thêm vai trò tư pháp then chốt. Chính Hội Đồng Cách Mạng sẽ phán quyết về trách nhiệm của chuyến đào tẩu tới Varennes. Lindet nắm lấy cơ hội châm biếm: “Quyền hành pháp giờ được thực thi gián tiếp. Nhà vua giờ chỉ còn nhiệm vụ ăn uống ngủ nghỉ. Đây là những nhiệm vụ mà ông hoàn thành vô cùng tốt.”

Có một tiến triển lớn trong giai đoạn lưng chừng này là bức thư của Bouillé được gửi đến từ Luxembourg nơi ông đang lưu vong. Qua sự giải thích của ông, lời  biện bạch được nhận thức như một cách cứu giúp vị thế của nhà vua  sau cuộc trốn chạy thất bại.  Lúc này, Bouillé nhận hoàn toàn trách nhiệm cho kế hoạch đào tẩu. Vừa ra vẻ nhạo báng vừa xấc xược, ông ta chẳng nói gì ngoài những lời lẽ khinh bỉ đối với Cách Mạng và bản Hiến Pháp vô giá trị. Ông tuyên bố nhà vua và hoàng hậu thực ra chẳng muốn ra đi. Chỉ là sau vụ bạo động ngày 18 tháng Tư và dưới áp lực của ông  mà hoàng gia bị thuyết phục phải chạy trốn. “Chính ta là người xếp đặt mọi thứ, ra mọi chỉ thị. Chỉ mình ta ra mệnh lệnh, không phải nhà vua. Nếu cần trút cơn giận dữ, hãy trút lên đầu một mình ta.”  Bức thư đã bẻ cong một thực tế đáng kể. Ngay các đại biểu cũng không thể biết hết mọi chi tiết của cáí kế hoạch đào tẩu, họ vẫn có nhiều chứng cớ về việc chính nhà vua đã ký rất nhiều mệnh lệnh cho các thao tác quân đội nhằm dự phòng cho cuộc trốn chạy. Nhưng bức thư của Bouillé mau chóng có ảnh hưởng đến phe ôn hoà trong Hội Đồng, những người hy vọng sẽ duy trì thể chế quân chủ, và trong khía cạnh này, hành động của ông tướng mang lại kết quả nhiều hơn ông mong đợi.

Trong khi cuộc tranh cãi chính thức của các đại biểu về số phận nhà vua hầu như được dập tắt, thì nó lại bùng lên với đầy nhiệt huyết bên ngoài Hội Đồng Cách Mạng. Đặc biệt có 2 nhóm đại biểu  hết sức thụ động và tỏ ra kiên nhẫn trong suốt giai đoạn  lưng chừng đó. Ngày 28 tháng Sáu, theo như nhà quý tộc Ireland de Bazôges, một số đông đảo phe bảo thủ và nhóm thông thái có trí tuệ nhất trong đám thiểu số, đã gặp gỡ nhau bàn luận  về tình thế. Họ vô cùng tức giận với phe đa số  đòi đình chỉ vai trò của vua và nắm quyền hành pháp. Trên thực tế, nhà vua giờ như bị giam lỏng trong cung điện. Họ vẫn tin rằng nhà vua chẳng phạm tội gì cả và nhà vua được quyền đi bất cứ đâu và bất cứ khi nào ông muốn. Theo như viên bá tước de Lécis, tội lỗi của vua có lẽ chỉ là sự mềm yếu  khi ông nói rằng ông yêu mến cái Hiến Pháp mà thực ra trong lòng  không ưa và chỉ muốn vui hưởng cái tự do mà vua đã ban phát cho những người khác mà giờ lại vì chính nó ông bị trói buộc. Một số nhà cách mạng kiên quyết như nam tước de Vaureuil lại rất giận dữ vì nhà vua đã đoạn tuyệt với tuyên bố  hôm 21 tháng Sáu. Còn phong kiến hơn cả nhà vua và chẳng tuân thủ một thoả hiệp nào, ông nam tước đã dùng cơ hội để tuyên bố chối bỏ một loạt các biện pháp Hội Đồng đã thông qua kể cả điều luật dân sự hoá giáo sĩ và việc trấn áp giới quý tộc. Sau một buổi tranh luận dài, khoảng 293 đại biểu phe bảo thủ chính thức phản đối việc đình chỉ nhà vua và trên 250 người trong nhóm thề tẩy chay mọi nghị định tương lai của Hội Đồng. Có thể không nghi ngờ gì rằng việc phản đối của cánh đại biểu phò vương làm bùng lên cái mưu đồ ám ảnh đa số người dân Paris. Có người trong họ đã kết luận rằng đám 250 này chắc chắn đã đồng loã với màn đào tẩu của nhà vua ngay từ lúc đầu.

Cùng lúc đó, ở phía đối lập trong lãnh vực chính trị, phe cánh Jacobin cũng theo dõi và bình luận về những biến cố lịch sử vô cùng nhiệt tâm. Toàn thể hội viên của nhóm, kể cả ôn hoà và cấp tiến, từ lâu đã coi việc khám phá và tố cáo cáí âm mưu (phản Cách Mạng) như một nhiệm vụ chính yếu của họ. Nhưng hầu hết như những người khác, họ vẫn duy trì một xu hướng chung  là cảm thông với nhà vua, luôn luôn xem ông tuy mềm yếu nhưng  có lòng tốt. Bây giờ với chuyện chạy trốn của tới Varennes, đại đa số các thành viên của họ không chỉ cảm thấy nhà vua đã phản bội họ, mà còn kinh sợ vì sự mù quáng của họ đã không dự đoán được chuyện bội phản đó, đã không nhổ  tận rễ cái âm mưu nguy hiểm quá sức này. Có lẽ chính vì cái cảm giác có lỗi, ngay cả nhục nhã đó đã dẫn tới nhiều thành viên Jacobins phản ứng phẫn nộ quá sức đối với việc nhà vua trốn chạy.

Tuy vậy câu lạc bộ tiếp tục chia rẽ, và buổi họp đêm 21 tháng Sáu đặc biệt có sự đối đầu căng thẳng giữa hai nhóm. Robespierre lãnh đạo nhóm cấp tiến tới trước, tấn công phủ đầu các đại biểu đồng viện thật điên cuồng, tố cáo gần như toàn thể đại biểu trong Hội Đồng là phản cách mạng, một số vì kém hiểu biết, một số vì sợ hãi, một số qua sự phẫn vộ và lòng tự hào bị tổn thương, còn có một số vì tham nhũng . Nhưng cánh đại biểu ôn hoà trong câu lạc bộ đến muộn sau đó khoảng 200 người quyết định giành lấy lại quyền kiểm soát. Những cặp đối thủ trước đây như  Charles Lameth  và Lafayette, Barnave và tu viện trưởng Sieyès, tất cả kêu gọi một sự đoàn kết thiêng liêng trong cơn khủng hoảng. Khi người bạn Georges Danton của Robespierre, một tay hùng biện của câu lạc bộ Cordeliers lên tiếng tố cáo Lafayette tội phản quốc, Alexandre Lameth vội vàng lên tiếng bảo vệ. Với tinh thần huynh đệ đang ở mức cao, Barnave đã kêu gọi tất cả các câu lạc bộ thân hữu của cánh Jacobins hãy hoàn toàn ủng hộ Hội Đồng Cách Mạng: “Chỉ có duy nhất Hội Đồng có quyền hướng dẫn chúng ta.” Một đề nghị đã được vỗ tay hoan hô nhiệt liệt. Các đại biểu ôn hoà đã hứng khởi với sự kiện gió đổi chiều. François-Joseph Bouchette viết: “Giờ chẳng còn phe quân chủ hay phe 1789 gì nữa, Mọi người đã thành một khối ủng hộ Hiến Pháp.”

Dù vậy căng thẳng bên trong nội bộ phe phái vẫn cao vời vợi và vấn đề  số phận nhà vua tiếp tục là đề tài nóng bỏng. Trong khi Hội Đồng vẫn chờ đợi, nhóm Jacobins tiếp tục tranh luận vấn đề hầu như hàng ngày. Mặc dù có  một số đại biểu, chẳng hạn như tay cấp tiến Pierre-Louis Roederer, dường như ủng hộ một thể chế cộng hoà, những yêu cầu như vậy thì hiếm hoi và thường bị nhóm ôn hoà bác bỏ nhanh chóng rằng điều đó ngược với Hiến Pháp mà xã hội đã đang ủng hộ. Tuy nhiên, không ai sẵn lòng bào chữa cho hành động của nhà vua và đa số các thành viên không là đại biểu của nhóm đòi hỏi đưa nhà vua ra xét xử và thành lập một chính quyền nhiếp chính. Khi nhiều người trong nhóm đại biểu ôn hoà mệt mỏi vì tham dự những buổi họp hàng đêm đầy tính chiến đấu, Barnave và Alexandre Lameth dường như đã không trở lại từ sau ngày 22 tháng Sáu, hoặc là họ quá bận rộn với những công việc trong uỷ ban của Hội Đồng Cách Mạng, toàn thể câu lạc bộ dường như thu hút vào cách ứng xử đối với một vị vua phản quốc ngay cả khi  họ đã tuyên bố ủng hộ một nền quân chủ.

Số phận của vương triều


Cuộc tranh luận lớn nhất trong phạm vi Hội Đồng Cách Mạng cuối cùng được hoạch định  vào ngày 13 tháng Bẩy với báo cáo chính thức của nhóm “7 ủy ban” có nhiệm vụ đúc kết một tường thuật về những biến cố tại Varennes. Trong ba ngày liên tiếp, khoảng 17 đại biểu đã phúc trình về số phận của nhà vua và của nền quân chủ. 9 người ủng hộ dự thảo xá tội  và 8 người biểu quyết chống lại. Nhiều ngưòi trong số những nhà diễn thuyết tài giỏi nhất của Hội Đồng Cách Mạng và những người khác cũng chuẩn bị phúc trình rất cẩn trọng. Những lãnh đạo phe trung hoà là những bậc thầy trong việc vận hành và biện luận trong quốc hội. Họ phác thảo chương trình thật khôn khéo và đi từng bước tranh luận để có được ưu thế tối đa. Đối thủ của họ, những người thuộc cánh cực tả của nhóm Jacobin cũng mở rộng  tranh luận hùng hồn, nhưng các đề nghị của họ mang nhiều tính cách cá nhân và đôi khi mâu thuẫn nhau.

Để trình bày trường hợp của họ, các uỷ ban đã chọn một vị thẩm phán 30 tuổi ở miền Đông nước Pháp: Hyacinthe Mouget de Nanthou. Mouget xử dụng tối đa bức thư của Bouillé để tranh luận rằng quả thực nhà vua bị bắt cóc, một loại bắt cóc tâm trí, qua áp lực và sự hù doạ nếu không phải qua thân thể. ”Chắc chắn là từ quan điểm luân lý và chính trị, người ta không bao giờ có thể chấp nhận các hành động của nhà vua, vì họ là những người thiếu suy nghĩ và thiếu trách nhiệm. Nhưng điều thiết yếu là các đại biểu phải làm việc theo pháp luật chứ không phải theo cảm tính. Và theo pháp luật, nhà vua chẳng phạm vào tội hình sự nào. Lời tuyên bố của nhà vua vào ngày 21 tháng Sáu có tính cách phi chính trị rõ ràng, nhưng tự nó không phản lại luật pháp. Chuyện đào tẩu của nhà vua chỉ có thể là nền tảng cho việc truất phế ông nếu nhà vua đã rời bỏ đất nước và từ chối trở về. Nhưng qua lời cung khai, nhà vua đã không bao giờ có ý định như thế. Ngay cả nếu như nhà vua có phạm tội, ông cũng không thể bị xét xử, vì Hội Đồng Cách Mạng đã bỏ phiếu miễn xá cho vua gần 2 năm trước.” Từ các cuộc tranh luận trước đó về Hiến Pháp, Muguet đã biện  luận rằng các đại biểu đã quyết định rằng nước Pháp phải là một quốc gia với thể chế quân chủ. Một vị trí quyền lực trung tâm rất cần thiết cho một đế quốc rộng lớn như nước Pháp, nơi mà nhiều phần dễ có khuynh hướng bị chia cắt. Quả thực, việc thiết lập một nền quân chủ là vì đất nước, không phải vì nhà vua. Ở trong hệ thống quân chủ này, điều quan yếu là nhà vua phải được miễn nhiễm khỏi việc xét xử. Nếu nhà vua có thể bị truy tố, bất cứ phe phái nào cũng có thể tấn công ông chỉ vì những lợi ích nhỏ mọn của họ, và như vậy đất nước luôn luôn bị đe doạ vì hỗn loạn và nội chiến như đã từng xảy ra tại Anh quốc 150 năm trước. Những tên tội đồ của biến cố này, và chỉ những cá nhân được nhắc đến trong dự thảo quyết nghị của ủy ban là Bouillé và phụ tá của y. Nước Pháp phải noi gương cách đối xử của Hoa Kỳ đối với tên phản bội Benedict Arnold và trừng trị những tên này theo đúng pháp luật.” Một điều đáng tò mò là Axel von Fersen hiếm khi được nhắc tới và hoàn toàn không nói gì đến nhà vua và hoàng hậu.

Để đáp lại lập luận của ủy ban, phe cấp tiến chấp nhận một số chiến thuật. Pétion và những tay hùng biện khác tấn công vào cái ý tưởng miễn xá. Chắc chắn các vị vua phải có trách nhiệm về những hành động của họ, nếu không sẽ không thể ngăn cản đất nước có một bạo chúa như Nero hay Caligula sa vào tội ác diệt chủng chống lại nhân dân. Sự mìễn nhiễm được Hội Đồng Cách Mạng bỏ phiếu năm 1789 chỉ có thể áp dụng về các hoạt động cho đất nước, không thể  cho các hành vi cá nhân như quyết định của vua Louis trốn chạy khỏi tổ quốc và từ bỏ nhiệm sở của mình. Tuy nhiên, đa phần phe cấp tiến xoay quanh các tranh luận về pháp lý của ủy ban và kêu gọi một điều luật về luân lý cao hơn. Làm sao họ có thể chấp nhận một vị đứng đầu ngành hành pháp mà lại dối trá trắng trợn và lừa gạt Hội Đồng Cách Mạng và toàn thể đất nước thô bạo như thế? Pétion đặt câu hỏi: “Đã bao nhiêu lần Louis tuyên thệ trung thành và tình yêu thương đối với hiến pháp? Nhà vua đã chẳng từng đến chính nơi này, mà không hề  bị triệu hồi, để xác quyết sự gắn bó của ông với Hiến Pháp sao? Ông đã chẳng từng tuyên bố là người kiên quyết bảo vệ nó sao?”  Những hành động như vậy chẳng qua chỉ vẽ vời ra để ru ngủ đất nước để dễ dàng lừa gạt thôi. Mar Alexis Vadier, một thành viên hung bạo Jacobin và sau này cầm đầu nhóm khủng bố, người ít khi có phát biểu trong các cuộc họp đã vô cùng giận dữ. Chỉ mới vài tuần trước đó, ông ta viết gửi cho đơn vị cử tri của mình rất tự tin, chối bỏ hết mọi tin đồn về một cuộc chạy trốn sắp xảy ra. Lúc này ông cảm thấy không chỉ bị phản bội mà còn bị sỉ nhục. Ông công kích Louis thậm tệ: “tên du côn đội vương miện, ông vua trốn chui trốn nhủi đã hèn nhát từ bỏ vị trí chỉ với mục đích làm chính quyền bại liệt và để lại cho chúng ta những kinh hoàng về một cuộc nội chiến và vô chính phủ, Một lão vua mà qua lời tuyên bố phản phé, đã xé nát Hiến Pháp ra từng mảnh.”

Nhiều diễn giả đã nêu lên câu hỏi có tính cách chính trị căn bản về sự tín nhiệm của công chúng và tính chính danh. Robespierre hỏi thẳng thừng: “Làm sao chính quyền có thể thi hành phận sự khi có một lãnh đạo mà mọi người bất tín nhiệm?” Không cần sự hậu thuẫn của công luận, François-Nicolas Buzot tiên đoán: “Chẳng hy vọng gì có được hoà bình dân sự.” Tất cả phe cấp tiến cảm nhận được nỗi lo sợ ám ảnh về một  thể chế cộng hoà của các đại biểu, và họ đã khổ tâm để khẳng định rằng chính họ không muốn từ bỏ thể chế quân chủ. Thế nhưng họ kết luận là nhà vua  phải bị xét xử bằng một phương cách nào đó cho những hành vi của ông: hoặc qua  hệ thống phiên toà thông thường, một cuộc trưng cầu ý dân phổ thông,  hay qua một hội nghị toàn quốc.

Phe trung hoà đưa ra các ngoại lệ từng điểm một đối với hầu hết các điểm tranh luận của phe cấp tiến. Họ chối bỏ một khẳng định cho rằng công luận chống lại nhà vua. Người ta có thể phán đoán vua nghiêm khắc qua nhiệt tâm của đám đông Paris, những người bị kích động bởi vài  tay ký giả nổi loạn và vài thành viên các câu lạc bộ. Những tay xảo quyệt ngoan cố tột bực này chỉ muốn huỷ hoại Hiến Pháp.”  Họ tranh cãi rằng, dù nhà vua sai trái bất cứ gì, đại đa số thần dân Pháp vẫn gắn bó với chế độ quân chủ và coi cá nhân của vua như một vật thể thiêng liêng cần thiết. Bất cứ trong trường hợp nào, xã hội vẫn phải đặt trên căn bản pháp luật. Barnave khôn khéo xử dụng nỗi lo sợ của các đại biểu về những cuộc xuống đường trước đó tại Paris mà nhiều cuộc xuống đường trực tiếp chống lại chính Hội Đồng Cách Mạng. Cho dù bất cứ gì, những người đòi hỏi đưa nhà vua ra toà này cũng đang thực sự muốn tạo nên một thể chế cộng hoà, và một nền cộng hoà cũng chỉ có nghĩa là một tình trạng vô chính phủ cai trị bởi đám đông. Cuối cùng, Cách Mạng phải bị ngăn chặn lại, nếu không những điều rất cơ bản của một xã hội ổn định và về tài sản cá nhân sẽ bị xáo trộn.

Tuy vậy cho đến phút chót, phe trung hoà cảm thấy rằng luật pháp tính và chiến thuật gây sợ hãi có lẽ vẫn không đủ. Vào ngày 15 tháng Bẩy, bản vận động nguyên thủy của ủy ban được thông qua thành luật nhưng chỉ sau khi có những điều khoản tu chính thêm vào việc hứa hẹn những phụ khoản chuyên biệt về các trường hợp mà nhà vua và các vị vua tương lai có thể bị truất phế hay thay thế. Đêm hôm sau 16 tháng Bẩy, phiên bản cuối cùng của các phụ khoản được giới thiệu và thông qua.  Lúc này đã có quyết định rằng vua Louis sẽ không được trở lại ngôi vị ngay tức khắc, nhưng quyền hạn nhà vua sẽ ở nguyên trạng thái đình chỉ cho tới khi bản Hiến Pháp hoàn thành và nhà vua sẽ chính thức ký nhận. Nếu vua từ chối ký, ông sẽ lập tức bị truất phế và  thái tử con ông sẽ lên kế vị  cùng với một  nhiếp chính. Thêm vào đó, các đại biểu cũng bỏ phiếu cho 2 dự luật về việc truất phế vua trong tương lai: Một vị vua hoặc lãnh đạo một quân đội chống lại nước Pháp hoặc nuốt lời thề với Hiến Pháp mà ông đã tuyên thệ trước đó sẽ bị cứu xét để tước ngôi vị vì những hành vi đó.  Điều rõ ràng là nếu điều luật về nuốt lời hứa có trước đó một tháng, vua Louis có lẽ đã mất ngôi vị.

Cuộc bỏ phiếu cuối cùng đã không được ghi chép lại. Antoine Thibaudeau cho rằng nhiều đại biểu lúc đầu đã có kế hoạch chống lại việc xá tội nhà vua. Nhưng sau khi lắng nghe các cuộc tranh luận và sau một loạt các tu chính được thông qua, chỉ có 8 người trên tổng số mấy trăm đại biểu không chấp nhận dự luật của ủy ban. Chúng ta sẽ không bao giờ biết tại sao các đại biểu đã bỏ phiếu ra sao. Trong thư từ gửi về nhà, họ gặp khó khăn trong việc giải thích quyết định của họ cho gia đình và thân hữu. Nhiều người than vãn là họ đã khổ tâm như thế nào cho sự chọn lựa đó. Hầu hết viện hết lý do này đến lý do khác, hoặc tóm tắt lại những biện luận của Muguet hay Barnave hay của ai đó, đôi khi nhắc lại nguyên văn từng chữ bài diễn văn của họ mà chẳng chỉ ra cái lý luận nào mang tính quyết định nhất. Nào là điều thiết yếu là phải tuân theo luật pháp. Nào là nhà vua chẳng vi phạn tội gì; nhà vua không thể bị truy tố; một thể chế cộng hoà không bao giờ thích hợp cho một quốc gia rộng lớn như nước Pháp (ngay cả khi chẳng có đại biểu nào thực sự đề nghị một nền cộng hoà); nào là việc xét xử hay truất phế nhà vua có thể sẽ gây ra nội loạn và chiến tranh với nước ngoài. Đáng kể là, có 2 người trong số đại biểu chống lại việc xét xử nhà vua bởi vì  họ được thuyết phục rằng nếu nhà vua  có tội sẽ bị đưa lên giàn treo cổ: “Việc truy tố một vị vua không phải chuyện đùa, bởi vì chúng tôi nghĩ rằng bất cứ vị vua nào bị truy tố chắc chắn sẽ mất mạng.” Có một vấn đề dường như đặc biệt lan rộng nhưng lại không bao giờ được nói đến trong các cuộc tranh luận trên văn bản chính thức là sự lo sợ của các đại biểu về việc phải loại bỏ bản Hiến Pháp mà họ đã dầy công soạn thảo trong thời gian dài và đã đầu tư biết bao nhiêu công sức và cảm xúc vào đó. Đối với Félix Falcon, một chiến thắng cho phe cấp tiến sẽ có nghĩa rằng: “đây là bản Hiến Pháp đã gây ra bao nhiêu đấu tranh và hy sinh của họ trong suốt 2 năm trời. Bản hiến pháp mà khi hoàn tất sẽ ngăn lại mọi biến động có tính bạo lực và thay thế bằng niềm vui sướng cho công chúng.  Rằng lúc đó nó sẽ không cần hiện hữu.” Tay sản xuất rượu vang Burgundy tên Claude Gantheret cũng viết cùng một ý tưởng một cách ngắn gọn: “Công sức tôi đổ ra cho bản Hiến Pháp làm tôi thật đau đớn khi nghĩ đến chuyện thay đổi nó.”

Và còn rất nhiều đại biểu trong cách giao lưu cá nhân của họ đã biểu hiện sự vỡ mộng lớn lao qua trải nghiệm này và tỏ ra bi quan cho tương lai. Mặc dù bỏ phiếu theo phe đa số, Gantheret thú nhận rằng anh ta không thể nào quên những lời lẽ của Henri Grégoire : “ Ngay cả khi nhà vua đồng ý ký vào Hiến Pháp, làm sao một người đã phản bội lời thề đã từng ba bốn lần tuyên thệ có thể đáng tín nhiệm?”  Durand cũng thú nhận có cảm giác bị khủng bố  khi ông nghĩ đến quyết định của mình. Lindet, người dường như cuối cùng cũng bỏ phiếu duy trì vương triều đã thố lộ sự ghê tởm của mình trong toàn sự kiện với người em trai, một thành viên tương lai của ủy ban an toàn công cộng: “Chúng ta cần một vị vua. Thế nhưng chúng ta đã phải chọn một kẻ khờ dại, một thằng người máy, một kẻ phản quốc, một nhân chứng giả dối. Đó là một người  mà thiên hạ căm ghét, một người mà dưới danh nghĩa của hắn, những tên vô lại nắm quyền cai trị.” Ông ta tin rằng Barnave và những người khác đã sai lầm và bất công khi họ gán cho sự chống đối của quần chúng chống lại nhà vua là do sự xúi giục của vài nhà báo. Thường dân Paris thực sự khinh bỉ Louis. “ Chúng ta có thể hy vọng gì nơi một nhà lãnh đạo hèn hạ như thế? Thật khó có thể tưởng tượng là tình hình sẽ duy trì được hoà bình lâu dài.”

Cuộc tàn sát tại Champ de Mars


Trong suốt những ngày trước đó, cư dân Paris theo dõi sát các cuộc tranh luận của các đại biểu và ít khi lái qua chuyện khác. Khoảng thời gian lưng chừng này khi Hội Đồng Cách Mạng tạm trì hoãn trách nhiệm giải quyết vấn đề đã khuyến khích vô số cá nhân suy luận sự kiện theo cách riêng và nhiều người đã tự đưa mình vào phe bên này hoặc bên kia, chống hoặc theo phe bảo hoàng, chống hay theo phe cộng hoà. Phát biểu về cuộc bỏ phiếu của Hội Đồng Cách Mạng ngày 15 tháng Bẩy lan ra thành phố vào buổi chiều tối  nhanh như điện giựt, làm nổ bùng lên những tranh luận tại khắp quán cà phê, đường xá, công viên nơi có đông người tập trung. Số đông đáng kể người dân Paris, đặc biệt trong các khu phố giàu có đã mạnh mẽ ủng hộ quyết định, vì lo sợ rằng bất cứ giải pháp nào khác có thể dẫn đến bất trắc và nguy hiểm. Tại quán cà phê Saint-Martin ở phía Bắc Paris, nghe nói đã có trên 100 người hoan hô với sự đồng ý. Nhưng cũng rất đông người cũng đã cuồng nhiệt phản ứng chống lại nghị quyết này, tố cáo Hội Đồng là quá nhu nhược hay đồng loã với  sự phản quốc của nhà vua. Trong quán cà phê Procope bên phía tả ngạn, một địa điểm mà Voltaire và những nhà Khai Sáng khác đã từng tập trung uống mừng,  có tiếng la lối cuồng nộ trong số những người chống đối. Tại hoàng cung và sân triều đình bên ngoài khu Hội Đồng Cách Mạng, người ta ầm ầm kéo đến la ó phản đối.  Du khách Desbassayns đã vô cùng ngỡ ngàng và sợ hãi vì những ý kiến xung đột và sự chia bè kết phái gia tăng: “Cả hai  phía đều trở nên giận dữ thêm đến nỗi họ coi đối thủ  như những kẻ thù cá nhân.” Nhà bán sách Nicilas Ruault viết: “Dân chúng trở nên giận dữ. Cả thành phố trở nên náo động đáng sợ, từ cái công viên ngay trước mặt Hội Đồng Cách Mạng cho tới quán xá nhỏ bé nhất. Sự phẫn nộ và kích động chống lại nhà vua và “7 Ủy Ban” như giọt nước tràn ly.”
Ngay trong lúc xảy ra phản ứng hỗn loạn tự phát, nhóm Cordeliers và nhiều hội thân hữu anh em đã nhanh chóng bắt đầu huy động sự đáp trả có tổ chức hơn. Hàng ngàn ủng hộ viên của họ, dân chúng từ những khu vực xuất bản sách báo và đám Sans-Culottes trong khắp Paris đã đi đến  trụ sở Hội Đồng Cách Mạng không lâu sau đó để đưa thêm một thỉnh nguyện thư nữa đã được soạn thảo trong ngày, thúc giục Hội Đồng xem xét  lại quyết định. Khi 5 người xuống đường được phép vượt qua hang rào vệ binh quốc gia bảo vệ để tiến vào trụ sở, họ được nghe chính Robespierre và Pétion cho biết là không may Hội Đồng đã quyết định xong và thỉnh nguyện thư của họ trở nên vô dụng. Thất vọng và giận dữ, một phần tử trong đám đông bèn băng qua khu vực hữu ngạn giàu có, ép buộc các rạp hát, nhạc kịch phải đóng cửa như một dấu hiệu “để tang”, giống hệt như họ đã làm trong cuộc bạo động tháng Bẩy 1789.  Những người khác tràn qua khu vực hoàng cung tham dự vào cuộc xuống đường tuần hành vĩ đại ngoài trời do phe cấp tiến hội các THân Hữu của Sự Thật tổ chức đêm đó. Các diễn giả tỏ ra đối nghịch mạnh mẽ hơn. Họ tuyên bố không bao giờ chấp nhận quyết nghị của Hội Đồng mà không hề có trưng cầu ý dân, ám chỉ một cách rõ ràng rằng họ không còn thừa nhận tính chính danh của Hội Đồng Cách Mạng. Đến 9 giờ đêm, nhiều ngàn người đã di chuyển sang khu câu lạc bộ Jacobin để tiếp tục phản đối.
Tại đây, đám đông thấy phe nhóm Jacobin đang trong cuộc tranh luận chia rẽ  về phản ứng nào tốt nhất đối với bản quyết nghị mới. Khi hàng trăm người xuống đường tìm cách mở được cánh cổng khoá trái bên trong và mọi người uà tiến vào, hội trường trở nên hỗn loạn. Bị sốc vì chiến thuật dùng áp lực của đám đông và giận dữ với sự tiếp tục chống đối của phe cấp tiến đối với quyết nghị của Hội Đồng, gần như tất cả các đại biểu bỏ ra về, thề sẽ tẩy chay câu lạc bộ luôn. Số người còn lại lúc đầu cố thương lượng với cánh Cordeliers và các hội Thân Hữu, hứa hẹn sẽ soạn thảo và đưa thỉnh nguyện thư riêng của họ lên. Thế nhưng bây giờ, đám đông đòi hỏi một chế độ  cộng hoà và không thừa nhận Hội Đồng, và nhóm Jacobins kể cả Robespierre và Pétion  cùng một số đại biểu  còn ở lại câu lạc bộ đã từ chối phủ nhận Hội Đồng mà họ tùy thuộc vào. Cuộc thương lượng tiếp tục cả đêm và qua tới ngày hôm sau, sau khi đám đông đã rút. Nhưng cuối cùng, ban lãnh đạo nhóm Jacobins bác bỏ toàn bộ thỉnh nguyện thư và phe Cordeliers cùng thân hữu buộc phải đẩy tới trước đường lối riêng của họ.
Các thành viên của Hội Đồng Cách mạng theo dõi những biến cố này với sự giận dữ và mất kiên nhẫn. Lúc này, trong nhiều ngày công viên bên ngoài trụ sở của họ đã thành một địa điểm tập họp của những người chống lại sự hoà giải với nhà vua. Mặc dù có các đội ngũ đông đảo vệ binh sẵn sàng trong vị trí, các đại biểu không thể nào đi vào phòng họp mà không  phải đi ngang qua đám đông những hàng người nam nữ giận dữ la ó chửi rủa, tố cáo họ tội phản bội, đôi khi còn vung lao vung gậy lên. Giận dữ vì sự bất ổn mỗi ngày mỗi lớn thêm trong thành phố trong nhiều tháng, phe trung hoà đang nắm quyền kiểm soát Hội Đồng Cách Mạng  giờ giải quyết bằng cách đối đầu để thoát khỏi sự đe doạ của công chúng một lần cho xong. Vào ngày 16 tháng Bảy, viên thị trưởng Bailly được triệu hồi tới trước Hội Đồng và bị công khai khiển trách vì sự dung túng cho các hành động của đám đông. Đặc biệt Charles Lameth rất cương quyết. Ông ta biện luận rằng mọi bất ổn là do một nhóm nhỏ người gây rối kích động xúi giục có lẽ do  bọn nước ngoài mua chuộc và những người hướng dẫn một cách sai lạc cư dân Paris theo họ hành động chống lại chính lợi ích của mình. Ông ta muốn nghiêm khắc trừng phạt Bailly và các nhà lãnh đạo thành phố vì đã nhắm mắt làm ngơ trước những hỗn loạn, và ông cũng đòi hỏi rằng họ phải dùng mọi phương tiện Hiến Pháp cho phép để khám phá và trừng phạt bọn kích động và bảo đảm bình an và sự ổn định cho toàn thể công dân.
Suốt buổi chiều và buổi tối ngày 16 tháng Bẩy, phe Cordeliers và các đồng minh thận trọng đặt kế hoạch cho một buổi ký thỉnh nguyện thư thật lớn lao sẽ xảy ra vào ngày hôm sau, cho dù câu lạc bộ Jacobins có ủng hộ hay không. Dân quân từ khắp nơi trong thành phố sẽ tập trung tại công trường tự do gần khu vực ngục Bastille đã bị phá vào lúc 11 giờ sáng để diễn hành qua  phố  tới vận động trường Champs de Mars, đi theo đúng lối đi mà các nhà lãnh đạo quốc gia và thành phố đã đi 3 hôm trước trong ngày  mừng lễ 14 tháng Bẩy. Dấu hiệu dường như thật rõ ràng: các hiệp hội thân hữu anh  em giờ thay thế cho giới quản trị ưu tú mà quyền bính của họ không còn được công nhận nữa. Những người cầm đầu thành phần chống đối cũng hăng hái duy trì một cuộc xuống đường bất bạo động và đưa ra các chỉ thị rằng không ai được mang theo vũ khí, dù chỉ là một cây côn hay gậy gộc. Nhưng một số cá nhân dự đoán sẽ có rắc rối, và đã có  những bàn luận nên mang theo những túi đầy đá trong trường hợp bị đám vệ binh bảo vệ trấn áp. Một số người còn mang theo súng ngắn giấu trong áo.
Cuối cùng, cuộc diễn hành qua phố đã không thể thực hiện. Lafayette và những người phụ tá đã được thông báo về kế hoạch của đám diễn hành, và đám vệ binh bảo vệ luôn bận rộn suốt đêm giải tán các cuộc tụ họp ngoài đường bất cứ nơi nào họ nhìn thấy. Sáng sớm hôm sau Chúa Nhật 17 tháng Bẩy, khi các hiệp hội quần chúng  cố gắng tụ tập tại công trường Bastille, họ thấy hàng trăm vệ binh đã chiếm trọn vị trí và ngăn chận họ lại. Sau một khoảnh khắc lúng túng, những người xuống đường từ bỏ kế hoạch diễn hành qua phố mà tỏa ra mọi nẻo đường có thể đi được để đi đến Champs de Mars.
Mặc dù ban tổ chức đã nỗ lực hết mình, vẫn có một số bạo loạn xảy ra trong ngày. Có lúc người ta ném đá vào đám vệ binh và có người đã cố bắn Lafayette nhưng khẩu súng đã bị kẹt đạn. Tuy nhiên, sự kiện nghiêm trọng nhất trong ngày xảy ra ngay tại vận động trường, và nó đã làm thay đổi toàn bộ sắc thái của biến cố. Vào gần giữa trưa, trước khi  các hiệp hội anh  em  và các ủng hộ viên của họ tới, một nhóm người thuộc khu lân cận cùng  tham dự tại Champs de Mears quan sát thấy có 2 người đang ẩn núp tại bàn thờ Quốc Tổ nằm ngay trung tâm của vận động trường. Một tay trai trẻ có nghề làm tóc giả và một người già hơn có một chân gỗ đang lom khom với một túi rượu và đồ ăn cùng với một số dụng cụ thợ mộc. Sau này, các nhà bình luận tin rằng, có lẽ 2 người này chỉ tính khoan vài lỗ để nhìn trộm đám đàn bà từ bên dưới khi họ đi ngang qua bàn thờ để ký thỉnh nguyện thư. Tuy nhiên, tin đồn lan ra nhanh chóng rằng họ đang âm mưu cho nổ bom giết các nhà ái quốc. Một ít người trong đám đông muốn hộ vệ 2 tội nhân giải qua giới chức địa phương có thẩm quyền để thẩm vấn, nhưng những người khác, bao gồm một nhóm thợ thuyền,  các bà nội trợ và các công nhân khác đang sống gần đó đã bắt giữ 2 người lôi đi xử tử ngay tại chỗ rồi cắt cổ bêu đầu.
Một khi buổi lễ ký kết thỉnh nguyện thư đã bắt đầu, mọi việc dường như tiến hành trôi chảy và an bình. Bây giờ, phe Jacobins đã rời bỏ khu vực. Franҫois Robert, một nhà báo thuộc cánh Cordeliers cực đoan đã in ấn các truyền đơn cộng hoà tháng Mười Hai năm trước, ngồi trên những bậc cấp tại bàn thờ, ông đặt một tấm ván lên lòng và đặt bản thỉnh nguyện thư lên trên. Bản thỉnh nguyện thư mạnh mẽ tố cáo Louis XVI và tuyên bố rằng ý nguyện của nhân dân là chấm dứt vương triều. Bản thỉnh nghuyện thư cho rằng lúc này Hội Đồng Cách mạng bị chi phối bởi 250 đại biểu bảo hoàng, những người từ chối lên án nhà vua. Mặc dù Robert thận trọng né tránh từ ngữ “cộng hoà”, nhưng ý nghĩa thật rõ ràng: “Các đại biểu bị thúc giục phải cứu xét lại quyết nghị và  triệu tập một bộ phận cử tri đoàn mới để phán xét đối tượng có tội (nhà vua) và thay thế  vua bằng một tổ chức hành pháp mới. Đó là một sự kêu gọi rất rõ ràng cho một cuộc cách mạng mới và một cuộc bầu cử Hội Nghị Toàn Quốc để thành lập một chính quyền trung ương không có vua cầm đầu.
Bẩy hay tám bản sao tờ thỉnh nguyện thư được nhanh chóng in ra và đặt ở nhiều vị trí khác nhau quanh vận động trường. Chẳng bao lâu, hàng đoàn người dài nối đuôi nhau để ký tên hay điềm chỉ vào đó. Giờ đây chúng ta chỉ được nghe kể lại từ những người đã xem văn kiện chính thức trước khi nó bị phá huỷ vào thế kỷ 19. Theo họ thì đã có khoảng 6000 người đã ký tên vào đó cho đến khi buổi lễ bị gián đoạn. Họ đại diện cho đủ mọi thành phần dân chúng Paris. Một số ít họ là các chuyên gia, công chức địa phương và có cả vệ binh quốc gia, nhưng đa số là thành phần dân lao động cả nam lẫn nữ, có nhiều người không biết ký tên. Có ước chừng 50,000 người khác cũng lợi dụng một ngày Chúa Nhật đẹp trời để đổ ra đường theo dõi các  diễn tiến.
Nhưng trong mắt của Hội Đồng Cách Mạng Quốc Gia (HĐCMQG), hành vi bất bạo động của đại đa số những người ký thỉnh nguyện không thể che lấp nổi cảnh giết người trước đó hay sự đe doạ tiềm ẩn của nó cho sự toàn vẹn của lãnh đạo Cách Mạng. Vào lúc xế trưa, Hội Đồng lại tuyên bố ra một bức thư phẫn nộ gửi tới Bailly và hội đồng quản trị địa phương, yêu cầu họ phải có những biện pháp mạnh mẽ và hữu hiệu nhất để ngưnng lại tình hình vô trật tự và tìm cho ra những tay kích động. Michel-Louis Regnaud, một tay hùng biện trẻ thuộc vùng Tây Nam nước Pháp lớn giọng: “Đã đến lúc phải áp dụng sự  nghiêm khắc của pháp luật.”  Quả thực, nếu luật lệ trong tay ông ta: “Tôi sẽ lập tức tuyên bố thiết quân luật.” Trong cái trạng thái ngày càng thêm bất ổn và dưới sức ép liên tục của Hội Đồng (HĐCMQG), hội đồng thành phố cuối cùng phải hành động. Trong một bài diễn văn, thị trưởng thành phố nối kết toàn bộ sự kiện với một âm mưu của bọn gián điệp nước ngoài: “Rõ ràng có một âm mưu chống lại Hiến Pháp và đất nước được hỗ trợ tài chính từ bọn nước ngoài nhằm mục đích chia rẽ chúng ta. Chính họ đamg ẩn núp đàng sau đủ thứ nguỵ trang để xúi giục các phong trào quần chúng.”  Chúng ta sẽ không bao giờ biết viên thị trưởng có thực sự tin những gì ông nói hay đơn giản chỉ là tự biện hộ cho mình trong một tình thế không thể nói khác. Nhưng vào lúc 5 giờ rưỡi chiều, Jean-Sylvain Bailly, một nhà khoa học và hội viên viện hàn lâm Khai Sáng, bạn một thời của Voltaire và Benjamin Franklin, đã ra lệnh trương cờ đỏ biểu hiệu sự áp đặt tình trạng thiết quân luật trong  hội trường thành phố và  tuyên bố tổng động viên.
Vào lúc 6 giờ rưỡi, ông  ra khỏi hội trường thành phố, cùng đi với  ông có một bộ phận của hội đồng thành phố và 2 đội kỵ binh vũ trang. Các nhân chứng nhãn tiền tuyên bố rằng họ được mgười dân hoan hô khi đi ngang qua thành phố, nhưng rải rác cũng có những tiếng la chế nhạo, đặc biệt sau khi họ đã vượt qua sông Seine đi về phía tả ngạn. Tới gần vận động trường, họ gặp Lafayette và thêm nhiều đội vệ binh đã tề tựu tại chỗ.  Tới lúc này những mgười xuống đường và người đi xem trong hội trường bắt đầu cảnh giác với đội quân đi tới. Nhưng nghị định chính thức của thiết quân luật xác định rõ ràng rằng không được xử dụng lực lượng võ trang cho tới khi thị trưởng thành phố đã tuyên bố xong ba chỉ thị liên tiếp nhau yêu cầu đám đông giải tán. Những người cầm đầu cuộc xuống đường hối thúc mọi người giữ bình tĩnh và không bỏ đi cho tới khi có mệnh lệnh đầu tiên trong trong ba chỉ thị được ban hành.
Khi những vệ binh vũ trang đầu tiên tiến vào hành lang đi vào vận động trường qua cái bờ kè bằng đất được xử dụng như một khán đài lớn, nhiều người xuống đường bắt đầu la lớn phản đối: “dẹp gươm đao, dẹp cờ quạt đi.” Không lâu sau, vài người ở các khán đài chung quanh ném đá vào đám vệ binh. Chuyện xảy ra sau đó thì hỗn loạn mập mờ mà người ta kể lại tuỳ theo vị thế chính trị của các nhân chứng. Một cách hiển nhiên là sau một ít phút, có một tiếng súng nổ, viên đạn không chắc có gần thị trưởng Bailly không nhưng trúng vào hông một tay kỵ binh làm anh ta té xuống ngựa. Được cảnh báo là có bạo động chống lại họ, vệ binh liền mau chóng tiến vào với nhịp trống dồn dập và chiếm lấy vị trí bên trong vận động trường đối diện ngay mặt Bắc của bàn thờ trung tâm. Không có một lệnh lạc giải tán nào theo như luật định được loan báo. Bọn lính tuyên bố rằng, lúc đầu họ đã bắn nhiều loạt đạn cảnh báo lên trời. Nhưng với hàng loạt đá sỏi ném vào họ, còn những người xuống đường khác cố đâm thủng trống của họ, vệ binh đã bắn vào đám đông, nhắm chính vào những người đang đứng trên các khán đài, nhưng cũng bắn cả vào những người đứng dưới sân.  Lớp vệ binh thứ hai tiến vào từ phía đối diện với bàn thờ và bắt đầu đột kích về hướng Bắc trong một thế tấn công gọng kềm bắt giữ nhiều người. Rõ ràng có nhiều vệ binh cưỡi ngựa đuổi theo người ở bên ngoài vận động trường tới những cánh đồng và vườn tược chung quanh, giẫm đạp lên một số người và vung kiếm chém nhiều người khác. Theo như ông già Nicolas-Célestin Guittard de Floriban, người có mặt tại hiện trường và không có thiện cảm với những người biểu tình thì việc bắn giết tiếp tục trong ít nhất 3 phút. Một sự hoảng loạn thông thường xảy ra, và để tự cứu mình, người ra xô đẩy và giầy xéo lên đàn bà trẻ em. Ông ta tường thuật rằng, nhiều thương vong ở trong số những người qua đường, những người mà trong mọi tình huống thường bị thu hút vì sự hiếu kỳ và vì một ngày Chúa Nhật đẹp trời.
Khi đám lính ngưng tấn công, đã có mấy chục người cà nam lẫn nữ bị thương hay hấp hối nằm la liệt trong hội trường hay trên các cánh đồng chung quanh. Không có tài liệu nào cho biết con số chính xác. Chính viên thị trưởng Bailly trong bản báo cáo ngày hôm sau đã tuyên bố là chỉ có 12 người biểu tình và 2 quân nhân bị giết. Nhưng anh chàng Guittard, một người thường rất cẩn trọng đã nổi giận khi nghe câu tuyên bố của Bailly: “Ông ta nói không đúng. Thật là tàn tệ quá! Ai cũng biết số người bi giết đông gấp bội.” Một cư dân sống gần đó đi thăm bệnh viện bên ngoài vận động trường đã chứng minh rằng ông ta đã nhìn thấy người chết nằm la liệt khắp nơi. Hàng loạt các đánh giá đương thời đã định thêm số lượng từ vài chục tới trên 2000 người. Nhưng Franҫois Robert, người đã thành công trốn khỏi hiện trường và ẩn náu vào thời điểm đó cùng với vợ chồng Marie-Jeanne Roland thì tuyên bố  vào khoảng 50 người bị sát hại và rất đông số lượng người bị thương. Đây là con số được xử dụng vào thời điểm xét xử Bailly trong giai đoạn Khủng Bố và có lẽ được các sử gia đánh giá đáng tin cậy nhất.  

Hành động trốn chạy bất thành của nhà vua và những nỗ lực của HĐCMQG để chống chọi với những hậu quả của nó đã dẫn đến một cuộc tắm máu trong nội thành Paris. Ngay cả với số đông cư dân Paris ủng hộ quyết định của Hội Đồng về nhà vua cũng bị sốc vì nhữnh cảnh bắn giết tại Champs de Mars. Guittard viết rằng: “Không ai có bao giờ có thể quên tội ác khủng khiếp này.”

No comments: