Khi nhà vua chạy trốn - Chương 8

Chương 8: Những năm tháng sau đó


Khi người dân Pháp nam nữ tại các tỉnh lỵ chấm dứt tranh luận về số phận của nhà vua, một làn sóng đàn áp đã nhấn chìm cả thành phố Paris. Trong hơn một tuần lễ sau vụ bắn giết tại Champ de Mars, lá cờ đỏ thiết quân luật tiếp tục tung bay trên nóc hội trường thành phố. Các nhà ái quốc trung hòa làm chủ Hội Đồng Cách Mạng Quốc Gia (HĐCMQG) theo đuổi chính sách tấn công của họ chống lại tất cả những người chủ trương cộng hòa, gọi họ là bọn gây rối. Để làm mạnh thêm sự trấn áp, các đại biểu gấp rút soạn thảo một nghị quyết mới chống gây rối.  Các hình phạt nghiêm khắc được áp đặt lên bất cứ ai bị cho là đã kích động bạo lực bằng lời nói hay bằng văn bản của họ. Luật còn được soạn thảo để có hiệu quả hồi tố, nhắm mục đích vào những hành động đã xảy ra vào thời điểm trước và trong cuộc xuống đường ngày 17 tháng Bẩy. Oái ăm là chỉ  mới ba ngày trước, nhiều nhà lập pháp đã tranh luận về sự bất hợp pháp của những sự trừng phạt có tính hồi tố này khi nó được đề xuất để chống lại các hành động của nhà vua.

Mặc dù các cuộc điều tra đều do các toà án thị xã và cảnh sát Paris chính thức trực tiếp điều khiển, chúng lại được giám sát bởi ủy ban Nghiên Cứu và Báo Cáo của HĐCMQG. Trong vòng vài ngày sau biến cố Champ de Mars, hơn 200 người đã bị bắt giam vì tội ném đá hay la hét những lời lẽ chống lại vệ binh hay đủ thứ tội lỗi khác. Chính quyền cũng theo dõi các tay lãnh đạo cộng hòa, những người phát ngôn chính thức của các hiệp hội thân hữu và các nhà xuất bản báo chí cấp tiến, những người như Marat, Danton, Desmoulins, Kéralio và Robert.

Và cũng giống như nhiều viên chức tỉnh lỵ đối diện với cuộc khủng hoảng nhà vua trốn chạy, HĐCMQG và các nhà lãnh đạo Paris đã không chần chừ trong việc kiềm chế các luật lệ chỉ vừa mới ban hành trước đó. Họ ra lệnh cho vệ binh và cảnh sát đóng cửa các cơ sở xuất bản và các câu lạc bộ chính trị, lần đầu tiên áp đặt một chế độ kiểm diuyệt báo chí gắt gao kể từ khi chấm dứt thể chế quân chủ tuyệt đối. Họ cũng cho tái hoạt động một hệ thống thông tin mật vụ đã từng bỏ đi một phần lớn từ khi còn chế độ cũ. Nhân viên được phái đi nghe lén đàm thoại riêng tư trong các quán rượu hay ở mọi ngõ ngách trong thành phố, lắng nghe mọi cuộc tấn công vào chính phủ có thể xảy ra. Giả vờ làm một cuộc điều tra dân số trong cả thành phố, họ gửi người tới các nơi cư ngụ khắp thành phố Paris để tìm kiếm các cá nhân hoặc các văn kiện tình nghi. Việc bắt giam và truy tố kéo dài liên tục qua tháng Tám. Nhiều người phàn nàn đã bị giam giữ nhiều tuần lễ trong các nhà tù chật hẹp mà chẳng thấy một quan tòa nào, cũng không được cho biết lý do vì sao bị bắt.  Cochon de l’Apparent, một trong những viên trưởng phòng cũ Uỷ Ban Điều Tra đã thành thực cho biết lý do của những hành động trên. Ông ta phát biểu theo giọng điệu của Charles Lameth: “Trong những giây phút lạ thường của cuộc khủng hoảng này, khi sự tồn tại của đất nước trong cơn nguy biến là cấp thiết, việc bắt giữ bất hợp pháp là có thể chấp nhận được.”

Việc trấn áp xem ra được bảo đảm hơn với các kế hoạch bí mật lan rộng, giờ bị coi là tổ chức để chống lại Cách Mạng. Điều đó đơn giản không thể xảy ra hay các đại biểu trung hòa đã cố tự thuyết phục rằng những người đưa thỉnh nguyện thư trong vụ Champ de Mars đã hành động theo ý riêng của họ chống lại các quyết nghị của Hội Đồng Quốc Gia Tối Cao. Họ chắc chắn đã được hối lộ hay bị hướng dẫn sai lạc bởi những ngưởi bên ngoài.  Mặc dù các đại biểu cũng đã từng làm những tố cáo tương tự từ khởi đầu của cuộc Cách Mạng, hầu hết đã cố chống cự lại một sự giải thích về các biến cố có âm mưu. Vào cuối năm 1790, đại biểu Gaultier đã phản ánh những tiên đoán trước đây về các cuộc nổi loạn khi chúng chưa thành hiện thực. Ông viết: “Tôi đã chưa bao giờ đặt sự tín nhiệm vào chúng và quý vị đã thấy là những sự tin tưởng như vậy hoàn toàn không bằng chứng. Không gì có thể gây nên sợ hãi trong số người thường dân hơn là những tuyên bố sai lạc về các âm mưu.” Nhưng bây giờ hầu hết mọi người xem ra rơi vào một trạng thái hoang tưởng.  Không chỉ trên ngôn từ diễn văn mà còn qua thư từ cho bạn bè và cử trị ở quê nhà, họ nói về những âm mưu phản cách mạng xảo trá và tiền bạc do lực lượng ngoại bang cung cấp. “Paris đã bị chi phối bởi một lũ gián điệp nước ngoài. Vàng của bọn Phổ và bọn Anh quốc đã đang lưu hành rộng rãi khắp thủ đô để làm suy sụp một số thường dân chưa được khai sáng.” Vài đại biểu trung hòa còn tự trấn tĩnh mình rằng những đối thủ cấp tiến của họ trong Hội Đồng Quốc Gia như Robespierre, Pétion và nhiều người khác đang được đám gián điệp như vậy chi trả.
Mặc dù bọn gián điệp chắc chắn có mặt tại Paris, chẳng có chứng cớ đáng tin cậy nào được thấy có sự kết nối của gián điệp nước ngoài với việc cổ võ cho chế độ cộng hòa vào mùa hè 1791. Một điều không thể né tránh là hầu như toàn thể cư dân Paris đã mạnh mẽ chống đối cả các hành động cũng như cách diễn dịch của HĐCMQG. Marie-Jean ne Roland cùng với chồng, hai người đã bí mật che giấu cho Kéralio và Robert khỏi bị cảnh sát bắt, đã đắng cay giận dữ với những sự việc xảy ra. Bà viết: “Tất cả mọi kỹ thuật  trong hệ thống tra tấn được huy động để truy khảo các người yêu nước để bôi đen  danh tiếng của họ, nào là một lũ lầm đường lạc lối, bọn kích động bạo lực với đủ mọi loại thành kiến cùng những chứng cớ giả mạo. Ông bạn người Mỹ William Short cũng vô cùng sửng sốt. Ông viết cho Jefferson: “Những nguyên tắc thật sự của tự do đã bị công khai vi phạm mỗi ngày dưới cái lý cớ được biết từ lâu là vì lợi ích quần chúng.  Không hề có một hành động nào về sự hiện hữu của cái quy định thời hạn được tạm giữ hay là vô cùng khó khăn để giúp đỡ người vô tội ra khỏi nhà tù.” Đối lại, những người chủ trương chế độ cộng hòa lại tin rằng các đối thủ của họ trong HĐCMQG bị kiềm chế bởi đám quý tộc và các chính phủ nước ngoài.

Toàn thể các khu ngoại ô Paris giờ bị phân tán vì sự việc, chia ra giữa những người ủng hộ với những người xuống đường tại Champ de Mars và những người ủng hộ việc đàn áp. Như tại Saint-Marcel. nhiều cá nhân phục vụ trong các đơn vị vệ binh được biết đã nả súng bắn vào những thỉnh nguyện viên hôm 17 tháng Bẩy bị tấn công hay khạc nhổ và gia đình họ bị đe dọa. Hai người đứng đầu Paris là thị trưởng Bailly và viên tướng Lafayette được nhiều thành phần dân chúng khen ngợi. Nhưng đối với những người khác, họ đã trở nên đối tượng bị thù ghét cực độ. Sự đối đầu được minh hoạ thật bi thảm với sự rạn nứt chia rẽ của câu lạc bộ Jacobin Paris. Vào khoảng giữa cuộc khủng hoảng, gần như hầu hết các đại biểu của câu lạc bộ đã bỏ ra khỏi phòng họp với lời tuyên bố rằng xã hội {Pháp} hiện giờ dưới bàn tay cùa những kẻ  ngoan cố bên ngoài chỉ muốn lật đổ nhà vua. Chỉ có một số nhỏ các đại biểu, trong đó có Pétion và Robespierre lúc đầu giữ nguyên lòng trung thành. Dần dần, trong quá trình diễn tiến của mùa hè, vào khoảng 60 tay cấp tiến trong Hội Đồng quay trở lại với xã hội. Nhưng nhóm bất đồng chính kiến đông đảo hơn, được dẫn đầu bởi Barnave và anh em  Lameth đã tạo nên một câu lạc bộ  đối đầu ở tại tu viện Feuillant  bỏ hoang ở ngay bên kia đường đối diện trụ sở Jacobins. Họ từ chối tất cả mọi nỗ lực xếp đặt một cuộc hoà giải. Trongnnhiều tháng kế tiếp, hai phe Jacobin và Feuillant  đối đầu nhau trong sự ganh đua ngày càng đắng cay hơn, cố tranh giành quyền lực và ảnh hưởng, không chỉ tại Paris mà trên toàn quốc. Nhiều hội đồng bầu cử cho cơ cấu lập pháp mới diễn ra trong các thị trấn trên toàn lãnh địa đã ghi lại những đối đầu của những người ủng hộ  địa phương giữa hai phe Jacobins và Feuillants.

Những ngày tháng tươi đẹp của thời kỳ đầu Cách Mạng khi người yêu nước cảm thấy tự tin rằng một hỷ nguyên hạnh phúc mới và sự đoàn kết quốc gia đang ở trong tầm tay của họ, giờ xem ra chỉ còn là ký ức xa xôi.  Theo sau sự kiện trốn chạy của nhà vua và phong trào cộng hòa tiếp theo sau, Paris tràn ngập bầu không khí tình nghi và thù ghét. Nam nữ mọi người đã từng chia xẻ những mục tiêu chung, giờ tố cáo nhau đủ loại liên kết nguy hiểm với bọn phản Cách mạng hay thế lực ngoại quốc. Hội viên của 2 câu lạc bộ đối thủ rất lo sợ bị bắt gặp đi chung với người của phe đối lập tại nơi công cộng, ngay cả với những người  đã từng là bạn thân.  Rabaut Saint-Etienne, một mục sư Tin Lành thuộc miền Nam nước Pháp và là một thành viên then chốt của Ủy Ban Lập Hiến, vô cùng đắng cay khi bị tố cáo tội đồng lõa với nhà vua, hay với bọn Anh quốc hay bọn Áo. Giống như nhiều đồng viện, ông cảm thấy bị bao vây và tấn công bởi cả hai bên tả phái hữu phái: thành phần cấp tiến ở một phía và đám thân hữu  đạo đức giả của nhà vua và lòng nhiệt thành sai trái về tôn giáo lên phe đối thủ  như Gaultier gọi nó. Theodore Vernier thấy dường như một lưỡi gươm buộc tội treo lơ lửng trên đầu họ. Dưới những điều kiện như vậy, sự kiệt sức và chán ngán của các đại biểu ngày càng tệ hại hơn bao giờ hết. “Không ai có thể diễn tả hết sự lo lắng bồn chồn của chúng tôi bao giờ mới chấm dứt. Bouchette than vãn với một người bạn tại Flanders: “Đại đa số các đại biểu chỉ nghĩ đến giây phút họ có thể rời bỏ. Cuộc sống chúng tôi ở đây đã bị hủy hoại. Nếu điều đó không nhanh chóng kết thúc, chúng tôi sẽ không thể chống đỡ.

Tiếp tục làm vua

Cảm nhận được sự mất kiên nhẫn của công chúng với quá nhiều thời gian họ dùng để soạn thảo một bản Hiến Pháp, lúc này đã qua trên 2 năm, các đại biểu đẩy mạnh công tác cho sự hoàn thành công việc của họ càng sớm càng tốt. Ủy ban Lập Hiến đầy quyền lực và một ban liên hiệp tu chính đã làm việc trong nhiều tháng, lọc lựa  trong hàng đống các nghị quyết đã được ngẫu nhiên thông qua kể từ khởi đầu cuộc Cách Mạng, cố gắng  quyết định  xem những cái nào thuộc về Hiến Pháp, cái nào đơn giản chỉ là luật lệ. Tuy vậy, toàn thể diễn tiến vẫn kéo dài trong nhiều tuần lễ vì những hận thù phe phái trong nội bộ HĐCMQG. Phe Feuillant thống trị hai ủy ban đã đi đến kết luận rằng sự nguy hiểm của một thể chế cộng hòa thì quá lớn so với bất cứ tiềm năng đe dọa nào đến từ thể chế quân chủ. Kể từ cuối tháng Sáu, Barnave, Duport và anh  em Lameth đã tái khởi sự  việc bí mật thương lượng với nhà vua.  Trong một thời gian riêng tư với hoàng hậu khi đi hộ tống hoàng gia trở về Paris từ Varennes, Barnave đã đề xuất một thoả thuận. Ông ta cùng những người bạn của ông hứa làm mọi thứ trong quyền hạn của họ để giữ lại thể chế quân chủ và củng cố uy quyền của nhà vua. Đối lại, họ chỉ yêu cầu nhà vua chấp nhận bản Hiến Pháp và đạt được sự công nhận tân chính quyền Pháp  từ đế quốc Áo.

Nhưng khi nhóm Feuillant cố thôi thúc qua những thay đổi trong bản Hiến Pháp, tái lập uy quyền của nhà vua và gìới hạn dân chủ, họ đã bị Pétion, Robespierre và nhóm Jacobin mạnh mẽ chống đối ở tất cả mọi bước. Lúc này, tự nhiên nhóm Jacobin tìm được những đồng minh bất ngờ. Toàn thể các bộ phận của Hội Đồng Trung Ương không theo phe nhóm bắt đầu nghi ngờ các động cơ của Barnave và nhóm bạn của ông. Thibaudeau, một thẩm phán trung hòa tại Poitou được thuyết phục rằng đám lãnh đạo Feuillant chỉ muốn trở thành các vị bộ trưởng trong chính phủ mới: “Chúng tôi ngày càng nghi ngờ những người này, họ đã từng được coi là những nhà ái quốc kiên quyết, nhưng cũng lúc này chúng tôi biết ra rằng chính họ có những âm mưu đầy tham vọng.” Những người khác quá kinh ngạc về những người trước đây tưởng là rất dân chủ lại đã nhanh chónng đảo ngược vị thế của họ. Cuối cùng, hai phe cánh cùng các đồng minh của họ đã đấu tranh với kết quả  hòa nhau  và chỉ có một số thay đổi nhỏ nhặt từ trong văn bản gốc của Hiến Pháp được thông qua.

Cuối cùng vào ngày 3 tháng Chín, hoàn toàn kiệt sức vì những cuộc đấu tranh, các đại biểu tiến tới một sự đồng ý cuối cùng và Hiến Pháp được tuyên bố hoàn tất. Vào 9 giờ tối hôm đó, một phái đoàn trên 200 đại biểu đã đi bộ dưới ánh đuốc có vệ binh, hoặc đi bộ hoặc trên lưng ngựa, đi hộ tống để trình văn bản lên nhà vua tại hoàng cung Tuileries. Vua Louis gặp gỡ họ tại đại sảnh đường cùng với các vị bộ trưởng bên cạnh và tuyên bố rằng ông sẵn sàng để xem xét Hiến Pháp. Mọi người bỗng nhận ra rằng nếu nhà vua phủ nhận văn bản, HĐCMQG có lẽ phải  truất phế ông khỏi ngai vua và thương lượng lại với tất cả các vấn đề với một chấp chính nhân danh người kế vị ngai còn quá trẻ. Bronchette viết: “Đây là lúc chúng ta biết nhà vua là bạn hay thù của đất nước. Mọi việc tuỳ thuộc vào quyết định của ông.”

Trong khi các đại biểu chờ đợi và căng thẳng tiếp tục gia tang, Louis cẩn thận đọc văn bản và cân nhắc sự lựa chọn.  Nhà vua nhận thức rằng hơn 200 đại biểu quý tộc và giáo sĩ, những người đã tẩy chay tất cả các nghị quyết  của Hội Đồng kể từ cuối tháng Sáu cũng đã phủ nhận văn kiện. Nhưng cuối cùng, vào 13 tháng Chín, nhà vua loan báo là ông chấp nhận bản Hiến Pháp. Ngày hôm sau, nhà vua đã xuất hiện trước mặt HĐCMQG để ký tên đóng dấu và tuyên bố lời thề tuân thủ. Nhà vua cũng ban hành một văn bản giải thích vị trícủa ông, một văn bản thực sự được một trong những bộ trưởng của vua viết nhưng do nhà vua ký tên như chính lời lẽ của chính ông. Trong đó một lần nữa, ông cố giải thích sự kiện chạy tới Varennes. Hoàn toàn phớt lờ những tuyên bố  ngày 21 tháng Sáu do chính tay ông viết, nhà vua tuyên bố rằng ông chỉ muốn trốn tránh những phe phái và bạo lực tại Paris. Ông nói: “Ta mong ước tự cô lập mình xa khỏi những xung đột phe phái và để xác định cái vị thế nào thực sự đại diện cho ý nguyện của quốc gia.” Ông thú nhận rằng, mình vẫn chưa tin tưởng rằng chính quyền mới có đủ năng lực cần thiết để kiểm soát và liên kết các phần khác nhau của một quốc gia quá to lớn như nước Pháp. Tuy nhiên nhà vua tuyên bố rằng ông sẵn sàng thử xem sao: “Ta sẽ thử xem xét cái kinh nghiệm đó một mình rồi sẽ phán đoán xem có thể xử dụng hay không.” Rồi nhà vua tuyên thệ sẽ làm mọi thứ trong quyền hạn của mình để thực thi Hiến Pháp. Ông hứa hẹn: “Ta sẽ chấp nhận nó và ta bảo đảm rằng nó sẽ được thi hành.”
Cùng một lúc, hoặc do chính sáng kiến của riêng ông hoặc do sự thúc đẩy của các bộ trưởng, nhà vua đề xuất một cuộc đại ân xá cho tất cả những ai bị tố cáo hay kết tội có những hành động liên quan tới Cách Mạng: Để dập tắt những hận thù, để làm nguôi ngoai những rắc rối tạo nên bởi loại cách mạng như thế này, chúng ta hãy cùng đồng tâm quên đi quá khứ.” Để hoan nghênh chào mừng, HĐCMQG đã tức khắc chấp thuận đề xuất của vua. Trong khắp cả nước, cánh cửa nhà tù mở rộng cho tất cả tù chính trị ở mọi phía, cho dù đã bị kết tội hay đang chờ xét xử. Cộng Hòa cấp tiến, qúy tộc phản cách mạng, giáo sĩ ngoan cố cũng như tất cả những người dính líu tới cuộc chạy trốn của vua, tất cả đều được trả tự do. Lần đầu tiên trong gần ba tháng trời, công tước De Choiseul, Goguelat và Damas, những tay chủ chốt trong cái âm mưu chạy trốn thần sầu để giải cứu nhà vua mới được phép ra khỏi buồng giam. Không lâu sau đó, cả ba đã vượt biên qua sông Rhine để  tham gia vào lực lượng đám quân lưu vong.

Vua Louis cũng được miễn xá cho hành động của ông để tiếp tục giữ trách nhiệm như người đứng đầu cơ quan hành pháp của chế độ quân chủ lập hiến. Đã nhiều tuần lễ, hoàng gia bị giam lỏng trong hoàng cung, bị canh giữ cả ngày lẫn đêm, bị giới hạn nghiêm ngặt số lượng người được phép gặp gỡ và ngay cả bị ngăn cấm tới gần các cửa  phòng ngoại trừ khi thay quần áo. Các đại sứ nước ngoài không được phép tiếp xúc với nhà vua mà chỉ qua vị bộ trưởng ngoại giao. Tuy nhiên, lúc này nhà vua được ra ngoài trở lại cuộc sống bình thường và đi đứng tự do trong phạm vi thủ đô Paris. Nhà vua đã có mặt tại nhiều lễ hội trong các buổi lễ ăn mừng Hiến Pháp hoàn tất có hòa nhạc, nhảy múa, pháo bông và lễ hội ánh sáng  vào ban đêm. Khi vua di hành quanh thành phố, theo như một số báo cáo, ông đã được chào đón với những lời tung hô mà nhà vua yêu thích: “vạn tuế đức vua.” Cùng thời điểm, HĐCMQG đã bỏ phiếu để viết lại từ ngữ “vua” vào trong lời tuyên thệ trung thành mà tất cả các viên chức hành chánh và sĩ quan quân đội được yêu cầu tuyên thệ. Vào cuối tháng Chín, với ngành “hành pháp”  trở lại hoạt động bình thường. HĐCMQG Lập Hiến chính thức  giã biệt sau 2 năm và  3 tháng hiện hữu. Hội Đồng trao quyền lại cho một nhóm đại biểu hoàn toàn mới, những thành viên Hội Đồng Lập Pháp được chọn trước đây. Ít nhất trên lý thuyết, Cách Mạng đã kết thúc. Ít nhất trên lý thuyết, cuộc chạy trốn của nhà vua đã được tha thứ và quên đi.

Nhưng thực sự điều đó có thể được quên lãng không? Giờ đây, vua Louis đã trang trọng tuyên thệ bảo vệ Hiến Pháp, nhưng chỉ mới mấy tuần lễ trước đó, ông đã đơn phương phủ nhận lời thề trước đây với chính  Hiến Pháp này. Có lý do gì để nghĩ rằng ông sẽ không lập lại hành vi đó nữa? Giống như mọi nam nữ công dân Pháp khắp nơi, các vị đại biểu thật khổ tâm với nghi vấn này. Giờ đây nhiều người tin tưởng, hay đúng hơn là hy vọng tin rằng, cuối cùng nhà vua đã thay đổi đường lối của ông và thành thực chấp nhận tuân thủ đúng luật chơi. Theo như đại biểu Legendre của Breton, Hội Đồng bây giờ tin tưởng rằng nhà vua đã được khai thông bởi bài học trải nghiệm khó khăn, chắc sẽ tự nguyện chấp nhận và yêu qúy Hiến Pháp. Người bạn đồng viện Vernier cũng đồng ý: “Qua nhiều phản ánh, chúng tôi tiếp tục nghĩ rằng nhà vua khá trung thực.” Nhưng không phải tất cả các đại biểu cùng chia xẻ quan điểm tích cực này. Thibaudeau bị ám ảnh với những ảnh hưởng xấu xa của giới quý tộc giờ này lại bu quanh nhà vua. Họ nói với nhà vua: “Hãy bước tới và chấp nhận Hiến Pháp. Và rồi khi thời cơ thay đổi, ngài lại nói là ngài bị ép buộc và không có sự chọn lựa nào khác.” Faulcon cũng lo nghĩ rằng nhà vua có thể lại đang đưa ra một lời thề thốt sai lầm khi tuyên thệ một cam kết mà ông không có ý định tuân thủ.” Tu viện trưởng Lindet còn đi đến một kết luận đầy mỉa mai: “Nhà vua đã thề duy trì Hiến Pháp. Ông ta sẽ giữ lời ở một mức độ khi nó còn thích hợp với ông.” Các đại biểu có thể dễ dàng đánh giá một bức tranh biếm họa đang lan truyền rộng rãi trong nhiều tuần lễ sau đó: Vua Louis được biểu tượng giống như Janus, một vị vua có 2 khuôn mặt. Một cái trìu mến nhìn về phía một đại biểu tuyên bố: “Ta sẽ duy trì Hiến Pháp.” Mặt kia hướng về phía một giáo sĩ lưu vong loan báo: “Ta thề sẽ huỷ diệt Hiến Pháp.”

Những nghi ngờ như vậy thật dễ dàng tìm thấy. Mặc dù có những bảo đảm ngược lại, cả nhà vua và hoàng hậu là những kẻ hai mặt sau cuộc trốn chạy bất thành của họ giống như trước đó. Họ nhanh chóng nối lại sự liên lạc bí mật với các vương quốc nước ngoài của Âu Châu, trong chốn riêng tư  lại phủ nhận tất cả những lời tuyên bố công khai về việc ủng hộ Hiến Pháp. Trong mối liên hệ này, các hành động của Marie-Antoinette đặc biệt đáng lưu ý.  Chuyện bà hoàng hậu có khi nào quan tâm sâu xa đến những bàn luận với Barnace trong hành trình trở về Paris từ Varennes hay không, thật khó khăn để biết. Trong những tuần lễ tiếp theo, bà liên tục bí mật gặp gỡ viên đại biểu trẻ của vùng Frenoble. Xử dụng mọi mưu kế của triều thần có kinh nghiệm, bà dẫn dắt anh ta tới một sự xác nhận tốt đẹp về sự thành thật cuả bà và sự đánh giá cao của bà đối với việc anh ta thông cảm cho trường hợp của bà.  Nhưng rồi bà cứ tiếp tục bí mật gửi các mật thư đã mã hoá ra ngoài cho Fersen hay cho viên đại sứ nước Áo hoặc cho vị hoàng đế Áo, người anh lớn của bà. Những lá thư trong đó bà chối bỏ tất cả những gì bà nói với Barnave.  Bà nổi giận vì những lời sỉ nhục hoàng gia sau cuộc chạy trốn thất bại, tố cáo các đại biểu là  bọn vô lại, côn đồ và điên khùng. Bà lên án toàn thể Hiến Pháp là hoàn toàn vô lý và không thể thực hiện.

Không kém hoàng hậu, nhà vua cũng tiếp tục theo đuổi trò chơi hai mặt. Chỉ vài tuần lễ sau chuyến chạy trốn thất bại, Louis đã tìm cách chuyển ra ngoài một mảnh giấy do chính tay ông viết cho hoàng đế nước Áo. Ông nói rằng ông rất tiếc đã không thể lấy lại tự do cho chính mình trong ngày 21 tháng Sáu và để tham gia cùng những người Pháp đang thực sự mong ước những lợi ích tốt đẹp nhất cho đất nước. Ông cảm thấy mình là một tù nhân không thể kiểm soát số phận của chính mình, và ông muốn ông anh vợ của ông biết điều đó. Và lần đầu tiên trên đời, ông hối thúc vị hoàng đế đến cứu giúp ông và cả vương quốc Pháp, một sự hàm ý mạnh mẽ là ông hy vọng có một cuộc can thiệp quân sự. Qua tháng Chín, có lẽ phiền muộn với tình trạng lưỡng lự cố hữu không thể quyết định,  bằng cách nào đó, Louis có lẽ đã thay đổi vị thế của ông. Trong một bức thư gửi cho 2 người em trai đang lưu vong, nhà vua  bàn bạc rằng chính sách tốt nhất lúc này là chờ đợi và để cho chính quyền Cách mạng tự sụp đổ từ những điều bất hợp lý của chính nó. Ông khuyên 2 người em đừng cố xúi giục gây chiến tranh, e rằng có những hậu quả không hay cho đất nước mà hành động đó  có thể mang đến. Nhưng ông cũng loan báo sự tố cáo của ông rằng cái tư tưởng về “quyền con người” thật vô cùng điên rồ. Ngay cả cho dù một số thường dân lúc này hy vọng nâng cấp địa vị của họ lên khỏi  vị trí tự nhiên của họ, ông vẫn tin rằng sự liên hệ giữa ông và giới quý tộc là chuỗi ngọc cổ xưa và quý giá nhất trên vương miện của ông.

Dù sao đi nữa, vào tháng Mười Hai 1791, nhà vua dường như đã đảo ngược vấn đề. Trong một lá thư gửi cho  nam tước de Breteuil, viên bộ trưởng ngoại giao đang lưu vong, ông bình luận về sự tạo nên một Quốc Hội nắm các quyền lực chính của châu Âu được các lực lượng vũ trang hỗ trợ. Ông tin rằng đây có lẽ là cách tốt nhất để tái thiết lập “một vị thế đáng mơ ước và bảo đảm rằng bọn tội phạm đang bao vây chúng ta sẽ không lan toả sang các quốc gia Âu Châu khác.” Giờ đây rõ ràng ông đã bỏ qua một bên sự do dự của ông chống lại chiến tranh. Nhà vua dường như thúc đẩy một sự can thiệp trực tiếp bởi các siêu cường để thay đổi Hiến Pháp mà ông đã thề bảo vệ nó.

Đó là tình thế nước Pháp vào đầu năm 1792. Ở một nơi khác thời điểm khác, Louis XVI có thể đã kết thúc ngôi vị của ông trong hoà bình. Ông cũng có thể được hậu thế phán xét như một vị vua không tệ lắm.  Không nghi ngờ gì là ông muốn điều tốt đẹp nhất cho thần dân của ông. Kích động bởi cuộc khủng hoảng tài chánh với những yếu tố khó khăn chưa hề xẩy ra, cùng với các hành vi không chắc chắn và thiếu bền chí của chính ông, nhà vua đã cố gắng làm cuộc cải tổ chính quyền. Nhà vua đã tuyên bố một cách trung thực  trước mặt Hội ĐồngCách Mạng Quốc Gia trong ngày 23 tháng Sáu 1789 rằng chưa bao giờ có một vị vua làm được nhiều việc như vậy cho một quốc gia. Nhưng vào thời điểm ông đọc bài diễn văn này, quan điểm về cải tổ của ông và của các nhà ái quốc đang lắng nghe ông đã khác hẳn nhau. Quả thực, chẳng qua chỉ là sự suy nghĩ mơ ước ở về phía các nhà ái quốc và sự lừa gạt bên phía nhà vua mà cái huyền thoại về một “ công dân vua” tồn tại được lâu đến thế. Giờ đây, dưới áp lực của các biến cố và dưới ảnh hưởng của hoàng hậu, Louis lại quay trở về với những giá trị mà nhà vua đã được giáo dục khi còn thơ ấu, các giá trị bao gồm quyền cai trị đất nước của nhà vua do Thượng Đế ban cho và cái trật tự xã hội và cái tính chất tự nhiên về nền tảng bất bình đẳng của xã hội. Đó là cái quan điểm đưa  ông đi đến một đường hướng xung đột với người dân trong cuộc Cách Mạng.

Thời Khủng bố và sau đó


Những năm tháng sau cuộc Cách Mạng Pháp có lẽ không được tốt đẹp cho nước Pháp hay cho nhiều cá nhân được
nói đến trong câu chuyện này. Hiến Pháp mà những người trong năm 1789 đã phải vật lộn trong hơn 2 năm để hoàn thành  và mọi người hy vọng nó sẽ phục vụ như một khuôn mẫu cho mọi quốc gia trên thế giới chỉ tồn tại vỏn vẹn 11 tháng. Tân Hội Đồng Lập Pháp (THĐLP) do chính Hiến Pháp tạo nên đã vô cùng bị sâu xé ngay từ buổi đầu với những cuộc đấu tranh giữa hai phe Jacobins và Feuillants. Hơn cả nhóm các đại biểu tiền nhiệm, các nhà Lập Pháp bị ám ảnh vì những nghi ngờ bị phản bội từ phía nhà vua, nhất là sau khi vua Louis xử dụng quyền phủ quyết để ngăn chặn những nghị quyết chống lại các nhà quý tộc nhập cư và các giáo sĩ ngoan cố. Tin đồn cứ tiếp tục lan truyền rằng một ủy ban “người Áo” được bí mật tổ chức chung quanh hoàng hậu đang phá hoại ngay trong nội bộ chế độ mới, một loại tin đồn thực ra cũng không sai lắm. Những lo sợ như vậy càng được củng cố bởi một thoả thuận chung được ký vào tháng Tám 1791 trong một lâu đài của người Đức ở tại Pillnitz.  Tại đây, ông anh ruột Leopold của hoàng hậu, có lẽ phản ứng theo cái yêu cầu khẩn cấp của Louis đã hối thúc tất cả cáctriều đại vương quốc Âu Châu xử dụng lực lượng vũ trang để đoạt lại vương triều Pháp. Lo lắng vì những âm mưu hoạch định bởi các lực lượng ngoại quốc bí mật đồng minh với triều đình nước Pháp, và bị thúc đẩy qua tài hùng biện của Jacques Brissot và những người khác muốn đẩy mạnh một cuộc thập tự chinh vĩ đại để truyển bá các tư tưởng Cách Mạng trong suốt Âu Châu, các vị đại biểu tuyên bố chiến tranh với Áo vào tháng Tư 1792. Không lâu sau đó họ thấy mình dính líu luôn vào sự xung đột với nước Phổ.  Như vậy THĐLP đã đẩy đất nước vào cuộc chiến mà những người tiền nhiệm của họ đã hy vọng tránh né được.

Cuộc chiến khởi đầu bất lợi cho Pháp. Vào mùa hè 1792, cuộc xâm lăng mà mọi người đã lo sợ ở thời điểm biến cố Varennes đã trở thành thực tại. Quân của Áo và Phổ đã chọc thủng hàng rào và đồn luỹ phòng thủ của Pháp, chiếm giữ Verdun và Varennes, rồi bắt đầu một cuộc hành quân  tuy chậm chạp nhưng  có quy củ  để tiến tới Paris. Đối diện với sự tiến quân của quân Đức và càng tin chắc hơn bao giờ hết về sự phản bội của nhà vua, người dân Paris đã vùng dậy vào tháng Tám năm đó trong một cuộc Cách Mạng thứ hai vô cùng xác thực. Họ đi theo những tư tưởng lúc đầu được những người cộng hòa khởi xướng vào tháng Bẩy 1791 và được thúc đẩy bởi những người đã tham gia vào phong trào đó, người dân Paris và các đơn vị vệ binh từ các tỉnh lỵ đã dẫn đầu một cuộc nổi loạn chống lại nhà vua.  Vào ngày 10 tháng Tám, Louis và hoàng gia bị buộc phải tản cư khỏi hoàng cung Tuileries, nơi đã bị quân nổi dậy đột kích trong một cuộc đối đầu đẫm máu, bỏ lại gần 1000 người chết ngay tại trung tâm thành phố. Cuộc Cách Mạng thứ hai này đã mang đến một đợt sóng lớn dân chủ, với hầu như mọi người dân Pháp, bất kể giàu nghèo, giờ đây đều được ban cấp quyền đi đầu phiếu và  quyền nắm giữ  chức vụ hành chánh. Sáu tuần lễ sau đó, một Hội Nghi Quốc Gia cấp tốc hội họp chính thức truất phế nhà vua và thành lập nền Cộng Hòa Pháp đầu tiên vào ngày 21 tháng Chín 1792.

May mắn cho nền tân Cộng Hòa, quân lực Pháp đã kịp chỉnh đốn để quần tụ lại với nhau. Xây dựng trên lòng nhiệt tình với chủ nghĩa quốc gia và niềm tự tin phát huy vào thời điểm nhà vua chạy trốn, họ đã ngăn chận được quân Phổ tại mặt trận Valmy, nơi chỉ cách Sainte-Menehould có vài dặm đường và là chỗ Drouet đã nhận diện được nhà vua đầu tiên. Cuối cùng, cũng chính đoàn quân này đã đưa quân vượt biên giới Pháp để xâm lăng và “giải phóng toàn khu vực Tây Âu.” Nhưng trong những năm tiếp theo, quốc gia lại rơi vào những giai đoạn nghi ngờ đầy ám ảnh, đấu tranh huynh đệ tương tàn và tình trạng gần như vô chính phủ. Với cuộc nội chiến và sự nổi dậy của nông dân nổ ra trên những khu vực rộng lớn của đất nước, với hầu hết Âu Châu bày binh bố trận chống lại nước Pháp, với nhóm cấp tiến “sans-culottes” thúc đẩy đòi hỏi những điều kiện kinh tế tốt hơn và trả thù chống lại đối thủ của họ, chính quyền cộng hòa đã thiết lập một cuộc trấn áp còn rộng lớn hơn cả cuộc trấn áp năm 1791. Trước khi cơn bão khủng bố này kết thúc, có lẽ khoảng chừng 18 ngàn người cả nam lẫn nữ thuộc đủ mọi phe nhóm xã hội đã bị toà án hành quyết, và còn nhiều chục ngàn người khác bị sát hại trong cuộc nội chiến tương tàn và trong các màn trả thù bí mật.

Trong tất cả các vụ hành hình, không có vụ nào bi thảm và để lại hậu quả hơn vụ xử tử chính vua Louis. Vào những tuần lễ cuối cùng năm 1792, sau nhiều tháng bị giam cầm, nhà vua bị đưa ra toà án trước mặt Hội Nghị Quốc Gia. Trong suốt quá trình xét xử, nhà vua và các luật sư của ông kiên quyết cãi rằng Hiến Pháp năm 1791 bảo đảm cho ông quyền xá miễn khỏi bị xử tội và rằng trước khi  Hiến Pháp được ký, đã không có luật lệ nào quy định về việc kết tội các hành động của ông. Nhà vua tiếp tục phủ nhận chuyện chạy trốn tới Varennes của ông, cho đó chỉ là một  cuộc du hành đơn gỉản. Và ông mạnh miệng bác bỏ bất cứ đề nghị nào rằng ông phải chịu trách nhiệm cho việc đổ máu của người dân Pháp. “Có hàng trăm ngàn chứng cớ biện minh cho tình yêu thương của trẫm đối với thần dân, và điều này thật rõ ràng. Lương tâm trẫm không hề khiển trách trẫm điều gì.”  Nhưng trước khi phiên toà bắt đầu, các nhà Cách Mạng đã khám phá ra một cái rương (hòm) bí mật giấu kín đằng sau khu trại mộc trong hoàng cung Tuileries chứa đựng những đồ cất giấu gồm các giấy tờ tài liệu của vua. Nhiều tài liệu trong đó do chính tay nhà vua viết và chúng cung cấp bằng chứng rõ rệt về những gian dối lừa gạt của vua, những nỗ lực của ông để chống đối hay cản trở Cách Mạng, và sự thông đồng của ông với những tay phản Cách Mạng. Hầu hết những tố cáo chính thức chống lại nhà vua đặt căn bản trực tiếp trên những tài liệu này. Điều khoản dài nhất của việc truy tố liên quan tới cuộc chạy trốn thất bại của vua, về các khoản chi tiêu công quỹ của ông để  thực thi kế hoạch này và sự chối bỏ Hiến Pháp trong các văn kiện mà ông bỏ lại trong văn phòng. Sau cuộc tranh luận kéo dài, Hội Nghị đã bỏ phiếu hầu như  hoàn toàn đồng ý rằng nhà vua phạm tội âm mưu chống lại tự do và an ninh của đất nước. Không lâu sau đó ông bị kết án tử hình. Ngày 21 tháng Giêng 1793, trước hàng chục ngàn người dân Paris trang trọng tham dự tại Công Trường Cách Mạng, sau này đổi tên là công trường Concorde, nhà vua Louis XVI bị đưa lên đoạn đầu đài. Cho tới phút chót, ông vẫn kêu mình vô tội.

Cho đến năm 1795, chỉ có 2 trong số 6 ngưởi ngồi trên chiếc xe ngựa định mệnh chạy trốn khỏi Paris vào giữa một đêm hè 1791 còn sống sót. Hoàng hậu Marie-Antoinette, người mà những hoạt động phản quốc có khi còn rõ rệt hơn cả nhà vua chồng bà (Bà từng bí mật gửi tiết lộ ra ngoài các kế hoạch tác chiến của quân Pháp cho người Áo) đã theo chân Louis bị bịt mắt lên máy chém vào tháng Mười cùng năm.  Em gái nhà vua, công chúa Elizabeth, phạm tội thuộc về dòng giõi Bourbon và đã đồng loã với anh mình bị chặt đầu tháng Năm 1794. Hơn một năm sau đó, vị thái tử trẻ mà nhóm ủng hộ hoàng gia nhất quyết gọi là Louis XVII ngã gục vì bệnh tật trong tù. Công chúa chị gái của thái tử cũng chịu số phận tương tự, nhưng như một trong những trớ trêu nhất của toàn  diễn tiến lịch sử, cô được phóng thích vào năm 1796 qua một cuộc trao đổi tù nhân cho Jean-Baptiste Drouet, người đã đóng vai trò then chốt trong việc ngăn chận được cuộc chạy trốn của vua và là một thành viên của Hội Nghị đã bỏ phiếu kết án tử hình Louis và đã bị quân đội nước Áo bắt làm tù binh 2 năm trước trong một nhiệm vụ trong quân đội Pháp. Sau khi trở về Paris và qua hàng loạt các cuộc phiên lưu cả trong lẫn ngoài nước Pháp, trong và ngoài nhà tù lẫn chính trị, Drouet lập gia đình và ẩn mình dưới một nhân thân mới tại một tỉnh lỵ. Ông đã qua đời tại đó năm 1824 một cách an bình.

Nhưng nói chung, hầu hết các khuôn mặt ái quốc chính thức trong câu chuyện này cũng không được may mắn lắm. Không ai trong số 2 đại biểu đến hộ tống hoàng gia trở lại Paris từ Varennes còn tồn tại sau cuộc Cách Mạng. Sau sự thất bại của phe cánh Feuillant và sau khi đã về hưu trí tại quê nhà, Barnave bị bắt giữ và bị xử tử vì tội hỗ trợ nhà vua  vào cuối năm 1793. Pétion, người từng phục vụ một thời gian là thị trưởng thành phố Paris, cuối cùng cũng rã đám với người bạn Robespierre, trốn thoát khỏi Hội Nghị và  tự tử khi đang trốn tránh ở miền Nam nước Pháp.  Nhà triết học và là thành viên hàn lâm viện Jean-Sylvian Bailly  đã từ bỏ hoạt động chính trị vào cuối năm 1791. Nhưng ông ta cũng bị bắt và kết án tử hình  vì có dính líu một phần đến cuộc tàn sát tại Champ de Mars vào ngày 17 tháng Bẩy, ông bị hành quyết tại ngay nơi vụ bắn giết đã xảy ra. Rabaut Saint-Etienne và Condorset, Brissot và Marie-Jeanne Roland, Danton và Robespierre cũng bị đưa lên máy chém cùng với nhiều nhà lãnh đạo của các phe phái lớn của Cách Mạng. Tướng Lafayette sống còn, nhưng chỉ sau khi đã trải qua 5 năm tàn tạ trong nhà tù nước Áo, nơi ông bị bắt cùng với người bạn Latour-Maubourg và một người từng là đối thủ chính trị Alexandre Lameth của ông.  Ông Sauce, người chủ tiệm  tạp hoá tại Varennes đã từng bắt giữ nhà vua và  đưa hoàng gia trú ngụ qua đêm trong nhà mình cũng sống sót qua cuộc Cách Mạng, nhưng cuộc sống của ông bị hủy hoại vì bất hạnh. Bị những người phò vua nguyền rủa như một kẻ đại nghịch, ông ta cũng bị những người làm Cách Mạng có khuynh hướng quân chủ lập hiến nghi ngờ. Sau khi chạy trốn để bảo toàn mạng sống và mất người vợ đầu trong cuộc chiến xâm lăng của quân Phổ, ông rời bỏ quê nhà và qua đời lặng lẽ vào năm 1825.

Đối với hầu hết sự kiện, những người âm mưu bảo hoàng vào năm 1791 lại may mắn hơn nhiều so với đối thủ ái quốc của họ. Sau khi ở trong tù được thả ra qua cuộc đại ân xá tháng Chín, Choiseul, Goguelat, Damas và ba tay vệ sĩ đã theo chân tuớng Bouillé và các con trai ông ta đi lưu vong. Ngoại trừ viên tướng Bouillé, tất cả đã sống sót qua cả hai thời kỳ Cách Mạng và Napoleon để quay về Pháp sau năm 1814, còn được chính phủ phục hồi bảo thủ tung hô như những anh hùng. Axel von Fersen cũng sống sót qua thời Cách Mạng. Với một sự táo bạo đơn độc, ông ta bí mật  từ nơi lưu vong tại Brussels quay về Paris tháng Hai 1792 thăm viếng bà hoàng hậu lần cuối cùng tại hoàng cung Tuileries. 18 tháng sau đó, đau lòng với tin Marie bị tử hình, ông quay trở về Thuỵ Điển. Ông viết cho cô em gái trong nỗi thất vọng: “Giá như anh có thể được chết bên cạnh hoàng hậu.” Ông không bao giờ lập gia đình và tiếp tục nhắc nhở đến hoàng hậu với một tình cảm sâu đậm ngay cả khi ông đã lên tới một vị thế cao trọng trong triều đình Thụy Điển. Ông bị sát hại trong cuộc dấy loạn tại Stockhom trong năm 1810. Đó chính là 19 năm kể từ ngày ông tạo ra cuộc trốn chạy vĩ đại mà nó suýt thay đổi số phận của nước Pháp.


Kết luận: Quyên lực của một biến cố.


Những người này, cả nam lẫn nữ, danh tiếng hay tầm thường, vua chúa hay thường dân, hầu như tất cả bọn họ đã khởi sự với những niềm hy vọng vững chắc là sẽ có một tương lai tốt đẹp hơn vào năm 1789, liệu họ có xứng đáng phải hứng chịu số phận của họ không? Qua hơn 200 năm, các sử gia đã vật lộn với những vấn đề bạo lực và khủng bố trong cuộc Cách Mạng Pháp. Có phải là có điều gì đó trong trạng thái tự nhiên của tình thế xã hội nước Pháp hay ngay trong tư tưởng và văn hoá chính trị của buổi đầu Cách Mạng đã làm cho bạo loạn xã hội không thể tránh khỏi?  Phải chăng có một sự nối kết cần thiết giữa khởi đầu Cách Mạng và sự thống trị khủng bố, giữa Hội Đồng Cách Mạng Quốc Gia và Ủy ban An Ninh Công cộng, giữa nhà tù Bastille và giàn máy chém?

Câu chuyện nhà vua chạy trốn cảnh giác chúng ta không nên nối kết các sự kiện một cách thẳng đứng đơn thuần. Điều đó giúp nhắc nhở chúng ta về cái tính chất bất ngờ, không tiên đoán được của cuộc Cách Mạng và có lẽ cả của toàn phong trào mang tính lịch sử. Điều gì có thể đã xảy ra trong lịch sử Pháp, lịch sử Âu Châu nếu các biến cố chỉ cần có một chút thay đổi khác đi, và Louis cùng hoàng gia tiến tới được đích đến Montmédy và cuối cùng băng qua biên giới tìm được chổ tỵ nạn với đoàn quân nước Áo?  Quả thật, trong 2 ngày tháng Sáu ấy, khi mọi người tin rằng nhà vua đã ra đi mãi mãi và rằng chiến tranh đã gần kề, đã có một đoàn kết đồng lòng lạ thường trong HĐCMQG tại Paris và trong cả nước. Liệu sự đồng thanh hòa nhịp đó có bền vững nếu như nhà vua không quay về và chiến tranh nổ ra không?  Có thể nào dân tộc Pháp chuyển đổi ngay qua thể chế cộng hòa như những người cánh trung hòa Lafayette và Dupont de Nemours đề nghị trong  ngày 21 tháng Sáu?  Liệu chuyện khủng bố có thể tránh khỏi hoặc ít ra chỉ thật nhỏ nhoi yếu ớt không? Và một điều tuy khó có thể xảy ra, nhưng liệu thế giới sẽ ra sao nếu như vua Louis  kháng cự lại ảnh hưởng của hoàng hậu và không chịu bỏ trốn, và ông sẵn sàng thích ứng với vai trò một vị công dân vua mà hầu hết người dân Pháp nhiệt tình mong đợi?  Liệu nước Pháp có tiến tới một nền dân chủ chân thật trong hoà bình giống như những bước đi của nền dân chủ Hoa Kỳ? Giải đáp cho một loạt những câu hỏi “nếu như” này dĩ nhiên không thể có cũng không lường trước được. Tuy vậy, những phản ánh như thế nhấn mạnh cái tác động đầy tiềm năng lên cuộc Cách Mạng và lên lịch sử về những biến cố tới hạn chắc chắn của thời đại.

Thể chế tự do đã được người dân Pháp khởi sự vào năm 1789, rất tương tự trong nhiều lãnh vực với hệ thống dân chủ Hoa Kỳ cũng đang trong giai đoạn xây dựng ở bên kia bờ Đại Tây Dương, không cần thiết phải chết yểu. Không có gì nghi ngờ rằng vào buổi tối hôm nhà vua chạy trốn, các nhà lãnh đạo của HĐCMQG đã đương đầu với một loạt các vấn đề khó khăn với những nguồn gốc của sự bất ổn. Một số trong những vấn đề này rõ ràng xuất phát từ vị vua của họ. Quyết định của các đại biểu  để cải tổ hệ thống giáo hội Công Giáo và ép buộc đa số các giáo sĩ tuyên thệ trung thành với Hiến Pháp đã mang đến nỗi bất hạnh sâu rộng tới toàn thể hàng giáo phẩm nước Pháp và cả người dân thế tục. Những khó khăn khác dường như phát xuất từ ngay bản chất của chính diễn tiến Cách Mạng. Không có sự phát triển nào tại Pháp  sau  biến cố 1789 điển hình hơn một nghi vấn đang diễn tiến về thẩm quyền, một  nghi vấn nhanh chóng thấm sâu vào nhiều tầng lớp xã hội. Trong quân đội, trong lực lượng vệ binh, trong các hội đoàn, trong sự hiện diện của người thu thuế, trong phạm vi nền văn hoá dân sự thành phố, hầu hết mọi người nam nữ đã bắt đầu từ chối đi theo những luật lệ được thiết lập bởi cả hai chế độ cũ mới thường có những kết quả phân chia quá cực đoan.  Cùng lúc đó, hành động biến đổi xã hội đã dấy lên sự phản kháng trong số những ngưởi được ban cấp các lợi ích và những vị trí xã hội ưu ái của họ bị tấn công. Vào mùa xuân 1791, những quý tộc ngoan cố và những vị giám mục tự  ý lưu vong bên kia bờ sông Rhine đã đe doạ  sẽ áp đặt lại chế độ cũ qua bạo lực và bằng lực lượng vũ trang.

Tuy vậy các lãnh đạo HĐCMQG cũng cảnh giác tối đa những vấn đề này. Mặc dù họ không bao giờ có ý định tái thiết lập các quyền của giới quý tộc hay hủy bỏ lệnh cải tổ giáo hội Công Giáo, họ cũng đã có nỗ lực để ủng hộ sự bao dung, thành lập những điều khoản dành riêng cho những giáo sĩ không chấp nhận cải tổ tôn giáo và cố gắng giải quyết các tranh chấp với giới quý tộc và các giáo sĩ bướng bỉnh qua một khuôn mẫu trật tự của hệ thống toà án thông thường. HĐCMQG cũng nhanh chóng thiết lập một loạt các cơ cấu hành pháp và tư pháp mới. Vào tháng Sáu 1791, hầu hết những cơ cấu này đã hoàn chỉnh và hoạt động bình thường, và có thể nói rằng, mặc dù không có nghĩa là loại trừ hết, nhưng chúng đã giảm bớt đáng kể sự bất ổn chính trị và xã hội tại các vùng miền và kiềm chế được  sự giảm sút trong việc tuân thủ dân sự. Hơn nữa, HĐCMQG có thể tiếp tục duy trì được những cảm tình sâu đậm về sự ủng hộ cho chế độ mới từ đám thường dân nam nữ, không chỉ tại thủ đô Paris, mà trong các cộng đồng to nhỏ trên cả nước.  Phản ứng của các công dân tại Varennes trong cuộc khủng hoảng tháng Sáu là  một trường hợp điển hình.

Vào mùa xuân 1791, các đại biểu đã hy vọng rằng với Hiến Pháp đã hoàn thành và một chế độ toàn thời mới được thiết lập, đã đến  lúc giai đoạn Cách Mạng cần kết thúc. Và không có lý nào mà chế độ quân chủ lập hiến không thể hoạt động tốt và chắc chắn cuối cùng nó sẽ mang lại sự ổn định cho đất nước. Không có lý nào mà cái thời kỳ bạo lực và khủng bố do nhà nước hỗ trợ không thể tránh khỏi nếu như chính nhà vua, nhân vật then chốt của hệ thống mới chịu ủng hộ hoàn toàn với cả tấm lòng.  Vào cái đầu tháng Sáu đó, đa số người dân Pháp đã nghĩ rằng điều đó có thể thành tựu. Đa số người dân Pháp, đặc biệt bên ngoài Paris, tiếp tục tin tưởng rằng vị “công dân vua” của họ đã công nhận Cách Mạng. Họ tiếp tục mường tượng vua Louis như khuôn mặt của người cha chung mà từ đó chủ quyền quốc gia tụ họp lại.

Nhưng với sự lựa chọn trốn khỏi Paris trong lúc dầu sôi lửa bỏng ấy, khi Hiến Pháp ở giai đoạn sắp sửa hoàn tất, và qua sự phủ nhận lời thề trang trọng duy trì Cách Mạng của ông, nhà vua đã cộng tác vào sự bất ổn của quốc gia và của xã hội. Trong ngắn hạn, hành động của vua gây nên một hậu quả chấn thương sâu đậm đến toàn thể dân chúng. Một làn sóng vĩ đại của cảm xúc quét qua khắp đất nước, những cảm xúc đủ loại từ nỗi lo lắng vô cớ tới sự bùng nổ bạo lực qua tới phản ứng hoảng loạn có tính dây chuyền về các cuộc xâm lăng lấn chiếm. Sau đó các nhà ái quốc tự kiềm chế và cố hết sức mình để chuẩn bị cho chiến tranh mà họ dự đoán không  thể tránh được.  Nhưng cuộc trốn chạy của nhà vua cũng khởi đầu cho một sự đánh giá lại toàn bộ nền chính trị quốc gia. Trong vòng vài ngày sau khi nhận được tin tức, mọi người nhận ra rằng nhà vua không bị bắt cóc mà do chính ông tự ý trốn đi. Đối với rất nhiều người, cú sốc này quá tàn nhẫn. Họ vẫn luôn mường tượng nhà vua là một người cha tốt lành, và bây giờ họ phải trải nghiệm một cảm giác bị bỏ rơi và bị phản bội nặng nề.  Trong ngôn ngữ được thốt ra trong sự giận dữ và cay nghiệt, Louis bị coi là lẻ lừa dối, hèn nhát, phản bội và độc tài.  Phản ứng của họ đặc biệt dữ dội tại Paris nơi câu lạc bộ Cordeliers và mạng lưới các hội thân hữu anh em nhanh chóng phát động một phong trào quần chúng đòi truất phế nhà vua và tẩy chay chế độ quân chủ. Những thỉnh nguyện thư cứ tiếp nối, các cuộc diễu hành, xuống đường biểu tình cấu tạo thành một thời khắc lịch sử của chủ nghĩa cấp tiến của quần chúng Paris và sự xuất hiện của nhóm “Sans-Culottes” như một lực lượng chính trị.  Nhưng trong nhiều khu vực khác trên đất nước, trong suốt giai đoạn ba tuần lễ bất định  và bất an khi HĐCMQG chọn  vị thế đứng ngoài việc phán xét công cộng, đi xa hơn những gì các đại biểu có thể tưởng tượng là một nhóm thiểu số dân chúng  đã phản ánh nghiêm trọng về khả năng truất phế nhà vua hiện thời và ngay cả khả năng xây dựng một nền cộng hòa.

Cuộc chạy trốn của vua cũng làm vững mạnh thêm những tranh luận của những người bám lấy một quan điểm về thuyết âm mưu của thế giới. Khi HĐCMQG đào sâu vào câu chuyện,  nó càng trở nên rõ rệt rằng một kế hoạch toàn diện đã được tiến hành trong nhiều tháng, có liên quan đến rất nhiều người tại Paris, ở trong quân đội, trong số đã di cư qua Đức và cũng kéo theo một khuôn mẫu lừa gạt đậm nét của chính Louis. Kể từ lúc Cách Mạng bắt đầu, chưa hề có một chứng cớ nào sâu xa hơn là cái thực tế của một âm mưu lớn lao ở trong các  tầng lớp cao cấp nhất. Hầu như khắp mọi nơi trên đất nước, các quý tộc và giáo sĩ ngoan cố đã bị tình nghi trước cơn khủng hoảng, lúc này họ trở thành đối tượng  bị bất tín nhiệm cực độ. Những mối nghi ngờ phổ biến càng tăng cường độ bởi những làn sóng di dân mới của giới quý tộc với số lượng đông đảo gây ra bởi cuộc chạy trốn của nhà vua khi họ vượt biên giới và tham gia vào đoàn quân phản Cách Mạng.

Hơn bao giờ hết, các nhà lãnh đạo Cách Mạng đã quốc tế hoá cái nhận thức hoang tưởng này.  Tại Paris, các thành viên của phe cánh Feuillant đã không chỉ  tình nghi các giáo sĩ ngoan cố và các nhà quý tộc đã di tản, mà còn cả những nhà trí thức và các nhóm quần chúng muốn đẩy mạnh  cho một nền dân chủ tốt hơn. Nắm giữ cái lý luận về tính thiết thực, cái nhu cầu cứu lấy Cách Mạng bằng mọi giá từ tay kẻ thù, cho dù có thực hay chỉ là kẻ thù tưởng tượng, mà theo họ lúc này dường như đang đe doạ họ, các nhà lãnh đạo ái quốc sẵn sàng vi phạm các luật lệ và “quyền con người” mà họ chỉ vừa mới tuyên bố.  Lần đầu tiên trong đời, họ vượt qua mức độ bạo động được nhà nước cho phép để cổ võ mạnh mẽ cho sự đàn áp vũ trang cuộc xuống đường tại Champ de Mars. Sau đó, cả hai nơi Paris và các vùng tỉnh lỵ, toàn thể công dân đủ loại bị bao vây mà không hề có bất cứ cố gắng nào để xác định về tội phạm hay trách nhiệm cá nhân. Tự do báo chí, tự do hội họp, quyền phải cho người bị bắt ra toà  xem xét có bị giam giữ hay không (habeas corpus), diễn tiến hạn định toà án, các quyền đã được bảo đảm trong Hiến Pháp, tất cả đều bị gạt qua một bên nhân danh lợi ích lớn lao nhất là bảo tồn nhà nước Cách Mạng. Trong cái suy nghĩ này, những tuần lễ theo sau cuộc chạy trốn của vua tới Varennes đánh dấu một dự đoán, một biểu hiện trước về cả hai mặt tâm lý và phương thức khủng bố.

Biến cố tìm cách chạy trốn Cách Mạng của vua Louis, tự nó không gây ra sự lan rộng lớn lao về việc bạo hành được nhà nước bảo trợ trong thời điểm 1793-1794. Vào thời điểm mùa hè 1791 vẫn chưa có Ủy Ban An Ninh Công Cộng. chưa có toà án Cách Mạng hay máy chém. Chỉ có một số nhỏ người mất mạng trong suốt cuộc khủng hoảng này. Và chiến tranh mà mọi người từng lo sợ đã không sớm xảy ra như họ nghĩ. Vào cuối tháng Tám, HĐCMQG đã cố tự giác chấm dứt tình trạng khẩn cấp để trở lại trạng thái pháp luật bình thường. Tuy vậy  chỉ với biến cố đơn lẻ trốn chạy của vua tới Varennes này, và bằng những phân chia và âm vang của nó đã ảnh hưởng sâu đậm đến tình trạng chính trị và xã hội nước Pháp. Cho dù tốt hơn hay xấu đi, điều đó cũng giúp đặt đất nước vào một quỹ đạo mới đầy nguy hiểm tiến tới tương lai.

Hết


                                                                                   Hoàn tất dịch thuật ngày 25 tháng Bẩy năm 2017

No comments: